Toan tính đằng sau cuộc tập trận ARC21 trên đất Nhật

Thứ Sáu, 21/05/2021, 10:51
Cuộc tập trận mang tên ARC21 diễn ra vào ngày 11-5 với sự tham gia của lực lượng bộ binh 3 nước Mỹ, Pháp, Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức trên đất Nhật Bản được xem là một trong những hoạt động nhằm tăng cường mối quan hệ quân sự giữa Nhật Bản với các nước phương Tây trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ cứng rắn với các nước láng giềng xung quanh.


Vì mục tiêu chung

Cuộc tập trận “ARC21” kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 11-5 tại căn cứ Ainoura của Lực lượng Phòng vệ mặt đất ở tỉnh Nagasaki. Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi nói với các phóng viên rằng Nhật Bản đang tìm cách mở rộng quan hệ quân sự của mình ngoài liên minh với Mỹ bao gồm thêm các quốc gia “cùng chí hướng” như Pháp. 

Ông cho biết Pháp, quốc gia châu Âu duy nhất có sự hiện diện quân sự thường xuyên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là “một quốc gia cùng chí hướng chia sẻ với Nhật Bản tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông cho biết Nhật Bản hoan nghênh sự tham gia của Pháp trong khu vực và hy vọng sẽ mở rộng quan hệ đối tác hơn nữa.

Bộ binh Mỹ, Pháp, Nhật Bản trong cuộc tập trận.

Khoảng 100 binh sĩ Nhật Bản, bao gồm các đơn vị triển khai đổ bộ nhanh, thủy quân lục chiến Nhật Bản cùng với 60 binh sĩ thuộc quân đội Pháp và thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tập trận chiến tranh đô thị, sau đó là các bài tập hoạt động đổ bộ theo kịch bản bảo vệ một hòn đảo xa xôi khỏi một kẻ thù xâm lược. Vào cuối tuần, họ sẽ bay đến khu huấn luyện Kirishima để tham gia cuộc diễn tập tác chiến đô thị tại một cơ sở được thiết kế mô phỏng một hòn đảo xa xôi. Hôm 15-5, quân đội Australia cũng đã tham gia trong một cuộc tập trận hải quân mở rộng với sự tham gia của 11 tàu chiến ở Biển Hoa Đông, nơi căng thẳng với Trung Quốc đang gia tăng xung quanh đảo Đài Loan.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách tăng cường khả năng quân sự của mình trong khi tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ngày càng sâu sắc trên các vùng biển trong khu vực. Nhật Bản ngày càng lo ngại về hoạt động của Trung Quốc trong và xung quanh vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Trung tá thủy quân lục chiến Mỹ Jeremy Nelson cho biết 3 quốc gia cho thấy họ có thể làm việc cùng nhau “vì một mục tiêu chung hoặc vì lý do chung”.

Pháp, quốc gia có lãnh thổ ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, có lợi ích chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Cuộc tập trận đó rõ ràng là rất quan trọng đối với chúng tôi vì chúng tôi cần sát cánh với những người đang chia sẻ phần này của thế giới”, Trung tá Henri Marcaillou của quân đội Pháp nói với các phóng viên sau cuộc tập trận hôm 15-5.

Nước Anh gần đây đã áp dụng chính sách can dự sâu hơn vào khu vực, đang cử tàu sân bay Queen Elizabeth và nhóm tấn công, dự kiến sẽ đến khu vực vào cuối năm nay. Đức cũng chuẩn bị triển khai một tàu khu trục nhỏ đến khu vực.

Sự trở lại của Mỹ và phương Tây

Kishi cho biết mối quan tâm ngày càng tăng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các quốc gia châu Âu và sự hiện diện ngày càng tăng của họ “góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực”. Ông cho biết khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào nhưng dư luận chung đều mặc nhiên hiểu rằng các hoạt động liên minh liên kết quân sự giữa Nhật Bản với Mỹ, Pháp cùng với sự tham gia ngày càng tăng của các quốc gia châu Âu và Australia là nhằm xây dựng một liên minh kiềm chế Trung Quốc.

Trung Quốc đã chỉ trích tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở như một khối độc quyền dựa trên tư duy thời Chiến tranh Lạnh. Gần đây, việc Pháp, Mỹ, Anh và một số quốc gia châu Âu “xoay trục” về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã đặt ra thách thức đáng kể về địa chính trị đối với Trung Quốc, đặc biệt là sự cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc. Sự cạnh tranh địa chính trị nhằm mục đích “phong tỏa” phạm vi và mức độ mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á hay rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới.

Mỹ đang muốn trở lại là quốc gia đi đầu trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc sau một nhiệm kỳ 4 năm với chính sách “rút lui” về phía sau của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Không chỉ tham gia tập trận với Nhật Bản và Pháp, Mỹ còn tham gia các cuộc tập trận khác trong khu vực Đông Á, với Philippines ở Đông Nam Á và với Ấn Độ ở Nam Á là những động thái tăng cường “xoay trục” hướng về Đông Á.

Gần đây, Mỹ còn đưa tàu sân bay, tàu chiến đi vào Biển Đông, đến khu vực gần các đảo, bãi đá tranh chấp mà Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng trái phép để thể hiện quyền tự do hàng hải, đồng thời để “ra oai” đối với Trung Quốc. Sự tham gia của Australia đã góp thêm một đồng minh cho Mỹ trong khối liên minh mới gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, tạo thêm một mặt trận mới.

Với hai liên minh ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, cùng với sự quan tâm can thiệp của các quốc gia châu Âu, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, trong đó trọng tâm là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, với sự tham gia hỗ trợ của các nước đồng minh.

An Châu (Tổng hợp)
.
.