Tỉ phú Bernard Ebbers bắt đầu thụ án

Thứ Năm, 05/10/2006, 08:00

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Kinh tế Worldcom của Mỹ, Bernard Ebbers (64 tuổi) vừa ra trình diện tại một nhà tù liên bang hôm 26/9, bắt đầu tiến trình thụ án 25 năm của ông ta. Ebbers bị kết tội lừa đảo và thông cung chối tội trong vụ bê bối kế toán trị giá 11 tỉ USD, dẫn đến sự sụp đổ Worldcom, một trong những tập đoàn kinh tế mạnh nhất nhì nước Mỹ, vào năm 2002.

Theo dự tính, sớm nhất Ebbers được tự do là năm 2028, nghĩa là vào thời điểm đó ông trên 85 tuổi. Hai nhà tù gần nhà Ebbers nhất là Yazoo City Federal (Mississippi) và Oakdale Correctional Complex (Louisiana).

Cựu Chủ tịch Worldcom bị kết án vào tháng 3/2005, nhưng sau đó ông làm đơn kháng án. Một tòa án phúc thẩm cấp liên bang tại New York hồi tháng 7/2006 giữ nguyên mức án đã tuyên, sau khi phát hiện thu lợi cá nhân động cơ chính che đậy những hành vi tội lỗi của Ebbers. Các công tố viên trích dẫn rằng Ebbers đã thông đồng với nhiều nhân viên dưới quyền của mình lập kế hoạch nâng khống giá trị cổ phiếu của công ty, trong khi che đậy tình trạng tài chính quá bi đát của Worldcom. Giữ ảo mộng mình là ngôi sao của tập đoàn kinh tế mạnh nhất nhì nước Mỹ, ông Bernard Ebbers luôn phản bác những chứng cứ buộc tội và cho rằng mình vô tội. Mãi đến khi Giám đốc các hoạt động thương mại của Worldcom, ông Scott Sullivan khai nhận tất cả và ra tòa làm chứng chống lại Ebbers, lúc này Bernard Ebbers mới cúi đầu nhận tội.

Trong thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin của thập niên 90 thế kỷ XX, Ebbers là ngôi sao của nước Mỹ bởi vị thế kinh tế của Worldcom ngày càng chứng tỏ hùng mạnh hơn. Nhưng khi sụp đổ, đó lại là một tập đoàn bị vỡ nợ kinh hoàng nhất mà người dân Mỹ từng biết đến. Từ lúc Tập đoàn Worldcom đệ đơn xin bảo vệ theo Luật Phá sản, khoảng 20.000 nhân viên của họ mất việc làm và tổng thiệt hại cổ phiếu lên đến 180 tỉ USD. Ebbers rời khỏi công ty này vào năm 2002 sau khi thú nhận việc mượn tiền Worldcom trước đó để che giấu những thiệt hại khổng lồ do ông ta gây ra trong hoạt động mua bán cổ phiếu của chính công ty mình

Đoàn Lê (theo BBC News)
.
.