Công an các địa phương miền Trung

Tích cực giúp dân chống chọi với cơn “đại hồng thủy”

Thứ Sáu, 22/11/2013, 15:35

Những ngày qua, người dân các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Phú Yên đã phải trải qua một trận lũ lụt lịch sử chưa từng thấy. Nhiều người dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là địa bàn bị lũ lụt tàn phá nặng nề nhất đã thất thần bảo rằng chưa bao giờ trong đời họ thấy có một trận lũ nước lên nhanh như thế. Có đến hàng nghìn ngôi nhà đã bị nhấn chìm trong biển nước, rất nhiều gia đình do không kịp trở tay nên chỉ chạy thoát thân, để lại tất cả lúa gạo, các con vật nuôi và tài sản cố định của gia đình mặc cho trời đất.

Nhận định đây là một trận lũ lụt lớn, sức tàn phá sẽ rất kinh hoàng đối với đồng bào các tỉnh miền Trung. Từ ngày 15/11, Ban Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an có Công điện số 33, gửi đến Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Tổng cục, Bộ tư lệnh trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Tây Nguyên. Yêu cầu chủ động đối phó, xử lý kịp thời những sự cố do mưa lũ gây ra.

Thực hiện công điện này, Công an các địa phương đã nhanh chóng triển khai các lực lượng của mình tiếp cận với cộng đồng dân cư. Tổ chức sơ tán dân ở các vùng trũng, thấp, vùng ven các sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét để đảm bảo một cách tốt nhất về người và tài sản của nhân dân. Bố trí lực lượng thường xuyên ứng trực để hướng dẫn người và các loại phương tiện giao thông, kiên quyết cấm người và các loại phương tiện đi lại ở những vùng bị ngập sâu, đảm bảo tốt tình hình an toàn giao thông và an ninh trật tự trong khu vực xảy ra lũ lớn.

Ngay từ chiều ngày 15/11, thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Định, trên 100 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng xung kích được huy động từ các đơn vị thuộc Cơ quan Công an tỉnh đã lên đường cùng với các loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ lũ lụt đến huyện Tuy Phước, các phường ngoại thành Quy Nhơn đang bị ngập lũ cùng các lực lượng khác và chính quyền địa phương tổ chức cứu dân ra khỏi vùng nguy hiểm do lũ lụt. Đồng thời, lực lượng này cũng đã tham gia cùng các lực lượng hộ đê dùng bao cát gia cố bảo vệ hàng trăm mét đê xung yếu tại các địa phương nằm trong vùng ngập lụt.

Giải cứu người dân khỏi vùng rốn lũ.

Bản thân các đồng chí: Đại tá Phan Văn Thanh - Giám đốc, Đại tá Phan Minh Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định đã trực tiếp lên đường đến địa bàn các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn để kiểm tra chỉ đạo công tác cứu hộ, chống lũ. Đồng thời, thông qua điện thoại các đồng chí thường xuyên cập nhật, nắm tình hình lũ lụt tại các địa bàn khác trong tỉnh để chỉ đạo lực lượng Công an tại chỗ điều canô đến các vùng dân cư bị lũ lụt chia cắt nhanh chóng cứu hộ.

Do bị lũ lớn, trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều đoạn đường bị ngập sâu, cầu Bình Định bị gãy đổ, vì vậy lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh cũng như lực lượng Công an thị xã An Nhơn đã ngâm mình trong nước lũ, ứng trực 24/24 giờ để hướng dẫn điều tiết giao thông…

Tỉnh Quảng Ngãi những ngày qua được đánh giá là vùng chịu thiệt hại nhiều nhất do trận lũ lịch sử này gây ra. Các huyện chịu thiệt hại nhiều nhất có thể kể đến là Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Tư Nghĩa…Hàng nghìn người dân Quảng Ngãi đã rơi vào tình trạng đói và rét do bị nước lũ bao vây. Với tinh thần cứu dân là trên hết, Công an Quảng Ngãi đã dốc toàn lực lượng tỏa về các vùng rốn lũ cứu dân.

