“Thương hiệu” mới của Thụy Sĩ

Thứ Năm, 25/11/2004, 17:17

"Xứ sở của các nhà băng", "xứ sở của phômai", "xứ sở của đồng hồ cao cấp"... chuỗi danh hiệu mà Thụy Sĩ đã đạt được, nay có thể thêm "lò đào tạo các chủ tịch và tổng thư ký" cho các Liên đoàn thể thao quốc tế.

“Lịch sử vốn đã sắp đặt như vậy. Người Thụy Sĩ chúng tôi rất hay cãi nhau nhưng lại nhanh chóng làm lành với nhau. Có lẽ nhờ thế mà chúng tôi có kinh nghiệm trong việc tìm tiếng nói chung, và tôi cùng Joseph Blatter đang lãnh đạo hai liên đoàn thể thao lớn nhất thế giới. Thêm nữa, chúng tôi còn thông thạo rất nhiều ngoại ngữ - đó là ưu việt lớn của chúng tôi” - ông Rene Fazel đã giải thích như vậy trước câu hỏi tại sao toàn người Thụy Sĩ trấn giữ các tòa biệt thự ở vùng núi Zonnenberg và Zurich, nơi đặt đại bản doanh của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Quốc tế Khúc côn cầu trên băng (IIHF).

Bản thân Rene Fazel, năm nay 54 tuổi, đã có thâm niên 10 năm đứng đầu IIHF. Trước kia, ông hành nghề bác sĩ nha khoa, cho nên bây giờ ông vẫn theo phương châm: “Chiếc răng nào sâu phải nhổ ngay!”. Người ta gọi ông là con người triệt để, vì ông sử dụng đến mức tối đa guồng máy hiện có trong tay và các cộng sự - đó là các đại diện của 15 nước trên thế giới. Việc lớn duy nhất từ trước tới nay mà ông làm được là chinh phục Bắc Mỹ, nơi chỉ quen tuân thủ chuẩn mực của Liên đoàn Khúc côn cầu quốc gia Mỹ (NHL).

Người đàn ông lấy FIFA làm “vợ”

Một cư dân lâu niên ở vùng núi Zonnenberg là ông Joseph “Z” Blatter, 68 tuổi, có trong tay quyền hành đối với số quốc gia còn nhiều hơn số quốc gia của Liên Hiệp Quốc. Ông đặt phụ danh trong dấu ngoặc kép ở giữa tên và họ của mình, mặc dầu trong thực tế, “Joseph” chỉ là biệt danh.

Nói theo lời của người đã từng là sếp của ông, cựu Chủ tịch FIFA Joao Havelange, thì Blatter đã lấy FIFA làm “vợ”. Từ 1981, Blatter là Tổng thư ký tổ chức này, và từ 1988 lên làm Chủ tịch.

Ông Blatter có khổ người không lấy gì làm cao lớn, song chuyện đó chẳng hề chi trong việc sử dụng bàn tay thép đối với địa vực bao la bát ngát của mình (FIFA hiện có 204 nước thành viên). Ngồi ở Zurich, ông Blatter điều hành bóng đá thế giới với số vốn quay vòng hằng năm trên 200 tỉ frăng Thụy Sĩ, trong đó riêng FIFA đã hái lượm 1,3 tỉ rồi. Phần lớn thu nhập là nhờ truyền hình trực tiếp các giải vô địch thế giới thu hút sự chú mục của phân nửa nhân loại.

Nhảy Tanggo bao giờ cũng phải có đôi

Ngay sau khi đắc cử vào chiếc ghế chủ tịch FIFA, Blatter đã nhanh chóng nhận ra ngay sau lưng mình có "gai". Người đó lại chính là một đồng hương Thụy Sĩ của mình, ông Tổng thư ký FIFA Michael Zen-Ruffinen.

Viên Tổng thư ký luôn luôn hậm hực vì mọi mệnh lệnh từ phía Chủ tịch đều được truyền đạt đến ông thông qua một luật sư mới được thuê để chuyên làm nhiệm vụ đó. Nhân một chuyến ông Blatter đi công tác xa, ở nhà Tổng thư ký tranh thủ sa thải viên luật sư “chướng tai gai mắt”. Khi hay tin dữ, ngài Chủ tịch đã phải nổi đóa, song theo luật thì ông vẫn không có quyền gọi viên luật sư đó quay lại vị trí cũ.

Mặt trận thứ hai cũng được mở ra nhằm chống lại ông Blatter do Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) phất cờ. Chủ tịch UEFA là ông Lennar Johanson (người Thụy Điển) đã không thể tha thứ cho Blatter về tội đã ngáng đường mình năm 1998 để trở thành nhân vật số một của thế giới bóng đá.

Cuộc "chiến tranh" bùng nổ dữ dội tới mức khi bắt đầu có dấu hiệu thất thoát tài liệu trong các hồ sơ lưu trữ, toàn bộ cửa vào các phòng làm việc của FIFA đều phải nhất loạt thay ổ khóa mới. Nhiều tin đồn đại thất thiệt ghê gớm tới mức tưởng như ông Blatter phải từ chức Chủ tịch FIFA.

Giữa lúc này thì điều kỳ diệu đã xảy ra, không hiểu ông Blatter đã làm cách nào để xoay chuyển được tình thế một cách ngon lành như vậy. Biết sử dụng quyền lực của mình trong cuộc họp Đại hội đồng FIFA vốn được triệu tập nhằm vào việc luận tội công khai vị Chủ tịch đương nhiệm, ông Blatter đã chặn họng được rất nhiều người chống đối.

Kết quả là ông đã giành chiến thắng chung cuộc và bây giờ, trong năm kỷ niệm FIFA tròn 100 tuổi, một không khí hòa thuận bao trùm khắp tổ chức do ông Blatter điều hành. Ngay cả Tổng thư ký Lennart Jouhanson cũng buộc phải thừa nhận thất bại của mình khi nói: “Gì chứ nhảy tango thì bao giờ cũng phải có đôi!”.

Người nào, ở đâu?

Ngoài những nhân vật tiêu biểu như trên, còn không ít công dân Thụy Sĩ đang trấn giữ những cương vị quan trọng khác trong thể thao thế giới.

- Urs Lincy (55 tuổi), nguyên là chủ một nhà băng, hiện là cánh tay phải của Chủ tịch FIFA Joseph Blatter.

- Jan-Franco Casper (60 tuổi), ưa du lịch, hiện đứng đầu Liên đoàn quốc tế Trượt tuyết, trụ sở đặt tại Oberhofen.

- Urs Lacotte (51 tuổi), từ một công trình sư công nghiệp quốc phòng trở thành Tổng giám đốc Ủy ban Olympic thế giới, trụ sở đặt tại Lozanna.

- Martin Kallen (41 tuổi), từ một nhân viên nhà ga đường sắt trở thành Chủ tịch Ban tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu 2004 và giải vô địch bóng đá châu Âu 2008. Trụ sở đặt tại Geneva

Đăng Bảy (theo A&F)
.
.