Tiếp tục khẩu chiến về mộ Tào Thào

Thứ Ba, 29/06/2010, 08:30
Người Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới thực sự mãn nhãn sau khi Đài Truyền hình Trung ương TQ truyền hình trực tiếp buổi khai quật tại khu mộ Tào Tháo ở thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam hôm 12/6. Những cổ vật được tìm thấy và trưng bày hôm đó càng tái khẳng định kết luận tại buổi hội thảo hôm 3/4 về ngôi mộ cổ được tìm thấy ở thôn Tây Cao Huyệt và từng được tổ chức họp báo ngày 27/12/2008.

Những phát hiện mới nhất

Rất nhiều người bị hút hồn và có phản ứng khác nhau sau khi những hình ảnh về cuộc khai quật trong mộ Tào Tháo được Đài Truyền hình Trung ương truyền hình trực tiếp bởi đây là lần đầu tiên kết quả khai quật được chính thức công bố, nên tính chân thực của vấn đề càng được quan tâm. Nhưng có một sự thật khiến mọi người bức xúc sau khi giới khảo cổ cho biết, bộ hài cốt của Tào Tháo đã bị phá hủy một cách nghiêm trọng và đây có thể là hành động trả thù của ai đó.

Không chỉ quan tài bị phá mà di thể của Ngụy Vũ Vương đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Được biết, hộp sọ của Tào Tháo đã bị phá vỡ toàn bộ phần xương mặt trước, chỉ còn lại phần đỉnh và sau đầu. Sau đó, phần di cốt của Tào Tháo đã bị bọn mộ tặc đưa từ gian sau ra gian trước.

Giới khoa học cho biết, phần xương mặt Tào Tháo bị phá hủy đã gây khó khăn lớn trong việc phục dựng chân dung Ngụy Vũ Vương. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy một miếng đá hình vuông (loại tranh khắc đá) có khắc hình binh lính và xe ngựa. Ngoài ra, họ còn tìm thấy khá nhiều mảnh tranh khắc đá loại này, nhưng chúng đều bị đập vỡ, không còn nguyên vẹn. Tấm bia có khắc chữ "Ngụy Vũ Vương" tuy cũng bị đập vỡ, nhưng vẫn rõ hình khối. Giới khoa học đặc biệt quan tâm tới thanh kiếm cổ được tìm thấy trong quá trình khai quật hôm 12/6.

Cảnh truyền hình trực tiếp khi khai quật mộ Tào Tháo hôm 12/6.

Tiếp đến là viên ngọc được cho là để trong miệng Tào Tháo khi tiến hành chôn cất Ngụy Vũ Vương. Giới chuyên môn đánh giá viên ngọc này trị giá tới hàng chục triệu NDT. Nhiều chuyên gia nhận định, vì không tìm thấy vàng bạc châu báu nên bọn mộ tặc đã đập phá những thứ trong mộ để xả cơn giận. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vì số người ghét Tào Tháo nhiều nên có thể những tên mộ tặc đã phá những cổ vật trong mộ để trút giận...

Giới khảo cổ cho biết, kể từ khi khai quật đến nay, họ đã phát hiện 7 đường hầm mà bọn mộ tặc đào để trộm đồ. Vấn đề quan trọng là có đường hầm (dài tới 30m) nối liền ngôi mộ số 1 và số 2, tạo điều kiện để bọn mộ tặc cuỗm đi những đồ vật quý giá. Điều này chứng tỏ, mộ Tào Tháo từng bị trộm ít nhất 7 lần và khá nhiều cổ vật đã bị đánh cắp, khiến giới chuyên môn gặp khó khăn trong việc giám định và kết luận. Không những nhiều cổ vật bị lấy trộm, mà những mẫu vật còn lại đều trong tình trạng không nguyên vẹn, thậm chí còn bị phá hủy.

Một trong những tranh cãi lớn nhất hiện nay của giới khoa học không phải là chuyện bộ hài cốt có phải của Tào Tháo hay không, mà là thân phận của 2 phụ nữ được táng cùng Ngụy Vũ Vương. Tuy đa số đều cho rằng, 2 người này đều là ái phi của Tào Tháo, nhưng chưa ai xác định chính xác danh phận của họ. Có người suy đoán, đây có thể là Điêu Thuyền, Tiểu Kiều, Đại Kiều, những mỹ nhân từng được Tào Tháo theo đuổi. Tào Tháo có nhiều vợ và ái thiếp nhưng chỉ có 6 bà được ghi vào sử sách cùng 25 người con. Và điều này gây khó khăn cho việc "tra cứu".

