Trung Đông lâm vào vòng xoáy bất ổn mới

Thứ Hai, 22/10/2018, 14:52
Một viễn cảnh bất ổn và khó đoán dường như đang trở lại Trung Đông. Leo thang quân sự giữa các nhóm vũ trang với nhà nước Israel đang có dấu hiệu quay lại. Trong khi đó, vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi với những bí mật mà ông này nắm giữ cũng đang khiến tình hình khu vực này xấu đi nhanh chóng.

Nguy cơ đối đầu bạo lực

Tại Dải Gaza, khả năng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa phong trào Hồi giáo Hamas với Israel và nguy cơ tái bùng phát một cuộc xung đột quân sự khốc liệt đã xuất hiện. Cách đây vài ngày, 7 người Palestine, bao gồm 1 trẻ em, đã bị sát hại cùng hàng chục người khác bị thương bởi hỏa lực của Israel trong cuộc biểu tình hôm 12-10. Đây là một trong hàng loạt cuộc biểu tình bùng phát từ ngày 30-3 dọc biên giới Gaza - Israel, nâng tổng số người thiệt mạng của Palestine lên tới hơn 200 người.

Sau đó, ngày 13-10, Israel tuyên bố dừng việc vận chuyển nhiên liệu công nghiệp cho nhà máy điện duy nhất của Gaza do tình hình bạo lực biên giới. Việc dừng tiếp nhiên liệu diễn ra trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc và các nước khác đang nỗ lực nới lỏng lệnh phong tỏa của Israel nhắm vào Gaza kể từ khi Hamas tiếp quản vùng đất nghèo khó này một cách đầy bạo lực vào năm 2007.

Những tính toán vì lợi ích của mỗi bên đẩy khu vực Trung Đông lún sâu vào vòng xoáy bất ổn mới. Ảnh: al-monitor.com.

Cũng trong ngày 13-10, Ismail Haniyeh, thủ lĩnh phong trào Hamas cho biết các cuộc biểu tình diễn ra hằng tuần vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa của họ tại Gaza. Những diễn biến căng thẳng này cho thấy cả Hamas lẫn Israel đều đang thắt chặt những sợi dây quanh đối phương để củng cố vị thế của họ dù lệnh ngừng bắn hay chiến tranh xảy ra.

Trong những tháng gần đây, Ai Cập, Qatar và Liên Hiệp Quốc đã ngăn chặn thành công các cuộc đối đầu bạo lực liên tiếp giữa Hamas và Israel. Tuy nhiên, sự hòa giải của họ không thể tạo ra một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Hamas cũng đã thông báo về những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc, Ai Cập và Qatar nhằm hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa, song điều này không được Israel chính thức thừa nhận.

Nhà phân tích chính trị Abdel Nasser al-Najjar ở Ramallah cho biết: “Hamas có khuynh hướng kiềm chế hơn là leo thang quân sự nhưng đồng thời vẫn giữ các cuộc biểu tình tiếp diễn để nhấn mạnh vào việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa”. Chuyên gia này cho rằng, thật khó để nói trước điều gì có thể xảy ra trong những ngày tới bởi mọi việc đều rất “mơ hồ”.

Ông nhấn mạnh: “Chẳng ai dám khẳng định liệu Gaza sẽ bùng phát một cuộc chiến mới hay Israel sẽ làm dịu bớt lệnh phong tỏa của mình”.

Abu Amer, chuyên gia phân tích, cho rằng những đòi hỏi của Israel đối với Hamas và các phe phái khác vẫn không có gì thay đổi khi đòi hỏi phi quân sự hóa các nhóm vũ trang và bàn giao lại các binh lính Israel bị bắt làm con tin ở Gaza để hướng tới thống nhất các bước đi quan trọng nhằm nới lỏng lệnh phong tỏa.

Trẻ em là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất khi xảy ra căng thẳng ở Gaza. Ảnh: International Media Support.

Trong khi đó, các phe phái Palestine cũng nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình hằng tuần muốn diễn ra trong hòa bình đòi hỏi một sự dỡ bỏ hoàn toàn cuộc phong tỏa, vốn đã khiến tình hình nhân đạo đối với 2 triệu dân ở Gaza trở nên tồi tệ chưa từng có.

Tháng 10-2017, Hamas và Phong trào giải phóng Palestine Fatah đã ký kết một thỏa thuận hòa giải do Ai Cập bảo trợ tại Cairo để xóa đi mối bất hòa kéo dài cả thập niên. Theo thỏa thuận, Hamas hoàn toàn trao quyền quản lý ở Gaza cho chính quyền Palestine (PA) ở Ramallah vào tháng 12-2017. Tuy nhiên, đã có hơn một thỏa thuận về hòa giải quốc gia được thông qua dưới sự bảo trợ của Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập, song không thỏa thuận nào đạt được một bước đột phá thực tế để chấm dứt sự chia rẽ ở Palestine.

