Tranh chấp Trung - Nhật trên biển Hoa Đông: Căng thẳng bên ngoài, đắc lợi bên trong

Thứ Bảy, 01/09/2012, 20:40

Cuộc tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh quần đảo trên biển Hoa Đông mà người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản là Senkaku, đang tiếp diễn với những màn "phản đối Nhật Bản" của những người Trung Quốc quá khích trên khắp Trung Quốc.

Sự phản đối của người Trung Quốc quá khích đối với Nhật Bản tiếp tục leo thang lên một mức độ nghiêm trọng hơn vào ngày 27/8, khi một người đàn ông Trung Quốc tấn công xe chở Đại sứ Nhật Bản Uichiro Niwa trên đường phố Bắc Kinh.

Theo tường thuật của Hãng tin AFP, xe chở Đại sứ Niwa đã buộc phải dừng lại vì bị 2 chiếc xe của người Trung Quốc chặn đầu, và ngay lập tức một người đàn ông Trung Quốc chạy đến giật lá cờ cắm ở đầu xe. Theo quy định tại Trung Quốc, xe của các viên chức ngoại giao mang biển số đặc biệt, duy chỉ có xe của đại sứ có cắm cờ. Vì thế, vụ tấn công, tuy không gây thương tích cho Đại sứ Nhật, nhưng là hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và bảo đảm an toàn cho các đại sứ quán và nhân viên ngoại giao. Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh và chính quyền tại Tokyo đã cực lực phản đối hành động tấn công xe đại sứ ở Bắc Kinh.

Vụ việc tấn công xe Đại sứ Nhật xảy ra trong lúc làn sóng chống Nhật tiếp tục lan rộng khắp Trung Quốc. Tại nhiều thành phố ở Trung Quốc, người Trung Quốc biểu tình rầm rộ giương cao khẩu hiệu phản đối Nhật Bản, yêu cầu Nhật Bản "trả lại" quần đảo Điếu Ngư của người Trung Quốc.

Trước đó, ngày 19/8, hàng ngàn người quá khích tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) trong cuộc biểu tình còn lật phá xe ôtô do Nhật sản xuất để bày tỏ thái độ "chống Nhật". Còn tại thành phố Harbin (tỉnh Hắc Long Giang), hàng ngàn người biểu tình với các khẩu hiệu chống Nhật một cách quá khích, thể hiện một thái độ thiếu kiềm chế. Làn sóng biểu tình phản đối Nhật Bản tái phát tại Trung Quốc bắt đầu nổ ra sau khi 150 người Nhật đến hòn đảo lớn nhất Uotsuri trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và cắm cờ Nhật trên đó để “biểu thị chủ quyền”.

Trong các cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên biển, kể cả trên biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc đang ra sức thổi bùng ngọn lửa căng thẳng và sau đó ngang ngược đổ lỗi cho các nước có liên quan "gây hấn", ra sức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để đánh lừa dư luận. Chẳng hạn trong vụ việc Nhật Bản bắt và sau đó trục xuất 14 người gồm người Trung Quốc đại lục, Hồng Công và Đài Loan khi những người này đi tàu xâm nhập quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, bất chấp thực tế đã được báo chí quốc tế thông tin, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã không tiếc lời tố cáo Nhật Bản "gây hấn", xâm phạm chủ quyền, khiêu khích Trung Quốc, đồng thời đe dọa Nhật Bản sẽ "trả giá đắt" nếu không "kiểm soát xung đột".

Nhiều người Trung Quốc xuống đường biểu tình chống Nhật với các khẩu hiệu thiếu kiềm chế.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông với Nhật Bản là có chủ ý. Nhật Bản có đầy đủ chứng tích lịch sử về chủ quyền đối với quần đảo là một phần lãnh thổ của mình. Chẳng hạn, tờ báo Nhật Bản Japan Times dẫn nguồn các thư tịch Nhật Bản để cho rằng, người Nhật đã bắt đầu quản lý quần đảo Senkaku từ năm 1895, còn Trung Quốc thì mãi đến thập niên 70 thế kỷ XX mới đến tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, sau đó Đài Loan cũng đến "giành phần", gọi là Tiểu Ngư Đài.

Theo chuyên gia chính trị Lim Chong Pin thuộc Đại học Tmakang, Đài Loan, việc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển là một "chiêu" hướng sự chú ý của dư luận trong nước sang các vấn đề bên ngoài, giới phân tích thường hay gọi là "chuyển lửa ra ngoài". Mục tiêu của việc này là làm giảm bớt sự chú ý của dư luận công chúng trong nước đối với các vụ việc chính trị trong nước đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tầng lớp lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, như vụ việc nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai mất chức và sau đó là vụ việc vợ ông, bà Cốc Khai Lai bị buộc tội chủ mưu giết người, bị tòa án tuyên án "tử hình treo", thời hạn 2 năm trước khi hành quyết.

Những vụ việc này lại xảy ra ngay trước thềm giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo cấp cao ở Trung ương Đảng, cho nên càng phải lái sự chú ý của dư luận sang hướng khác. Tờ Thời báo Hoàn cầu thậm chí còn cho rằng Trung Quốc cần tiếp tục gây "căng thẳng ở bên ngoài để có lợi bên trong".

Ngày 27/8, báo Time đưa tin Chính phủ Nhật đang "trả giá" 2 tỉ yen (hơn 25 triệu USD) để mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Japan Times cho biết, Thứ trưởng Văn phòng Nội các Chính phủ Hiroyuki Nagahama đang có các cuộc tiếp xúc và đàm phán bí mật với các thành viên gia đình Kurihara, chủ sở hữu 4 trên tổng số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku, để tiến tới ký kết  thuận, triển khai kế hoạch chuyển giao cho Chính phủ quản lý quần đảo.

Cuộc thương lượng này không nằm trong kế hoạch mua đảo của Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đưa ra hồi tháng 4/2012, mua lại các đảo Uotsuri, Kitakojima và Minamikojima để xác lập cụ thể quyền sở hữu quần đảo Senkaku, tạo cơ sở pháp lý trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Gia đình Kurihara không muốn đàm phán với ông Ishihara vì cho rằng những phát ngôn quá khích của ông có thể gây phương hại đến tiến trình mua bán quần đảo

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.