Tổ chức điều tra các vụ cháy ở Pháp

Thứ Năm, 29/12/2005, 09:01

Theo Lực lượng Cứu hỏa quốc gia Pháp (DPN), chỉ trong năm 2005, đã xảy ra 843 vụ cháy lớn nhỏ ở Pháp, giảm 13% so với năm 2004 nhưng cũng gây thiệt hại đến 53.000 hécta rừng, phá hủy 263 công trình kiến trúc, và làm thiệt mạng 56 người (6 nhân viên cứu hỏa).

Nếu như việc chống cháy và chữa cháy được giao cho các đơn vị trực thuộc DPN thì việc điều tra nguyên nhân các vụ cháy lại do Viện công tố, cảnh sát và tòa án thực hiện, trong đó quan trọng nhất phải kể đến vai trò của Cục Cảnh sát khoa học - kỹ thuật hình sự trực thuộc Bộ Nội vụ mà nòng cốt là Đơn vị điều tra kỹ thuật hình sự các vụ cháy (DITC).

Mọi cuộc điều tra dù lớn hay nhỏ đều có sự tham gia của một tổ công tác gồm nhân viên cứu hỏa, nhân viên DITC, nhân viên quản lý rừng nếu là cháy rừng, để xác định nguyên nhân và kết luận là có dấu hiệu hình sự hay không. Nếu có dấu hiệu hình sự, Viện công tố sẽ dựa vào kết luận để khởi tố vụ án. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất là của DITC qua việc điều tra, đánh giá cụ thể một vụ cháy để xác định nguyên nhân.

Trung tá Gérôme Gruau cho biết: “Điều quan trọng là phải xác định cho bằng được nguyên nhân địa lý của một vụ cháy. Điều này sẽ làm sáng tỏ vụ cháy đã phát xuất như thế nào và là manh mối quan trọng giúp cuộc điều tra đưa ra những kết luận chính xác”.

Đương nhiên, tất cả những gì còn lại tại hiện trường một vụ cháy từ các mảnh gỗ cháy dở, mảnh áo quần, dấu vết hóa học... đều được thu giữ và bảo quản cẩn thận để nghiên cứu, phân tích trong phòng thí nghiệm. Ngay cả một vết ám khói bám trên bức tường, trên cây, vết cháy nám trên sàn nhà, trên đất cũng được nhân viên DITC sử dụng thiết bị phát hiện dấu vết của các chất gây cháy như xăng dầu, chất nổ, khí đốt để kiểm tra.

Tất cả chứng cứ thu thập tại hiện trường một vụ cháy đều được phân tích tại Phòng thí nghiệm của DITC ở thành phố Lyon. Tại Phòng thí nghiệm của DITC, 15 chuyên viên làm việc ngày đêm để buộc chứng cứ phải lên tiếng. Một thiết bị phân tích màu sắc và các kính hiển vi điện tử loại lớn sẽ giúp xác định các chất dễ gây cháy như xăng dầu, chất nổ... có hiện diện tại hiện trường một vụ cháy hay không.

Từ năm 2002, khi mà các vụ cháy rừng đã trở nên phổ biến và trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với dân cư ở nhiều vùng miền Trung và Nam nước Pháp, thì Bộ Nội vụ quyết định thành lập thêm một đơn vị điều tra đặc biệt có tên gọi Vulcain để hỗ trợ DITC trong điều tra nguyên nhân các vụ cháy rừng.

Vulcain có 8 chuyên viên am tường các lĩnh vực hóa học, địa chất học, chống cháy, thủy nông sẽ có mặt ngay tại hiện trường các vụ cháy rừng để truy tìm các chứng cứ liên quan đến vụ cháy.

Đại úy Claude Picard, Chỉ huy Đơn vị Vulcain, cho biết: “Chúng tôi có thể tái tạo lại trên máy tính những gì đã xảy ra trong vòng 10 phút đầu của vụ cháy để biết nguyên nhân gây cháy phát xuất từ đâu, do ai gây ra...”.

Vào mùa cháy rừng năm 2005, Đơn vị Vulcain đã điều tra 22 vụ cháy rừng lớn nhỏ tại vùng Paca, Languedoc-Roussillon và đảo Corse gây thiệt hại gần 32.000 hécta rừng và đã giúp DITC kết luận 13 vụ cháy rừng có nguyên nhân do con người chủ ý gây ra. Đây là một tỉ lệ điều tra thành công khả quan không những ở Pháp mà cả ở châu Âu nếu biết rằng trong hầu hết vụ cháy rừng, chứng cứ đều bị làm sai lệch hay mất dấu bởi hoạt động chống cháy của nhân viên chữa cháy và phương tiện chống cháy.

Kết quả điều tra nguyên nhân các vụ cháy của DITC, có sự phối hợp với nhiều ngành đã giúp pháp luật siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống cháy và nhất là trừng trị thích đáng những kẻ gây cháy có chủ ý.

Từ tháng 3/2004, Chính phủ Pháp đã bắt đầu cho áp dụng điều luật Perben quy định trừng phạt nặng đối với những kẻ gây cháy có chủ ý, quy trách nhiệm cho những đơn vị tham gia chống và chữa cháy không hoàn thành nhiệm vụ, quy trách nhiệm hình sự cho những đơn vị bảo vệ rừng thiếu biện pháp phòng chống cháy để gây cháy rừng và gây thiệt hại về nhân mạng. Tất cả những kẻ gây cháy có chủ ý đều bị phạt tù giam từ 5 năm trở lên và không được xét giảm án

Văn Hòa (theo Le Figaro Magazine)
.
.