Tổng thống Syria nhậm chức và thề thu “giang sơn về một mối”

Thứ Năm, 24/07/2014, 09:55

Ngày 16/7 vừa qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức thêm một nhiệm kỳ giữa lúc tình hình đất nước vẫn đang bị chia cắt bởi cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua. Ông Assad đã thề sẽ sớm "thu giang sơn về một mối", quét sạch các phần tử cực đoan, khủng bố ra khỏi đất nước.

Tổng thống Bashar al-Assad bước vào làm lễ tuyên thệ nhậm chức trong phong thái của một nhà lãnh đạo quốc gia đĩnh đạc và tự tin. Ông không có vẻ gì gọi là đang bị động trong cuộc nội chiến đất nước tương tàn, mà ngược lại, theo đánh giá của báo chí phương Tây, lại thể hiện phong độ của người chiến thắng trên mặt trận. Việc Assad được đại đa số người dân Syria bầu lại thêm một nhiệm kỳ cho thấy ở Syria hiện tại không ai có thể thay thế ông để lãnh đạo, bảo đảm an ninh và duy trì sự toàn vẹn của đất nước Syria.

Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông Assad đã tố cáo các thế lực thù địch của Syria ở phương Tây và thành phần Sunni trong khu vực Trung Đông đã tạo ra "cuộc chiến bẩn thỉu" tại Syria suốt mấy năm qua. Đồng thời, với đà chiến thắng hiện nay trên mặt trận, ông Assad tuyên bố trong nhiệm kỳ mới "thề" sẽ nỗ lực giành lại các thành phố, thị trấn còn nằm trong tay phiến quân, quyết đánh đuổi lực lượng Hồi giáo cực đoan ISIS ra khỏi Syria, thu hồi lại toàn bộ các vùng lãnh thổ quốc gia đã bị mất.

Bashar al-Assad lên thay cha mình, cố Tổng thống Hafez al-Assad, lãnh đạo Syria từ năm 2000, tính đến nay đã được 14 năm, tiếp tục trở thành cái gai đối với thế lực Hồi giáo Sunni trong khu vực và các đồng minh của họ ở phương Tây, nhất là Mỹ. Làn sóng Mùa xuân Arập bắt đầu quét qua khu vực Trung Đông và Bắc Phi vào đầu năm 2011 đã cuốn đất nước Syria của ông vào vòng xoáy mất ổn định về an ninh. Nội chiến bắt đầu bùng nổ tại Syria từ tháng 3/2011 giữa lực lượng đối lập mang tên Quân đội Syria tự do (FSA) với quân đội Chính phủ.

Với hy vọng lật đổ Tổng thống Assad để lên nắm quyền ở Syria, phe đối lập, ban đầu có tên là Hội đồng Quốc gia Syria (SNC), đã tích cực tìm kiếm và nhận được sự hậu thuẫn từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Từ đó, cuộc nội chiến bị đẩy lên cao trào, với việc phiến quân FSA được Mỹ và các đồng minh trong khu vực Trung Đông ủng hộ, hỗ trợ bằng vật chất lẫn vũ khí chiến đấu.

Phiến quân Syria đối lập và các đồng minh bên ngoài thậm chí còn nhiều lần tạo ra các sự kiện về sử dụng vũ khí hóa học nhằm tạo cớ cho Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc nội chiến hoặc tăng cường hỗ trợ vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, Syria đã vượt qua những sự kiện đó một cách ổn thỏa, thậm chí với tư thế của người chiến thắng.

Từng bị phương Tây "xóa tên" trên bản đồ chính trị thế giới và xem như chắc chắn sụp đổ, Assad đã gượng dậy quyết liệt, nhờ sự trợ giúp đầy hiệu quả của trước hết là về mặt ngoại giao và kỹ thuật quân sự của Nga, Iran, và sau đó là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ trên mặt trận của Hezbollah. Chính sự chia lửa của Hezbollah đã làm thay đổi rõ rệt cục diện cuộc nội chiến, từ chỗ phiến quân đánh đâu thắng đó chuyển sang thế bại trận và rút chạy khỏi hàng loạt vị trí chiếm đóng trước đó.

Sự hỗ trợ hiệu quả của Hezbollah đã tạo đà cho quân đội Syria thừa thắng xông lên giành lại nhiều thành phố, thị trấn quan trọng, huyết mạch, đẩy phiến quân FSA vào thế bế tắc, thoái lui. Tuy nhiên, thay thế FSA lại là lực lượng Hồi giáo cực đoan ISIS đã đặt ra một nguy cơ mới về một cuộc chiến không đơn thuần là dẹp loạn phiến quân FSA như trước mà đây còn là cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan, chống lại sự bành trướng của thánh chiến và khủng bố đe dọa an ninh không chỉ toàn khu vực Trung Đông mà cả thế giới.

Trong cuộc chiến mới này, ông Assad đang ở vào thế của người đứng ở tiền tuyến chống lại thế lực khủng bố mà Mỹ và phương Tây cũng đang chống. Thế nhưng, điều trớ trêu là Mỹ và phương Tây lại muốn cả việc lật đổ Tổng thống Assad cho nên thay vì cùng nhau chống "kẻ thù chung", Mỹ và các đồng minh lại tính chuyện cung cấp vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật để phiến quân FSA tiếp tục chống phá Tổng thống Assad. Cuộc nội chiến Syria vì thế mà hiện nay khá là phức tạp.

Quân FSA chống Tổng thống Assad và chống cả ISIS, trong khi quân đội Chính phủ Syria cũng vừa chống cả FSA lẫn ISIS. Tất cả các bên đều chống nhau, điều này khiến cho phiến quân FSA lẫn ISIS đều khó tập hợp được sức mạnh để chống lại quân đội Chính phủ Syria. Đây là một thuận lợi để quân đội của Tổng thống Assad liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng trong thời gian qua, nhất là việc thu hồi phần lớn thành phố Aleppo vào tháng 5/2014.

Trong khi đó, ở khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Syria, các lãnh đạo người Kurd đã ban lệnh bắt buộc nhập ngũ đối với nam thanh niên tuổi từ 18 trở lên để củng cố lực lượng quân sự, dân quân địa phương. Mục đích của việc bắt buộc nhập ngũ này được cho là để xây dựng lực lượng tự vệ chống lại làn sóng xâm nhập và chiếm đóng của thành phần Hồi giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIS) đang tham gia vào cuộc nội chiến chống Chính phủ Syria và có mưu đồ bành trướng vùng lãnh thổ ở Syria.

Mặc dù người Kurd cũng có toan tính riêng của họ trong tình hình Syria hiện tại và tương lai, nhưng động thái "tự vệ" này cũng đã góp một phần ngăn chặn sự bành trướng của ISIS trong khi lực lượng của Chính phủ Syria hiện đang dàn trải cho các mặt trận khác khắp đất nước Syria. Đây được ngầm hiểu như một sự "hỗ trợ" của người Kurd đối với Tổng thống Assad, một động thái mà người Kurd đã luôn làm từ đầu cuộc nội chiến đến nay

Văn Trương (tổng hợp)
.
.