Thực trạng bạo hành trẻ em cần những giải pháp cấp bách

Thứ Sáu, 05/06/2009, 13:45
Không chỉ trẻ em bị bạo hành, mà ngay cả, vấn nạn bạo lực học đường cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đã cấp bách lắm rồi, những giải pháp nhằm ngăn chặn thực trạng trên.

Tại Hội thảo được Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM phối hợp cùng Trung tâm Tư vấn FDC tổ chức với chủ đề “Bạo hành trẻ em trong gia đình và nhà trường ở TP HCM – thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra tại TP HCM vào ngày 27/5 cũng nêu được gần như đầy đủ thực trạng và giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn bạo hành này.

Thạc sĩ Võ Thị Tường Vy, nhiều năm liền làm công tác giáo dục tâm lý sư phạm cho biết, theo quan điểm của chị, bạo hành không đơn giản chỉ là việc làm tổn thương đến thể xác mà còn là những hành động làm ảnh hưởng đến mặt tinh thần. Đơn cử như một nhà giáo, khi vào lớp học, gọi học sinh cá biệt lên yêu cầu đứng vào góc lớp và suốt tiết học hôm đó coi học sinh đó như người thừa, không cần quan tâm hay chú ý đến. Thạc sĩ Tường Vy nói đó là một hình thức bạo hành nguy hiểm. Chúng tôi cho rằng đây là một ý kiến rất hay và chuẩn xác.

Từ xưa đến nay, khi nhắc đến bạo hành trẻ em, người ta lập tức liên tưởng đến chuyện dùng băng keo dán miệng trẻ, dùng xích sắt trói chân trẻ vào gốc cây hoặc dùng thanh sắt nóng đâm vào da thịt trẻ... Dĩ nhiên, những dạng bạo hành với hình thức tàn nhẫn như thời Trung cổ rất nguy hiểm cho trẻ về cả thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, hình thức bạo hành tinh thần như trường hợp Thạc sĩ Tường Vy nêu lên cũng rất nguy hiểm và ngày càng phổ biến.

Một trong những quan điểm rất hay mà Thạc sĩ Tường Vy nêu ra chính là: “Theo tôi, đuổi học là hình thức làm tổn thương nặng nhất đến học trò. Tôi không thể hình dung hết được nỗi lòng của học trò bị đuổi học. Nhưng chắc chắn rằng, điều đó là rất khủng khiếp”. Rất tiếc mặc dù nêu ra được rất nhiều thực trạng trong việc “bạo hành tinh thần” ở nhà trường, nhưng thạc sĩ Tường Vy lại cảm thấy khó khăn trong việc đưa ra giải pháp. Có chăng chỉ là lời khuyên về sự bao dung của giáo viên đối với` học trò, lấy đó làm nền tảng cho việc xoá bỏ tình trạng bạo lực tinh thần trong học đường.

Bác sĩ Lê Minh Công, hiện đang công tác tại Bệnh viện Tâm Thần  Trung ương với tư cách là một nhà lâm sàn rất đồng ý với nhận định trên. Bác sĩ Công nói trong công tác, anh đã trực tiếp điều trị và tiếp xúc với nhiều trẻ em có những biểu hiện về sức khỏe tâm thần. Đôi khi, những biểu hiện này không thể điều trị bằng các phương pháp tâm lý thông thường mà cần phải điều trị theo hệ thống bởi các em đã bị chứng rối loạn hành vi.

Bác sĩ Lê Minh Công nhắc lại rằng, năm 1995 Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đề xuất cần thiết là phải thành lập những trung tâm tham vấn tâm lý tại các trường học, từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học. Những trung tâm tham vấn tâm lý này, sẽ là nơi giúp các thầy cô lẫn học sinh giải tỏa những căng thẳng, bức bối trong cuộc sống.

Điều quan trọng hơn, các trung tâm tham vấn tâm lý sẽ giúp cho học sinh ngăn chặn được những bức xúc tâm lý bộc phát kịp thời. Điểm qua những vụ án do học sinh gây ra trong thời gian qua trên địa bàn cả nước, hầu như tất cả nguyên nhân đều do học sinh không thể kìm chế bản thân và hành động xảy ra trong trạng thái bị kích động nhất thời luôn gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Theo Báo cáo sơ bộ của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM trong năm 2008, đã có 18 trường hợp là học sinh bị khởi tố bởi các tội danh: giết người, hiếp dâm, phá hoại tài sản Nhà nước... Đó là chưa kể đến hàng loạt vụ trọng án diễn ra ngay tại sân trường xảy ra vào đầu và giữa năm 2009, như vụ học sinh lớp 11 đâm chết bạn ở quận 9, học sinh lớp 8 đâm chết một học sinh lớp 9 và làm bị thương nặng 2 học sinh khác ở quận Tân Bình...