Cách đây hơn 2 tháng (3/4), tại cuộc hội thảo, hơn 10 nhà khoa học lịch sử hàng đầu của Trung Quốc đời Tần - Hán và Ngụy - Tấn Nam Bắc triều đã tuyên bố, sẽ sớm kết thúc cuộc khẩu chiến xung quanh mộ Tào Tháo. Nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa có kết luận cuối cùng, mặc dù mộ Tào Tháo được xếp vào danh mục 10 tuyệt tác của giới khảo cổ trong năm 2009. Cục Di sản văn hóa Trung Quốc đã xếp mộ Tào Tháo vào danh sách 10 phát hiện khảo cổ đáng chú ý nhất trong năm 2009 cho dù một số học giả cho rằng, vẫn chưa có đủ bằng chứng để khẳng định ngôi mộ ở thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam là nơi chôn cất của Ngụy Vũ Vương.

Những đánh giá và tranh cãi

Ngay sau khi cơ quan chức năng tuyên bố tìm thấy ngôi mộ Tào Tháo, các nhà khoa học, chuyên môn đã có nhiều cuộc khẩu chiến xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều người đã thống nhất với quan điểm -  mộ của Ngụy Vũ Vương đã được tìm thấy. Thứ nhất, cách bài trí của ngôi mộ rất giống với những ngôi mộ dành cho các đế vương thời Hán - Ngụy.

Ngoài ra, ngôi mộ không bị bịt kín bởi đất - đây là điều hoàn toàn phù hợp với mô tả trong nhiều tài liệu lịch sử - mộ Tào Tháo không bị đất bịt kín và không có cây ở phía trên. Hơn nữa, vị trí của ngôi mộ cũng trùng khớp với vị trí mà nhiều sử sách từng ghi chép. Thứ hai, những cổ vật được tìm thấy như văn bia đều có các ký tự từ thời Hán - Ngụy.

Cột đá và văn bia cùng dòng chữ "Vũ Hoàng Đế" là bằng chứng rõ ràng nhất về thân thế của người nằm trong mộ. Tào Tháo từng để lại trong di chúc - không muốn chôn cùng những trang sức quý giá và các nhà khảo cổ cũng chỉ tìm thấy những vật dụng thường sử dụng hàng ngày. Thứ ba, bộ xương của người đàn ông trong mộ ở tuổi lục tuần - Tào Tháo chết năm 65 tuổi (155-220).

Điều đáng nói là tuy nhiều nhà khoa học, giới chuyên môn cho rằng, những cổ vật được tìm thấy trong ngôi mộ cổ và phát lộ cách đây hơn 1 năm đều chứng minh, chủ nhân ở đó là Ngụy Vũ Vương, nhưng những tranh cãi xung quanh chủ đề này chưa thể dừng tại đó. Có người cho rằng, khu vực chôn cất Tào Tháo không khớp với truyền thuyết xây 72 ngôi mộ cho dù ông là vị Vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đưa ra quan niệm chôn cất đơn giản.--PageBreak--

Sự chú ý của dư luận đối với mộ Tào Tháo đã gia tăng sau khi hoạt động khai quật được truyền hình phát sóng trực tiếp hôm 12/6. Được biết, chính quyền huyện An Dương vừa quyết định xây một khu di tích thời Tam Quốc để giới thiệu với du khách thập phương những hiện vật được tìm thấy trong mộ Tào Tháo. Khu di tích sẽ tọa lạc trên một khu đất rộng 2,5 km2 và mộ Tào Tháo nằm ở giữa.

Hiện mới chỉ có các nhà khảo cổ, sử gia, giới nghiên cứu và một số đối tượng đặc biệt được phép vào khu vực vừa khai quật. Du khách sẽ được vào sau khi một bảo tàng về Tào Tháo được hoàn tất vào đầu năm 2011. Bảo tàng về Tào Tháo sẽ được xây trên hai hầm mà các nhà khảo cổ vừa khai quật. Tuy khách du lịch chưa được vào bên trong, nhưng vẫn có rất nhiều người đổ về địa điểm khai quật để tham quan nơi chôn cất Ngụy Vũ Vương.

Người dân địa phương đã tranh thủ cơ hội này để kiếm tiền - chụp ảnh, viết cho du khách những bài thơ của Ngụy Vũ Vương, cũng như bán những loại thực phẩm mang tên Tào Tháo... Được biết, sau khi ngôi mộ số 2 (của Tào Tháo) được khai quật hoàn tất, du khách đổ tới xem đông tới mức công tác khai quật mộ số 1 phải trì hoãn. Giới khoa học cho biết, tuy nhiệm vụ chính của khu di tích là bảo vệ các hiện vật tùy táng được tìm thấy, nhưng mọi người đều hiểu đây là hoạt động nhằm phát triển du lịch.

