Tổ chức hợp tác Thượng Hải - Những bước phát triển mới

Thứ Tư, 10/05/2006, 08:00

Đầu tháng 5/2006, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là nơi diễn ra cuộc họp thường niên của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO - Shanghai Cooperation Organisation) cùng với đại diện các quốc gia có quy chế quan sát viên.

Những kết quả sơ bộ được công bố cho thấy, SCO đang có nhiều nỗ lực mở rộng cả về quy mô và ảnh hưởng trên thế giới, theo xu hướng phát triển thành một liên minh quân sự thực thụ. Các thành viên đã thỏa thuận về kế hoạch tập trận chung tại Nga vào mùa hè năm 2007, cũng như khả năng tiếp nhận cả Iran  với tư cách một thành viên chính thức vào thời gian tới...

SCO được thành lập ban đầu dựa trên một hiệp ước tăng cường sự tin cậy và giải trừ quân bị tại khu vực biên giới giữa 5 quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Cùng với thời gian, SCO đã trở thành một khối liên minh thực sự giữa các quốc gia thành viên, không chỉ trong lĩnh vực an ninh biên giới, mà còn về nhiều kế hoạch hợp tác cùng có lợi khác về chính trị, an ninh, ngoại giao, thương mại, văn hóa v.v...

Các hội nghị thường niên hàng năm trong khuôn khổ SCO được tổ chức không chỉ dành cho nguyên thủ các quốc gia thành viên, mà còn theo nhiều cấp độ và quy mô khác với sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, cùng với các cơ quan chức năng có liên quan đến lĩnh vực quan tâm chung. Đó là lý do khiến SCO đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về quy mô cũng như chiều sâu hợp tác.

Đến tháng 6/2001, SCO kết nạp thêm thành viên thứ 6 là Uzbekistan. Các quốc gia tham gia trong SCO với tư cách quan sát viên hiện nay là Pakistan, Ấn Độ, Iran và Mông Cổ. Trong kỳ họp tại Moskva tháng 5/2003, SCO có một bước kiện toàn hơn nữa về tổ chức với việc bổ nhiệm quan chức Trung Quốc Zhang Deguang làm Tổng thư ký đầu tiên của liên minh.

Kỳ họp lần này tại Bắc Kinh giữa các Bộ trưởng Quốc phòng đã tập trung vào khả năng hợp tác về quân sự và an ninh - được các quan sát viên đánh giá là một bước đưa SCO phát triển thành một liên minh thiên về quân sự hơn.

Cũng tại Bắc Kinh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Ivanov cho biết, nội dung chính trong kỳ họp này là bàn bạc về các kế hoạch sử dụng lực lượng quân sự chung của các quốc gia thành viên. Theo ông Ivanov, các thành viên SCO sẵn sàng triển khai các nỗ lực chung sử dụng sức mạnh để “đối đầu với những thách thức và mối đe dọa mới, đặc biệt từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế”, trong đó có những bước phát triển mới về quy mô, kỹ thuật, sử dụng các loại vũ khí hiện đại và cả thành tựu công nghệ thông tin v.v...

“Không gian rộng lớn của SCO hiện là nơi sinh sống của gần 1/2 số cư dân trên toàn trái đất – Phó thủ tướng Nga nhấn mạnh – Chính vì vậy, nhiệm vụ chính của chúng tôi là đảm bảo được sự ổn định và an ninh trong khu vực, xây dựng các điều kiện giúp cho các dân tộc có một cuộc sống trong hòa bình”. (Theo thống kê, số dân của tất cả 6 quốc gia thành viên SCO lớn hơn 25% tổng số dân trên thế giới).

Những mục tiêu cụ thể hơn, theo như đồng nghiệp từ Trung Quốc, là nhằm đối đầu với 3 mối đe dọa chính là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai. Bước đi cụ thể trong xu hướng này là triển khai các cuộc diễn tập quân sự chung chống khủng bố, một sáng kiến được phía Nga đề xuất đầu tiên. Các bộ trưởng Quốc phòng những quốc gia thành viên SCO đã đồng ý về mặt nguyên tắc về kế hoạch này, theo đó cuộc diễn tập chung đầu tiên sẽ diễn ra tại bãi tập Chebarkul của Nga vào mùa hè sang năm.

