Thức tỉnh dư luận về bảo vệ an toàn cho báo giới

Thứ Năm, 23/04/2015, 19:20
Chưa bao giờ tình trạng mất an toàn, an ninh cho các nhà báo lại gia tăng như hiện nay, đặc biệt là sau loạt vụ hành hình cánh phóng viên nước ngoài của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và vụ thảm sát tại tạp chí Charlie Hebdo ở Pháp. Nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm, nhất là đối với các phóng viên chiến trường và các phóng viên điều tra. Đã đến lúc phải xây dựng các nguyên tắc và quy định an toàn cho báo giới trên toàn cầu.

An toàn khi tác nghiệp

Nghĩ đến những rủi ro liên quan đến nghề báo, gần như tất cả mọi người đều liên tưởng đến hình ảnh các phóng viên tác nghiệp ở nước ngoài, đặc biệt là tại các nơi đang xảy ra xung đột, chiến tranh. Tuy nhiên, một con số thống kê của UNESCO lại cho thấy, có 105 nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp ở nước ngoài. Tức là phần lớn các nhà báo bị tấn công, thậm chí sát hại ngay trên đất nước họ.

Điều đáng chú ý là những vụ giết hại nhà báo này không phải lúc nào cũng bị trừng phạt thích đáng. Đứng đầu con số bị gặp rủi ro nhiều nhất chính là cánh phóng viên đang làm việc cho các tòa soạn báo viết; tiếp đến là những người làm truyền hình và cuối cùng là phóng viên đài phát thanh.

Sự gia tăng nguy hiểm cho báo giới hiện đang ở mức đáng báo động. Đó chính là lý do mà Hội nghị Các nhà báo thế giới 2015 tổ chức tại Hàn Quốc đã lựa chọn đề tài tự do báo chí và an toàn trong nghề báo làm chủ đề thảo luận chính trong hội thảo diễn ra vào ngày 15/4 vừa qua.

5 diễn giả là các nhà báo đến từ Pháp, Hàn Quốc, Mexico, Argentina và Ethiopia đã đưa ra các quan điểm và phương cách khác nhau về bảo vệ giới báo chí, đặc biệt là các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại các khu vực có xung đột hoặc chiến tranh.

Đến từ một trong những quốc gia bị xếp vào hàng những nơi nguy hiểm nhất cho báo giới trong 3 năm trở lại đây, nhà báo Karla Lorena Lopez Ferro thuộc Grupo Reforma, Mexico cho rằng, các nhà báo thường phải lao vào những khu vực nguy hiểm để bảo đảm quyền được thông tin kịp thời cho người dân. Vì vậy, các hành vi bạo lực đối với nhà báo đang tác nghiệp là không thể chấp nhận cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý.

Phóng viên ảnh Rami Rayan của hãng thông tấn địa phương Palestinian Network for Journalism and Media bị sát hại trong vụ đánh bom chợ Shujaya. Ảnh: The Levant.

Lấy ví dụ ngay tại quốc gia mình, bà Karla Lorena Lopez Ferro cho biết, những người làm báo thường xuyên phải chịu sức ép và sự đe dọa từ các tổ chức tội phạm. Thậm chí, có những tổ chức tội phạm còn đưa cả "đội quân cầm súng máy" đến cửa tòa soạn để uy hiếp phóng viên và tổng biên tập xung quanh một bài viết nào đó ảnh hưởng đến hoạt động của chúng.

Đối với những người cung cấp thông tin cho báo chí, chúng cũng không bao giờ để yên, tìm cách bắt cóc và sát hại họ. Vì vậy, theo nhà báo Karla Lorena Lopez Ferro, tại các quốc gia này, chính phủ cần phải có những luật định riêng để bảo vệ các nhà báo.

Bà Karla Lorena Lopez Ferrof nói: "Bên cạnh việc được bảo vệ bằng pháp lý, chúng tôi cũng rất mong muốn được nhận sự ủng hộ và tin tưởng của người dân"…

Đồng tình với quan điểm của Karla Lorena Lopez Ferrof, nhà phân tích Hinde Pomeraniec của tờ La Nacion, Argentina đã nhắc lại thời kỳ dưới chế độ độc tài quân sự cách đây gần nửa thế kỷ và khẳng định, những chính phủ cực đoan cũng tiếp tay cho các hoạt động chống phá, thậm chí gây mất an toàn cho các nhà báo. Thường việc này là nhằm ngăn chặn việc công bố thông tin và điều đó khiến cho ngành truyền thông thế giới phải hứng chịu những tổn thất quá lớn về nhân mạng.

Phản đối bạo lực đối với báo chí ở Somalia sau khi một phóng viên đài phát thanh bị nhóm tay súng Hồi giáo bắn chết. Ảnh: keydmedia.net.

