Tìm giải pháp cho khủng hoảng nhân đạo toàn cầu

Thứ Sáu, 27/05/2016, 15:45
Hội nghị Thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới (World Humanitarian Summit) lần đầu tiên được Liên Hiệp Quốc tổ chức vào 2 ngày 23 và 24-5. Hội nghị được cho là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay bàn về các vấn đề liên quan đến công tác cứu trợ nhân đạo, về việc củng cố, đổi mới hệ thống cứu trợ nhân đạo đang ngày càng trở nên lỗi thời.

Nhưng dư luận cũng lo Hội nghị có thể chỉ là nói suông do thiếu vắng nhiều nhà lãnh đạo có uy tín cao trên thế giới.

Sáng ngày 23-5, gần 6.000 đại biểu đến từ 175 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các nhân viên cứu trợ nhân đạo, các chuyên gia về cứu trợ nhân đạo và 57 nguyên thủ quốc gia đã có mặt tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới lần đầu tiên do LHQ tổ chức. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chủ trì Hội nghị.

Người phát ngôn của Hội nghị, ông Herve Verhoosel cho biết, mục đích của Hội nghị là tìm ra giải pháp tốt nhất cho tình hình được cho là “khủng hoảng nhân đạo” hiện nay. Trong đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa ra 5 điểm cam kết để các lãnh đạo thế giới thảo luận và cho ý kiến, bao gồm: Củng cố cơ cấu cứu trợ; cung cấp kinh phí nhiều hơn cho các tổ chức địa phương; tôn trọng hơn các quy tắc chiến tranh và luật nhân đạo; có kế hoạch tốt hơn để ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; và chia sẻ rộng rãi hơn việc tiếp nhận người tị nạn. Ông Banb Ki-moon đặt kỳ vọng các lãnh đạo sẽ đồng ý với các cam kết này.

Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn liệu Hội nghị Thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới có đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người là mang lại những kết quả thiết thực nào hay không, hay đây vẫn chỉ là một cuộc thảo luận đông người mà chẳng mang lại được gì. Có thể thấy sự quan tâm không cao của các lãnh đạo uy tín trên thế giới và sự hoài nghi của một số tổ chức nhân đạo toàn cầu được thể hiện qua động thái cụ thể.

Chẳng hạn, trong các nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới chỉ có bà Thủ tướng Đức Angela Merkel dự Hội nghị, vắng bóng hoàn toàn các lãnh đạo 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an và nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ vì nhiều lý do. Mỹ chỉ cử một phái đoàn phụ trách công tác nhân đạo dự, trong khi Anh do Bộ trưởng Phát triển Justine Greening dẫn đầu. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới đã tỏ thái độ không đồng tình và hủy kế hoạch tham dự Hội nghị.

Riêng Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra nguyên nhân không tham dự Hội nghị là vì ông không đồng tình với bản cam kết 5 điểm của Tổng thư ký Ban Ki-moon. Trung Quốc, quốc gia giàu có thứ nhì thế giới, hiện đang vận hành một hệ thống cứu trợ riêng, không quan tâm nhiều đến vấn đề cứu trợ nhân đạo của LHQ, cho nên cũng chỉ cử đến Istanbul phái đoàn phụ trách cứu trợ nhân đạo nước ngoài.

Theo báo cáo thống kê, thế giới năm 2016 này đang có đến 125 triệu người cần trợ giúp nhân đạo khẩn cấp. Trong số này có hàng triệu người mất nhà cửa hoặc bị buộc phải rời bỏ nơi sinh sống do chiến tranh hoặc do thiên tai. Đặc biệt đáng quan tâm hiện nay là cái mà dư luận thường gọi là “thảm họa nhân đạo” trong các cuộc xung đột vũ trang.

Tổng Thư ký  LHQ Ban Ki-moon (ngồi giữa) chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới lần đầu tiên do LHQ tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế giới vẫn chưa hết bức xúc trước “thảm họa nhân đạo” do Israel gây ra tại Dải Gaza khi đơn phương tiến hành cuộc tập kích quy mô lớn kéo dài hơn một tháng vào năm 2014, cho đến nay vẫn chưa khắc phục xong hậu quả. Đặc biệt là cuộc nội chiến ở Syria đang đặt ra vấn đề nghiêm trọng nhất về nhân đạo. Hơn một triệu người Syria tìm đường chạy sang các nước láng giềng, sang tận châu Âu đã gây nên cuộc khủng hoảng người di cư trong nhiều tháng qua. Chỉ có một số ít trong hàng trăm nghìn người chạy nạn đó được cho ở lại một số quốc gia châu Âu, còn lại bị đẩy trở về nơi xuất phát.

Vừa qua, châu Âu thà chấp nhận bỏ ra vài chục triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để ép quốc gia này giữ chân người Syria tị nạn ở lại đất Thổ hơn là tiếp tục đón nhận họ vào nước mình, vì lo ngại các vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Thổ Nhĩ Kỳ, nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới, cũng đang bị cộng đồng nhân đạo thế giới chỉ trích vì cách đối xử thiếu nhân đạo đối với người Syria tị nạn chiến tranh, và người ta đang chờ xem Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải thích thế nào với thế giới đối với việc đẩy hàng nghìn người Syria quay trở lại vùng chiến sự nguy hiểm?

Theo các chuyên gia, thực trạng nhân đạo hiện nay là hệ quả tồn đọng từ nhiều năm nay của những vấn đề phát sinh trong hệ thống cứu trợ nhân đạo thế giới vốn đã hình thành từ nhu cầu cấp thiết sau Chiến tranh Thế giới lần II. Việc xâm phạm các quy tắc của luật nhân đạo vẫn xảy ra thường xuyên gây khó khăn cho công tác cứu trợ nhân đạo, như việc nhân viên cứu trợ nhân đạo thường xuyên bị tấn công, thậm chí bị sát hại.

Khủng hoảng nhân đạo bên trong Syria cộng với khủng hoảng người di cư do tị nạn chiến tranh từ Syria, Yemen, Afghanistan, Somalia và nhiều khu vực “nóng” khác ở châu Phi đang là thất bại nhức nhối nhất. Nhiều khu vực tại Syria, chiến sự căng thẳng đến độ hoạt động nhân đạo bị trì hoãn vô thời hạn, hàng cứu trợ không thể đến được với thường dân vô tội đang đói khát, bệnh tật. Không thể thuyết phục được các bên tham chiến, hai cường quốc Nga và Mỹ đã phải đưa ra sáng kiến thả hàng cứu trợ từ trên không nếu công tác cứu trợ trên bộ bị tắc nghẽn.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, để cho Hội nghị của LHQ thành công, mang lại những kết quả như kỳ vọng, cộng đồng thế giới cần phải thay đổi hẳn tư duy về công tác cứu trợ nhân đạo. Quyết tâm chính trị phải đi kèm với hành động cụ thể. Trong đó, những quốc phát triển gia giàu có cần phải thay đổi cách nghĩ và thể hiện bằng hành động cụ thể đối với vấn đề nhân đạo.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.