Mục tiêu chính là luyện tập khả năng giúp lực lượng biên phòng các quốc gia thành viên có khả năng bao vây và tiêu diệt những nhóm phiến quân lớn, khi chúng có âm mưu xâm phạm đường biên của các nước SCO. “Để đối đầu với nguy cơ tiềm ẩn cao này, chúng tôi sẽ triển khai tất cả những biện pháp có thể – từ lực lượng đặc nhiệm, không quân, vũ khí chính xác cao nhằm bao vây và tiêu diệt có hiệu quả các nhóm vũ trang trái phép” – Bộ trưởng Ivanov cho biết về mục tiêu cụ thể của cuộc tập trận trên. 

Một chi tiết đáng chú ý trong kỳ họp lần này chính là khả năng có sự tham gia tập trận của một thành viên thứ 7 (trong tương lai rất có thể trở thành thành viên chính thức) là Iran. Chủ đề Iran cũng là một đề tài chủ chốt trong kỳ họp vừa qua. Liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran, Nga và Trung Quốc vẫn thỏa thuận giữ vững quan điểm trước đây – đó là nỗ lực giải quyết bằng biện pháp ngoại giao, đồng thời chống lại việc triển khai các biện pháp cấm vận trừng phạt (cho dù trong thời gian tới, quan điểm của cả hai bên có thể thay đổi trước những tuyên bố quá cứng rắn từ phía Tehran).

Cho tới thời điểm này, Moskva và Bắc Kinh vẫn đồng thuận về khả năng bật đèn xanh cho Iran gia nhập SCO. Dù vậy, ông Sergey Ivanov vẫn khẳng định nguyên tắc của SCO trong trường hợp Mỹ tấn công Iran: “Iran hiện vẫn chỉ giữ vai trò quan sát viên tại SCO, và vì vậy chúng tôi chưa có bất cứ một cam kết hay trách nhiệm nào đối với họ. Tôi bác bỏ tất cả những đánh giá cho rằng, SCO sẽ đứng ra bảo vệ cho Iran trong trường hợp họ bị tấn công”.

Phiên họp vừa qua tại Bắc Kinh cũng nhằm bàn bạc về khả năng mở rộng khối liên minh, cụ thể là kết nạp các thành viên khác ngoài Iran. Hiện Pakistan đã đệ đơn chính thức xin gia nhập SCO, trong khi Ấn Độ bắt đầu bày tỏ ý định của mình (cho dù chưa chính thức). Tuy nhiên, quan điểm của nhiều quốc gia thành viên SCO về vấn đề này vẫn chưa có được sự thống nhất.

Tổng thư ký SCO Zhang Deguang đã bình luận: “Nhiều thành viên của liên minh ủng hộ cho xu hướng phát triển về chất chứ không phải về lượng. Theo họ, hiện chưa phải là lúc mở rộng tổ chức, mà phải tập trung vào tính hiệu quả trong các hoạt động của SCO”.Vấn đề chính là ở chỗ, trong khi Trung Quốc rất tích cực ủng hộ cho việc Pakistan gia nhập SCO, phía Nga lại có phần “không mặn mà” lắm. Moskva chỉ sẵn sàng đồng ý với điều kiện phải kết nạp cả Ấn Độ. Bộ trưởng Ivanov về mặt nguyên tắc không loại trừ về khả năng kết nạp một thành viên mới, tuy nhiên không đưa ra tiết lộ cụ thể: “SCO đang là một tổ chức mở!”.

Ngoài Pakistan và Ấn Độ, Belarus mới đây cũng đưa ra đề nghị xin gia nhập SCO. Có điều là đề xuất của Minsk dường như không nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia thành viên SCO. Theo lý giải của họ, Belarus là một quốc gia thuần túy nằm tại châu Âu, chứ không nằm trong khu vực tiếp giáp Âu - Á như các thành viên SCO. Rõ ràng, với những xu hướng phát triển như hiện nay, SCO chắc chắn sẽ trở thành một liên minh quân sự - chính trị lớn, một yếu tố quan trọng tác động đến bản đồ chính trị thế giới trong tương lai

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.