Trung Đông: Leo thang xung đột từ tấn công bằng máy bay không người lái

Thứ Ba, 03/09/2019, 14:42
Tấn công quân sự bằng thiết bị bay không người lái đang ngày càng trở nên phổ biến tại khu vực Trung Đông. Hàng loạt vụ tấn công xảy ra ở Syria, Iraq, Saudi Arabia, Yemen và mới đây nhất là Liban đang đặt ra nguy cơ làm leo thang xung đột quân sự trên diện rộng, có thể toàn khu vực.

Chiều tối ngày 28-8, quân đội Liban thông báo đã khai hỏa pháo phòng không để xua đuổi 3 thiết bị bay không người lái của Israel xâm phạm vùng trời nước này tại khu vực biên giới phía Nam. Trước đó, ngày 25-8, 2 thiết bị bay không người lái khác đã bị rơi ở ngoại ô thủ đô Beirut của Liban, nơi được xem là căn cứ địa của lực lượng Hồi giáo Hezbollah.

Israel đã giải thích với các quan chức ngoại giao Liên minh châu Âu rằng 2 thiết bị bay không người lái đó được Israel phái đến Beirut để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn Hezbollah gắn các thiết bị điện tử dẫn hướng cho tên lửa của lực lượng này. Hezbollah đã thu hồi các thiết bị bay bị rơi và kiểm tra, phát hiện mỗi chiếc có cài sẵn khoảng 5kg chất nổ dẻo đủ sức làm nổ tung cả một khu doanh trại.

Những vụ việc xảy ra ở Liban như tô đậm thêm tình hình giữa lúc các lực lượng phiến quân ở Iraq cáo buộc Israel đã sử dụng thiết bị bay không người lái cất cánh từ Azerbaijan để tấn công các mục tiêu ở miền Bắc và miền Trung Iraq. Đây là các khu vực được cho là đang trở thành vùng trung chuyển vũ khí đưa đến các vị trí đóng quân của Iran ở gần Israel.

Các quan chức Mỹ, Iran và Iraq đều nói rằng, kể từ giữa tháng 7 đến nay, Israel đã phóng các thiết bị bay tối tân có gắn tên lửa tấn công xâm nhập sâu hàng trăm km bên trong lãnh thổ Iraq để tấn công các mục tiêu có liên quan đến các nhóm chiến binh do Iran hậu thuẫn ở Iraq. Trong vụ tấn công mới nhất xảy ra hôm 25-8, 2 thiết bị bay không người lái Israel đã không kích một mục tiêu ở thị trấn al-Bukamal, gần biên giới Iraq-Syria, giết chết 2 chiến binh thuộc nhóm dân quân Kataib Hezbollah thân Iran.

Abu Mahdi Muhandis - phó chỉ huy lực lượng Các đơn vị dân quân động viên (PMU) bao gồm mạng lưới các dân quân chiến đấu chống IS, đồng thời là thủ lĩnh nhóm Kataib Hezbollah - cho báo chí biết: “Chúng tôi có những thông tin chính xác và được chứng thực rằng trong năm nay người Mỹ đã đưa 4 chiếc máy bay không người lái của Israel, thông qua Azerbaijan, hoạt động trong phi đội của Mỹ để thực hiện các chuyến bay tấn công các mục tiêu quân sự ở Iraq”.

Một vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Israel vào mục tiêu quân sự ở Iraq.

Muhandis nói rằng những vụ tấn công của Israel tại Iraq đều có sự hỗ trợ của Mỹ. Ngoài vụ tấn công hôm 25-8, Israel và Mỹ còn phối hợp thực hiện một loạt cuộc tấn công khác nhắm vào các mục tiêu quân sự của PMU ở các thị trấn al-Saqr và Amerli thuộc miền Bắc và miền Trung Iraq trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa tháng 8, khiến một số dân thường thiệt mạng.

Ngược lại, phía Israel cũng lên tiếng cáo buộc Iran đã sử dụng thiết bị bay không người lái nhắm vào các mục tiêu của Israel. Biện hộ cho hành động sử dụng thiết bị bay không người lái xâm nhập không phận Iraq và Liban, Tel Aviv cho rằng việc Iran điều quân đến trú đóng tại các vị trí gần biên giới Israel là “không thể chấp nhận”, cần phải được ngăn chặn.

Israel cũng “lý sự” rằng việc Hezbollah gắn các thiết bị điện tử dẫn hướng cho hàng ngàn quả tên lửa trong kho vũ khí của tổ chức này là một “mối đe dọa cho sự tồn vong của Israel”. Do đó Israel “có quyền” ngăn chặn nó từ xa.

Trong khi đó, những vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái cũng diễn ra tại Yemen và Saudi Arabia. Theo hãng tin Reuters, vào ngày 21-8, một máy bay không người lái quân sự MQ-9 của Mỹ đã bị hệ thống pháo phòng không của phiến quân Houthi bắn rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ do thám ở khu vực tỉnh Dhamar, phía Đông Nam thủ đô Sanaa của Yemen. Đây không phải là thiết bị bay không người lái đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi ở Yemen.

Tháng 6-2019, giới chức quân đội Mỹ đã xác nhận rằng phiến quân Houthi đã bắn rơi một thiết bị bay không người lái của Mỹ. Người Mỹ khẳng định rằng các thiết bị bay không người lái của họ thường hoạt động nhắm vào các mục tiêu khủng bố Al-Qaeda ở bán đảo Arabia, trong đó có Yemen. Nhưng các trường hợp bị phiến quân Houthi bắn rơi thì không thể giải thích được và xem đó như “tai nạn”.

Cũng trong tháng 6, Iran tuyên bố và sau đó cho công bố hình ảnh phòng không nước này bắn rơi một thiết bị bay không người lái của Mỹ xâm nhập không phận eo biển Hormuz. Vụ việc đã dẫn đến một cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Iran xoay quanh vấn đề chiếc thiết bị bay có xâm nhập không phận Iran hay chưa, đồng thời suýt chút nữa dẫn đến đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị ra lệnh tấn công Iran nhưng rút lại vào phút chót.

Tại Saudi Arabia ngày 17-8, phiến quân Houthi cũng lên tiếng xác nhận đã gây ra vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhắm vào các mục tiêu quân sự ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, vụ tấn công có vẻ không chính xác, tên lửa đã phóng nhầm vào một khu vực mỏ dầu và khí đốt, gây hỏa hoạn cục bộ nhưng không làm gián đoạn việc khai thác dầu khí tại đây.

Có vẻ như cuộc chiến bằng thiết bị bay không người lái sẽ không dừng lại chừng nào các cuộc đối đầu còn diễn ra tại khu vực Trung Đông. Từ chỗ được sử dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda và IS, thiết bị bay không người lái giờ đây trở thành thứ vũ khí điều khiển từ xa lợi hại nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro leo thang xung đột, đối đầu quân sự trong toàn khu vực Trung Đông, như trường hợp suýt xảy ra giữa Mỹ và Iran.

Việc Israel gần đây thường xuyên cho thiết bị bay không người lái ngang nhiên xâm nhập không phận các quốc gia lân cận là một xu hướng nguy hiểm, có thể châm ngòi cho đám cháy lan khắp khu vực.

An Châu (tổng hợp)
.
.