Ở phía bên kia, Thủ tướng Israel khẳng định lập trường cứng rắn của nước này với nhiều quốc gia và tổ chức ở Trung Đông. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ tiếp tục hành động chống lại việc thành lập quân đội Iran ở Syria. Trong bài phát biểu, ông Netanyahu đã nhấn mạnh đến mối quan hệ cá nhân thân thiết với cả nước Nga và Mỹ.

Theo ông Netanyahu, điều này cho phép Israel đối phó với những thách thức phức tạp và khó khăn trong khu vực. “Quan hệ này cũng rất quan trọng đối với an ninh của Israel”, ông Netanyahu nói.

Đã có rất nhiều phương án cho Trung Đông nhưng vùng đất này hiếm có một ngày bình yên. Ảnh: Washington Post.

Bất ổn gia tăng sau “sự cố Jamal Khashoggi”

Trung Đông vốn căng thẳng nay lại dồn dập nhận thêm những “sự cố” từ vụ việc của nhà báo đối lập người Saudi Arabia, ông Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc của nhà báo này sẽ gây ra những hậu quả lâu dài đối với khu vực Trung Đông và đặc biệt đối với Saudi Arabia. Trong khi đó, sự phản ứng lập lờ của chính quyền Tổng thống D.Trump cho thấy mức độ rủi ro lớn lao mà Washington có thể phải đối mặt...

Thổ Nhĩ Kỳ đang xử lý sự việc này một cách thận trọng khi nhà chức trách một mặt vừa tiết lộ những thông tin cho thấy Khashoggi bị tra tấn và giết hại bên trong lãnh sự quán, vừa cam kết sẽ hợp tác điều tra. Vụ việc đang dần bị lôi ra ánh sáng nhưng không nhiều người tin nó sẽ được công bố một cách hoàn chỉnh. Chỉ cần một tình tiết nhỏ như việc một nhóm vệ sinh chuyên nghiệp xuất hiện tại lãnh sự quán nhiều giờ trước khi nhóm pháp y đến đã cho thấy sự thiếu nghiêm túc cho cuộc điều tra này. Ngoài ra, Ankara muốn giới báo chí giữ trọng tâm vấn đề vào Riyadh và không bới móc những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phía nhóm nước Vùng Vịnh, các đồng minh gần gũi nhất của Saudi Arabia ở Trung Đông là Abu Dhabi và Manama lại đứng về phía Thái tử Mohammed bin Salman. Thực ra, hai nước này cũng không có sự lựa chọn. Trong khi đó, những nước khác trong thế giới Arab và Hồi giáo này chắc chắn mãn nguyện khi nhìn Saudi Arabia rơi vào tình thế rắc rối hiện nay bởi họ không ưa gì vương quốc này.

Có thế thấy rõ, một thực tế là chừng nào Thái tử Mohammed bin Salman còn theo đuổi chiến dịch ở Yemen thì chừng đó những nước đứng sau phiến quân Houthi còn kích động làm Saudi Arabia phải suy kiệt. Trong khi đó, các cường quốc phương Tây dường như không muốn bị nhìn nhận là “bao che” cho Thái tử Mohammed bin Salman, người dùng mọi công cụ ngoại giao để thủ tiêu lực lượng chỉ trích. Giờ thì ngày càng khó hơn để thuyết phục giới nghị sĩ mang tư tưởng hoài nghi ở Washington, London, Ottawa... cũng như ở các nước khác thông qua các thương vụ vũ khí cho Saudi Arabia.

Với Washington, Saudi Arabia là đồng minh lâu đời nhất trong khu vực. Mối quan hệ này có từ năm 1943 khi Tổng thống Mỹ thời ấy là Franklin Roosevelt đã đón tiếp 2 quốc vương tương lai, Faisal và Khalid, tại Nhà Trắng với tư cách là phái viên của Quốc vương Abdel Aziz. Quan hệ giữa Washington và Riyadh dựa trên những lợi ích chồng lấn, đặc biệt về dầu mỏ, chứ không phải dựa trên những lợi ích chung.

Saudi Arabia và Mỹ không chia sẻ những giá trị phổ quát và tồn tại sự khác biệt đặc biệt rõ nét về tự do ngôn luận. Mối quan hệ này lâu nay rơi vào thế mong manh, dễ tiến tới khủng hoảng, song các đời Tổng thống Mỹ kể từ sau ông Roosevelt đều tìm cách tiếp cận với Saudi Arabia.

Israel có thể biến nước trở thành vũ khí để kiểm soát Gaza. Ảnh: Middle East Eye.

