"Tôi rất đau lòng mỗi khi phải ra lệnh bắt đồng đội mình"

Thứ Bảy, 20/03/2010, 15:55
Một con thuyền vững vàng trước sóng to gió lớn phải có người chèo lái giỏi. Hoạt động trong môi trường đặc biệt phức tạp, nhưng 12 năm qua không một trường hợp cán bộ chiến sĩ (CBCS) nào thuộc Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túY (C17) vi phạm pháp luật cũng như sai phạm liên quan đến ma túy và tội phạm ma túy. PV Chuyên đề ANTG đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn về góc khuất đằng sau những chiến công ấy.

PV: Được biết sắp tới Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Cục CSĐT TPVMT) chuẩn bị đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là sự ghi nhận cụ thể những nỗ lực và đóng góp không ngừng của tập thể cán bộ Cục trong suốt những năm qua, thưa Đại tá?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Khỏi phải nói thì ai cũng hiểu rằng tội phạm và tệ nạn ma túy thật sự là hiểm họa đối với mọi xã hội. Chúng gây ra những tác hại to lớn về nhiều mặt trong đời sống xã hội, về kinh tế, sức khỏe, đạo đức, giống nòi...

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, đơn vị chỉ có 38 CBCS, được biên chế 3 phòng trực thuộc. Qua 12 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành, đến nay Cục CSĐT TPVMT đã trưởng thành lớn mạnh gồm 6 phòng tại Hà Nội và bộ phận thường trực tại TP HCM. Cho đến nay, Cục CSĐT TPVMT vẫn là cơ quan chỉ huy đầu não của toàn lực lượng CSĐT TPVMT, đóng vai trò chủ công nòng cốt, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Bộ Công an trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nhà nước trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Trách nhiệm to lớn ấy đã thôi thúc tập thể CBCS Cục CSĐT TPVMT ngày đêm không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với bọn tội phạm về ma túy, liên tục lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận.

PV: Một vụ án ma túy lớn bị phá, người ta có thể thuộc từng diễn biến, nhưng người trực tiếp làm nên chiến công ấy nhiều khi lại ít được biết đến. Đại tá có thể trải lòng mình một chút với bạn đọc Chuyên đề ANTG?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Tôi học khóa D6 Học viện An ninh Nhân dân, từ 1974 đến 1979 ra trường. Năm 1979 tôi tốt nghiệp, được phân công về Cục Chấp pháp của Bộ Công an. Đến năm 1981, Nghị định 250 tách An ninh với Cảnh sát thì Cục Chấp pháp cũng tách thành Cục Cảnh sát điều tra xét hỏi và Cục An ninh điều tra xét hỏi. Tôi về Cục Cảnh sát điều tra xét hỏi. Ngày ấy làm công tác điều tra thì cả Bộ Công an chỉ có Cục Chấp pháp thôi. Điều tra cả án hình sự, ma túy, kinh tế, gián điệp, phản động, tất tần tật...

Đến năm 1987, tôi đi nghiên cứu sinh tại Học viện Cảnh sát của Bộ Nội vụ Liên Xô (cũ), làm luận án tiến sĩ  bên ấy, cũng chuyên ngành về điều tra tội phạm. Đến 1992 về nước, lại về đơn vị cũ.

Ngày 12/3/1997, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định thành lập Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy. Một năm sau, năm 1998 thì thành lập Phòng Điều tra hướng dẫn án ma túy thuộc Cục Cảnh sát điều tra, tôi làm Trưởng phòng. Lúc bấy giờ bên Cục làm công tác trinh sát, còn nhiệm vụ của Phòng là làm tố tụng. Đến tháng 8/2004, tôi được bổ nhiệm Phó cục trưởng Cục CSĐT TPVMT, và sau đó là Cục trưởng. Còn Phòng điều tra hướng dẫn án, đến tháng 10/2004 thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự mới, cũng sáp nhập vào Cục CSĐT TPVMT luôn.

