Triều Tiên đã báo động quân đội

Thứ Tư, 19/04/2017, 15:45
Triều Tiên đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thăm khu vực biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc và tái khẳng định quan điểm của Washington là nước này "cân nhắc mọi lựa chọn" trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.


Triều Tiên đặt quân đội trong "tình trạng báo động cao nhất"

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Mỹ không loại trừ bất cứ khả năng nào trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Phát biểu khi đến thăm làng đình chiến Panmunjom ở khu biên giới phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên (DMZ) ngày 17-4, Phó Tổng thống Pence cho biết Washington muốn đảm bảo an ninh "thông qua các biện pháp hòa bình và thương lượng", song cũng nhấn mạnh rằng "mọi lựa chọn đều được đặt lên bàn đàm phán".

Chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài ba ngày của ông Pence diễn ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng trong khu vực, trong đó Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân nữa, còn Mỹ đưa nhóm tàu sân bay tấn công tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Đáp lại, trước khi ông Pence tới Hàn Quốc, Triều Tiên đã công bố nhiều loại tên lửa đạn đạo trong cuộc diễu binh ngày 15-4 và phóng một quả tên lửa vào sáng 16-4, nhưng vụ phóng này bị cho là đã thất bại.

Các loại tên lửa hiện đại được trình diễn trong ngày 15-4-2017. Ảnh: AP.

Ngày 16-4, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Tướng H.R. McMaster cho biết Washington cùng với các đồng minh và Trung Quốc đang xem xét một loạt phản ứng đối với vụ thử tên lửa đạn đạo thất bại mới nhất của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump không cân nhắc hành động quân sự với Bình Nhưỡng vào thời điểm này.

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC, tướng McMaster khẳng định đã đến lúc Mỹ thực hiện mọi hành động có thể, ngoài lựa chọn quân sự, nhằm giải quyết hòa bình vấn đề này. Mỹ đang hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời cùng ban lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy một loạt lựa chọn. Vào lúc này, cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, đều nhất trí rằng tình trạng hiện nay là không thể kéo dài.

Đáp lại những tuyên bố từ phía Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Al-Jazeera ngày 17-4, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Sin Hong-chol nói rằng chính quyền Mỹ nên "mở rộng tầm mắt quan sát thế giới".

Ông Sin nói: "Nếu Triều Tiên thấy có bất cứ dấu hiệu nào về một cuộc tấn công vào lãnh thổ của chúng tôi, quân đội Triều Tiên sẽ tiến hành các vụ tấn công quân sự tàn khốc nhằm vào những kẻ xâm lược, bất kể họ ở đâu, từ nước Mỹ xa xôi tới những căn cứ quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản hay bất cứ đâu".

Ngoài ra, ông Sin Hong-chol cũng cho rằng các cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã "bị bóp nghẹt ngay từ khi ra đời". Ông nhấn mạnh rằng việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là ảo tưởng và đây không phải là một món hàng có thể bị đem ra mua bán. Chính vì vậy, không thể đưa vấn đề này ra bàn đàm phán với mục tiêu chấm dứt nó.

Trong khi đó, cùng ngày, Phó Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim In Ryong tuyên bố Bình Nhưỡng sẵn sàng phản ứng trước "bất kỳ hình thức chiến tranh nào" do những hành động quân sự của Mỹ gây ra.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Kim In Ryong nói: "Nếu Washington dám lựa chọn hành động quân sự, Triều Tiên sẵn sàng ứng phó trước bất kỳ hình thái chiến tranh nào mà Mỹ mong muốn". Phó Đại sứ Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ đang biến bán đảo Triều Tiên thành "điểm nóng lớn nhất thế giới" và tạo ra "tình huống nguy hiểm khiến chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra vào bất kỳ lúc nào".

Theo ông Kim, các cuộc diễn tập quân sự mà Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành là "những cuộc tập trận hiếu chiến" lớn nhất từ trước đến nay. Do đó, việc Triều Tiên củng cố các lực lượng hạt nhân là hành vi tự vệ.

Trước thời điểm Triều Tiên phóng thử tên lửa và bị thất bại, ngày 15-4, Triều Tiên đã có buổi lễ diễu binh quy mô lớn kỷ niệm 105 ngày sinh nhà sáng lập nước, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). Cuộc diễu binh diễn ra trong bối cảnh nhiều máy bay, tàu chiến Mỹ và đồng minh đang áp sát bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, phía Triều Tiên cũng có những tuyên bố cứng rắn và cảnh báo về những hậu quả.

