Trung – Nhật – Hàn: Thế “chân kiềng” mới của chấu Á?

Thứ Tư, 04/11/2015, 22:20
Diễn ra lần đầu tiên sau hơn 3 năm căng thẳng liên quan đến những tranh cãi về lịch sử và lãnh thổ, song Hội nghị thượng đỉnh giữa 3 nước Đông Bắc Á đã thành công hơn mong đợi khi lãnh đạo các bên đã nhất trí khôi phục hoàn toàn quan hệ thương mại và an ninh.

Giới phân tích cho rằng với việc sẵn sàng trở lại làm việc cùng nhau, các quốc gia láng giềng này đang gạt sang một bên những thù hận trong lịch sử để hướng tới những lợi ích tương lai.

Cơ hội gạt bỏ thù hận lịch sử

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp kéo dài 90 phút tại Seoul, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye  cho rằng cơ chế hợp tác 3 bên cần được nối lại, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác tại Đông Bắc Á. Tạm thời gạt sang một bên những khúc mắc lịch sử, 3 nhà lãnh đạo đã thảo luận những mối quan tâm chung về an ninh và thương mại.

Trong đó, Tổng thống nước chủ nhà Park Geun-hye bày tỏ hy vọng 3 nước sẽ tiến bước trên con đường cùng tồn tại và hợp tác. Tổng thống Hàn Quốc cho rằng 3 nước đang làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế mặc dù các cuộc tranh cãi liên quan đến các vấn đề chính trị và an ninh đang cản trở các nước láng giềng này phát huy tối đa tiềm năng hợp tác.

Theo bà Park Geun-hye. Hàn Quốc cũng đã nhất trí phối hợp với lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản để hướng tới hoàn thiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi các nhà lãnh đạo 3 nước góp phần đẩy nhanh đà tăng cường sự hợp tác ba bên. Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng bản thân cuộc họp này là bước đi ban đầu hướng tới sự hợp tác 3 bên.

Giới phân tích cho rằng cuộc gặp 3 bên diễn ra ở thời điểm khá thuận lợi khi trước đó, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đã có dấu hiệu ấm lên sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và ông Tập Cận Bình tại Hội nghị cấp cao APEC 2014. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc hiện đang có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng. Vì thế, quốc gia này có nhu cầu rất lớn về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng, nếu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không quyết tâm tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), dòng vốn đầu tư thương mại sẽ có nguy cơ dịch chuyển khỏi khu vực Đông Bắc Á. Ngoài ra, đây còn là thời điểm thuận lợi cho cơ chế đối thoại bởi quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc đang có dấu hiệu tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú là việc Tổng thống Park Geun-hye đã tới Trung Quốc tham dự lễ duyệt binh vào ngày 13/9 vừa qua. Đó là dấu hiệu rất rõ ràng cho việc tan băng trong mối quan hệ giữa hai nước.

Mặc dù không đạt được bước đột phá thực chất nào, song hội nghị thượng đỉnh 3 nước Đông Bắc Á được xem là nhằm đưa ra một tuyên bố mang tính biểu tượng về mục đích của 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực về việc khôi phục các quan hệ căng thẳng. Bản tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đưa các hội nghị thượng đỉnh 3 bên tổ chức trở lại hàng năm, với cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra tại Nhật Bản vào năm 2016.

Các nhà lãnh đạo Trung - Nhật - Hàn bắt tay nhau trong cuộc gặp 3 bên ngày 1/11 vừa qua.

Tham vọng châu Á?

Chiếm khoảng 20% kinh tế thế giới song quan hệ căng thẳng giữa 3 nước Đông Bắc Á kể từ năm 2012 đã bóp nghẹt những nỗ lực nhằm phối hợp và hòa nhập thương mại khu vực. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc và toàn cầu gần đây đang tăng trưởng chậm chạp, đại diện Trung Quốc tại cuộc họp 3 bên Chung San nói rằng các cường quốc châu Á cần phải tăng cường giao thương khu vực để thúc đẩy tăng trưởng: "Nền kinh tế thế giới ngày nay đã được cải cách sâu rộng sau khủng hoảng. Với tư cách một trung tâm kinh tế ở châu Á, vai trò của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản mang tính cấp thiết đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu".

Ngoài việc ủng hộ một khu vực thương mại tự do giữa 3 nước, giới chức thương mại Bắc Kinh, Tokyo và Seoul đã thảo luận về những sách lược thúc đẩy Hiệp định RCEP, một thỏa thuận thương mại tự do với 16 nước tham gia. Các cuộc thương lượng về RCEP đã bắt đầu vào năm 2013 nhưng mới đây đã bị hoãn lại. Hiệp định này sẽ bao gồm các cường quốc Đông Bắc Á cùng Ấn Độ và Australia, ngoại trừ Mỹ.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ông Motoo Hayashi, tham dự các cuộc đàm phán, đã lên tiếng ủng hộ các thỏa thuận thay thế này để hạ thấp các rào cản thương mại: Để giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu, 3 nước nên hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực kinh tế và đầu tư thương mại để nâng cao sức mạnh của vùng Đông Bắc Á và Thái Bình Dương. Điều quan trọng nhất là thiết lập việc tự do hóa đầu tư và thương mại trong khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, ông Yoon Sang-Jick bày tỏ sự lạc quan rằng các hiệp định thương mại tự do khu vực có thể được thực thi: "Tôi trông đợi FTA giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản và RCEP sẽ được ký như những hiệp định tương hỗ và 3 nước nên chứng tỏ sự lãnh đạo vững mạnh để thành lập một Cộng đồng Đông Á".

Với lợi thế có chung lợi ích duy trì hòa bình, ổn định, giới phân tích cho rằng 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cần có chung môi trường hòa dịu và thời điểm hiện tại không chỉ thuận lợi đối với 3 nước về hợp tác kinh tế mà cả về chính trị.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.