Tổng thống Kosovo I.Rugova lâm bệnh

Thứ Tư, 07/09/2005, 09:29

Những ngày này tại Kosovo lại rộn lên những tin đồn về tình hình sức khoẻ của Tổng thống Ibrahim Rugova. Theo AP, vị cựu giáo sư văn chương này đã được máy bay chở từ Pristina tới một quân y viện của quân đội Mỹ đang đồn trú tại Đức. Những nguồn tin không chính thức cho rằng ông Rugova đã mắc phải căn bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, giới chức Kosovo lại tìm mọi cách bác bỏ thông tin này.

Đã có một thời gian khá dài, ông Rugova chỉ được coi như là một chính khách "tay mơ". Trước khi bắt đầu vòng xoáy li khai ở Liên bang Nam Tư cũ, ông chỉ nổi tiếng như một nhà văn và nhà phê bình văn học. Ông từng là trưởng Hội Nhà văn Kosovo, do định hướng dân tộc của mình thường xuyên mâu thuẫn với Hội Nhà văn ở Belgrad, nơi thực ra cũng không ít những phần tử dân tộc chủ nghĩa Đại Serbia. Trước đấy, Rugova đã tốt nghiệp trường đại học tổng hợp Pri-sina, thực tập ở Paris, bảo vệ luận án với chủ đề "Xu thế và tiền đề của nền phê bình nghệ thuật Albania thời kỳ 1504-1983". Ông đã làm Tổng biên tập các tạp chí "Thế giới mới" và "Ngọn cờ" xuất bản bằng tiếng Albania, viết phê bình văn học, giảng dạy văn chương, nghiên cứu "Albania học"...

Từ năm 1989, số phận Rugova liên đới chặt chẽ và kỳ lạ với số phận nhà cựu lãnh đạo Serbia và Nam Tư mới. Chính ông Milosevich năm 1989 đã sửa đổi hiến pháp, tước bỏ quyền tự trị rộng rãi của Kosovo, lúc đó có tới 80% dân số là người Albania (hiện nay, người Albania chiếm tới 90% dân số Kosovo). Chính quyết định này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của người Albania, dẫn tới việc tháng 5/1992, Rugova được bầu làm Tổng thống của nước cộng hòa tự tạo Kosovo. Tới thời điểm đó, Rugova đã là một nhân vật nổi bật trong đội ngũ những chính khách chủ trương li khai. Liên minh dân chủ do ông thành lập năm 1990 đã trở thành đảng quốc gia của người Albania ở Kosovo.

Theo nhận xét của nhiều nhà quan sát, ông Rugova được bầu làm Tổng thống chủ yếu vì ông dường như là một dạng "người ngoài" đối với các thủ lĩnh phe nhóm trong cộng đồng người Albania ở Kosovo. Những thủ lĩnh này, vốn có quyền lực to lớn trong các cơ cấu kinh tế công khai và phi pháp, không muốn đưa nhau lên và họ chọn một người thuộc giới văn học làm đại diện cho họ. Belgrad từng bỡn cợt nói rằng, sở dĩ ông Rugova được bầu làm Tổng thống vì ông có sẵn trụ sở Hội Nhà văn Kosovo trong tay: Chính tại đấy trong những năm qua, ông tiếp đủ các loại khách trong và ngoài nước...

Năm 2004, ông Rugova đã tái đắc cử vào chức Tổng thống Kosovo với sự hậu thuẫn không nhỏ của LHQ. Trong con mắt của nhiều người, một chính trị gia xuất thân từ làng văn dẫu sao cũng khả dĩ hơn những doanh nhân hay các nhà chính trị chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ông Rugova vẫn chưa giúp cho tình hình Kosovo ổn định hoàn toàn

P.V
.
.