Trung Đông: Luật chơi đã thay đổi

Thứ Tư, 21/10/2009, 19:50
Từ chối tham gia tập quân sự chung khi có sự hiện diện của quân đội Do Thái, cấm Israel sử dụng bầu trời của mình, đó là những động thái mới nhất được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra nhằm chứng tỏ rằng luật chơi tại Trung Đông đã bắt đầu thay đổi.

Ngày 12/10 vừa qua, Ankara tuyên bố hủy việc tham gia của quân đội Israel vào các cuộc tập trận không quân chung thường niên, dự kiến diễn ra trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 12 đến 23/10. Quyết định này như đám mây đen bao phủ lên quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh chiến lược của Mỹ tại một khu vực mà cục diện chính trị luôn có nhiều biến động.

Khi quyết định "không chơi" với Tel-Aviv nữa, Ankara dự tính sẽ thắt chặt hợp tác chiến lược về kinh tế và quân sự với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, có một vị thế địa chính trị quan trọng nhất khu vực, từ nhiều năm nay xin gia nhập khối EU đã cảm thấy bất mãn trước sự từ chối khéo của khối này.

Để dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Israel về mặt quốc phòng, mới đây Ankara đã mua một vệ tinh do thám của Italia. Quyết định trên của Ankara đã khơi mào cho những cuộc tranh luận tại Israel, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ quay sang "chơi" với Syria, đối thủ ngang tầm với Iran của Israel tại Trung Đông.

Từ năm 2001 đến nay, Syria và Iran là mục tiêu cụ thể của các cuộc tập trận quân sự mà trong đó không quân Israel, cho tới gần đây, vẫn được cho phép diễn tập trên bầu trời Ankara, trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung hàng năm giữa không quân Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Italia, Mỹ và lực lượng NATO.

Đối với Israel, không phận Thổ Nhĩ Kỳ có thuận lợi kép cho những hoạt động diễn tập này: thứ nhất là giáp với biên giới các đối thủ tiềm tàng của Israel là Syria và Iran, thứ hai là nó đủ lớn để tiến hành các cuộc diễn tập không quân vì không phận của Israel rất chật hẹp. Do vậy, Israel không thể dửng dưng trước việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa bầu trời không cho không lực của mình diễn tập. Hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel được ký năm 1996. Theo Iran và Syria thời kỳ đó, đây được coi là sự phục tùng của Ankara đối với Washington.

Từ năm 2007, Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian hòa giải giữa SyriaIsrael dưới thời của Thủ tướng Ehud Olmert. Nhưng đến thời của Thủ tướng Benjamin Netanyahou, quan hệ Ankara-Tel-Aviv đã trở nên tồi tệ sau khi Israel tấn công Dải Gaza hồi cuối năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã quay sang đồng tình với những lời chỉ trích Israel của thế giới Arập. Khi hồ sơ Israel - Palestine bị giậm chân tại chỗ, Thổ Nhĩ Kỳ lại càng thấy đó là cơ hội để xem xét lại quan điểm của mình.

Tại diễn đàn kinh tế Davos năm 2009, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của thế giới Arập khi tuyên bố ủng hộ hòa bình cho Palestine. Thậm chí, ông Erdogan còn chỉ trích Tổng thống Israel Shimon Peres là "người biết rất rõ làm thế nào để giết hại dân thường Palestine".

Trong một tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu, cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng, tình hình tại Gaza sẽ được cải thiện và qua đó có thể tạo ra một bầu không khí mới trong quan hệ Thổ - Israel". Tuyên bố này cho thấy việc hủy tập trận chung hôm 12/10 có thể được hiểu như một sự trả đũa của Ankara đối với Tel-Aviv.

Việc thay đổi luật chơi này đã khiến Mỹ khó chịu và cho rằng Ankara không thể loại Israel ra khỏi cuộc chơi vào phút cuối như vậy. Nhưng đối với Damas, thì đây được coi là thời khắc báo hiệu rằng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn từng tập trận chung trên mặt đất lần đầu tiên vào mùa xuân năm ngoái, đã bắt đầu bước sang một giai đoạn hợp tác quân sự mới, lớn hơn và tổng thể hơn. Ngoại trưởng Syria, Walid al-Mouallem, hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ và cho đây là cách mà Ankara đánh giá về cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza.

Ngày 13/10, ông Walid al-Mouallem đã tới biên giới Thổ -  Syria để ký thỏa thuận miễn visa giữa hai nước. Cùng ngày, một phái đoàn bộ trưởng hùng hậu của Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt tại Alep, phía bắc Syria, để xúc tiến hợp tác kinh tế mà hai quốc gia này đã hứa thực hiện từ hồi tháng 9 vừa qua.

Cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn thắt chặt quan hệ với Iran. Đây là điều mà các nước phương Tây đứng đầu, là Mỹ và châu Âu luôn tìm cách chia rẽ. Đây là một điểm nhấn quốc tế mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa tạo ra. Tuy nhiên, giới bình luận cho rằng, ưu tiên hàng đầu của Ankara hiện nay là mong muốn giữ một vai trò đầu tàu trong khuôn khổ một khu vực ổn định. Bằng chứng là hiệp ước lịch sử về bình thường hóa quan hệ ngoại giao vừa được Thổ Nhĩ Kỳ ký với Armenia.

Sự ổn định khu vực đến nay vẫn là một thách thức thường trực mà chính phủ của Thủ tướng Erdogan đang cố gắng làm dịu bớt bằng những nỗ lực hòa giải chính trị và cả quân sự trước lực lượng người Kurds giáp biên giới Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ coi việc gia nhập Liên minh châu Âu là một mục tiêu chiến lược, nhưng lại coi khinh đề xuất hợp tác ưu tiên của Pháp và Đức.

Ngày 14/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu một lần nữa từ chối sự gia nhập của Ankara vì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa làm tốt trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không tuyệt vọng và tiếp tục làm cho dư luận châu Âu đổi ý và thuyết phục họ bằng lòng tin về tầm quan trọng vị trí chiến lược của mình.

Quan hệ giữa Ankara và Tel-Aviv đã bước xuống một nấc thang mới sau khi kênh truyền hình TRT1 của Thổ Nhĩ Kỳ cho phát đi một loạt phóng sự trong đó có cảnh một binh sĩ của Israel xả súng bắn vào một bé gái Palestine. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman đã triệu tập khẩn cấp Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Tel-Aviv để phản đối và cho rằng Ankara đang kích động sự thù hận đối với Israel.

Những phát biểu này đang che giấu một mối lo ngại sâu sắc khác, đó là tình trạng Israel ngày càng bị cô lập tại khu vực Trung Đông. Quan hệ với Ai Cập và Jordani, hai quốc gia Arập duy nhất còn giữ quan hệ ngoại giao với Israel, gần đây cũng đang nguội dần. Tổng thống Barack Obama, mặc dù đã có nhiều cố gắng, cũng không thể thuyết phục được các nước vùng Vịnh “chơi” với Israel

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.