Trung Đông: Kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Obama

Thứ Tư, 20/05/2009, 09:30
Với quyết tâm đạt được tiến bộ thực sự trong vấn đề Trung Đông, lần này Nhà Trắng có thể sẽ đưa ra "đòn quyết định" để thuyết phục Thủ tướng Israel, ông Nétanyahou thay đổi. Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel, gốc Do Thái, người bạn thân thiết của Israel, có thể đã được sử dụng để làm việc này sau một cuộc họp kín mới đây của Tổ chức vận động hành lang cho Israel tại Mỹ (AIPAC).

“Tổng thống Mỹ Barack Obama đang triển khai một kế hoạch tổng thể nhằm kêu gọi tất cả các nước Arập bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Israel. Một loạt các hoạt động hành lang đang được khẩn trương tiến hành trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm phác họa những nét chính của một kế hoạch hòa bình đầy tham vọng cho vấn đề Trung Đông. Kế hoạch này sẽ được Tổng thống Mỹ Barack Obama trình bày tại Cairo, Ai Cập vào tháng 6 tới sau cuộc gặp được đánh giá là vô cùng quan trọng giữa ông và Thủ tướng Israel, Benjamin Nétanyahou, vào ngày 18/5 tại Washington”.

Đây là thông báo của Vua Jordani, Abdallah II, trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Time (11/5/2009). Ông Abdallah II còn cho biết thêm rằng, kế hoạch này đã được bàn thảo kỹ giữa ông và Tổng thống Obama trong chuyến của ông tới Washington tháng 4 vừa qua.

Mọi công tác chuẩn bị đã được khởi động từ tuần trước với những tuyên bố của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Israel ngừng ngay việc mở rộng các khu định cư và dỡ bỏ những "tiền đồn" bất hợp pháp tại Bờ Tây. Việc thành lập một nhà nước Palestine đang được khẩn trương tiến hành vì nó được coi là một mục tiêu hàng đầu của chính quyền Obama. Dù muốn hay không, Chính phủ Israel phải tính tới quyết tâm trên của Mỹ.

Cũng trong tuần trước, nhiều nhà ngoại giao của Mỹ đã tới Syria, lần thứ 2 trong chưa đầy 2 tháng, để vận động Damas đóng góp cho việc tái tục tiến trình hòa bình tại Trung Đông.

Theo nhà vua Jordani, kế hoạch mới này của Mỹ sẽ đưa ra một giải pháp duy nhất cho 57 quốc gia có liên quan. Theo đó, tất cả các nước thuộc thế giới Arập sẽ công nhận Nhà nước Do Thái: "Những gì chúng tôi bàn bạc không phải là chuyện người Israel và Palestine cần ngồi vào bàn đàm phán mà người Israel và người Palestine cần ngồi vào chiếc bàn trong đó đã có hai vị trung tâm hòa giải khác rất quan trọng là Syria và Liban".

Tổng thống Barack Obama (phải) và Vua Abdallah II tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng ngày 21/4/2009.

Mặt khác, để đổi lại khả năng ngưng triển khai các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, các nước Arập có thể sẽ cho phép, chẳng hạn các công ty hàng không của Israel bay trên bầu trời Arập và cấp visa cho người Israel.

Kế hoạch mới này của Tổng thống Obama thực chất là dựa trên Kế hoạch hòa bình Arập được Arập Xêút đề xuất năm 2002, theo đó thế giới Arập sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lại việc thành lập một nhà nước Palestine trong phần đất chiếm đóng năm 1967 và một thỏa ước về số phận những người tị nạn Palestine.

Theo Vua Abdallah II, sự thành bại của kế hoạch này hoàn toàn tùy thuộc vào việc Mỹ có thuyết phục được đồng minh chiến lược Israel chấp nhận một giải pháp cho hai nhà nước Palestine và Israel hay không.

Từ khi lên nắm quyền tháng 3/2009, ông Benjamin Nétanyahou chưa bao giờ đề cập một cách rõ ràng khả năng thành lập nhà nước Palestine mà thường nghiêng về giải pháp kinh tế để giải quyết xung đột.

