Trung Đông: Bước đi đột phá của Hamas

Thứ Hai, 02/01/2012, 10:30

Phong trào Hamas của người Palestine đang thực hiện một bước đi mang tính đột phá là vận động ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia Arập trong khu vực trong cuộc đối đầu với Israel. Bước đi này mở ra một hướng mới trong cuộc đấu tranh giành độc lập của người Palestine.

Theo thông tin báo chí, ngày 26/12, Thủ tướng chính quyền Hamas tại Dải Gaza Ismail Haniyeh đã lên đường đi thăm Ai Cập, mở đầu chuyến thăm vòng quanh 6 nước Arập trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, gồm Ai Cập, Sudan, Qatar, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bahrain. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Haniyeh kể từ năm 2007, khi phong trào Hamas chiếm lấy quyền kiểm soát Dải Gaza. Chuyến đi của ông Haniyeh còn có ý nghĩa đặc biệt hơn vì diễn ra trong bối cảnh cục diện an ninh - chính trị khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã thay đổi đáng kể sau một năm biến động bởi các cuộc biểu tình "Mùa xuân Arập".

Tại Ai Cập, ông Haniyeh đã có cuộc hội kiến thân mật và đầy ý nghĩa với lãnh đạo phong trào Hồi giáo Muslim Brotherhood, Mohammed Badie, tại trụ sở mới của tổ chức này ở khu ngoại ô Cairo. "Trung tâm Brotherhood luôn quan tâm những vấn đề về giải phóng dân tộc, trong đó ưu tiên hàng đầu là vấn đề của người Palestine" - Hãng Thông tấn Ai Cập MENA trích lời ông Badie phát biểu.

Ông Ismail Haniyeh được chào đón nồng nhiệt tại Ai Cập.

Ai Cập được đặc biệt chú ý trong chuyến công du của Thủ tướng Haniyeh. Trước hết, Ai Cập đóng vai trò khá đặc biệt, là nước trung gian hòa giải giữa người Palestine với Israel, và giữa 2 phái Palestine Fatah và Hamas với nhau. Đây cũng là nơi từng chứng kiến các lãnh đạo 2 phái Palestine ký kết các thỏa thuận hòa giải.

Hiện nay, Ai Cập vừa trải qua những biến động lớn nhất trong khu vực, với việc tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. Trong khi biểu tình, bạo lực vẫn đang tiếp diễn tại Cairo, tình hình chính trị đã có chuyển biến thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Phong trào Hồi giáo Muslim Brotherhood hiện đang vươn lên là lực lượng chính trị nổi bật nhất tại Ai Cập. Và tổ chức này hiện cũng là tổ chức Hồi giáo duy nhất đỡ đầu cho Hamas tại Trung Đông.

Giữa Hamas và Muslim Brotherhood có mối quan hệ rất đặc biệt, trong đó Hamas được hình thành bởi một số thành phần tách ra từ Muslim Brotherhood. Từ thập niên 70 thế kỷ trước, Brotherhood đã từ bỏ bạo lực, chuyển sang hoạt động như một tổ chức chính trị tại Ai Cập, nhưng tổ chức này vẫn duy trì sự ủng hộ đối với Hamas và cuộc đấu tranh của Hamas chống lại sự chiếm đóng của người Israel. Việc ông Haniyeh đến Ai Cập đầu tiên trong chuyến thăm 6 nước Arập ở Trung Đông và Bắc Phi cũng là vì mối quan hệ đặc biệt này.

Lãnh đạo Muslim Brotherhood Mohammed Badie.

Chuyến công du 6 nước Arập của Thủ tướng Hamas Haniyeh đặt ra cho Israel nhiều vấn đề cần xem xét trong thời gian tới, đặc biệt là việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine và với khối Arập nói chung. Việc ông Haniyeh ghé thăm Ai Cập và hội kiến với lãnh đạo Muslim Brotherhood càng khiến cho Israel "bối rối" và cảm thấy "bị đe dọa" bởi nguy cơ bị cô lập ngày càng cao. Israel đang theo dõi rất sát kết quả bầu cử tại Ai Cập. Kết quả bầu cử sau 2 vòng bỏ phiếu, Muslim Brotherhood đã vượt lên dẫn trước các đối thủ khác, chiếm gần 50% số ghế. Với kết quả này, nhiều khả năng Muslim Brotherhood sẽ giành quyền đứng ra thành lập chính phủ mới (có thể phải liên minh với một số đảng phái khác để có tỉ lệ đa số ghế theo quy định).

