Tình trạng mất an ninh ở Iraq: Ngoài tầm kiểm soát

Thứ Năm, 10/07/2014, 19:40

Mọi nỗ lực từ nhiều phía đang được thực hiện nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Iraq, chặn đà tiến quân của phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIS), thế nhưng cho đến nay, mọi chuyện vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát, trong khi Thủ tướng Nuri al-Maliki dường như chưa có động thái gì quyết liệt để ngăn ISIS ngoài việc cứng rắn bác bỏ gợi ý hòa giải dân tộc.

Quân Iraq như ong vỡ tổ

Theo thông tin mới nhất trên báo nước ngoài, đến ngày 26/6, phiến quân ISIS đang tiến rất sát thủ đô Baghdad, và Thủ tướng Nuri al-Maliki đang trong tình thế nguy khốn.

Điều đáng lo ngại cho Chính phủ Iraq là phiến quân ISIS không chỉ đánh chiếm các đô thị, thị trấn, mà còn chiếm giữ các khu vực khai thác dầu mỏ và khí đốt lớn nhất nước tại thành phố Tikrit (cách Baghdad 140 km về phía bắc) và thị trấn Mansouriyat al-Jabal gần đó. Đà tiến quân của phiến quân Sunni mạnh đến nỗi mặc dù hàng ngàn dân quân Shiite đã tình nguyện cầm súng chiến đấu theo lời kêu gọi của Đại giáo chủ Ali al-Sistani, nhưng cũng không thể ngăn được ISIS.

Hiện tại, lực lượng quân đội Iraq đang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tại tỉnh Anbar - vành đai ngoài cách trung tâm Baghdad khoảng 35 km, để bảo vệ thủ đô Baghdad

Không chỉ phiến quân ISIS đang tiến quân thần tốc về Baghdad, mà lực lượng người Kurd ở miền Bắc cũng đang củng cố sự kiểm soát của họ ở khu vực Bắc Iraq, đặc biệt là thành phố Kirkuk. Trong những ngày sau khi các thành phố quan trọng ở miền Bắc Iraq là Mosul và Tikrit rơi vào tay phiến quân ISIS, lực lượng người Kurd Peshmurga đã tiến vào thành phố Kirkuk để trấn giữ thành phố này, ngăn chặn sự xâm lấn của thành phần ISIS, trong khi quân đội Iraq được cho là "bỏ chạy" về phía nam.

Đây là cơ hội hiếm có cho người Kurd. Các lãnh đạo người Kurd đều đang chuẩn bị sẵn sàng để đẩy mạnh việc thành lập nhà nước riêng cho người Kurd, tách hẳn khỏi Baghdad. "Kirkuk cuối cùng sẽ sản xuất dầu cho người Kurd" - phát biểu của Muhama Khalil, Chủ tịch Ủy ban kinh tế Quốc hội Iraq, người Kurd.

Thủ lĩnh người Kurd Massoud Barzani còn khiến mọi người lo ngại hơn khi tuyên bố rằng, Iraq trên thực tế đã tan rã, và người Kurd rốt cuộc đang có cơ hội thoát ra khỏi thực thể được kết dính lại một cách gượng ép. Barzani cho rằng, đây là lúc để người Kurd tự quyết định tương lai của mình. Barzani được xem là thủ lĩnh trên thực tế của khoảng 40 triệu người Kurd ở vùng đất trải dài từ Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ sang Đông Bắc Syria, Bắc Iraq và Tây Bắc Iran.

Việc thành lập một nhà nước Kurdistan là ước mơ trăm năm của họ. Vì vậy, việc Iraq đang khủng hoảng và người Kurd tận dụng cơ hội gia tăng quyền tự chủ ở miền Bắc Iraq đang khiến cho nhiều quốc gia xung quanh lo lắng họ sẽ bị ảnh hưởng.

Thành lập chính phủ liên hiệp là “cuộc đảo chính hiến pháp”!

Trong khi đó, các cường quốc thế giới và khu vực vẫn không ngừng nỗ lực nhằm giúp Chính phủ của Thủ tướng Maliki đối phó với phiến quân ISIS. Tờ New York Times cho biết, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã quyết định cử 300 cố vấn quân sự sang Iraq hỗ trợ Thủ tướng Maliki, cộng với 180 cố vấn đã cử sang từ trước, nhân sự của Mỹ tại Iraq đã gia tăng trở lại.

