Tình hình Donbass leo thang gây căng thẳng cục diện

Thứ Hai, 12/04/2021, 10:16
Tình hình ở Donbass tiếp tục trở nên tồi tệ hơn sau cái chết của cậu bé Vladislav ở Alexandrovs-koye vì bị máy bay không người lái của quân đội Ukraine sát hại hôm 3-3. Căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa Nga và phương Tây...


Trong ngày 6-4, quân đội Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn 8 lần và bắn 87 quả đạn cối, trong đó có 16 quả 120 mm và 82 mm vào lãnh thổ của DPR (Cộng hòa nhân dân Donetsk). Những đợt tấn công này đã làm mất điện thị trấn Vassilievka, buộc các nhân viên nhà máy xử lý nước ở Donetsk phải trú ẩn trong các hầm trú bom, điều này dẫn đến việc cung cấp nước bị cắt giảm.

Leo thang quân sự tiếp tục ở Donbass

Ngoài việc vi phạm các thỏa thuận Minsk của quân đội Ukraine, còn có sự vi phạm điểm đầu tiên trong các biện pháp kiểm soát ngừng bắn bổ sung được Kiev ký vào tháng 7 năm 2020, đó là việc cấm “bất kỳ hoạt động tấn công hoặc do thám nào”.

Trước đó, Cộng hòa nhân dân Donetsk tiết lộ rằng vào ngày 4 tháng 4, lợi dụng trời tối, mưa và sương mù, một nhóm 3 binh sĩ Ukraine đã cố gắng thực hiện một chiến dịch trinh sát đối với bom mìn được cài đặt giữa các vị trí của quân đội Ukraine và những dân quân Donetsk gần Choumy.

Một ngôi làng ở Donetsk trúng đạn cối của quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, các binh sĩ DPR đã nhanh chóng phát hiện ra nhóm trinh sát Ukraine và để họ tiếp cận. Khi những kẻ phá hoại đến đủ gần, các binh sĩ DPR đã nổ súng, giết chết 1 binh sĩ Ukraine và khiến 2 người còn lại bỏ chạy, được cho là bị thương. Người lính thiệt mạng được xác định là Igor Baitala, lính đặc công Tiểu đoàn xung kích sơn cước 8 thuộc Lữ đoàn 10 Lục quân Ukraine. Các vật liệu tìm thấy trên người này cho thấy có vẻ như mục tiêu của nhóm binh sĩ Ukraine là tìm hoặc dọn một lối đi an toàn tới vị trí của lực lượng DPR và đặt các loại mìn hoặc thiết bị nổ khác.

Theo điểm thứ nhất trong các biện pháp kiểm soát ngừng bắn bổ sung, người ta có thể hiểu tại sao chính quyền Ukraine đã công bố một phiên bản khác cho tình huống trên, vì điều này rõ ràng giúp Kiev thực hiện kế hoạch leo thang tình hình ở Donbass.

Đảo ngược cáo buộc và tuyên truyền chiến tranh

Và trong khi tình hình ở Donbass ngày càng tồi tệ, phương Tây ngược lại đang cáo buộc và sử dụng tuyên truyền và dối trá trên quy mô lớn để đổ lỗi cho Nga làm leo thang căng thẳng. Chẳng hạn, các phương tiện truyền thông phương Tây liên tục đưa tin rằng chính Nga là bên phải chịu trách nhiệm về sự leo thang tình hình ở Donbass, với sự phủ nhận một cách thô thiển, ví dụ như khi coi cái chết của cậu bé Vladislav là tin giả, hoặc bịa ra những cái cớ ngụy tạo để giải thích cho cái chết của đứa trẻ và xóa bỏ trách nhiệm của vụ không kích gây ra.

Theo Sputnik, việc tuyên truyền được bôi trơn kỹ càng này lại mâu thuẫn với thực tế vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất đó là Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột, như Thỏa thuận Minsk đã chỉ ra. Những bên duy nhất có thể áp dụng lệnh ngừng bắn là Ukraine, DPR và LPR (Cộng hòa nhân dân Luhansk). OSCE, Pháp, Đức và Nga chỉ là những bên hòa giải và bảo đảm cho Thỏa thuận Minsk.

