Tịch thu xe của người say rượu: Khó khả thi

Thứ Hai, 23/03/2015, 14:00
Câu chuyện xung quanh đề xuất tịch thu phương tiện và tước giấy phép 2 năm nếu điều khiển phương tiện trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận suốt nửa tháng qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất này của Ủy ban ATGTQG và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2015.

Trong những ngày qua, không chỉ trên báo chí mà ở nhiều diễn đàn, rất nhiều ý kiến đã đưa ra “mổ xẻ” đề xuất của Ủy ban ATGTQG. Cùng với ý kiến đồng tình, có rất nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng kiến nghị này được đưa ra khi chưa có những số liệu công khai, cơ sở khoa học hay số liệu thực tế chính xác, độc lập, khách quan làm căn cứ.

Với phần đông người dân Việt Nam, chiếc ôtô, xe máy không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản. Vì vậy, việc bị tịch thu tài sản lớn sẽ nảy sinh tiêu cực hoặc khiến người bị tịch thu sẽ có bộc phát hành vi manh động, chống người thi hành công vụ…

Không những thế nhiều vấn đề pháp lý sẽ phát sinh bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, trong vụ án hình sự nếu xác định tang vật do thủ phạm đi mượn cũng phải trả lại cho chủ sở hữu; với những người điều khiển xe khi say rượu chỉ là vi phạm hành chính, nếu chiếc xe đó là xe mượn, thuê, xe công… thì sẽ tịch thu như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu căn cứ vào những quy định hiện hành thì có 2 vấn đề cần phải đặt ra xung quanh đề xuất này:

CSGT kiểm tra nồng độ cồn với lái xe.

Thứ nhất, tại Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức; Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của luật này. Tuy nhiên, trong luật chưa hề có một định nghĩa cụ thể thế nào là hành vi vi phạm hành chính nghiêm trọng. Người lái xe uống rượu rồi điều khiển xe, vậy cái xe có phải là công cụ, phương tiện vi phạm hay không khi trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định cụ thể.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật, trong một văn bản pháp luật, chế tài là công cụ răn đe, trừng phạt đối với những đối tượng trong chấp hành quy định của pháp luật, nhưng trong công tác quản lý xã hội phải sử dụng quá nhiều công cụ trừng phạt thì nó là những chính sách thất bại. Bởi cần nhấn mạnh chế tài là biện pháp sử dụng cuối cùng trong công tác quản lý, nếu phải sử dụng quá nhiều đó là một chính sách thất bại, chính sách không có hiệu quả.

Theo ông Kiệm, trong các văn bản pháp luật, tính khả thi là mục tiêu quan trọng nhất để khẳng định tính hiệu quả của công tác quản lý. Một khi mà chính sách pháp luật không được thực thi thì sẽ tạo ra những hậu quả rất nghiêm trọng đó là hành vi coi thường pháp luật, dẫn đến thái độ "nhờn" pháp luật. “Vì vậy, đối với các cơ quan quản lý, trước khi ban hành văn bản pháp luật phải nghiên cứu, đánh giá, khảo cứu, thực nghiệm để đảm bảo văn bản ban hành ra phải có tính khả thi trên thực tế”.

Tại cuộc Hội thảo “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn” mới được tổ chức tại Hà Nội, luật sư Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, đưa ra quan điểm ông hoàn toàn hoan nghênh mục tiêu của Ủy ban ATGTQG nhằm hướng đến việc nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người dân.

Tuy nhiên, ông Thư cho rằng, nếu áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện thì phải cân nhắc. “Chúng ta ai cũng biết uống rượu là không nên lái xe, nhưng làm sao để một người đã uống rượu rồi biết được chuyện đó, cho nên phải cân nhắc. Chúng ta đừng nhầm tưởng rằng cứ phạt nặng thì hết tai nạn. Phạt phải có khung tương ứng với lỗi vi phạm. Trước hết là cân nhắc tính công bằng xã hội khi đưa văn bản luật đó ra với người dân. Chúng ta thấy rất rõ, khi thu một chiếc xe 30 tỉ đồng của một người vi phạm khi họ thuê xe, mà người đó chỉ làm công ăn lương thì họ lấy đâu ra tiền để bồi thường”.

Theo luật sư Phan Hữu Thư, có rất nhiều vấn đề nếu đề xuất thu xe có hiệu lực mà chúng ta chưa tính toán hết được. Đề xuất này liên quan đến hàng chục triệu dân, nên không vội được.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn với lái xe.

“Phải tính toán thật kỹ, rồi sửa và đưa vào thực hiện sau cũng không vội. Phải làm thế nào để cho dân hiểu, dân thông. Tôi đồng ý tịch thu, nhưng không phải tịch thu ngay lập tức. Tịch thu được luật pháp cho phép. Còn nếu luật không cho phép, con người có thể sửa luật, vì luật do con người tạo ra”.

Tiến sĩ Đồng Xuân Thành, Đại học Công nghiệp TP HCM, cho rằng đề xuất này chưa thể tiến hành được vì còn nhiều bất cập. Ví dụ như bây giờ, nhiều xe vi phạm, cả xe đạp, xe máy, ôtô… khi bị bắt bỏ lên bãi, để mưa nắng, hỏng hóc, rất phí. Việc ra quyết định tịch thu một chiếc xe nhiều tỉ đồng không còn đơn giản như việc tạm giữ vài hôm, không thể trao quyền cho những người không đủ trình độ. “Tôi thấy chưa thể thực hiện việc bắt giữ xe vì phải tính đến khả năng khả thi, diễn ra trong thực tế như thế nào”.

Là người đã nhiều năm trực tiếp làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường, Thiếu tá Lê Hồng Thái, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Quốc lộ 1A (Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, rất ủng hộ mục đích nâng mức xử phạt để có dụng cụ răn đe, tuy nhiên việc tịch thu phương tiện không hề dễ và sẽ có nhiều vướng mắc phát sinh vì người điều khiển xe chưa chắc đã là người sở hữu mà là xe đi thuê, đi mượn, lái thuê, là tài sản chung. Vì vậy nên chăng nên tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tước đăng kiểm. 

Trao đổi với báo chí, Đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho rằng việc sử dụng rượu bia quá nồng độ đã gây ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhưng khi đề xuất phương án xử lý cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý. Theo Đại tá Thắng, đối với người Việt Nam, phương tiện không chỉ để đi lại mà nó còn là tài sản của người dân vì thế không dễ gì mà tịch thu.

Vì vậy, từ thực tế đang quản lý một địa bàn “nóng” về trật tự an toàn giao thông, ông Đào Vịnh Thắng kiến nghị đối với những vi phạm này phải xử lý thật nghiêm. Ví dụ, lái xe vi phạm lần 1 sẽ bị tước giấy phép lái xe 3 tháng. Vi phạm lần 2 thì bị tước giấy phép 6 tháng. Còn tái phạm nhiều lần sẽ bị “treo” bằng vĩnh viễn, không được phép điều khiển phương tiện. Riêng những trường hợp uống rượu, bia, điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cần phải truy tố trước pháp luật để làm gương, răn đe đối với các lái xe khác.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT khẳng định ông không đồng ý với đề xuất này vì đây là hành vi vi phạm hành chính và luật không quy định, xe ôtô vừa là phương tiện giao thông vừa là tài sản sở hữu của người dân, chiếc xe có thể là đồng sở hữu của 2- 3 người trong một gia đình, trong đăng ký xe có thể đứng tên cả vợ cả chồng. Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết, Cục CSGT sẽ có văn bản chính thức nêu quan điểm về vấn đề này.

Nguyễn Thiêm
.
.