Dư luận quốc tế bày tỏ quan ngại và mong muốn các bên giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình. Có khoảng 200 nhà báo nước ngoài được mời đến đưa tin về các hoạt động chào mừng ngày lễ này.

Pháo binh Triều Tiên tập trận. Ảnh: Reuters.

Khẩu chiến và những đòn cân não

Cho dù tình hình vô cùng căng thẳng liên quan tới những hành động và tuyên bố cứng rắn của cả hai bên, song dường như mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Có vẻ như nước Mỹ đang rất chủ động trong việc nắm bắt thông tin về tình hình Triều Tiên.

Hãng Reuters dẫn nguồn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho hay, trong vụ Triều Tiên phóng tên lửa tại một địa điểm gần thành phố Sinpo, Lầu Năm Góc tuyên bố “không ngạc nhiên” về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào sáng cùng ngày. Một cố vấn khi đang tháp tùng ông Pence cho biết: “Chúng tôi không ngạc nhiên và đã lường trước chuyện đó. Chúng tôi có thông tin tình báo trước và sau khi phóng. Đó là vụ thử thất bại”.

Còn theo tờ The New York Times, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra tuyên bố với “ngôn từ bất thường” sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên sáng 16-4. “Tổng thống và quân đội biết rõ về vụ phóng tên lửa thất bại mới nhất của Triều Tiên. Tổng thống không có bình luận nào”, ông Mattis nói.

Các nhà phân tích bình luận, việc Mỹ nắm được các thông tin tình báo về Triều Tiên đồng thời hành xử một cách “chậm rãi và chắc chắn” báo hiệu những dấu hiệu sẽ có bước đột phá trong vấn đề Triều Tiên. Không phải vậy mà khi phát biểu trên chương trình “ThisWeek” của kênh ABC, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, tướng H.R. McMaster nói: “Đã đến lúc chúng ta thực hiện mọi hành động có thể”.

Ông McMaster cho biết, ông Trump đã chỉ đạo các quan chức quân sự, ngoại giao và tình báo Mỹ đưa ra các lựa chọn có thể. Ông McMaster cảnh báo rằng ông Trump “sẽ đưa ra các quyết định cứng rắn”.

Trong khi đó, trang tin điện tử của báo "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng" dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng quyết định tấn công quân sự bất ngờ nhằm vào Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc Washington tăng cường ý muốn gây hấn bằng quân sự đang dẫn tới nhiều đồn đoán rằng Bình Nhưỡng có thể là mục tiêu tiếp theo của một hành động đơn phương như vậy. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên không giống như Syria do hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Các chuyên gia cho rằng về mặt kỹ thuật, bán đảo Triều Tiễn vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Giao tranh tạm dừng theo hiệp định đình chiến vào ngày 27-7-1953 và Mỹ phát động cuộc tấn công sẽ phá vỡ hiệp định được Liên Hiệp Quốc ủng hộ này.

Ngoài ra, có những khác biệt quan trọng giữa Triều Tiên và Syria. Giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng còn có khả năng phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân có thể tấn công Mỹ trong vòng 4 năm tới, trong thời gian nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Sự tăng nhiệt ghê gớm trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày qua khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột quân sự. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận và đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau, có thể thấy những động thái phô trương sức mạnh quân sự và những lời lẽ hăm dọa của cả Mỹ và Triều Tiên có thể chỉ là “đòn cân não” và “nắn gân” lẫn nhau.

Trước hết, nhìn từ góc độ của Mỹ, những động thái của Washington như điều hàng loạt tàu chiến, trong đó có tàu sân bay USS Carl Vinson, áp sát bán đảo Triều Tiên dường như nhằm mục đích thử phản ứng của phía Triều Tiên xem liệu Bình Nhưỡng có dám vượt quá “ranh giới đỏ” và sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Washington hay không. Việc “động binh” của Mỹ cũng nhằm gây áp lực với Trung Quốc buộc nước này phải có động thái tích cực và quyết liệt hơn để chấm dứt chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Động thái của Mỹ cũng nhằm khẳng định rằng những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan tới vấn đề Triều Tiên trong chuyến thăm Mỹ hồi tuần trước là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là khả năng Washington sẽ tự giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không cần tới Trung Quốc. Ông Trump đang tìm cách phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều năm qua và tạo ra bước đột phá trong các nỗ lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Các loại tên lửa hiện đại được trình diễn trong ngày 15-4-2017. Ảnh: AP.