Đó là chưa kể đến nỗi vất vả và đầy rủi ro của các phóng viên chiến trường. Còn nhớ vào năm 2012, trước khi bị sát hại tại thành phố Homs của Syria, nữ phóng viên kỳ cựu Marie Colvin của tờ Sunday Times - người đã xả thân lăn lộn từ chiến Vùng Vịnh năm 1991 đến nội chiến ở Sri Lanka - làm bà mất một mắt, đã phải thốt lên rằng:

"Đưa tin về một cuộc chiến đồng nghĩa với việc đi đến những nơi bị tàn phá bởi hỗn loạn, sự phá hoại và cái chết, và cố chứng kiến. Nó có nghĩa là cố gắng tìm ra sự thật trong cơn bão cát những thông tin tuyên truyền trong khi quân đội, bộ tộc hoặc phần tử khủng bố đang đụng độ nhau. Có nghĩa là chấp nhận rủi ro, không chỉ cho chính bản thân bạn mà cho cả những người sát cánh bên bạn. Những phóng viên đưa tin về chiến trường gánh trên vai những trách nhiệm và đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Đôi lúc họ phải trả một giá khủng khiếp (bị giết, bị bắt cóc...). Chưa bao giờ tình hình lại nguy hiểm đối với phóng viên chiến trường như hiện nay, bởi họ đang trở thành mục tiêu hoàn hảo trong vùng chiến sự".

Thận trọng lúc đưa tin

Nhắc lại vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Pháp hồi tháng 1 vừa qua, nhiều nhà báo đều nhận định rằng, một trong những cách hữu hiệu trong việc bảo đảm an toàn của nhà báo là thận trọng lúc đưa tin. Nói thế có nghĩa là nhà báo phải chấp nhận và chịu mọi trách nhiệm trong việc đưa tin khách quan và tôn trọng sự thật.

Nhà báo Harold Hyman đến từ Đài BFMTV của Pháp nói: "Tự do báo chí và tự do bày tỏ quan điểm là hoàn toàn khác nhau. Trách nhiệm của nhà báo là đưa tin một cách khách quan, không phân biệt đối xử giới tính, tôn giáo, dân tộc và đặc biệt là không được đưa tin mang tính chất miệt thị hoặc châm biếm, xúc phạm bởi nó sẽ tạo nên những hậu quả khôn lường. Vụ thảm sát ở tạp chí Charlie Hebdo là một bài học lớn cho giới truyền thông quốc tế".

Ông Kim Hong-book, Tổng biên tập tờ Le Monde Diplomatique của Hàn Quốc thì nhận định, trong thời đại công nghệ số hiện nay, dư luận xã hội và đặc biệt là sự ảnh hưởng của các trang mạng xã hội rất quan trọng. Thông tin được đăng tải trên các báo, nếu không có sự lựa chọn kỹ và đăng tải trung tính, có thể dẫn đến những hành động quá khích gây hậu quả khôn lường.

Trong khi đó, nhiều nhà báo cho rằng, vụ sát hại 11 nhà báo làm việc ở Charlie Hebdo cho thấy mối đe dọa ngày càng leo thang đối với báo giới. Điều này cũng có nghĩa là đã đến lúc báo chí thế giới phải kiểm điểm lại những hoạt động của mình, kiểm tra bản lĩnh các nhà báo và cách họ tiếp cận những vấn đề nhạy cảm.

Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc Park Chong-Ryul nói: "Vai trò quan trọng của báo chí quốc tế không những trong việc cung cấp thông tin mà còn là cầu nối giúp xử lý những bất đồng giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng ta cần làm ngay việc bảo vệ các nhà báo để tạo ra một môi trường báo chí công bằng, hiện đại, trung thực và an toàn trên toàn thế giới".

Sự nguy hiểm đối với các nhà báo ngày càng gia tăng. Ảnh: worldbulletin.net.

Vì vậy, theo ông Park Chong-Ryul, các nhà báo có mặt tại hội nghị đến từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, giới tính, quốc tịch sẽ cùng nhau đoàn kết vì quyền được thông tin và thảo luận về giải pháp phòng tránh nguy cơ bị tấn công của các nhà báo trên thế giới.

Và sự thức tỉnh dư luận

Trên thực tế, pháp luật quốc tế từ lâu đã có các quy định nhằm bảo vệ nhà báo, nghề báo được ghi nhận trong Công ước Hague (năm 1899) và Công ước Geneva (năm 1929) về đối xử với tù binh chiến tranh, trong đó có nhà báo.

