Tổng thống Donald Trump nếm thêm trái đắng

Thứ Năm, 30/03/2017, 16:50
Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng đến nay, ông Donald Trump đã có nhiều quyết sách gây tranh cãi, không chỉ riêng tại Mỹ mà còn cả trên thế giới. Nhưng mỗi khi điều ông muốn làm bị thất bại, ông liền quay sang cái khác. Phải chăng đây là “chiêu thức” mà ông thực hiện những điều đã hứa với cử tri Mỹ?

Sau hai lần thất bại với sắc luật di dân, tuần qua, Tổng thống Donald Trump lại tiếp tục “nếm trái đắng” với ý định xóa bỏ luật bảo hiểm y tế của cựu Tổng thống Barack Obama, Obamacare. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan ngày 24-3 cho biết ông Trump đã đồng ý rút lại kế hoạch bỏ phiếu cho dự luật thay thế Obamacare và “không biết bao giờ” mới đưa ra một dự luật khác vì ông biết có đưa ra thì cũng không đủ số phiếu chấp thuận.

Người dân tuần hành đòi "Giữ bảo hiểm y tế Obamacare", tại Los Angeles, California, ngày 23-3.

Nhưng tại sao ông Trump lại muốn xóa bỏ Obamacare? Mỹ là quốc gia tiên tiến về nhiều mặt nhưng lại có hệ thống y tế khá lạc hậu, là điều bất ngờ. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế thì nếu so với các quốc gia đã phát triển, dân Mỹ tốn nhiều tiền nhất cho dịch vụ y tế tính theo lợi tức trung bình một đầu người mà lại thua kém nhiều nước khác về phẩm chất, như về số người không có bảo hiểm y tế, về quỹ trợ cấp y tế Medicare cho giới cao niên hay quỹ cấp cứu y tế Medicaid cho dân nghèo, là hai quỹ mắc nợ cao hơn khả năng trang trải. Điều ấy có nghĩa là nước Mỹ có hệ thống y tế kém hiệu năng và cần cải cách, vấn đề được nêu ra từ nhiều thập niên rồi.

Vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự bất tài của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm đó khiến đảng Dân chủ thắng lớn và kiểm soát hành pháp lẫn hai viện của lập pháp. Nhờ vậy, đảng Dân chủ đã thông qua và Tổng thống Barack Obama ban hành từ tháng 3-2010 một văn kiện cực kỳ phức tạp là đạo luật về chế độ bảo dưỡng y tế mà khỏi cần lá phiếu Cộng hòa và bị chống đối từ đó.

Ông Trump đổ lỗi cho phe Dân chủ trong thất bại của dự luật thay thế Obamacare.

Nhưng sự thật lại không được như đảng Dân chủ hứa hẹn vì sau mấy năm áp dụng đầy vấp váp thì phí bảo hiểm y tế đã tăng cùng ngân sách trợ cấp của chính quyền liên bang và nhiều tiểu bang. Đã thế nhiều hãng bảo hiểm rút lui không hoạt động nên thu hẹp sự chọn lựa của người dân. Vì vậy, đạo luật gây tranh luận trong bảy năm liền và cũng là một trong nhiều lý do khiến ông Donald Trump thắng cử với lời hứa là sẽ thu hồi và ban hành một đạo luật tốt hơn cho mọi người.

Ngày đầu tiên vừa nhậm chức, Tổng thống Trump ký ngay sắc lệnh hành pháp nhằm đề ra thể thức lâm thời khi sẽ thu hồi đạo luật. Nhưng rốt cuộc thì việc thu hồi đạo luật lại thất bại thê thảm. Nguyên nhân dẫn đến thất bại này thì nhiều. Việc thay thế một đạo luật bảo hiểm y tế ban hành từ 7 năm nay và được hàng chục triệu dân ủng hộ xem ra rất phức tạp.

Theo thăm dò ý kiến của Đại học Quinnipiac (bang Connecticut) chỉ có 17% dân Mỹ ủng hộ cải cách của đảng Cộng hoà, 56% chống đối. Đảng Dân chủ chống lại là chuyện dễ hiểu. Nhưng ngay trong nội bộ Cộng hòa cũng có hai phe chống đối. Đối với phe ôn hòa, gần lập trường với các dân biểu Dân chủ, thì hủy bỏ luật Obamacare là một biện pháp không thể chấp nhận được vì hai hệ quả: một là làm chi phí về y tế, bệnh tật sẽ tăng cao và thứ hai là làm cho hàng chục triệu người dân Mỹ (từ 24 đến 26 triệu) không được hưởng dịch vụ xã hội này.

Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo. Phe cực bảo thủ trong đảng Cộng hòa thì chống dự luật thay thế của Donald Trump. Họ cho rằng dự luật mới “không dứt khoát đưa nhà nước ra khỏi lĩnh vực y tế lẽ ra là của tư nhân”.

Trong khi phe thứ ba, đa số, muốn duy trì một số điều khoản trong Obamacare để giúp cho người lao động cũng được bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp không được chủ nhân đóng góp. Vấn đề lưỡng nan của đảng Cộng hòa và của ông Donald Trump là hễ được lòng phe này thì mất phiếu phe kia. Để được thông qua, dự luật của ông Trump phải hội đủ 215 phiếu thuận trên tổng số 429 dân biểu toàn Hạ viện.

Thật ra, cho dù Hạ viện có thông qua dự luật bảo hiểm y tế thì văn kiện này sẽ bị Thượng viện sửa đổi sâu rộng như đã cảnh báo. Tuy nhiên, nếu được vậy thì ông Trump có thể “tự hào” là đã vượt qua được chướng ngại đầu tiên. Nhưng điều ông mong muốn đã không xảy ra. Vì biết trước sẽ thất bại, Hạ viện Mỹ quyết định rút lại dự luật thay thế Obamacare.

Sau thất bại này, Tổng thống Trump đã mở cuộc tấn công thành phần dân biểu Cộng hòa bảo thủ. Trong bản tweet gửi ra vào sáng ngày 26-3, ông Trump nói rằng: “Phía Dân chủ đang cười vui vì nhóm Freedom Caucus, với sự giúp đỡ của Club for Growth and Heritage, đã cứu chương trình Planned Parenthood và Ocare!” Nhóm “Club For Growth and Heritage” có chủ trương kêu gọi các nhà lập pháp Cộng hòa bỏ phiếu theo khuynh hướng thị trường, không có sự can dự của nhà nước. Planned Parenthood là tổ chức cung cấp dịch vụ cho phụ nữ, gồm cả phá thai.

Ông Trump lúc đầu đổ lỗi không thông qua được dự luật là do sự không ủng hộ của phía Dân chủ. Trong thông báo đầu tiên trên Twitter để nói về thất bại của việc hủy bỏ Obamacare, ông Trump viết: “Obamacare sẽ tự phát nổ và tất cả chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một chương trình y tế tuyệt hảo cho người dân. Chớ có lo!”. Nhưng sau thông báo rút lại dự luật thay thế Obamacare, phe của ông Trump không đưa ra kế hoạch nào khác.

Về phía đảng Dân chủ, họ không giấu giếm sự hài lòng. “Hôm nay là một ngày tuyệt vời cho đất nước chúng ta, những gì xảy ra ở Hạ viện là chiến thắng cho người dân Mỹ. Chúng ta hãy tận hưởng giây phút thoải mái, thở phào nhẹ nhõm cho người dân Mỹ” - dân biểu Nancy Pelosi (Dân chủ - California), trưởng khối thiểu số Hạ viện, người giúp Tổng thống Obama vận động thành công Obamacare, nói.

Về mặt chính trị, những gì xảy ra hôm 24-3 đẩy Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Ryan vào một thế yếu kém. Đối với tổng thống, đây là thất bại lập pháp lớn nhất của ông, sau khi những sắc lệnh hạn chế di dân tị nạn đến từ 7 (sau xuống 6) nước Hồi giáo của ông bị nhiều tòa án bác bỏ hai lần trong một tháng, trong lúc ông bị tình nghi có quan hệ với người Nga trong cuộc bầu cử vừa qua, và tố cáo không có bằng chứng là Tổng thống Obama ra lệnh nghe lén ông.

Ông Ryan rõ ràng không kiểm soát được Freedom Caucus, nhóm từng đẩy vị tiền nhiệm của ông về hưu sớm. Dân biểu Rodney Frelinghuysen (Cộng hòa - New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện, một trong những người quyền lực nhất tại Hạ viện, nói rằng dự luật thay thế Obamacare không thể chấp nhận được đối với cử tri trong địa hạt của ông.