Đích thân Đại tá Nguyễn Thanh Trang - Phó Giám đốc Công an tỉnh đã lội giữa dòng nước lũ để vác mỳ tôm, nước uống kịp thời cứu trợ cho người dân nằm trong ốc đảo Tịnh An thuộc huyện Sơn Tịnh bị nước lũ ở sông Trà Khúc cô lập nhiều ngày…

Đại tá Nguyễn Thanh Trang mang mỳ tôm đến với người dân bị lũ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và mưa lớn kéo dài, cùng lúc 15 nhà máy thủy điện trên khu vực miền Trung đồng loạt xả lũ. Từ đêm 15 đến ngày 17/11, cả một vùng đất Quảng Nam đều bị chìm sâu trong nước. Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) là địa phương bị lũ lụt nhấn chìm nặng nề nhất. Nhiều xã ở vùng B Đại Lộc bị lũ bao vây hoàn toàn, hàng nghìn ngôi nhà ở vùng Đông Đại Lộc bị nước lũ dâng cao tới nóc. Trên QL1A, nhiều đoạn đường bị nước lũ dâng cao, hàng nghìn phương tiện giao thông đi qua địa bàn này đều bị kẹt lại. Hàng trăm cảnh sát giao thông của tỉnh và các huyện đã phải dầm mình trong mưa để vừa làm cọc tiêu trên đường cho xe cộ di chuyển đến nơi an toàn, vừa hướng dẫn điều tiết giao thông…

CSGT ứng trực để hướng dẫn giao thông.

Đến khi lũ xuống, hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Quảng Nam rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất. Với tinh thần giúp dân vượt qua khó khăn sau lũ, lực lượng Công an tỉnh cũng như Công an các huyện đã có mặt kịp thời để giúp dân thu dọn những vật dụng còn sót lại, dựng tạm những ngôi nhà ngã đổ trong lũ để người dân có nơi che mưa, che nắng…

Mang thực phẩm đến với người dân.

Thành phố Đà Nẵng là địa phương không nằm trong số những địa phương chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt những ngày qua, nhưng cho đến ngày 18/11, vẫn còn 19/56 xã, phường bị ngập của các quận, huyện như: Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, trong số này có 30 thôn bị ngập hoàn toàn, 35 thôn bị ngập một phần… Hiện tại, Công an các địa phương đang tập trung lực lượng triển khai về các địa bàn để giúp dân khôi phục những gì còn lại để sớm ổn định cuộc sống…

Đến chiều ngày 18/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Trận lũ lớn này đã làm cho gần 60 người bị thương vong, mất tích và chết. 243.000 ngôi nhà bị ngập nặng, tốc mái, hư hỏng, sập đổ, cuốn trôi; gần 3.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại; hơn 100ha ao cá, tôm của nhân dân bị tàn phá, hàng chục tàu thuyền bị hư hỏng, lật chìm, hàng trăm nghìn mét kênh mương bị hư hại…

Công an giúp dân dọn dẹp.

Cơn lũ gần như đã đi qua, để lại cho các tỉnh, thành phố trên dải đất miền Trung nhiều tổn thất cả về con người và cơ sở vật chất. Trên tuyến QL1A nhiều đoạn đường bị sạt lở rất nặng, các mố cầu ở Quảng Ngãi, Bình Định bị hư hỏng gây nhiều ảnh hưởng cho việc giao thông đi lại của các loại phương tiện giao thông trên hành trình thiên lý Bắc-Nam… Nhiều gia đình sau lũ đã thực sự trắng tay, đã thực sự rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Những giọt nước mắt dường như đã cạn khô trong nỗi thẫn thờ của người dân trong vùng lũ… Hiện tại, họ rất trông chờ vào sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức xã hội về mặt vật chất, để cuộc sống vốn khốn khó của họ được sớm hồi sinh.

Với tinh thần cứu dân và giúp dân là mục tiêu hàng đầu, cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo các Tổng cục và Công an các địa phương… Lực lượng Công an xác định sẽ là lực lượng xung kích ở những vùng rốn lũ ngay cả trước, trong và sau thảm họa này…

Hy vọng rằng, với sự chung tay, giúp sức của lực lượng Công an các địa phương nói riêng và của toàn xã hội nói chung, những người dân miền Trung vừa trải qua những ngày cơ cực nhất sẽ sớm có một cuộc sống ổn định. Trẻ em trong vùng lũ sẽ sớm được trở lại trường học với những trang sách mới, những cánh đồng lại sẽ ngát xanh…

* Ảnh: Trần Văn

Bảo Thy
.
.