Tội phạm thâm nhập hệ thống ngân hàng Anh

Thứ Ba, 06/12/2005, 08:24

Chỉ trong hai năm 2004-2005, đã có 278.902 vụ lừa đảo được ghi nhận, riêng năm 2004, số tiền trong thẻ tín dụng bị chiếm đoạt bất hợp pháp là 505 triệu bảng Anh, qua ngân phiếu là 46 triệu bảng Anh.

Trong các cuộc tiếp xúc với giới truyền thông, ông Callum McCarthy, Chủ tịch Tổ chức dịch vụ tài chính Anh, tiết lộ là bọn tội phạm đang tìm cách vào làm tại các cơ sở dịch vụ tài chính để thu thập kiến thức trong nghề và tìm hiểu kỹ các hệ thống chống lừa đảo ở những nơi đó để có kế hoạch hành động thích hợp. Bên cạnh đó, chúng tìm cách hối lộ, mua chuộc các viên chức ngân hàng đang nắm giữ những tài liệu quan trọng để những người này bí mật tuồn thông tin cho chúng.

Loại hành vi trên rất khó bị phanh phui, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi hệ thống máy tính của các cơ quan được thiết kế trong một mạng lưới chung, việc quy trách nhiệm đúng người, đúng việc, không phải là chuyện dễ dàng. Tháng 3/2005, hai kẻ lừa đảo bị tống giam sau khi móc nối với một "tay trong" ở ngân hàng để lấy đi gần 200.000 bảng Anh trong tài khoản của diễn viên hài kịch Ricky Gervais. Vậy mà người “tay trong” đó không hề bị bắt giữ, còn diễn viên hài của chúng ta thì... cười ra nước mắt.

Đối với loại hành động mua chuộc, móc nối kiểu này thì các thiết bị hiện đại nhất cũng chào thua, không kiểm soát được. Bọn tội phạm và viên chức ngân hàng hẹn gặp nhau tại các quán nước, vào rạp xinê hay ở nhà riêng thì mọi kế hoạch theo dõi và kiểm soát kể như bị vô hiệu hóa.

Không thể sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, các lãnh đạo ngân hàng xoay qua dùng phương pháp... thủ công. Họ ra lệnh cho nhân viên thuộc quyền không mặc đồng phục trong lúc di chuyển từ nhà đến ngân hàng để hạn chế việc tìm hiểu và tiếp cận của bọn tội phạm, tuy nhiên việc này xét ra chỉ phần nào hiệu quả khi các nhân viên ngân hàng biết đề cao cảnh giác và thật lòng không muốn dính đến chúng. Còn khi hai bên đồng lòng với nhau để lừa đảo thì biện pháp trên chẳng có tác dụng gì.

Theo kết quả một cuộc điều tra tiến hành trong năm 2004, có đến 35% công ty tài chính thừa nhận đang bị phá hoại từ bên trong, tỉ lệ này tăng 22% so với năm 2003. Sự thể trầm trọng đến mức Hiệp hội Các chủ ngân hàng Anh (BBA) đã đồng thuận về một biện pháp, theo đó, họ sẽ thông tin lẫn nhau về trường hợp các nhân viên ngân hàng bị sa thải vì lý do sơ suất trong nhiệm vụ bảo mật hay bảo quản hồ sơ, để các đương sự sẽ không còn có cơ hội được bất cứ một ngân hàng nào khác tuyển dụng trở lại.

Đây vừa là một biện pháp trừng phạt lâu dài, vừa là sự răn đe cần thiết nhằm bảo vệ các nhân viên ngân hàng tại chức trước những cám dỗ của đồng tiền

Lê Nguyễn (tổng hợp)
.
.