Trong khi đó, giới chức Israel lo ngại, nếu Muslim Brotherhood nắm quyền kiểm soát Ai Cập, số phận hiệp ước hòa bình đã ký năm 1979 với lãnh đạo cũ của Ai Cập có nguy cơ bị xé bỏ. Mất đi một đồng minh quan trọng như Ai Cập, thế chống chọi của Israel trong khu vực càng trở nên yếu hơn.

Điều đặc biệt được giới quan sát đề cập trong chuyến công du của Thủ tướng Haniyeh chính là đã tạo ra một bước chuyển hướng mạnh mẽ về chính trị của Hamas. Từ sau khi chiếm quyền kiểm soát Gaza, Hamas đã bị cô lập hoàn toàn: vừa bị Israel vây hãm, vừa chia rẽ quan hệ với Fatah (cùng của người Palestine), đồng thời bị Ai Cập dưới thời ông Mubarak chặn bít lối thoát. Từ năm 2009, Hamas đã bắt đầu chuyển hướng, sử dụng các hình thức đấu tranh chính trị, ngoại giao, văn hóa, an sinh xã hội để thúc đẩy công cuộc giành độc lập. Gần đây, thủ lĩnh Hamas Khaled Mashal, hiện cư trú tại Damascus, Syria, đã đưa ra ý tưởng "đấu tranh tổng lực" dựa vào sức mạnh quần chúng - một mô hình kiểu như các cuộc biểu tình "Mùa xuân Arập".

Ý tưởng này của ông Mashal đã được người dân Palestine hưởng ứng tích cực bằng một loạt biểu tình phản đối Israel ở Dải Gaza, khu Bờ Tây sông Jordan và dọc biên giới Liban và Syria với Israel trên Cao nguyên Golan. Ý tưởng này cũng nhận được sự đồng tình hưởng ứng rộng rãi trong nội bộ người Palestine, trong ban lãnh đạo chính quyền Palestine (PA), đặc biệt là Tổng thống Mahmoud Abbas, kể cả các thủ lĩnh đang bị Israel giam cầm như Marwan Barghouti. Người Palestine không còn dựa vào bạo lực, đánh bom liều chết hay cài bom trên xe để chống người Israel. Thay vào đó, họ đã chuyển sang sử dụng phương pháp đấu tranh một cách hòa bình, dựa vào chính trị, ngoại giao là chính. Với việc chuyển hướng này, Hamas càng gia tăng sự ủng hộ trong công chúng Palestine.

Một trong những chuyển biến tích cực nhất trong chiến lược đấu tranh của Hamas chính là nỗ lực hòa giải với đảng Fatah của người Palestine ở Bờ Tây. Và bước đột phá đã được thực hiện với việc lãnh đạo 2 phái Hamas và Fatah cùng ký vào bản thỏa thuận hòa giải hồi tháng 5/2011 tại Cairo. Hai phái đã thống nhất sẽ cùng nhau thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống sẽ được tổ chức vào tháng 5/2012.

Người Palestine bây giờ đang cùng chung quan điểm là phải hợp nhất lại, đoàn kết thống nhất lại thì mới có được sức mạnh đấu tranh giành độc lập. Những nỗ lực của lãnh đạo Palestine Abbas trong năm 2011 để xin gia nhập thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng dựa trên cơ sở "một nhà nước Palestine không thể thiếu Hamas". Mặc dù chưa được LHQ công nhận (bị Mỹ phủ quyết), nhưng sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế dành cho Palestine, nhất là sự kiện được Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục LHQ (UNESCO) kết nạp vào cuối tháng 10 vừa qua, cũng đã cho thấy một dân tộc Palestine chắc chắn sẽ giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của thế giới.

Chuyến đi của ông Haniyeh có thể sẽ làm gia tăng hơn nữa sự ủng hộ của các nước Arập dành cho Hamas trong khu vực, đồng thời sẽ mở ra hướng mới trong cục diện đấu tranh giữa người Palestine và Israel. Vài năm trở lại đây, Israel nhất quyết không đàm phán nếu Palestine bao gồm cả Hamas. Trong khi đó, cộng đồng thế giới, gồm Liên minh châu Âu, Nga, Mỹ và LHQ lại đòi hỏi Hamas phải từ bỏ bạo lực, công nhận Nhà nước Israel và công nhận các hòa ước hiện hành. Hamas đã và đang nỗ lực từ bỏ bạo lực. Nhưng còn 2 vấn đề sau thì còn phải chờ xem

Văn Trương (tổng hợp)
.
.