Trọng tâm của Australia trong “kỷ nguyên châu Á”

Thứ Năm, 08/11/2012, 14:50

"Châu Á sẽ không chỉ là nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ lớn nhất, mà cũng là nơi tiêu thụ nhiều nhất. Sự phồn thịnh của châu Á đòi hỏi Australia phải có một kế hoạch rõ ràng để khai thác cơ hội kinh tế mới và đối phó hữu hiệu với các thử thách".

Đó là một đoạn trích trong lời tựa của Sách trắng "Australia trong thế kỷ châu Á" vừa được Thủ tướng Julia Gillard công bố tại Viện Nghiên cứu Chính sách The Lowy Institute ở Sydney. Tài liệu dài 300 trang do một nhóm chuyên viên soạn thảo từ đầu năm nay, đã vạch ra lộ trình đầy đủ để đưa Australia trở nên giàu mạnh hơn trong vòng 15 năm tới nhờ tranh thủ tận dụng sự phát triển của châu Á. Tiến sĩ Ken Henry, cựu Tổng thư ký Bộ Ngân sách Australia và là một kinh tế gia có tiếng, đã làm trưởng ban soạn thảo. Điều này giải thích trọng tâm về mặt kinh tế tại châu Á của Sách trắng.      

Trong lời tựa của Sách trắng, Thủ tướng Julia Gillard nói rằng, thế kỷ XXI  mang lại sự trỗi dậy của châu Á, bất kể là những gì khác mà thế kỷ này có thể đem lại. Theo bà Julia Gillard, sự chuyển biến của khu vực châu Á thành một động lực kinh tế của thế giới là một sự chuyển biến chẳng những không thể chặn lại được, mà còn diễn ra ở một tốc độ nhanh chóng. Trong thế kỷ này, khu vực mà nhân dân Australia sinh sống sẽ là nơi mà phần đông tầng lớp trung lưu của thế giới cư ngụ. Châu Á sẽ không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa và dịch vụ lớn nhất trên thế giới mà còn là nơi tiêu thụ lớn nhất. Lịch sử cho thấy rằng khi sức nặng kinh tế dịch chuyển, thì sức nặng chiến lược cũng dịch chuyển.

Bà Julia Gillard nói: "Châu Á sẽ là nơi cư ngụ của tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới. Australia sẽ phải cạnh tranh với Mỹ, với các nước châu Âu về mặt sản xuất hàng hóa và dịch vụ có phẩm chất cao để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của châu Á. Australia phải tận dụng vị trí địa dư gần gũi với vùng này". Sự phồn thịnh của châu Á đòi hỏi Australia phải có một kế hoạch rõ ràng để khai thác cơ hội kinh tế mới và đối phó hữu hiệu với các thử thách.

Sách trắng vạch ra mục tiêu cho Australia trong 13 năm tới đến năm 2025 để bảo đảm Australia sẽ thực hiện được ước vọng và cạnh tranh hiệu quả trong khu vực châu Á, bao gồm các kỳ vọng chính vào năm 2025 như: GDP sẽ nằm trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu thế giới; hệ thống giáo dục đứng vào nhóm 5 quốc gia dẫn đầu và 10 đại học vào nhóm 100 đại học đứng đầu thế giới. Trên phạm vi toàn cầu, Australia sẽ được xếp vào nhóm 5 quốc gia dễ giao dịch kinh doanh nhất và hệ thống sáng tạo của Australia sẽ được xếp vào 10 quốc gia dẫn đầu thế giới.

Giới lãnh đạo thương nghiệp Australia với 1/3 thành viên quản trị của 200 công ty và các cơ quan liên bang hàng đầu chính thức của Australia sẽ có kinh nghiệm và kiến thức sâu sắc về châu Á; mạng lưới ngoại giao của Australia sẽ đặt nền móng rộng khắp châu Á, hỗ trợ mạnh mẽ và sâu rộng hơn sự liên minh với các quốc gia châu Á. Australia sẽ đạt quan hệ ngoại giao toàn diện hơn với các quốc gia trọng yếu trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc và sẽ mở rộng ngoại giao với các nước khác, từ Mông Cổ đến Việt Nam và nhiều nước khác nữa.

