Tổng thống Donald Trump “cô đơn” trong kế hoạch Iran

Thứ Hai, 29/01/2018, 14:55
Sau nhiều tháng đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran (Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPOA), Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng vẫn chọn cách duy trì thỏa thuận này.


Ông Trump ra tín hiệu rằng, đây sẽ là “lần cuối cùng” gia hạn việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Iran. Rõ ràng, chiến lược an ninh, quốc phòng mới của Mỹ không cho phép nước này căng mình trên các mặt trận. Nước Mỹ có vẻ như đang lùi một bước.

Một tay khó che trời

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do khiến nước Mỹ và Tổng thống D.Trump chưa dám đi tới cùng trong vấn đề hạt nhân với Iran. Bởi đây là thỏa thuận liên quan tới nhiều quốc gia; nhiều cường quốc hạt nhân, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ vẫn còn chưa “xong” vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tổng thống D.Trump tuyên bố tiếp tục nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran và khẳng định đây là "cơ hội cuối cùng để hoặc sửa chữa các sai sót tai hại, hoặc Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này".

Tổng thống Mỹ đưa ra 4 điều kiện cho "thỏa thuận bổ sung" cho JCPOA và kêu gọi Quốc hội Mỹ đưa vào thành luật. Những điều kiện này gồm: Iran cho phép thanh sát "ngay lập tức tất cả các cơ sở hạt nhân theo yêu cầu của các thanh sát viên quốc tế"; Iran vĩnh viễn "không được tiến tới gần việc sở hữu vũ khí hạt nhân"; "không có thời hạn chấm dứt hiệu lực" đối với thỏa thuận sửa đổi này; cuối cùng thỏa thuận phải quy định rõ rằng "các chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa của Iran không thể tách rời nhau".

Mô hình tên lửa mới được trưng bày trên đường phố ở Iran. Ảnh: mobile.nytimes.com.

Trong trường hợp Quốc hội hay các đồng minh của Mỹ ở châu Âu không ủng hộ cái gọi là thỏa thuận bổ sung này, ông D.Trump tuyên bố ông sẽ đơn phương "chấm dứt" JCPOA. Thái độ này đã khiến các thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) bị sốc. Thực tế là JCPOA đã quy định các tiêu chuẩn cao nhất về sự minh bạch của chương trình hạt nhân và các hoạt động thanh sát, cũng như quy định các đảm bảo có thể xác minh được rằng chương trình hạt nhân của Iran không thể chuyển hướng thành phát triển vũ khí hạt nhân.

Các biện pháp này đã đáp ứng được hai điều kiện đầu tiên của ông D.Trump và vượt quá tất cả các quy định mà một thành viên của Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã cam kết.

Hơn nữa, trong khi những hạn chế chính của JCPOA chỉ là tạm thời, với thời hạn chấm dứt hiệu lực trong vòng từ 8-25 năm, sau khi thỏa thuận hết hạn, Iran sẽ lại quay lại chịu sự giám sát của Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Theo sự ghi nhận của hơn 90 nhà khoa học hạt nhân trong bức thư hồi tháng 10-2017 nhằm hỗ trợ JCPOA, đây là "bộ quy tắc chung mạnh nhất mà IAEA thường áp dụng".

Các điều kiện của ông D.Trump dường như để tìm cách áp đặt vĩnh viễn những biện pháp hạn chế của JCPOA đối với chương trình hạt nhân của Iran và gắn chương trình hạt nhân Iran với chương trình tên lửa của nước này, bất chấp việc các cường quốc khác trên thế giới phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran và cho rằng các điều kiện của ông D.Trump đã vi phạm nghiêm trọng NPT.

