Tỉnh Đồng Nai: Công bố danh sách cán bộ mắc khuyết điểm

Thứ Sáu, 22/05/2009, 15:20
Ngày 7/5/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Một đã ký văn bản, yêu cầu lãnh đạo của 9 sở, ngành tại địa phương viết bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật vì có liên quan đến 3 loại trách nhiệm, gồm “Trách nhiệm người đứng đầu trong việc thiếu kiểm tra, đôn đốc việc kê khai tài sản”, “Trách nhiệm của cấp phó được thủ trưởng giao trực tiếp chỉ đạo thực hiện kê khai tài sản trong đơn vị” và “Trách nhiệm cá nhân thiếu gương mẫu trong kê khai tài sản”.

Có lẽ Đồng Nai là tỉnh đầu tiên của cả nước “dám” công bố đích danh những cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm trong lĩnh vực này.

Theo Văn bản số 3395/UBND ngày 7/5 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo 9 sở, ngành ở tỉnh Đồng Nai phải viết kiểm điểm và tự đề xuất hình thức kỷ luật gồm các ông, bà: Nguyễn Cảnh - Giám đốc Sở Xây dựng; ông Phạm Văn Sáng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN); bà Nguyễn Thị Thành - Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom - ngoài “trách nhiệm người đứng đầu trong việc thiếu kiểm tra, đôn đốc việc kê khai tài sản”, thì còn có cả “trách nhiệm chưa gương mẫu”, bà Nguyễn Thị Thanh Yên - Chủ tịch UBND huyện Định Quán (gồm cả “trách nhiệm chưa gương mẫu”) , ông Từ Ngọc Chiếu - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (gồm cả “trách nhiệm chưa gương mẫu”).

Riêng với các cấp phó được giao trực tiếp chỉ đạo việc kê khai tài sản trong đơn vị phải viết kiểm điểm gồm: ông Đoàn Hải - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông  Nguyễn Sỹ Mơn - Phó giám đốc Sở Xây dựng, ông  Phạm Gia Hải - Phó giám đốc Sở KH&CN, ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom (gồm cả “trách nhiệm chưa gương mẫu”), ông Doãn Đức Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom (gồm cả “trách nhiệm chưa gương mẫu”), ông Võ Văn Phước - Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán (gồm cả “trách nhiệm chưa gương mẫu”), ông Giang Chí An - Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (gồm cả “trách nhiệm chưa gương mẫu”).

Bên cạnh đó, còn có các ông Phạm Minh Báu, ông Tô Thành Buông; cả hai cùng là Phó giám đốc Sở NN&PTNT, ông Dương Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, ông Lê Mạnh Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, ông Lê Vân Chính, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, chịu trách nhiệm về cá nhân chưa gương mẫu, chậm trễ trong việc kê khai tài sản.

Thật ra, việc cán bộ, công chức phải kê khai tài sản cá nhân đã được nói rõ trong Nghị định số 37 về minh bạch tài sản do Chính phủ ban hành, và cuộc tổng kê khai này được tiến hành từ tháng 12/2007. Đối tượng phải kê khai là những cá nhân nằm trong quy định của Luật Phòng chống tham nhũng: Cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; cán bộ, công chức 

Phòng chống tham nhũng: Cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên; sĩ quan từ phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn trở lên; bác sĩ  trưởng các phòng khoa, kế toán trưởng, giám đốc, phó giám đốc bệnh viện và Viện nghiên cứu của Nhà nước; từ phó ban trở lên với các báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước...

Tài sản, thu nhập phải kê khai là nhà, quyền sử dụng đất, kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật...

Mục đích của việc kê khai là để cơ quan có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó. Đó cũng chính là thước đo thái độ, trách nhiệm, lòng trung thực của cán bộ, đảng viên trước tổ chức, và đó  cũng là cơ sở pháp lý để giám sát cán bộ, làm cơ sở đối chiếu với các tố cáo hoặc nghi vấn về tham nhũng, tiêu cực - nếu có - về sau này.

Tại các cuộc tập huấn thực hiện, đại diện các bộ, ngành, tỉnh, thành đều được quán triệt rằng các quy định hiện hành vẫn đảm bảo bí mật tài sản, thu nhập cho cán bộ, công chức cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, một năm sau thời điểm Nghị định về minh bạch tài sản có hiệu lực thi hành, chỉ có 19 cơ quan trung ương và 10 địa phương là hoàn thành xong việc kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức. Điều này khiến dư luận  tỏ ra  lo ngại về sự chậm trễ, thiếu ý thức chấp hành trong kê khai của nhiều bộ, ngành và địa phương, có thể dẫn đến chủ trương này rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột”.

