Tình báo Mỹ quyết liệt chống rò rỉ thông tin

Thứ Năm, 19/07/2012, 16:40

Sau khi hàng loạt thông tin thuộc dạng bí mật quốc gia được báo chí đăng tải, đặc biệt là thông tin về các chiến dịch phá hoại Iran của tình báo Mỹ và Israel, thông tin chi tiết về các chiến dịch máy bay không người lái ở Pakistan, Yemen, Somalia,… bị báo chí phanh phui, ngành tình báo Mỹ bắt đầu nhận thấy cần phải tìm cách bịt kín các lỗ rò rỉ nhằm hạn chế tối đa việc xì thông tin nội bộ ra bên ngoài.

Tình trạng rò rỉ thông tin bí mật quốc gia từ các cơ quan tình báo đang là vấn đề đau đầu của chính quyền Mỹ. Theo thống kê, từ khi Tổng thống Obama nhậm chức đến nay, nhà chức trách Mỹ đã đưa ra tòa án xét xử 6 vụ án liên quan đến việc tiết lộ thông tin bí mật trong ngành tình báo cho báo chí, gấp đôi số vụ dưới thời tất cả các tổng thống trước đây. Con số này không phản ánh hết thực tế, vì chỉ những vụ nghiêm trọng và có đầy đủ chứng cứ mới có thể đưa ra xét xử. Còn thì rất nhiều vụ rò rỉ thông tin tình báo đã không thể truy cứu đến cùng vì nhiều trở ngại về pháp lý.

Theo một báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Thượng viện Mỹ tháng 4/2010, trong giai đoạn 2005-2009, các cơ quan tình báo đã thông báo lên Bộ này 183 trường hợp được xem là rò rỉ thông tin hạn chế lưu hành. Từ nguồn thông báo đó, FBI đã sàng lọc và tiến hành 26 cuộc điều tra, xác định được 14 nghi can. Giai đoạn sau năm 2009, những thông tin về những trường hợp được thông báo, điều tra truy xét như thế không còn được phổ biến nữa, cho nên cũng khó biết tình trạng thực tế rò rỉ thông tin phổ biến đến mức nào.

Những năm gần đây, việc kiểm soát rò rỉ thông tin phần nào được thuận tiện hơn nhờ sự trợ giúp của công nghệ mới. Nhưng những biện pháp hành chính thông thường cho đến nay đã tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí chỉ xử lý phần ngọn, dọn dẹp hậu quả, chứ không thể giúp cơ quan quản lý ngăn chặn được vấn nạn này.

Chính vì thế, ngành tình báo Mỹ tăng cường, bổ sung thêm những biện pháp mới nhằm hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn. Những biện pháp đó vừa được Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) James R. Clapper Jr công bố vào cuối tháng 6 vừa qua.

Theo thông báo của Văn phòng DNI, những biện pháp mới này nhằm hỗ trợ các cơ quan tình báo Mỹ trong quá trình điều tra các vụ rò rỉ thông tin, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp có nguy cơ rò rỉ thông tin. Tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, CIA, FBI, DIA, NGIA, NRO, NSA,… và cơ quan tình báo tiền phương của Bộ Quốc phòng vừa mới thành lập đều phải tuân thủ và thực hiện theo đúng các quy tắc kiểm tra, giám sát này.

Theo DNI, bước đầu tiên theo các quy tắc mới là các sĩ quan, nhân viên tình báo khi mới bước chân vào cơ quan làm việc sẽ phải làm bài kiểm tra trước máy kiểm tra nói dối (polygraph examination), và cứ sau 7 năm họ sẽ phải kiểm tra lại một lần. Từ nay, bên cạnh các câu hỏi về việc tiếp xúc với các điệp viên ngoại quốc, giới chức ngành tình báo cũng sẽ được hỏi về việc họ có từng tiết lộ thông tin mật nào không.

Theo Văn phòng DNI, các quy tắc mới cũng trao cho các nhà điều tra của một cơ quan tình báo nhất định quyền triệu tập bất kỳ quan chức nào để kiểm tra trước máy kiểm tra nói dối để phục vụ điều tra một vụ rò rỉ thông tin, bên cạnh cuộc điều tra hình sự của FBI.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/22_thiet1178-450.jpg
Thiết bị kiểm tra nói dối sẽ được đưa vào kiểm tra nhân viên làm việc cho các cơ quan tình báo Mỹ.

Bước thứ hai trong các quy tắc mới của DNI là sẽ điều chỉnh phương án xử lý trường hợp thủ phạm rò rỉ thông tin không bị Bộ Tư pháp quyết định truy tố hình sự do phải bảo đảm giữ bí mật danh tính hoặc những thông tin bí mật khác có liên quan, thì vấn đề sẽ được cơ quan chủ quản của thủ phạm ra quyết định xử lý hành chính hoặc nếu nặng thì sa thải.

Theo ông Shawn Turner, Giám đốc truyền thông của Văn phòng DNI, do một số thông tin tình báo bí mật đôi khi được chia sẻ giữa nhiều cơ quan tình báo với nhau cho nên cũng khó lòng cho Tổng thanh tra của một cơ quan tình báo đơn lẻ tiến hành điều tra một vụ việc có liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau. Từ đây phát sinh yêu cầu phải có một Tổng thanh tra có đủ quyền hành đối với tất cả các cơ quan tình báo. Trên cơ sở này, DNI đã cho thành lập Tổng thanh tra cộng đồng tình báo, và người đầu tiên được bổ nhiệm giữ chức vụ này là I.Charles McCullough III. McCullough sẽ phụ trách việc điều tra tất cả các vụ việc vi phạm trong ngành tình báo Mỹ, đặc biệt tập trung những vụ việc liên quan đến rò rỉ thông tin.

Việc thành lập Tổng thanh tra cộng đồng tình báo được chào đón nhiệt tình bởi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers. Ông Rogers và một số nghị sĩ khác cũng đang xem xét cho ra đời những quy định luật pháp bổ sung nhằm hỗ trợ tích cực hơn cho công tác kiểm soát thông tin tình báo bí mật. Ông Rogers đồng thời cũng là một trong những người kêu gọi lập ra một cơ quan công tố đặc biệt với chức năng và quyền hạn độc lập để xét xử hiệu quả các vụ rò rỉ thông tin. Tuy nhiên, việc lập ra thêm một cơ quan công tố đặc biệt như thế sẽ rất khó khăn vì không nhận được sự ủng hộ của Bộ Tư pháp và nhiều nghị sĩ khác trong Quốc hội

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.