Ngày 24/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Iraq hội đàm với Thủ tướng Maliki để tìm kiếm giải pháp giúp Baghdad ngăn chặn ISIS. Buổi làm việc của Ngoại trưởng Kerry với Thủ tướng Maliki diễn ra giữa lúc dư luận Iraq và quốc tế đang lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Maliki là người phải chịu trách nhiệm chính cho tình hình đất nước hỗn loạn hiện nay, khiến Iraq đang đứng trước nguy cơ tan rã, sụp đổ lớn nhất kể từ khi ông Saddam Hussein bị quân đội Mỹ phế truất.

Dư luận chỉ trích: Sai lầm lớn của ông Maliki là đã loại bỏ những người thuộc sắc tộc Kurd ở miền Bắc và người Sunni khi ông tiến hành thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 30/4, và chính sai lầm này đã châm ngòi cho cơn giận của người Hồi giáo Sunni, từ đó tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của phiến quân cực đoan ISIS.

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Maliki ngày 24/6, Ngoại trưởng John Kerry đã kêu gọi ông Maliki sửa sai bằng cách thành lập một chính phủ liên hiệp, cứu nguy dân tộc, có sự tham gia của tất cả các thành phần tôn giáo, sắc tộc ở Iraq, trong đó có người Kurd và Hồi giáo Sunni, nhằm tạo ra bầu không khí chính trị đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, trong một phát biểu trên Truyền hình Quốc gia Iraq ngày 26/6, Thủ tướng Maliki đã bác bỏ lời kêu gọi đó, cho rằng đó là "cuộc đảo chính Hiến pháp và là nỗ lực xóa bỏ dân chủ" ở Iraq. Ông Maliki cáo buộc các đối thủ chính trị của ông bên trong Iraq là "thủ phạm" gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay, và tuyên bố rằng ông sẽ vẫn xúc tiến việc thành lập chính phủ mới bất chấp nguy cơ tấn công của phiến quân ISIS.

Trong phát biểu trên Truyền hình NBC sau chuyến làm việc tại Iraq, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã phản bác lại tuyên bố của Thủ tướng Maliki, và cho rằng một Iraq đoàn kết, thống nhất mới có đủ sức mạnh để ngăn chặn nguy cơ xung đột và tan rã.

Trong một diễn biến đáng lo ngại liên quan cuộc khủng hoảng Iraq, theo kênh truyền hình Foxnews ngày 26/6, Iran đã có những động thái hỗ trợ Chính phủ Iraq bằng cách cử các cố vấn quân sự và Chỉ huy trưởng lực lượng khét tiếng Quds Force sang Iraq để giúp vạch chiến lược tác chiến chống ISIS. Đồng thời, Iran cũng được cho là đã điều máy bay không người lái bay do thám trên bầu trời Iraq tại khu vực giáp biên giới 2 nước.

Còn tờ Guardian của Anh thì đăng tin: Máy bay của quân đội Syria trong lúc truy kích các phần tử ISIS tham gia nội chiến ở miền Đông Syria đã oanh tạc thị trấn Al-Qaim ở miền Tây Iraq, nơi được cho là tập trung các phần tử ISIS đang chiến đấu ở Iraq và Syria, và gây thương vong khoảng 30 người, trong đó có nhiều thường dân. Thủ tướng Iraq Maliki hôm 26/6 đã xác nhận việc máy bay Syria oanh kích các phần tử ISIS và hoan nghênh hành động này.

Tuy nhiên, mặc dù các hành động của Syria và Iran đều nhằm khống chế phiến quân ISIS, Washington cũng không thấy vui mà trái lại đang tỏ ra lo lắng về một nguy cơ khác. Điều Washington lo nhất chính là việc Syria và Iran trực tiếp can thiệp nhằm hỗ trợ Thủ tướng Iraq Maliki có thể thổi bùng ngọn lửa xung đột giáo phái lan rộng khắp khu vực Trung Đông.

Chính vì vậy, Ngoại trưởng John Kerry đã đến Arập Xêút hôm 27/6 trong một nỗ lực tiếp theo nhằm giải quyết khủng hoảng Iraq, cũng là để ngăn chặn sự lan rộng của xung đột khắp Trung Đông

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.