Dư luận cho rằng, với khu di tích này, huyện An Dương sẽ trở thành điểm hút khách du lịch trong thời gian tới và sẽ mang lại một nguồn lợi kinh tế không những cho địa phương, mà cả tỉnh Hà Nam. Nhân sự kiện này, giới khảo cổ được dịp “tố khổ” - trong khi nhiều địa phương tranh nhau nhận mộ Tào Tháo để mình quản lý thì nhiều lăng tẩm của vua chúa thời xưa bị địa phương bỏ quên, trở thành phế tích.

Nhiều diễn viên tiếp tục muốn vào vai Tào Tháo

Trong một thời gian dài, Tào Tháo bị người đời coi là gian hùng, nhưng quan niệm này đã và đang được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, nhất là lĩnh vực điện ảnh. Mặc dù đã có nhiều người vào vai Tào Tháo trong các bộ phim đề cập tới nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Trung Quốc, nhưng điều này cũng không ngăn cản những diễn viên muốn thể hiện tài năng vào vai Ngụy Vũ Vương.

Những cổ vật được tìm thấy trong mộ Tào Tháo.

Kể từ đầu năm 2010 đến nay, dư luận đặc biệt quan tâm tới 2 diễn viên vừa vào vai Tào Tháo. Tuy bộ phim "Việt quang bảo hợp" được giới thiệu hôm 18/3, quy tụ hơn 50 minh tinh, nhưng khán giả vẫn không hài lòng với diễn viên Quách Đức Cương khi anh thể hiện một Ngụy Vũ Vương quá béo. "Việt quang bảo hợp" cũng được đạo diễn và các diễn viên thể hiện theo một phong cách khác - xuất hiện nhiều chi tiết hài khác lạ hoàn toàn không có trong nguyên tác, cùng với những cảnh phòng the nóng bỏng. Tiếp đến là Trần Kiến Bân vào vai Tào Tháo cũng với một chân dung mới và hoàn toàn khác biệt so với Ngụy Vũ Vương từng được thể hiện trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung.

Trần Kiến Bân đã thể hiện một Tào Tháo mang tính nhân văn và khác xa với khuôn mẫu đã quá quen thuộc với khán giả qua những vở Kinh kịch nổi tiếng như "Xúc phóng Tào", "Kích cổ giá Tào", "Từ mẫu giá Tào"... Trần Kiến Bân muốn khắc họa nhân vật theo hiểu biết của mình dưới góc nhìn hiện đại - bộ phim sẽ không giống như những gì khán giả mong đợi - đó là một nhân vật mới lạ. Bộ phim truyền hình Tam Quốc của đạo diễn Cao Hy Hy do Trần Kiến Bân thể hiện vừa được phát sóng tại Trung Quốc và vai diễn Tào Tháo được khán giá đánh giá cao.

Cách đây không lâu (thượng tuần tháng 5/2010), nữ diễn viên Tưởng Cần Cần, vợ Trần Kiến Bân cho biết, chồng cô đã dành rất nhiều tâm huyết cho vai diễn bởi vượt qua được cái bóng của người khác không phải chuyện đơn giản. Cách đây nhiều năm, vai Tào Tháo từng được diễn viên Bao Quốc An thể hiện rất thành công và khán giả đã khá quen thuộc với ấn tượng này.

Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng từng có nhận xét về Tào Tháo không giống với những gì người đời từng đề cập - Không những thống nhất miền Bắc, sáng lập nhà Ngụy, Tào Tháo còn cải cách nhiều hủ tục của triều Đông Hán, thẳng tay với cường hào, phát triển sản xuất, thực hiện chế độ đồn điền mới, đôn đốc khai hoang, thực thi pháp chế, đề xướng tằn tiện, biến một xã hội bị phá vỡ nghiêm trọng đi vào ổn định, khôi phục, phát triển.

Trên văn đàn Trung Quốc (hơn 30 năm trước) từng xuất hiện khuynh hướng xem xét lại sự đánh giá đối với các nhân vật trong Tam Quốc và Tào Tháo được coi là người trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển lịch sử Trung Hoa, đồng thời có nhiều công lao trong những cải cách xã hội thời kỳ bấy giờ

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
.
.