Phản ứng của các nhà ngoại giao và chính trị Nga cũng như việc di chuyển quân đội Nga gần biên giới với Ukraine chỉ là phản ứng đối với lời nói và hành động của Ukraine. Bên đầu tiên tích lũy vũ khí hạng nặng và số lượng lớn thiết bị quân sự gần tiền tuyến là Ukraine. Các động thái về phía Nga đã không diễn ra trước đó. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông phương Tây đều đồng loạt đưa tin tuyên truyền, chỉ trích phản ứng của Nga mà quên mất nguyên nhân của phản ứng này, đó là sự leo thang từ phía Ukraine.

Sự bóp méo hoàn toàn sự thật này của các phương tiện truyền thông phương Tây giúp Ukraine trong hoạt động truyền thông nhằm biện minh cho cuộc tấn công mà họ đang chuẩn bị. Các phương tiện truyền thông phương Tây đang chơi trò ảo thuật gây mất trí nhớ có chọn lọc! Nhờ thủ thuật này, các chuyên gia giả mạo của NATO như Hội đồng Đại Tây Dương có thể dễ dàng tuyên bố rằng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine trong những ngày hoặc giờ tới.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây

Sự thao túng truyền thông này đã khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện đang trở nên căng thẳng. Mỹ và EU nói rằng họ hoàn toàn ủng hộ Ukraine trong trường hợp Nga gây hấn. Nga đã giải thích rất lâu với Washington về sự leo thang tình hình ở Donbass và cảnh báo về hậu quả của các chính sách của nước này. Nhưng, có vẻ như những mệnh lệnh của Mỹ, nguyên nhân dẫn đến sự leo thang căng thẳng ở Donbass, mạnh hơn những lời cảnh báo của Moscow.

Ông Konstantin Kossatchev - Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga cho rằng, lập trường của các nước châu Âu về cuộc xung đột ở Donbass chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Thật vậy, tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine có mặt tại Donbass từ ngày 6 đến ngày 8-4 để thăm các căn cứ của quân đội Ukraine. Phái đoàn Mỹ tất nhiên được các nhà báo tháp tùng để ghi lại những vi phạm lệnh ngừng bắn.

Thái độ của EU khi nhắm mắt làm ngơ, trên thực tế là theo Washington, cũng bị Nga chỉ trích gay gắt. Bình luận về tuyên bố chung của các ngoại trưởng Pháp và Đức, những người đã chỉ trích các chuyển động của quân đội Nga và ủng hộ Ukraine mà không lên án cái chết của cậu bé Vladislav, Konstantin Kossatchev, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga cho rằng lập trường của các nước châu Âu về cuộc xung đột ở Donbass chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”.

“Chừng nào phương Tây vẫn giữ im lặng, Kiev sẽ mặc định coi quan điểm đó như một phương án xác thực cho một chiến dịch quân sự, cho việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ bằng vũ lực. Lập trường của Nga là không vũ lực, chỉ đối thoại trực tiếp giữa các bên xung đột. Điều này không xuất hiện trong tuyên bố của hai bộ trưởng Pháp - Đức và theo nghĩa này chỉ đổ thêm dầu vào lửa xung đột”, thượng nghị sĩ Kossatchev tuyên bố.

Ông cũng nói thêm rằng, hậu quả của quan điểm hiện tại của Đức và Pháp, khi họ nhấn mạnh sự cần thiết - chỉ đối với Nga - thực hiện các thỏa thuận Minsk, “loại bỏ mọi chỉ trích từ Ukraine và phớt lờ những người dân ở đông nam nước này”.

“Đây là điều thực sự nghiêm trọng. Và nó không chỉ là thái độ đạo đức giả trong cách tiếp cận của phương Tây. Thảm kịch của Nam Tư, bắt đầu vào tháng 12-1991 sau khi bên ngoài công nhận nền độc lập của Croatia và Slovenia, chỉ kết thúc sau 10 năm”, ông Kossatchev nhấn mạnh.
Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.