Hồi tháng 11/2013, hơn 70 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lấy ngày 2/11 là ngày quốc tế bảo vệ các nhà báo, đồng thời kêu gọi các quốc gia Liên Hiệp Quốc làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bạo lực nhằm vào các nhà báo cũng  như thực thi các hoạt động điều tra công bằng, nhanh chóng và hiệu quả đối với các vụ tấn công nhằm vào các nhân viên của các công ty truyền thông.

Ngày 2/11 là ngày hai nhà báo Ghislaine Dupont và Claude Verlon của Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) bị các phiến quân Hồi giáo tại Mali bắt cóc và sát hại khi đang tác nghiệp. Nhưng dù đã đầy đủ hành lang pháp lý để bảo vệ nhà báo, song tình hình bạo lực gia tăng vẫn khiến số phận của các nhà báo lắm lúc rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".

Do đó, các nhà báo tham dự hội nghị đều cho rằng, đã đến lúc các tổ chức bảo vệ nhà báo quốc tế phải vào cuộc, bàn thảo cùng với chính quyền các khu vực, quốc gia về những quy định riêng trong việc hỗ trợ và bảo vệ các nhà báo đưa tin tại những khu vực nguy hiểm.

Các nhà báo điều tra, phóng viên chiến trường cần được pháp luật bảo vệ vì họ làm việc vì lợi ích công. Họ cần được sự hỗ trợ đầy đủ từ nhà nước, từ ban biên tập, được đầu tư nghiệp vụ tốt hơn để đảm bảo sự chính xác, khách quan trong các bài báo, tránh những sai sót đáng tiếc.

Tinh thần này cũng từng được UNESCO đưa ra hồi năm ngoái trong một thông báo rằng: "Thất bại trong việc ngăn chặn các vụ tấn công nhà báo có nghĩa là các chính phủ và quan chức các quốc gia đang tước khỏi người dân quyền cơ bản được tiếp nhận thông tin, còn những kẻ tấn công hay chủ mưu thì tồn tại và tin rằng sẽ không thể bị bắt.

Đứng ở góc độ quản lý, chuyên viên phân tích và quản lý báo chí trong nước thuộc Văn phòng Thông tin chính phủ của Ethiopia Fikrte Gebreamlak Sisay bày tỏ: "Trước khi bàn về cách thức bảo vệ các nhà báo, chúng ta cần phải tìm hiểu xem điều gì đã khiến các nhà báo trở thành mục tiêu bị tấn công. Nhìn chung, họ thường bị các tổ chức tội phạm, những nhóm lợi ích, các tổ chức cực đoan… tấn công vì bị cho là đã "can thiệp và làm ảnh hưởng không tốt đến công việc kinh doanh hoặc hoạt động của các tổ chức này".

Do đó, cách bảo vệ các nhà báo tốt nhất, theo bà Sisay trước tiên là trang bị cho họ một kiến thức nền về pháp luật; thứ nữa là những quy định chặt chẽ từ chính phủ, các tổ chức, hiệp hội báo chí về hoạt động tác nghiệp của các nhà báo.

Báo cáo từ Tổ chức Phóng viên không biên giới cho biết, năm 2014 có 119 vụ bắt cóc nhà báo và 66 phóng viên đã thiệt mạng. Trước tình hình đó, hồi tháng 2 vừa qua, Tổ chức Bảo vệ tự do báo chí đã công bố những hướng dẫn mới về việc bảo vệ các cộng tác viên và nhà báo tự do sau hàng loạt vụ bắt cóc giết người tại một số vùng xung đột mang tên "Lời kêu gọi xây dựng các nguyên tắc và quy định an toàn toàn cầu".

Tài liệu này đề ra 7 tiêu chuẩn cơ bản dành cho các nhà báo tới tác nghiệp ở những vùng xung đột nguy hiểm; kêu gọi tập huấn cứu thương và hoạt động trong vùng nguy hiểm, mua bảo hiểm y tế, trang bị các thiết bị bảo hộ như áo giáp và mũ chống đạn.

Tổ chức Bảo vệ tự do báo chí còn nhấn mạnh, các hãng thông tấn và báo chí phải có "nghĩa vụ đạo đức" là hỗ trợ tối đa các nhà báo làm việc trong những vùng nguy hiểm.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon từng nói, tấn công vào tự do báo chí là tấn công vào luật pháp quốc tế, chống lại nhân loại và chống lại tự do, cũng là chống lại những giá trị mà Liên Hiệp Quốc đại diện.

Cộng đồng thế giới nên bày tỏ lòng tôn kính với những người đang làm việc trong các điều kiện khó khăn và nguy hiểm để đem lại những thông tin tự do và công bằng; đồng thời cũng "thức tỉnh" dư luận cần nỗ lực đóng góp cho tự do và an toàn của báo chí ở khắp mọi nơi.

Sông Thương (từ Busan, Hàn Quốc)
.
.