Tín hiệu mới trong quan hệ liên Triều

Thứ Hai, 20/08/2018, 12:19
Ngày 13-8, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn một thông cáo chung giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cho biết quyết định trên được đưa ra bên lề các cuộc đàm phán đang diễn ra trong khu phi quân sự.

Sau hơn 2 tháng quan hệ Mỹ - Triều chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí ngày 15-8, Bộ Tài chính Mỹ còn công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty Nga và Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận kinh tế CHDCND Triều Tiên, trong bối cảnh Washington đang tìm cách duy trì sức ép đối với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân của nước này, thì quan hệ vốn được xem chỉ là “chân gỗ” của Hàn Quốc với CHDCND Triều Tiên lại tiến triển vượt bậc.

Ngày 13-8, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn một thông cáo chung giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cho biết quyết định trên được đưa ra bên lề các cuộc đàm phán đang diễn ra trong khu phi quân sự. Tuy nhiên, ngày giờ cụ thể chưa được thông báo. Cuộc hội đàm giữa hai miền Triều Tiên diễn ra ngày 13-8 tại Bàn Môn Điếm là theo đề nghị của Bình Nhưỡng hồi tuần trước.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In: “Cuộc gặp Thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng vào tháng 9 là cơ hội đi tới hiệp định hòa bình giữa hai miền Triều Tiên”.

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son Gwon cho biết: “Chúng tôi bắt đầu giai đoạn nắm tay nhau cùng đi tới, thay vì đặt chúng tôi theo con đường của người khác”. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Cho Myoung Gyon, dẫn đầu đoàn đàm phán của Hàn Quốc, cho biết: “Nhiều chủ đề được đề cập trong các cuộc thảo luận nhưng tôi tin mọi vấn đề đều có thể giải quyết được trên tinh thần như hiện nay”.

Đây được xem là một sự tan băng đáng kể trong mối quan hệ giữa hai nước sau hơn một năm căng thẳng tăng cao và mối lo ngại xảy ra chiến tranh do việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Tại cuộc gặp này, hai bên đồng ý rằng Tổng thống Moon sẽ đến thăm thủ đô CHDCND Triều Tiên vào mùa thu. Chi tiết về chương trình nghị sự của cuộc họp thứ 3 sắp tới không được công bố, nhưng hai miền Triều Tiên đang thảo luận một loạt vấn đề, từ tuyên bố hòa bình cho đến các dự án chung về cơ sở hạ tầng và kinh tế.

2 ngày sau tuyên bố tổ chức thượng đỉnh lần thứ 3, hôm 15-8, trong diễn văn nhân kỷ niệm 73 năm Hàn Quốc thoát khỏi ách thực dân Nhật, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới đây sẽ có một “bước đi táo bạo” để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 6 thập niên chia cắt hai miền Triều Tiên. 

Cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 bằng một thỏa thuận đình chiến, được các bên tham chiến ký kết, gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên. Nhưng đó chưa phải là một hiệp định hòa bình. Chính vì vậy mà hai miền Nam-Bắc Triều Tiên vẫn luôn ở trong tình trạng chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gặp nhau vào tháng 4-2018 tại Bàn Môn Điếm.

Ngoài ra, Tổng thống Moon Jae In cho biết chính phủ của ông có kế hoạch bắt đầu một dự án đường sắt chung với CHDCND Triều Tiên trong năm nay, đồng thời gắn kết việc hợp tác kinh tế hai miền với việc giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. “Việc kết nối lại tuyến đường sắt và đường bộ là khởi đầu của sự thịnh vượng chung trên Bán đảo Triều Tiên”, Tổng thống Hàn Quốc nói.

Ông Moon còn cho biết việc chấm dứt “sự ngờ vực sâu sắc” giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ là điều cần thiết trong việc thực hiện thỏa thuận hai miền. Nhưng ông nói thêm rằng việc cải thiện quan hệ hai miền không phụ thuộc vào quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington. Ông Moon nói thêm, ngay cả khi “sự thống nhất chính trị” giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc là một chặng đường dài, việc thiết lập hòa bình, cho phép đi lại giữa hai miền và hình thành một cộng đồng kinh tế chung sẽ là “sự giải thoát thực sự cho chúng ta”.

Đúng là gần đây, truyền thông CHDCND Triều Tiên có lên tiếng đổ lỗi cho Hàn Quốc chậm trễ trong việc thực hiện Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm tháng 4-2018. Tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - cũng nhắc lại lời kêu gọi Hàn Quốc không tuân theo lệnh trừng phạt của các thế lực nước ngoài áp đặt đối với Bình Nhưỡng, cho rằng việc gây sức ép trừng phạt không thể tương thích với việc cải thiện quan hệ. Nhưng nay, với sự khẳng định của trưởng đoàn đàm phán của hai bên ngày 13-8, những ngờ vực trên gần như tan biến, nhường chỗ cho những hy vọng về một nền hòa bình thực sự giữa hai nước.

Cùng với hy vọng lớn lao ở trên, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên còn đang được cải thiện trên nhiều lĩnh vực. Ngày 15-8, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này và CHDCND Triều Tiên đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự ở khu vực phía đông Bán đảo Triều Tiên. Trước đó, hồi tháng 7-2018, hai miền Triều Tiên đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự tại khu vực phía tây Bán đảo Triều Tiên.

Cũng trong ngày 15-8, một đội tiền trạm của Hàn Quốc đã lên đường tới CHDCND Triều Tiên để kiểm tra công tác chuẩn bị cho sự kiện đoàn tụ các gia đình ly tán do chiến tranh. Theo các quan chức Chính phủ Hàn Quốc, một đội gồm 18 thành viên đã khởi đầu tới núi Kumgang trên bờ biển phía đông CHDCND Triều Tiên, nơi sự kiện đoàn tụ sẽ diễn ra lần đầu tiên sau gần 3 năm.

Chưa hết, vào ngày 16-8, theo các quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nước này sẽ chi khoảng 3,5 tỷ won (3,1 triệu USD) lấy từ Quỹ Hợp tác liên Triều trong năm 2018 để cung cấp nguồn tài chính cho hoạt động của văn phòng liên lạc liên Triều chuẩn bị mở cửa tại thành phố Kaesong vào cuối tháng 8 này.

Trên bình diện quốc tế, sau những cải thiện rõ nét về tình hình tại Bán đảo Triều Tiên thời gian qua, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15-8 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục đề nghị nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh sớm nhất có thể. Bình Nhưỡng và Moscow đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trước cuối năm nay.

Ông Putin đã mời ông Kim Jong-un tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông thường niên dự kiến sẽ được tổ chức tại Vladivostok trong tháng 9, song đến thời điểm này Bình Nhưỡng vẫn chưa hồi đáp lời mời trên. Cùng ngày 15-8, Trung Quốc đã lên tiếng hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới, đồng thời khẳng định các cuộc thảo luận như vậy sẽ giúp “thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.

M.T. (tổng hợp)
.
.