Thực vậy, Iran có quyền làm giàu urani vì các mục đích hòa bình, theo như thỏa thuận này, trong đó nêu rõ rằng không có sự phân biệt đối xử về quyền của các nước đã ký thỏa thuận được hưởng lợi từ các công nghệ hạt nhân vì hòa bình và không giới hạn khả năng của các quốc gia muốn phát triển vũ khí thông thường. Iran cũng có quyền sở hữu tên lửa để tự phòng vệ. Không có hiệp ước quốc tế nào cấm tên lửa thông thường.

Theo ông Peter Jenkins, cựu Đại sứ Anh tại IAEA, "Tổng thống D.Trump không có quyền đặt ra những giới hạn hay hạn chế vượt ra ngoài khuôn khổ của những điều khoản đã được nêu trong thỏa thuận".

Một nhà máy điện hạt nhân của Iran. Ảnh: sputniknews.com.

JCPOA - Không ai đứng về phía ông D.Trump

Trước hết, về đối nội, tất cả các thể chế chính trị quan trọng từ Quốc hội đến các cơ quan an ninh quốc gia của Tổng thống D.Trump, bao gồm Hội đồng An ninh Quốc gia, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ, phản đối việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vì họ tin rằng thỏa thuận này ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và hành động này sẽ khiến Mỹ bị quốc tế cô lập.

Thứ hai, việc rút khỏi JCPOA sẽ làm gia tăng sự ngờ vực của cộng đồng quốc tế đối với Mỹ và loại bỏ mọi cơ hội nhằm lôi kéo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân của họ. Washington cũng khó giành được sự ủng hộ đối với bất cứ chiến dịch quân sự nào mà họ có thể phát động chống lại Bình Nhưỡng nếu các đồng minh của Mỹ yêu cầu Mỹ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp tái bùng phát cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.

Thứ ba, JCPOA đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), bao gồm cả Mỹ, chấp thuận và các thành viên còn lại tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này. Thứ tư, IAEA đã nhiều lần khẳng định sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận trên và nhấn mạnh việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về khả năng của cơ quan này trong việc thực thi nhiệm vụ thanh sát (các cơ sở hạt nhân của Iran). JCPOA là một thành tựu lớn của IAEA vì đó là thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn diện nhất trong lịch sử.

Thứ năm, đa số đồng minh của Washington, gồm EU, Nhật Bản, Australia, Canada và Hàn Quốc, phản đối mạnh mẽ việc Mỹ rút khỏi JCPOA. Điều này cho thấy sự rạn nứt đáng kể trong hệ thống đồng minh của Mỹ và tiến tới có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác trong tương lai về các vấn đề như việc sáp nhập Crimea vào Nga.

Những nhân tố trên có lẽ là lý do khiến ông Trump quyết định không tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ vẫn được xem xét lại vào tháng 5 tới - thời hạn chót cho các quyết định trừng phạt của ông D.Trump.

Tên lửa do Iran sản xuất trong một cuộc phô diễn sức mạnh quân sự. Ảnh: Newsweek.

Lợi ích, những người bạn và “kẻ thù của Iran từ đầu tới cuối”

Ngay sau khi làn sóng biểu tình bùng phát trên các đường phố Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã lên tiếng cáo buộc những kẻ thù từ bên ngoài dù không trực tiếp đề cập tới tên của một quốc gia cụ thể. Không giống Giáo chủ Khamenei, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran (SNSC)Ali Shamkhani lại nêu đích danh và lên án Chính phủ Mỹ, Anh và Saudi Arabia vì can thiệp nội bộ Iran. Trong khi đó, Tổng thống Hassan Rouhanithậm chí còn đi xa hơn khi miêu tả ông D.Trump là “kẻ thù của Iran từ đầu tới cuối”.

Trái ngược với cáo buộc dành cho Mỹ, Iran lại ca ngợi lập trường chính thức của Nga ủng hộ Iran. Các chuyên gia phân tích chính sách của Mỹ nhận định, lý do khiến Nga bảo vệ các thỏa thuận hạt nhân quan trọng cũng như chế độ hiện tại ở Iran còn xuất phát từ mục tiêu đảm bảo quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin; bảo toàn hiện trạng ảnh hưởng. Nếu các cuộc biểu tình làm sụp đổ chế độ này tại Iran và các thỏa thuận quan trọng sụp đổ, chắc chắn Nga sẽ hứng chịu rất nhiều tổn hại, vì nhiều lý do.

