Trung Đông: Các tổ chức Hồi giáo tham chính

Thứ Hai, 26/12/2005, 09:13

Việc Hamas giành nhiều lá phiếu ủng hộ của đông đảo quần chúng Palestine phản ánh thực tế: Các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang dần bước chân vào vũ đài chính trị, có thể tạo ra những thay đổi quan trọng trong đường lối đấu tranh chống Israel.

Hamas giành đa số phiếu bầu tại 29/42 hội đồng địa phương trong đợt bầu cử ngày 15/12, trong đó có một số thành phố, thị trấn quan trọng của khu Bờ Tây, như Nablus, Jenin, Al Bireh (gần Jerusalem)...

Theo BBC News, Hamas có được uy tín trong dân chúng Palestine nhờ những chính sách địa phương hiệu quả của Hamas (như xây dựng trường học, trung tâm y tế cộng đồng, giúp đỡ người nghèo...) được thực hiện một cách nghiêm túc, kỷ luật và tận tình (không có tình trạng tham nhũng).

Trong khi đó, theo các báo quốc tế cuối tuần qua, mâu thuẫn nội bộ của Fatah, giữa nhóm thành viên trẻ với phái “trưởng lão” đã bùng nổ công khai, gây thiệt hại cho hình ảnh và uy tín đảng. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn này là vào ngày 14/12, hạn chót các đảng phái nộp danh sách ứng cử viên cho cuộc bầu cử Quốc hội 25/1/2006, nhóm Fatah trẻ theo thủ lĩnh Marwan Barghouti (hiện đang thụ án tù chung thân ở Israel) tách khỏi phong trào Fatah và lập ra đảng mới mang tên Al Mustaqbal (Tương lai) và nộp danh sách ứng cử viên riêng.

Những người ủng hộ Hamas đổ ra đường ăn mừng.

Trong thành phần đảng mới Al Mustaqbal gồm toàn những thành viên Fatah trẻ độ tuổi 40, có cả các nhân vật đầy quyền lực như Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Dahlan (từng chỉ huy an ninh Palestine thời Tổng thống Yasser Arafat) và Bộ trưởng Tài chính Salam Fayyad (từng làm việc tại World Bank), ... Chính việc vắng bóng các thành viên của nhóm Barghouti trong cuộc bầu cử địa phương hôm 15/12 đã tạo khoảng trống thuận lợi cho Hamas chiếm ưu thế trước Fatah.

Từ vài năm qua, thành phần Fatah trẻ thường chỉ trích phái "trưởng lão" dung dưỡng cho nạn tham nhũng, không tích cực đổi mới và hạn chế khả năng thăng tiến của thành phần trẻ trong đảng. Mặc dù ông Abbas nhượng bộ ngay sau đó, hứa đưa một số nhân vật trẻ vào vị trí cao trong bản danh sách nhưng “tất cả đã quá muộn”, bởi Al Mustaqbal đã đăng ký hoạt động và nộp danh sách cho Ủy ban bầu cử, mà theo luật Palestine là không thể rút lại được.

Ngày 15/12, Abbas đã phải gửi thư cho Barghouti yêu cầu đàm phán tái hợp nhất nhằm chống lại Hamas trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vào cuối tuần vẫn không thể giúp thay đổi được gì, vì theo luật bầu cử Palestine, 2 đảng phái không thể hợp nhất danh sách ứng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội. Vì vậy, Fatah và Al Mustaqbal chỉ có thể tái hợp nhất sau cuộc bầu cử, hoặc cùng nhau chia sẻ quyền lực nếu giành chiến thắng.

Theo Los Angeles Times, việc Hamas giành nhiều lá phiếu ủng hộ của đông đảo quần chúng Palestine phản ánh một thực tế đang phổ biến trong toàn khu vực Trung Đông hiện nay: Các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang dần bước chân vào vũ đài chính trị, hứa hẹn những thay đổi quan trọng trong đường lối đấu tranh chống Israel và các thế lực thân phương Tây.

Tháng 5/2005, nhóm Hồi giáo Hezbollah ở Liban, kể cả Hamas - từng bị Mỹ và châu Âu (EU) liệt vào danh sách khủng bố - đã được phép tham gia tiến trình chính trị và giành được 20% số ghế trong Quốc hội cũng như nội các nước này. Tổ chức Muslim Brotherhood ở Ai Cập cũng giành được tỉ lệ tương tự sau cuộc bầu cử Quốc hội nước này hồi cách nay vài tuần...

Một số nhà phân tích nhận định rằng, trào lưu này đang chứng minh khu vực Trung Đông đang “thúc đẩy dân chủ” theo cách riêng của mình, trong đó việc mở rộng vũ đài chính trị cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan tham gia cũng được xem là một cách để hạn chế những hoạt động bạo lực, khủng bố vốn được xem là “thương hiệu” của các tổ chức này kể từ sau sự kiện 11-9 ở Mỹ.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến những mục tiêu, ý nghĩa tốt đẹp của chính sách, đường lối chính trị đó hiện còn lắm chông gai, bởi quan điểm của các thế lực ủng hộ Israel kiên quyết bác bỏ các tổ chức Hồi giáo này. Chẳng hạn đối với Hamas, Mỹ và EU vẫn không thể xóa tên tổ chức này trong danh sách khủng bố do cánh quân sự của nó từng tiến hành hàng trăm vụ đánh bom tự sát gây chết chóc cho hàng trăm người Israel. Cho dù Hamas đang thay đổi, có thể sẽ phải chấp nhận theo đường lối thế tục, trái lý tưởng của mình, tổ chức này vẫn bị xem là “khủng bố”, đơn giản vì Hamas chưa chịu chính thức từ bỏ bạo lực

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.