Tổng thống Venezuala H.Chavez: Bị doạ ám sát càng nâng cao uy tín

Thứ Hai, 29/08/2005, 08:41

Theo AP và TTXVN, lời kêu gọi Mỹ ám sát Hugo Chavez đang có lợi cho nhà lãnh đạo Venezuela này về mặt chính trị, củng cố tuyên bố của ông rằng Washington muốn giết ông, khiến ông được quốc tế chú ý và có thể nâng cao uy tín của ông ở trong nước.

Ngày 24/8, những người ủng hộ Chavez nói lời lẽ của người dẫn chương trình tôn giáo Pat Robertson rằng, Mỹ nên "gạt bỏ ông" đã tạo ra sự tin tưởng cho những lời cảnh báo của Chavez rằng Chính phủ Mỹ đang tìm cách lật đổ chính quyền cánh tả của ông. Maritza Uzcategui, y tá 50 tuổi và là người ủng hộ Chavez nói: "Nếu có bất kỳ ai nghi ngờ thì nay họ không còn nghi ngờ nữa".

Các quan chức Mỹ cho rằng, những ý kiến đã được truyền đi của Robertson là không phù hợp và nhắc lại những lời đảm bảo rằng Mỹ không cân nhắc việc giết Chavez bất chấp những câu hỏi của Mỹ về cam kết của ông đối với nền dân chủ và những lời tố cáo rằng ông đang gây mất ổn định ở Mỹ Latinh. Ngày 24/8, Robertson đã xin lỗi và nói rằng kêu gọi ám sát ai đó là điều sai lầm. Ông tuyên bố: "Tôi nói trong sự thất vọng rằng, chúng ta nên giúp đỡ người cho rằng Mỹ đang tìm cách giết ông ta".

Trong nhiều tháng, Chavez liên tục đưa ra những lời phát biểu về những âm mưu ám sát và ngụ ý Mỹ tìm cách lật đổ ông. Ông cảnh báo, Venezuela nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới, sẽ giảm xuất khẩu dần sang Mỹ nếu Mỹ ủng hộ bất kỳ âm mưu nào chống lại ông. Đồng thời, Chavez đã tìm cách nâng vị thế của Venezuela trên trường quốc tế, mở rộng các hợp đồng dầu mỏ ưu đãi cho các nước từ Trung Quốc tới Argentina trong nỗ lực củng cố các đồng minh và sắp xếp các bạn hàng thay thế Mỹ, nước mua dầu số một của Venezuela.

Luis Vecente Leon, Giám đốc Công ty Thăm dò ý kiến của Venezuela, Datanalisis cho rằng, bằng việc hợp pháp hóa những lời cảnh báo của Chavez về các âm mưu, những lời nói của Robertson sẽ nâng vị thế của Tổng thống và củng cố sự ủng hộ trong nước vốn đã cao đối với ông. Leon nói: "Điều chắc chắn là tuyên bố này sẽ củng cố vị thế của Chavez ở trong nước và trên thế giới".

Ngày 22/8, Chính phủ Venezuela đã nhanh chóng đáp lại những lời lẽ của Robertson, gọi đó là "những tuyên bố mang tính khủng bố".

Ngày 13/8, ở Cuba, Chavez cũng lần đầu tiên đề nghị giúp các cộng đồng nghèo ở Mỹ bằng cách bán trực tiếp xăng cho họ để loại bỏ người trung gian.

Chavez, một cựu sĩ quan quân đội được bầu làm Tổng thống năm 1998, thường đổ lỗi cho "chủ nghĩa đế quốc" Mỹ đã gây ra tình trạng nghèo nàn của thế giới và nói ông đang đưa đất nước tiến tới chủ nghĩa xã hội - một khái niệm mà ở Venezuela vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng.

Khi được các phóng viên ở Jamaica hỏi về những lời lẽ của Robertson, Chavez tỏ ra ít lo lắng.

Nghị sĩ Mỹ Jose Serrano đã chỉ trích thái độ của Mỹ đối với Chính phủ Venezuela cũng như những bình luận của Robertson. Serrano nói Chavez "đã nhiều lần là mục tiêu của chính quyền này và những người đại diện cho chính quyền với kiểu ám sát tồi tệ nhất, chỉ vì họ không tán thành các chính sách xã hội và kinh tế của ông ta".

Các quan chức hàng đầu của Mỹ thì cho rằng, họ lo ngại về nền dân chủ dưới thời Chavez và tố cáo Chính phủ của ông tài trợ cho "các nhóm chống dân chủ" ở Bolivia, Ecuado và các nước Mỹ Latinh khác

P.V
.
.