Theo Andrew MacIntyre, Hiệu trưởng Đại học châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, Sách trắng là nguồn động lực mạnh mẽ, bao trùm nhiều lĩnh vực cho giai đoạn tiếp theo của quá trình Australia hội nhập sâu hơn vào khu vực. Trước hết, Sách trắng đã đánh giá quy mô thay đổi đang diễn ra tại châu Á và đưa ra nhận định về ảnh hưởng tiềm ẩn trong tương lai. Điều này không chỉ nằm ở sự thay đổi  của một vài nước cụ thể hay thậm chí toàn bộ khu vực châu Á mà là ở quy mô toàn cầu. Sự thay đổi lớn lao và nhanh chóng này đòi hỏi Australia phải điều chỉnh lợi ích quốc gia cho phù hợp.

Thứ hai, Sách trắng nhấn mạnh yếu tố quyết định chủ yếu đối với thịnh vượng của Australia là duy trì nền kinh tế ổn định. Trọng tâm cho việc này là tăng năng suất theo hướng bền vững trong thời gian dài. Năng suất kinh tế không chỉ thúc đẩy cơ hội cải thiện tiêu chuẩn sống mà còn cả khả năng cải cách các thể chế và nâng cao lợi ích quốc gia trên trường quốc tế. Thứ ba, cũng là điểm chứa nhiều lợi ích nhất, Sách trắng đưa ra một loạt vấn đề cần chuẩn bị cũng như sáng kiến xây dựng quan hệ tầm quốc gia hướng vào châu Á.

Câu hỏi được đặt ra là chính phủ hiện nay cũng như các chính phủ tiếp theo sẽ thực sự làm gì? Đa phần các thành viên chủ chốt của Quốc hội Australia hiểu rõ thách thức của thế kỷ châu Á. Vấn đề xuyên suốt là Australia sẽ đặt ưu tiên cho các sáng kiến này như thế nào trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Một vấn đề khác không kém tầm quan trọng là khả năng sắp xếp phối hợp với các đối tác ở cấp nhà nước.

Khả năng trỗi dậy của Australia trước những cơ hội và thách thức mà sự thay đổi của châu Á mang lại phụ thuộc vào lựa chọn và hành động của toàn xã hội. Các nhà lãnh đạo chính trị có thể vạch ra phương hướng, điều phối nguồn lực và khuyến khích hành động. Tuy nhiên, quyết định của các nhà lãnh đạo kinh tế ở cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ, lãnh đạo các nhà trường cũng như các tổ chức thông tin đại chúng, cộng đồng, các thể chế văn hóa… mới là yếu tố quyết định tốc độ và hiệu quả của quá trình thay đổi.

Sách trắng "Australia trong thế kỷ châu Á" đã đưa ra lộ trình tốt và nhờ tập trung nỗ lực, Australia hoàn toàn có thể đóng góp mạnh mẽ vào thế kỷ châu Á và trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình thay đổi của khu vực này.

Tuy nhiên, những gì mà chính phủ của Thủ tướng Julia Gillard nêu ra trong Sách trắng lại không được phe đối lập ở nước này đồng tình. Lãnh đạo đối lập Tony Abbott tuyên bố đảng ông ủng hộ đường lối cải thiện quan hệ với châu Á nhưng ông chỉ trích rằng: "Nội dung Sách trắng toàn là những điều mà ai cũng biết và không có gì mới. Những mục tiêu được đề ra là đáng hoan nghênh nhưng Sách trắng không nêu rõ những hoạt động cụ thể và chắc chắn là chính phủ chưa biểu lộ sự quyết tâm của họ bằng cắt đặt ngân sách cho các chương trình". Ông cũng lặp lại lời chỉ trích cố hữu là Chính phủ Gillard yếu kém trong việc quản lý nền kinh tế.

Thượng nghị sĩ đảng Xanh Richard Di Natale cho rằng dù Sách trắng "Australia trong thế kỷ châu Á" nhận định vấn đề đúng đắn, chính phủ cần phải hành động như lời nói: "Chúng ta đã nghe những lời hùng biện tuyệt vời. Lộ trình nhìn chung cũng khá, nhưng cho tới nay thì đó chỉ là hoài bão. Cái mà chúng ta thực sự cần bây giờ là hành động…"

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.