Trung Đông trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mới

Thứ Tư, 19/07/2006, 16:33

Trung Đông lại đứng trước một bước ngoặt hết sức nguy hiểm nữa, khi các cuộc giao tranh quy mô lớn đã nổ ra liên tục trên khu vực biên giới Israel - Liban từ ngày 12/7. Thế là ngoài điểm nóng tại dải Gaza, một mặt trận thứ hai đã được mở tại biên giới Liban, đe dọa đưa Trung Đông vào một cuộc chiến quy mô lớn thực sự.

Sáng ngày 12/7, các tay súng của tổ chức Hồi giáo Hezbolla đã bất ngờ mở một cuộc tấn công lớn vào các vị trí của Israel nằm dọc tuyến đường biên giới Israel - Liban. Ban đầu, Hezbolla đã sử dụng tên lửa Cachiusa và súng phóng lựu tấn công một loạt các đồn biên phòng và khu dân cư nằm sát biên giới, trong đó có cả thành phố Schlomi. Theo đánh giá ban đầu, các tay súng Hezbolla đã bắn tới hàng trăm quả đạn các loại, khiến 11 người bị thương, trong đó có 6 dân thường và 5 binh sĩ Israel.

Trong cuộc đột kích ngay sau đó dưới hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ, một nhóm tay súng Hezbolla đã tấn công một chiếc xe tuần tiễu Hummer của Israel dọc biên giới, dùng tên lửa chống tăng bắn cháy chiếc xe này. 3 binh sĩ trong xe đã bị chết ngay tại chỗ, 2 người còn lại bị mất tích.

Chỉ chưa đầy một giờ sau vụ tấn công, kênh truyền hình “Al-Manar” của Hezbolla đã cho phát một phóng sự khẳng định đã bắt được 2 binh sĩ Israel. Hezbolla chính thức yêu cầu phía Israel phải trả tự do cho hàng ngàn tù binh Palestine và Liban để đổi lấy 3 binh sĩ của mình - 2 người vừa bị bắt tại Liban và cả binh sĩ Gilad Shalit bị bắt tuần trước tại dải Gaza. Tổ chức này gọi hành động của mình là đòn trả đũa cho chiến dịch quân sự của Israel tại dải Gaza, gần đây nhất là vụ Israel không kích ngôi nhà của một quan chức Hamas dẫn tới cái chết của 7 người, trong đó có 2 phụ nữ và 2 trẻ em. Bằng hành động tấn công vào biên giới phía bắc Israel, nhóm Hezbolla trên thực tế đã quyết định mở mặt trận thứ hai chống lại Nhà nước Do Thái.

Đúng như thường lệ, quân đội Israel bắt đầu ngay đòn đáp trả bằng những đợt bắn phá dồn dập vào lãnh thổ Liban. Mục tiêu quan trọng đầu tiên của họ là tìm cách ngăn chặn những kẻ bắt cóc và giải thoát 2 binh sĩ  vừa bị bắt. Tất cả 5 cây cầu lớn tại miền Nam Liban đều đã bị tấn công. Không quân Israel đã cho ném bom các tiền đồn của Hezbolla dọc khu vực biên giới. Ngay sau đó, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2000, các xe tăng Israel đã tràn vào lãnh thổ Liban. Tuy nhiên, các quan chức quân sự Israel vẫn khẳng định, hoạt động của các đơn vị quân đội trên lãnh thổ Liban chỉ để nhằm truy lùng các tay súng Hezbolla.

Chiến dịch quân sự mới của Israel lại dẫn tới những tổn thất mới cho chính quân đội nước này. Cụ thể là một chiếc xe tăng đã va phải mìn có sức công phá mạnh khiến cả 4 binh sĩ trên xe thiệt mạng, nâng tổng số thiệt hại chung lên tới 7 người (chưa kể 21 binh sĩ khác bị thương) - con số thiệt hại lớn nhất trong một ngày kể từ thời điểm chiến dịch “Bức tường bảo vệ” năm 2002. Thông tin mới nhất của AFP cho biết, không quân Israel còn tấn công thẳng vào sân bay quốc tế tại thủ đô Beirut. Đã có 3 quả tên lửa bắn thẳng vào đường băng khiến sân bay này phải ngừng hoạt động.

Phản ứng của Israel và thế giới

Tin xấu đã đến tai Thủ tướng Ehud Olmert vào đúng thời điểm ông này đang hội đàm với đồng nghiệp Junichiro Koizumi đến từ Nhật. Ông Olmert ngay lập tức tuyên bố với báo chí: “Sự kiện xảy ra hoàn toàn không phải là một hành động khủng bố, mà đó là hành vi của một quốc gia có chủ quyền đã tấn công Israel mà không có nguyên nhân. Trách nhiệm thuộc về Chính phủ Liban và họ sẽ phải trả giá cho điều này”.

Tổng tư lệnh quân đội Israel là Dan Halutz còn có lời lẽ gay gắt hơn: “Chúng tôi sẽ đưa Liban quay trở về với quá khứ 20 năm trước!” - thời điểm Liban gần như trong tình trạng hoàn toàn đổ nát vì chiến tranh. Phát ngôn viên Gideon Meir của Chính phủ Israel yêu cầu phía Hezbolla phải trả tự do vô điều kiện cho các binh sĩ của họ, đồng thời khẳng định sẽ không đồng ý với bất kỳ đề xuất đàm phán nào của nhóm này. Theo các nhà quan sát, Israel không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Chính phủ Liban về hành động tấn công này.

Tuyên bố của Thủ tướng Olmert được nhìn nhận như một tín hiệu đèn xanh cho một chiến dịch quy mô lớn của quân đội Israel trên lãnh thổ Liban. Thậm chí một số người còn tính đến khả năng về những đòn tấn công quân sự khác nhằm vào Syria. Trước mắt, ngay sau phiên họp khẩn cấp của nội các, Bộ Tổng tham mưu quân đội Israel đã tuyên bố về kế hoạch động viên một phần cùng với việc đưa thêm 6.000 quân cộng với trực thăng, xe tăng và các phương tiện quân sự khác tới vùng biên giới Liban.

Bước leo thang xung đột nguy hiểm này đã gây ra nhiều phản ứng trái ngược nhau. Các đảng phái Thiên Chúa giáo tại Liban đã phê phán kịch liệt hành động của Hezbolla, mà theo họ có thể đưa đất nước vào một cuộc chiến mới. Chính phủ Mỹ, Anh, Nhật, đại diện lãnh đạo EU và Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã lên tiếng phê phán việc bắt cóc binh sĩ Israel. Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã 3 lần gọi điện cho Thủ tướng Fuad Sinora của Liban, thúc giục chính phủ nước này gây sức ép bắt Hezbolla phải trả tự do cho các con tin. Trong khi đó, phong trào Hamas tại Palestine lại công khai ủng hộ hành động trên của Hezbolla. Chính phủ SyriaIran cũng có những phát biểu đứng về phía Hezbolla khi nhấn mạnh, đó chính là “hậu quả chính sách chiếm đóng của Israel

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.