Thực trạng ấy đã được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, đến đầu tháng 2/2008, hàng loạt chủ tịch UBND tỉnh, thành cùng nhiều bộ trưởng đã bị phê bình do chưa hoàn thành trách nhiệm trong việc tổ chức kê khai tài sản mà lẽ ra, công tác này phải hoàn thành trước ngày 30/4/2008.

Nửa tháng sau đó, thêm một số đơn vị có báo cáo kê khai, nâng tổng số lên 35 bộ, ngành cơ quan trung ương và 57 địa phương hoàn thành kê khai lần đầu. Tuy nhiên, một vài nơi vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều địa phương cho rằng do lần đầu thực hiện chủ trương này nên đã gặp phải một số lúng túng.

Trở lại với chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký văn bản yêu cầu lãnh đạo của 9 sở, ngành tại địa phương viết bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật thì trong đó nói rõ sai phạm của những cán bộ này làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, báo cáo kết quả kê khai tài sản của cả tỉnh, dẫn đến việc Thủ tướng Chính phủ có văn bản phê bình Chủ tịch UBND tỉnh chưa hoàn thành nhiệm vụ theo quy định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Võ Văn Một cũng yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm bộ phận tham mưu về công tác kê khai tài sản, cũng như trách nhiệm cá nhân của những cán bộ cấp dưới thiếu trách nhiệm hoặc sai phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Đồng thời, giao Thanh tra Nhà nước tỉnh đề xuất phương án xử lý những bản kê khai tài sản được thực hiện chưa đúng quy định của Nghị định 37, cũng như tập huấn lại công tác kê khai tài sản, thu nhập để năm 2009, tỉnh Đồng Nai không còn những vi phạm.

Vẫn theo Văn bản nêu trên, trước ngày 10/6, các đơn vị liên quan phải báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo này lên Chủ tịch tỉnh, đồng thời giao Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo, trình lãnh đạo tỉnh trước ngày 25/6.

Về phía những cá nhân bị Chủ tịch tỉnh Đồng Nai nêu đích danh, có ý kiến cho rằng việc chậm nộp kê khai tài sản là do ý thức chủ quan, và thời gian chậm trễ cũng không nhiều lắm so với quy định.

Lại có ý kiến biện minh, rằng thời điểm kê khai tài sản rơi đúng vào dịp gần tết âm lịch 2008, trong lúc nhiều cơ quan, ban, ngành còn phải lo tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng nên chưa thực hiện kịp thời.

Cũng không thiếu trường hợp đổ cho cấp dưới, rằng trách nhiệm trong việc chậm trễ ấy thuộc về phó giám đốc, chánh văn phòng được giao nhiệm vụ nhưng chưa chỉ đạo sát sao.

Tuy nhiên, tất cả đều nhìn nhận rằng, việc bị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải kiểm điểm là hoàn toàn đúng nhưng chưa rõ các cá nhân có tên trong văn bản ấy, sẽ tự nhận hình thức kỷ luật như thế nào.

Cũng cần nói thêm rằng trong lần kê khai đầu tiên, Thanh tra Chính phủ chưa đặt ra vấn đề các đối tượng đã kê khai đầy đủ, trung thực hay không bởi lẽ mục đích của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm xác lập hồ sơ kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức. Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào bảng khai ấy như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với tổ chức. Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không trung thực thì sẽ bị xử lý.

Khi đã xác lập được hồ sơ pháp lý kê khai ban đầu của cán bộ, công chức, cơ quan quản lý sẽ lấy số liệu ấy làm căn cứ để đối chiếu với đợt kê khai sau. Bắt đầu từ năm 2009, sẽ thực hiện kê khai hàng năm. Nếu phát hiện có chênh lệch so với bản kê khai ban đầu thì cán bộ đó phải giải trình rõ nguồn gốc phát sinh thêm tài sản. Giải trình không rõ, có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật. Ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý...

Việc lãnh đạo tỉnh Đồng Nai công bố danh tính các cán bộ có thiếu sót là thể hiện quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh. Đây là việc làm thật đáng hoan nghênh và hy vọng rằng tỉnh Đồng Nai sẽ có những bước đi tiếp theo thích hợp trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng

V.C.
.
.