PV: Trong quá trình công tác phá án, Đại tá ấn tượng về vụ án nào nhất, có thể chia sẻ được không?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Án ma túy thì vụ nào cũng lắt léo cả. Kể ra thì nhiều, nhưng thôi xin ví dụ 2 vụ.

Đó là vụ bắt Bùi Hữu Tài. Tên này là người Việt mang hộ chiếu Mỹ, bị ta bắt theo lệnh truy nã đỏ của Interpol về tội giết người. Vụ ấy, chi tiết nhớ nhất là sau này điều tra ra bắt được Nguyễn Thị Hoa, người ở thành phố Vinh, Nghệ An. Hoa là đầu mối cung cấp ma túy cho Tài mang sang Nhật Bản bán. Nguyễn Thị Hoa lì lợm lắm. Từ khi bị bắt cho đến khi thị khai nhận, Cơ quan điều tra phải đấu tranh mất 10 tháng trời. Tôi ấn tượng nhất hôm thị nhận tội. Hai anh em hỏi cung đôi, tôi với một điều tra viên nữa tên là Thông, áp dụng chiến thuật hỏi cung tương kế tựu kế. Khi ấy ả đang ngồi trước bàn hỏi cung bèn tụt xuống khỏi ghế quỳ lạy, xin nhận hết tội...

PV: Kéo dài thế vậy liệu có phải là do chứng cứ chưa được tốt...

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Không phải thế! (cười) Chứng cứ buộc tội thì rõ rồi. Vấn đề quan trọng là cảm hóa để đối tượng khai nhận, bóc được cả đường dây... Từ lời khai của Hoa, kết hợp với công tác trinh sát sau này y như rằng mình bóc được đường dây ma túy khét tiếng nhất miền Trung do Nguyễn Đức Lượng cầm đầu, ở Diễn Châu, Nghệ An ở Chuyên án 396S.

Thứ hai là vụ Nguyễn Văn Tám (Chuyên án 998C) cùng đồng bọn mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy. Tám là đầu sỏ, từng cầm đầu đường dây buôn bán ma túy từ Lào vào Việt Nam, qua Lai Châu (cũ) về Nam Định tiêu thụ. Hắn có biệt tài che giấu hành vi phạm tội cực khéo. Khi bị bắt, Tám tuyên bố với người nhà: "Thôi mọi người cứ về đi, yên tâm, các anh ấy có bắt thì cũng phải tha ra thôi mà...".

Nhưng rồi với những bằng chứng không thể chối cãi, qua sự cảm hóa của cán bộ điều tra, Tám đã phải khai nhận toàn bộ quá trình phạm tội. Nói để thấy, dù tội phạm có gian ngoan xảo quyệt tới đâu, chỉ cần cán bộ điều tra cương quyết và vững vàng về nghiệp vụ là chúng sẽ phải khuất phục.

PV: Nói về phẩm chất của một lãnh đạo đơn vị chiến đấu như Cục CSĐT TPVMT, theo Đại tá cần những đức tính gì?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Phẩm chất lãnh đạo, qua quá trình công tác tôi nghiệm ra, một khi đã được phân công nhiệm vụ thì trước hết phải có bản lĩnh.

Với một người chỉ huy của lực lượng cảnh sát ma túy thì chỗ nào khó khăn nhất, vất vả nhất, nguy hiểm nhất thì phải có mặt. Cũng giống như trong một trận chiến, nếu tướng mà không ra trận thì chẳng chiến sĩ nào muốn lao lên cả! Nói gì thì nói cũng đều là con người, ai cũng nghĩ đến bản thân mình chứ? Lãnh đạo đã chùn bước sẽ kéo theo chẳng ai làm cả. Thế nên điểm nóng nhất, vất vả nhất, khó khăn nhất thì người chỉ huy phải có mặt. Nếu không thế, sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng chỉ đạo quan liêu, đánh án không thành công.--PageBreak--