Cho đến thời điểm sau hơn 14 năm Bộ GD & ĐT kêu gọi xây dựng Trung tâm tham vấn tâm lý trong trường học, thì cho đến nay, TP HCM đang từng bước thực hiện công việc này. Dẫu là có muộn, nhưng vẫn rất cần thiết và cấp bách.

Riêng với vấn nạn bạo lực học đường, Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Dung – Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM-đồng tình với nhận định bạo lực học đường tồn tại ở hình thức giữa các em học sinh với nhau vẫn đang chiếm tỷ lệ rất cao và đưa ra những con số từ kết quả nghiên cứu rất đáng lo ngại. Tình trạng “học sinh làm nô lệ cho học sinh” như bị buộc phải chép bài giúp, bắt làm bài tập... chiếm 16,7%, tình trạng bị hăm dọa, bị đánh đập... chiếm đến 34,5% trong các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường.

Thạc sĩ Ngọc Dung nhận định: Nhiều em học sinh khi bị xâm phạm về thể xác, bị bạo hành tâm lý, bạn bè nói xấu hội đồng, tẩy chay... đều rất hoảng sợ và không thể học tập được. Nếu như những cảm xúc này không được giải quyết kịp thời, các em dễ biến những cảm xúc này thành hành vi bạo lực mà mức độ nguy hiểm thì không thể nào lường hết được.

Theo Thạc sĩ Ngọc Dung, giải pháp tối ưu nhằm ngăn chặn tình trạng này vẫn là tăng cường giảng dạy cho học sinh kỹ năng sống trong nhà trường, tập cho học sinh nói không với cái xấu, biết chọn lọc tiếp thu chuẩn mực văn hóa tốt, kỹ năng yêu cầu trợ giúp khi gặp khó khăn... Và quan trọng hết, vẫn phải cập nhật liên tục những phương pháp giáo dục con cái tiên tiến cho các bậc làm cha mẹ. Khi phát hiện con em mình có biểu hiện khác thường về mặt tâm lý, cha mẹ cần nhanh chóng đưa các em đi khám ở những chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm để tìm ra nguyên nhân và có cách can thiệp kịp thời. --PageBreak--

Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, công tác tại Trường ĐH Mở TP HCM nêu những giải pháp rất đáng quan tâm về chuyện “bắt nạt tuổi học trò”, một yếu tố chính hình thành nên thực trạng bạo lực học đường. Thạc sĩ Hoàng Yến cho biết có nhiều hình thức bắt nạt trong giới học sinh với nhau, phổ biến nhất là đánh đập, thu giữ hoặc hủy hoại tài sản. Bên cạnh đó, còn cô lập đối tượng mình ghét.

Gần đây nhất là hình thức đe dọa qua điện thoại, tin nhắn hoặc e-mail. Cá biệt, có trường hợp học sinh còn bôi nhọ danh dự nhau trên các website dành cho tuổi vị thành niên. Và các đối tượng hay bắt nạt người khác lẫn bị bắt nạt rất đa dạng, có thể là một học sinh giỏi mà cũng có thể là một học sinh cá biệt bị lưu ban...

Thạc sĩ Hoàng Yến kiến nghị việc cần có luật chống bắt nạt tại các trường học. Một chương trình tuyên truyền và hướng dẫn việc thi hành luật cũng hết sức cần thiết vì luật sẽ không khả thi nếu không ai biết đến cũng như không ai hiểu rõ luật. Mỗi trường học cần linh hoạt trong việc đưa ra những nội quy riêng của nhà trường về chuyện chống bắt nạt, kể cả việc đưa ra những hình thức kỷ luật cụ thể đối với học sinh hay bắt nạt học sinh khác. Bổ sung các chương trình đồng hành, một chương trình đang được các nước trên thế giới thực hiện.

Chương trình này bắt cặp các em với bạn đồng trang lứa, với anh chị lớp trên hoặc với những người lớn thành đạt... nhằm tạo nên sự hữu hảo, tương trợ trong môi trường học đường. Và trên hết, mỗi trường học cần ít nhất một nhân viên xã hội học đường, người sẽ giúp kết nối những mối quan hệ giữa học sinh và học sinh, học sinh và giáo viên.

