Trung Đông: Ga hòa bình còn xa

Thứ Sáu, 19/08/2005, 07:49

Đã từ hơn một thập niên qua, cuối đường hầm của tiến trình hòa bình Trung Đông luôn le lói một tia sáng nào đó. Thế nhưng, để tới được nơi quầng sáng ấy bùng lên còn cả một "dặm đường thiên lý" không rõ bao giờ mới kết thúc. Đó chính là bi kịch lớn cho các cư dân sống ở khu vực này.

Các chiến dịch quân sự nhiều khi chỉ là sự nối dài của chính trị, khi không còn cách giải quyết nào khác cho các vấn đề nan giải. Và chính vì thế nên không phải bất cứ một vị tướng nào cũng muốn phát động các đợt hành binh. Thủ tướng Israel, Ariel Sharon, một vị tướng khét tiếng trên chiến trường Trung Đông trước kia, nay đã trở thành chính trị gia đưa ra một giải pháp hòa bình cương quyết nhằm mục đích hạ nhiệt độ quân sự ở khu vực này. Từ ngày 15/8 đã bắt đầu quá trình Israel rút khỏi vùng lãnh thổ Palestine - kể từ khi người Do Thái phát động cuộc chiến tranh 6 ngày tháng 6/1967 và dai dẳng tồn tại tới hôm nay, đây là lần đầu Tel Aviv bày tỏ thiện chí hướng tới hòa bình một cách nhỡn tiền như vậy.

Kế hoạch "đổi đất lấy hòa bình" đã được Israel thực hiện trong thực tế. 48 giờ tự nguyện di dời đối với các cư dân Do Thái ở dải Gaza đã kết thúc ngày 17/8 và quân đội Israel đã bắt tay vào những chiến dịch cưỡng chế đồng bào mình ở vùng đất này nhằm buộc họ thực hiện đúng những gì mà Thủ tướng Sharon đã cam kết.

Theo kế hoạch, việc di dời sẽ được hoàn tất trong vòng từ 3 tới 4 tuần. Tiếp theo, tới đầu tháng 9, quân đội Israel sẽ sơ tán 4 khu định cư khác của người Do Thái, biệt lập ở miền Bắc khu bờ Tây sông Jordan. Trong tuần thứ hai của tháng 9, binh lính Israel sẽ san bằng các căn nhà trống và các đền thờ của các khu định cư mà người Do Thái đã rời bỏ ở dải Gaza và chính họ cũng sẽ rút khỏi khu vực này.

Các lực lượng an ninh Palestine sẽ chính thức tiếp nhận quyền kiểm soát vùng lãnh thổ mà người Do Thái để lại từ cuối tháng 9 tới... Dự kiến, Israel sẽ hoàn tất chiến dịch di dời trước ngày 3/10, ngày Tết Rosh ha-Shana của người Do Thái.

 Những người chứng kiến mọi sự diễn ra trong thực tế đều công nhận rằng, lần này quả thực ban lãnh đạo đương nhiệm của quốc gia Do Thái mong muốn hòa bình thực sự. Hầu như chưa có cuộc gây rối nào xảy ra từ phía các cư dân Do Thái. Sau mấy thập niên liền cố gắng sử dụng bạo lực để trấn áp phong trào đấu tranh cho quyền tự quyết của người Palestine, tới nay Israel đã hiểu ra rằng, đó là việc "rắn" lắm, cần phải "buông" thôi. Chính quyền Israel không coi đó là "phần thưởng cho bọn khủng bố" như một số thế lực cực hữu Do Thái rêu rao, mà chỉ muốn diễn tả hành động này như một giải pháp tình thế cần thiết trong một hoàn cảnh có nhiều bó buộc.

Đồng thời với việc ra lệnh giải tỏa các khu định cư ở dải Gaza, Thủ tướng Israel cũng bật đèn xanh cho phép mở rộng trại định cư Maale Adoumin để nối liền với phần Đông Jerusalem, hạn chế khát vọng xây dựng thủ đô tương lai của người Palestine ở đây. Và ông Sharon đang hy vọng rằng, không nên tiếc những miếng thịt to quá miệng mình và những dự tính đầy lạc quan của ông sẽ không vấp phải trở ngại gì đáng kể từ phía các cư dân Do Thái, mặc dù mới đây đã xảy ra không chỉ một sự việc bi thương.

Cho tới ngày 17/8 vẫn còn hàng trăm người Do Thái định cư ở dải Gaza, phần nhiều là những người lớn tuổi, vẫn bám trụ tại nơi ở cũ. Thậm chí đã có một phụ nữ Do Thái tự thiêu để phản đối.

Tất nhiên, Israel không phải vì việc này mà bị thua thiệt. Theo lời của chính ông Sharon, việc rút khỏi dải Gaza sẽ giúp quốc gia Do Thái vừa thoát khỏi bế tắc trong "lộ trình hòa bình", vừa củng cố hơn việc kiểm soát khu bờ Tây sông Jordan, nơi có tới 2500 công dân Do Thái đang sinh sống. Thêm vào đó, nếu dải Gaza yên ổn thì Israel sẽ có thêm cơ hội để kiểm soát phần Đông Jerusalem. Đó thực chất là việc thả "con săn sắt" với mong muốn sẽ bắt được "con cá rô".

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là việc Israel rút  khỏi dải Gaza không mặc nhiên mang lại cuộc đổi đời căn bản cho các cư dân Palestine ở đây. Và cũng chưa có gì đảm bảo là các lực lượng cực đoan vũ trang của người Palestine sẽ thỏa mãn với những nhượng bộ mới của Israel. Những "ân oán giang hồ" thâm căn cố đế giữa hai cộng đồng dân tộc cho tới hôm nay vẫn âm thầm hay công khai rỉ máu. Vụ ba người Palestine vừa bị binh lính Israel sát hại với cái cớ ngăn cản chiến dịch cưỡng chế người Do Thái ra khỏi dải Gaza vẫn đang làm dấy lên những lời tuyên bố nóng bỏng từ phía các thủ lĩnh Hamas luôn luôn cổ suý cho tinh thần không đội trời chung với quốc gia Do Thái.

Đã từ hơn một thập niên qua, cuối đường hầm của tiến trình hòa bình Trung Đông luôn le lói một tia sáng nào đó. Thế nhưng, để tới được nơi quầng sáng ấy bùng lên còn cả một "dặm đường thiên lý" không rõ bao giờ mới kết thúc. Đó chính là bi kịch lớn cho các cư dân sống ở khu vực này

Lưu Hùng Văn
.
.