Về phía Triều Tiên, những màn phô trương sức mạnh với hàng loạt vũ khí tối tân trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 105 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành cùng hành động thử tên lửa trong ngày 16-4 (mặc dù thất bại) cho thấy Bình Nhưỡng cũng đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Mỹ.

 Tuy nhiên, việc Triều Tiên có khơi mào cho một cuộc chiến tranh hay không lại là chuyện khác. Vì thế, có thể nhận định rằng những động thái phô trương sức mạnh và những tuyên bố của Bình Nhưỡng cũng là nhằm thử “sức chịu đựng” của Washington, qua đó hiểu rõ hơn chính sách của tân Tổng thống Trump đối với Triều Tiên, nhất là sau khi nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng Triều Tiên hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.

“Giới hạn đỏ”

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên kể từ khi hai miền Triều Tiên ký hiệp định đình chiến năm 1953, tình hình bán đảo Triều Tiên lại rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Triều Tiên đã không ít lần sử dụng con bài “bên miệng hố chiến tranh” để đạt được mục đích của mình trong nhiều vấn đề, nhất là trên bàn thương lượng với các nước liên quan. Các nhà lãnh đạo ở Washington và Bình Nhưỡng hoàn toàn đủ tỉnh táo để hiểu rằng điều gì sẽ xảy ra nếu một bên không thể kiểm soát tình hình.

Rõ ràng, một cuộc chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc và không bên nào giành thắng lợi trong cuộc chiến đó: Nền kinh tế thứ 11 thế giới là Hàn Quốc có nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn do Seoul nằm gọn trong tầm bắn của các tên lửa Triều Tiên, Trung Quốc có thể phải đón nhận làn sóng người tị nạn khổng lồ từ Triều Tiên, Nhật Bản cũng sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc về mọi mặt, và đương nhiên các lực lượng Mỹ đóng quân tại hai quốc gia đồng minh cũng sẽ bị thiệt hại và chịu tổn thất nặng nề,... Nói như vậy để thấy rằng cả Mỹ và Triều Tiên vẫn đang cố gắng giữ tình hình ở trong tầm kiểm soát và không vượt quá “giới hạn đỏ”.

Có nhiều lý do để nhận định rằng Mỹ khó có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên. Ngoài những hậu quả thảm khốc mà một cuộc xung đột có thể gây ra cho các bên, sự khác nhau giữa một Triều Tiên với năng lực hạt nhân được đánh giá ở mức đáng lo ngại và một Syria với chương trình hạt nhân vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu cũng là một yếu tố quan trọng để các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ không thể hành động với Triều Tiên tương tự như với Syria.

Điều đó thể hiện ở chỗ Tổng thống Trump đã tỏ ra kiềm chế sau vụ thử tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng, thậm chí ông còn tuyên bố "không cân nhắc hành động quân sự" vào thời điểm hiện giờ. Có vẻ ông Trump vẫn muốn tận dụng tối đa các cơ hội ngoại giao để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bằng chứng là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thực hiện chuyến công du tới Hàn Quốc và Nhật Bản trong tình trạng “nước sôi, lửa bỏng” để cùng các đồng minh tìm cách tháo gỡ tình hình. Ngoài ra, tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” ở bán đảo Triều Tiên đã khiến các quốc gia có liên quan trong tiến trình đàm phán 6 bên, trong đó có Trung Quốc, phải đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao bởi chiến tranh không phải là kịch bản mà các bên mong muốn.

Có thể mọi nỗ lực chưa thể ngay lập tức dẫn tới một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề Triều Tiên, nhưng ít nhất cũng có thể giúp hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay và xoa dịu “những cái đầu nóng”. Chuyên gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu về vấn đề Hàn Quốc, ông Gordon Flake, đã nhận định rằng mặc dù khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên là rất ít, song một hành động sai lầm của bất kỳ bên nào cũng có thể làm tăng thêm bất ổn ở bán đảo Triều Tiên và khiến mọi việc trượt ra khỏi tầm kiểm soát. Ông Gordon Flake cho rằng, cần tiếp tục làm việc trên mặt trận ngoại giao.

Nguyễn Hòa
.
.