Ông Phan Thanh Minh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP HCM đưa ra kiến nghị rằng bên cạnh sự quan tâm của nhà trường và phụ huynh, các cơ quan chức năng cũng không thể đứng ngoài cuộc trong việc ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em và bạo lực trong học đường.

Theo ông Minh, các cơ quan như Sở Tư pháp, Sở LĐ TB & XH cần phổ biến rộng rãi hơn nữa đến các địa phương về quyền trẻ em, có các cuộc vận động hiệu quả để mọi người nghiêm túc chấp hành và thực hiện quyền trẻ em, xử lý kiên quyết những trường hợp bạo hành trẻ em. Chủ động can thiệp, cách ly các em với người bạo hành khi nhận được tin báo về những vụ bạo hành này...

Bên cạnh những công việc này, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cần xử lý nghiêm  minh các hành vi bạo lực trẻ em, cần tổ chức các phương toà lưu động nhằm làm tốt công tác ngăn ngừa, răn đe.                                                               

Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được thì trong giai đoạn từ năm 2010  đến 2020, Bộ LĐTB & XH nhiều khả năng sẽ thực hiện thành công “Đề án chiến lược quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích của trẻ em”, hiện đang được xây dựng với 3 mô hình chuẩn là: ngôi trường thân thiện, ngôi nhà an toàn và cộng đồng an toàn.

Với đề án này, nhiều nhà nghiên cứu lẫn chuyên gia tâm lý cho rằng nếu như thành công thì thực trạng bạo hành trẻ em sẽ được giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, trong thời gian chờ để xem đề án trên có thành công hay không, thì hiện tại, các cơ quan chức năng, nhà trường lẫn phụ huynh học sinh vẫn phải cấp thiết thực hiện các giải pháp có tính khả thi cao nhằm ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em cũng như bạo lực học đường.

Vẫn dẫn lời bác sĩ Lê Minh Công, người cho rằng các hành vi xâm hại trẻ em lẫn bạo lực có thể xảy ra bởi tính lịch sử gia đình. Đây là một trong những phát hiện rất mới, dẫu lâu nay, người ta vẫn băn khơan rằng có hay không chuyện “cha mẹ lúc nhỏ bị ông bà bạo hành, lớn lên sẽ bạo hành lại với con cái mình”.

Bác sĩ Công cho biết trong quá trình điều trị cho các em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bác sĩ đã nhận thấy rất rõ điều này. Gần như là một vòng luẩn quẩn, người sinh ra trong gia đình thường xuyên có mâu thuẫn và bị bạo hành lúc bé. Khi người đó có gia đình, thì rất dễ xảy ra chuyện sẽ bạo hành con cái lại khi lập gia đình. Và quan trọng hơn, trẻ em sinh ra trong môi trường như vậy sẽ biến chuyển tâm lý khác thường và dẫn đến việc khi đi học các em sẽ biến thành những học sinh cá biệt. Đồng thời, sẽ tiềm ẩn nguy cơ sử dụng bạo lực với các học sinh khác.

Chính vì vậy, theo bác sĩ Lê Minh Công, cần thiết phải có cả chuyên viên tư vấn tâm lý cho các bậc phụ huynh mỗi khi họ bị bực tức hoặc bị stress, khó khăn trong công việc... để ngăn chặn ngay từ gốc rễ những nguyên nhân làm nảy sinh tình trạng bạo hành trẻ em lẫn bạo lực học đường.

Có lẽ, đã đến lúc, người lớn phải thường xuyên được tư vấn tâm lý để có những hành xử đúng nhằm tránh tình trạng “Giận chồng, đánh con cho hả giận”. Sinh sống và được giáo dục trong một gia đình an toàn ngay từ khi còn bé, các em ở lứa tuổi vị thành niên sẽ chọn những giải pháp an toàn mỗi khi không kiềm chế được cảm xúc.

Và lúc này, có quyền hy vọng vào một môi trường học trường không còn bạo lực, một xã hội trẻ em không còn bị bạo hành. Điều này, hoàn toàn có thể nếu như mọi giải pháp có tính khả thi nhằm ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em và bạo lực học đường được nhanh chóng đưa vào thực hiện

Ngô Nguyệt Hữu
.
.