Trong số đó, không một vị Tổng thống Mỹ nào lại ve vãn vương quốc này một cách lộ liễu như ông Donald Trump. Ví dụ, để lấy lòng Riyadh, chính quyền ông Trump đã bỏ qua luôn các vụ tấn công ở Yemen và cố nhào nặn hình ảnh Saudi Arabia “mẫu mực” để đứng đầu một lực lượng như NATO của Arab.

Vụ việc với nhà báo Khashoggi xảy ra bất ngờ đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump bối rối. Ông Trump là người đã coi mối quan hệ cá nhân của mình với hoàng tử Saudi như là trụ cột trong chiến lược ở Trung Đông của mình, nơi mà chính quyền Washington đang tìm cách kìm hãm Iran bằng sự ủng hộ của Saudi và Israel. Tổng thống Mỹ cũng đang dựa vào Riyadh để lấp đầy khoảng trống về nguồn cung dầu trên thế giới trong bối cảnh ông chuẩn bị tái áp đặt đợt trừng phạt thứ hai nhắm vào Tehran từ tháng 11 tới sau khi ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015.

Khi đặt cược chính sách Trung Đông vào Thái tử Mohammed bin Salman, ông Trump giờ chịu trách nhiệm đối với hồ sơ của người được ông bảo trợ này. Rõ ràng, ông Trump tỏ ra chẳng mấy dễ chịu gì khi thảo luận về cái chết của nhà báo Khashoggi.

Tuy nhiên, khi Thái tử Mohammed bin Salman thề đáp trả mạnh tay nếu Washington trừng phạt ông cũng như Saudi Arabia vì vụ nhà báo này thì Riyadh có nguy cơ gây ra sự chia rẽ đang ngày một sâu sắc hơn bao giờ hết, đồng thời tự đẩy mình vào thế cô lập với cộng đồng quốc tế.

Vậy leo thang căng thẳng khiến Mỹ hay Saudi Arabia, bên nào sẽ mất nhiều hơn? Theo giới chuyên gia, Saudi Arabia có khả năng sẽ mất nhiều hơn trong cuộc khủng hoảng kinh tế với đồng minh Mỹ trong bối cảnh những mâu thuẫn ngoại giao vẫn tiếp tục leo thang này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc hội kiến khẩn cấp với Quốc vương Saudi Salman tại Riyadh hôm 16-10 sau khi các báo cáo cho biết nhà báo Khashoggi đã bị sát hại thay vì mất tích.

Việc Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu của Saudi Arabia phải đưa ra lời đe dọa “trừng phạt nghiêm khắc” là một “cú đánh” mạnh vào quốc gia Trung Đông này. Jean-Francois Seznec, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Năng lượng toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng mặc dù là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, bán ra 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho Mỹ, song Saudi Arabia sẽ chẳng thu được nhiều lợi ích từ việc sử dụng loại “vàng đen” này làm đòn bẩy.

Seznec cho rằng, điều đó sẽ “hoàn toàn phá hủy hình ảnh “nhà cung cấp đáng tin cậy” của họ” và làm suy yếu vị thái tử quyền năng Mohammed bin Salman của Saudi Arabia.

Các thành viên Quốc hội Mỹ, bao gồm cả đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể sẽ bỏ phiếu ngăn chặn việc bán vũ khí cho Riyadh và Nhà Trắng sẽ bị ép buộc phải trừng phạt các cá nhân của Saudi Arabia nếu các cuộc điều tra chứng minh họ có liên quan đến vụ mất tích của nhà báo Khashoggi. Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) ở Paris, nói:  Quốc hội Mỹ “sẽ không buông xuôi”.

Cuộc khủng hoảng đã khiến thị trường chứng khoán Saudi Arabia suy sụp. Seznec cho rằng, nếu cuộc khủng hoảng leo thang, Thái tử Mohammed bin Salman thậm chí có thể yêu cầu thanh toán tiền dầu bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD. Ông nói: “Điều đó sẽ làm bất ổn nền kinh tế của toàn thế giới và khiến Mỹ phải thực hiện những biện pháp quyết liệt” có thể dẫn tới một sự thay đổi giới lãnh đạo ở Riyadh.

Tuy nhiên, những “cái đầu lạnh” của Quốc hội Mỹ cũng phải tính tới yếu tố Nga hay Trung Quốc khi yêu cầu áp đặt lệnh cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia. Bởi lúc này, rất có thể khiến Riyadh “ngả sang Nga”. Ngoài ra, leo thang căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến việc chia sẻ thông tin tình báo cũng như giao thương giữa Saudi Arabia và các nước phương Tây.

Theo tổ chức tư vấn Capital Economics tại London, căng thẳng giữa các đồng minh vẫn có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính của Saudi Arabia dù nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ có thể giúp vương quốc này vượt qua khủng hoảng.

Hoa Huyền
.
.