Ví dụ như đợt làm chuyên án tội phạm gốc Phi năm 2009 vừa qua, lãnh đạo Cục thay phiên lăn lộn cả tháng trời, 2 - 3h sáng ra cùng anh em làm thủ tục, áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiệp vụ trực tiếp tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất... Hay như hồi vụ Thanh Nhàn chẳng hạn, lãnh đạo Cục cũng trực tiếp phải đóng giả dân chơi tennis, cũng quần kẻ sọc, áo phông tay cầm vợt lọ mọ vào cái chợ, gọi là cái "siêu thị trắng" ấy, thì mới chỉ ra được chỗ nào là chỗ phải chú ý khi tập kích phá án, để mà khống chế được đối tượng cho chuẩn, cho hiệu quả chứ.

Ngoài ra, thì người chỉ huy phải biết chia sẻ, biết thông cảm với những khó khăn đời thường của CBCS  để có thể thu phục họ, động viên họ sẵn sàng khắc phục hoàn thành nhiệm vụ. Phải đoàn kết mọi người thành một khối, để giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ chung. Chỗ nào vướng thì giúp đỡ tháo gỡ, chỗ nào thấy anh em làm tốt thì phải động viên phát huy.

Bằng kiến thức của mình, tôi cho rằng hội tụ của người lãnh đạo là phải như thế. Lãnh đạo chỉ huy không thể cứ nói chung chung còn thì mặc kệ anh em làm là không được. Trong những trận chiến quyết liệt, CBCS rất cần sự có mặt của người chỉ huy. Ít ra là để anh em có thể xin ý kiến chỉ đạo ngay tại chỗ, ứng phó với tình huống đột xuất, bất ngờ ngay tại hiện trường, tại nơi xảy ra vụ án. Ngay kể cả trong công tác điều tra thì đối với tình huống khó, đối tượng ngoan cố trong trại giam, cần thiết thì lãnh đạo cục phải trực tiếp hỏi cung mới ra được...

PV: Thưa Đại tá, đã bao giờ ông gặp phải trường hợp khó xử giữa nhiệm vụ bảo vệ pháp luật và những mối quan hệ xã hội đan xen?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Phải hiểu rằng tội phạm ma túy không như các loại tội phạm khác. Loại khác thì còn có thể có thư tay, phiếu bướm này nọ... nhưng trong điều tra án ma túy cho đến giờ phút này tôi chưa vấp phải những việc như thế. Nhưng những tình huống như thế này thì tôi thấy là có:

Ví dụ như bọn tội phạm ma túy chúng có "luật" bất thành văn rằng nếu như bị bắt mà biết... "giữ mồm", không khai ra hành vi phạm tội của đồng bọn thì bọn ở nhà sẽ tìm mọi cách để tháo gỡ cho, rồi thì chu cấp tiền bạc cho vợ con kẻ bị bắt.... Có thể là mua chuộc hối lộ, gặp gỡ cán bộ điều tra để "chạy chọt". Nếu như khai ra, thì chúng sẽ không làm gì hết, mặc kệ cho chết ở trong tù luôn. Đấy, "luật" nó là như thế. Và bọn này thì nó nhiều tiền, khi đã móc ngoặc hối lộ thì nó sẽ hối lộ với lượng tiền rất là lớn...

Nhưng tôi thấy rằng đối với lực lượng điều tra tội phạm về ma túy thì tỉ lệ sai phạm với việc này ít lắm. Cũng có, ví dụ như ở Hòa Bình cũng có một, nhưng thực ra cũng là bị biến tướng theo cái dạng khác. Ông không giữ được bản lĩnh thì ông bị thôi. Còn như ở một vài địa phương trước đây, thì lại là các cán bộ ở cấp cơ sở, chứ không phải lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy, nhận tiền của chúng nó rồi lại bảo kê cho chúng nó hoạt động, mua bán ở đấy.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng C17 trao học bổng chương trình "Thắp sáng ước mơ" năm 2009 cho các cháu học sinh, sinh viên là con em CBCS lực lượng cảnh sát ĐTTPVMT khu vực phía Nam có thành tích học tập xuất sắc.

Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy rất đau lòng mỗi khi chỉ đạo vụ án nào mà lại có “dính” đến một vài cán bộ trong Công an, dù biết mười mươi rằng đó là những người đã biến chất. Như vụ Nguyễn Văn Đua cùng đồng bọn tới ngày 27/3 tới đây sẽ xử trên Thái Nguyên. Không chỉ cán bộ Công an mà cả cán bộ của các ngành trong hệ thống tư pháp khác cũng có dính. Nhận tiền của chúng nó rồi đi móc với quân điều tra ma túy mà không móc được, thế là nó tố cáo ngược lại nên các ông mới "đi cả dây"... Chứ còn anh em làm điều tra vụ án có biết gì đâu?

Hay là như vụ ở Bắc Ninh, cũng dính đến cán bộ, nhưng là công an huyện chứ không phải trực tiếp lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Còn như đợt trước bắt một số cán bộ Công an Điện Biên cũng thế. Những cán bộ này bắt quả tang tại hiện trường, nhưng bọn tội phạm dúi cho ít tiền thế là tha cho nó, rồi chỉ thu lại ma túy và nói đấy là vô chủ. Ở Thái Nguyên trước đây, cán bộ thu được ma túy thì đánh tráo đi, rồi đem đi bán...

Gặp những trường hợp như thế tôi cảm thấy rất đau lòng. Nhưng anh em đã vi phạm thì phải xử lý thôi. Như thế để thấy, án ma túy không mấy khi có sự can thiệp, mà do có sự cám dỗ của đồng tiền khiến anh em không vững vàng.

PV: Đại tá nghĩ thế nào về có một vài trường hợp lại thay đổi tội danh với đối tượng ma túy ở một vài địa phương? Dư luận hay “nghi ngờ” việc này lắm đấy?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Không phải đâu, ngay cả ở trên này (Cục CSĐT TPVMT - PV) cũng thế thôi. Nhưng mà chuyện thay đổi tội danh, như đã nói đấy, là rất bình thường. Điều tra án ma túy cũng thế. Tội phạm ma túy ở đây có thể thay đổi từ mua bán sang tàng trữ, hoặc là vận chuyển. Nhưng mà thay đổi ấy là để cho nó đúng với bản chất của sự việc. Mà khẳng định rằng đối với các tội liên quan đến ma túy thì tội nào cũng là nặng nhất, khung hình phạt là gần như ngang nhau cả. Vậy thì mình thay đổi cốt là để đúng với hành vi phạm tội, đúng với bản chất của sự việc. Hơn nữa, người đưa ra quyết định cuối cùng đâu phải là lực lượng Công an!

Nhân đây, tôi cũng muốn xin nói với bạn đọc rằng: Phòng chống ma túy là nhiệm vụ chung của tất cả toàn dân - và việc phòng chống phải thực hiện được ngay trong mỗi gia đình. Lực lượng công an là nòng cốt trong cuộc đấu tranh này, nhưng nếu không có sự giúp đỡ, hợp tác của các cơ quan chức năng và toàn xã hội thì sẽ rất khó đấy. Mỗi gia đình hãy cảnh giác với chính con em mình và tuyệt đối “đừng nghe con nghiện trình bày”. Đừng để khi họ sa vào cạm bẫy của ma túy rồi mới chạy chữa. Với các đối tượng đã cai nghiện ma túy trở về, thì cũng rất cần sự thương yêu, chăm sóc và quản lý chặt của gia đình và phải làm sao tạo công ăn việc làm cho họ. Có như vậy mới có thể “tách” họ ra khỏi sự cám dỗ chết người của ma túy.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

Việt Anh (thực hiện)
.
.