Trong khi đó, vị Bộ trưởng Ngoại giao của ông, Avigdor Lieberman, đại diện cho phe cực hữu Israel, cũng phản đối mọi cuộc đối thoại về biên giới của một nhà nước mới, về số phận của Jérusalem và về vấn đề phá bỏ các khu định cư Do Thái.

Với quyết tâm đạt được tiến bộ thực sự trong vấn đề Trung Đông, lần này Nhà Trắng có thể sẽ đưa ra "đòn quyết định" để thuyết phục ông Nétanyahou thay đổi. Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel, gốc Do Thái, người bạn thân thiết của Israel, có thể đã được sử dụng để làm việc này sau một cuộc họp kín mới đây của Tổ chức vận động hành lang cho Israel tại Mỹ (AIPAC).

AIPAC được thành lập sau cuộc chiến tranh giữa Israel với các nước Arập năm 1967, song đó là một thế lực tài chính đáng kể. Người Mỹ gốc Do Thái chỉ chiếm 2,5% dân số Mỹ, song lại chiếm đến 51 trong danh sách 100 người có thế lực nhất tại Mỹ. Sau khi thành lập, ngay trong  thập niên 80-90, AIPAC đã khét tiếng với các vụ can thiệp chính trị của mình qua việc đánh bật khỏi Quốc hội các dân biểu và nghị sĩ không muốn ủng hộ Israel. Đến năm 2002, AIPAC lại chĩa mũi dùi vào các dân biểu gốc da đen như Earl Hilliard và Cynthia McKinney vốn cũng không thân Israel.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiện tồn tại một mâu thuẫn giữa Israel và bộ sậu Obama. Trong khi Israel cần những đảm bảo về an ninh trước Iran sau đó mới đề cập tới hồ sơ Palestine - Israel thì nhóm của ông Obama lại muốn đảo ngược lại trình tự trên vì Mỹ hiện giờ không muốn tiếp tục gây tổn hại tới quan hệ với Tehran sau khi chính quyền của Tổng thống Obama mới đây đã tuyên bố mời Tehran vào bàn đàm phán.

"Những tham vọng nguyên tử của Iran đặt ra một "mối đe dọa thực sự" cho Israel, nhưng điều đó càng củng cố thêm tính cấp thiết phải tiến tới một giải pháp cho 2 nhà nước Palestine và Israel" - Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, James Jones, nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, ngày 12/5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, đã tuyên bố thay Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Afghanistan, tướng David Mckiernan, bằng tướng Stanley McChrystal. Để hỗ trợ cho Bộ Tư lệnh mới ở Afghanistan, ông Gates còn bổ nhiệm thêm tướng David Rodriguez phục vụ dưới quyền tướng McChrystal. Theo giải thích của ông Bộ trưởng Quốc phòng, việc thay thế tư lệnh quân Mỹ ở Afghanistan là nằm trong khuôn khổ chiến lược mới mà Tổng thống Barack Obama đã vạch ra cho vùng này.

Kể từ khi lên nhậm chức tổng thống, ông Obama đã chuyển hướng ưu tiên quân sự từ Iraq sang Afghanistan, nơi mà ông đã quyết định tăng cường lực lượng Mỹ tại đây, để nâng quân số lên thành 68.000 người từ đây đến cuối năm. Theo chiến lược mới, lực lượng đặc nhiệm sẽ đóng vai trò chủ chốt trong các chiến dịch chống quân Taliban. Tướng McChrystal đã được chọn là tân tư lệnh Mỹ ở vì viên tướng này nguyên là tư lệnh lực lượng đặc nhiệm.

Trong bối cảnh mà quân phiến loạn gia tăng tấn công và khủng bố tự sát, liệu bộ tư lệnh mới của lực lượng Mỹ có chặn đứng được những vụ tấn công khủng bố của Taliban hay không, thời gian sẽ trả lời

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.