Thứ nhất, rõ ràng cả Nga và Iran đều là những nhà bảo trợ cho chế độ Bashar Assad tại Syria. Với chiến dịch quân sự tiến hành tại quốc gia Trung Đông này. Trung Đông đã trở thành một chiến trường nơi Nga thách thức Mỹ, thể hiện quyền lực của Moskva đối với phương Tây. Nếu chế độ Iran sụp đổ, Chính quyền Assad cũng sẽ không trụ được lâu.

Thay đổi này trên bàn cờ Trung Đông sẽ không chỉ hủy hoại tham vọng địa chính trị của Tổng thống Putin mà còn làm gia tăng những áp lực quốc tế đối với Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Thậm chí còn có thể dẫn đến thất bại và thoái lui của các lực lượng vũ trang được Kremlin hậu thuẫn tại Lugansk và Donetsk.

Iran trưng bày vũ khí mới do nước này sản xuất. Ảnh: Washington Times.

Thứ hai, Nga đã tính toán rằng, sự sụp đổ của chế độ Iran cũng đồng nghĩa với việc Nga để mất một trong những đồng minh then chốt trong khu vực. Chế độ Iran tan rã sẽ giúp Mỹ giành quyền bá chủ không chỉ ở Trung Đông mà còn có thể mở rộng ảnh hưởng ra vùng Trung Á và Caucasus, điều mà Moskva hoàn toàn không mong muốn.

Thứ ba, sự sụp đổ của chế độ Iran cũng có thể gây ra hiệu ứng domino tại các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế. Nga hiểu rõ rằng sau “cái chết” của các thỏa thuận hạt nhân, phương Tây sẽ dùng lệnh trừng phạt mới để tiếp tục hủy hoại nền kinh tế, chính trị Nga; sức ép sẽ được tạo ra chừng nào phương Tây thấy nước Nga sụp đổ theo... Đó là những lý do khiến Nga “sống chết” ủng hộ Iran.

Nếu như Nga và Mỹ là hai siêu cường ở hai chiến tuyến trong vấn đề Iran, vậy lý do nào châu Âu - đồng minh của Mỹ cũng “sống chết” phải bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran?

Câu trả lời là lợi ích, trong đó phần nhiều là kinh tế. Nếu Mỹ hủy thỏa thuận hạt nhân Iran, động thái đó sẽ nhấn chìm các lợi ích an ninh và kinh doanh của châu Âu. Chính vì vậy, giờ là lúc Brussels cần phải kiên quyết bảo vệ thỏa thuận này.

Cho đến giờ, châu Âu vẫn kiên quyết phản đối chính sách của ông D.Trump đối với Iran. Đối với châu Âu, thỏa thuận này là một thành công, giúp họ duy trì được ảnh hưởng trên toàn cầu. Việc bảo vệ thỏa thuận này sẽ giúp củng cố niềm tin cơ bản của châu Âu rằng chính sách ngoại giao mang lại hiệu quả hơn là chính sách đối đầu. Châu Âu đã dành phần lớn năm 2017 để thuyết phục ông D.Trump không nên hành động gây tổn hại tới thỏa thuận hạt nhân này.

Tuy nhiên, rõ ràng chính sách của ông D.Trump đối với Iran hiện giờ đi ngược lại lợi ích của châu Âu. Nếu ông tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran hoặc hủy thỏa thuận hạt nhân, hành động đó sẽ làm tổn hại đến các công ty châu Âu đang làm ăn với Iran.

Để bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh của mình, châu Âu không những phải phản đối tối hậu thư của ông D.Trump mà còn phải đẩy lùi nó.

Hoa Huyền
.
.