Dân biểu Paul Ryan rời cuộc họp báo sau khi không đưa dự luật bảo hiểm y tế ra bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 24-3.

Dân biểu Greg Walden (Cộng hòa - Oregon), chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, người giúp thảo ra dự luật, nói với báo giới: “Chúng tôi cố gắng hết sức rồi. Chỉ thế thôi. Xong rồi. Dự luật này chết rồi”.

Thực ra theo giới phân tích, các dân biểu Cộng hòa cũng rất lo nếu dự luật thay thế Obamacare được thông qua vì sang năm 2018 khi họ tái tranh cử, các cử tri bị mất bảo hiểm sẽ “hỏi tội” những người bỏ phiếu cho dự luật trên. Thay thế Obamacare bằng Trumpcare hay Ryancare là chuyển tiền từ túi người nghèo cho người khá giả. Dù thất bại không xóa bỏ được Obamacare, nhưng ông Trump vẫn có thể cảm thấy mừng. Tâm trạng mừng này lộ ra khi ông đả kích các dân biểu đảng Dân chủ, coi họ là thủ phạm gây ra thất bại này.

Theo nhận định của dân biểu Cộng hòa Christ Collins: “Nếu thất bại thì chúng ta qua chuyện khác. Không đụng đến Obamacare nữa”. Quả đúng như vậy, nhằm “cứu vãn” tình hình sau thất bại trong kế hoạch bãi bỏ đạo luật chăm sóc y tế Obamacare của người tiền nhiệm, Tổng thống Trump và các thành viên đảng Cộng hòa trong tuần này sẽ bắt đầu một cuộc chiến lập pháp mới thậm chí sẽ gian nan hơn: Cải cách toàn diện hệ thống thuế lần đầu tiên trong ba thập niên qua. Phát biểu với báo giới ngày 27-3, ông Trump khẳng định “đành để Obamacare duy trì thêm một thời gian” và tuyên bố “sẽ đẩy mạnh cải cách thuế và chính sách cắt giảm thuế”.

Phát biểu trong chương trình "Fox News Sunday" ngày 27-3, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus cho biết, Tổng thống Trump không có ý định rút lại quan điểm rằng dự luật cải cách thuế cần bao gồm việc áp đặt thuế biên giới. Quan chức này cũng cho biết, chương trình cải cách thuế cũng sẽ bao gồm việc cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, một biện pháp có thể giúp lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Dân chủ ôn hòa.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Thuế và An sinh xã hội của Hạ viện Kevin Brady tiết lộ, ủy ban này đang tích cực hoàn thiện kế hoạch cải cách thuế song song với nỗ lực thúc đẩy việc cải cách y tế sau thất bại vừa qua. Ông cũng biết, ủy ban đã lên kế hoạch xây dựng dự luật cải cách thuế vào mùa xuân này, đồng thời hy vọng kế hoạch chi tiết của Hạ viện sẽ là nền tảng cho kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Trump, thay vì các đề xuất khác từ Bộ Tài chính và Nhà Trắng.

Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cảnh báo phe Cộng hòa sẽ giẫm lên những sai lầm của cải cách bảo hiểm y tế trong chương trình cải cách thuế, cho rằng phe Cộng hòa sẽ phải đối mặt với những trở ngại từ các thành viên bảo thủ trong nhiều vấn đề khác. Các kế hoạch quan trọng nhằm cắt giảm thuế, lấp đầy các lỗ hổng luật pháp và áp thuế nhập khẩu như ông Trump từng đề cập có thể sẽ không được thực hiện đầy đủ. Theo New York Times, nhiều nhà quan sát dự đoán ông Trump sẽ tập trung vào cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế cá nhân để thu được thắng lợi dễ dàng.

Qua những gì ông Trump đã làm kể từ khi bước vào Nhà Trắng cho đến nay, người ta có thể thấy rằng ông đang thực hiện đúng những cam kết tranh cử, Rõ ràng cử tri không thể trách cứ ông nuốt lời. Đến giờ người ta mới nhận thấy, những tuyên bố giúp ông thắng cử và những gì ông làm là khác nhau nhưng nó lại giống với cách mà nhiều đời Tổng thống Mỹ trước đó vẫn làm.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.