Trung Quốc: Nỗi lo ngại về Cảnh sát chống khủng bố

Thứ Ba, 14/10/2014, 12:30

Trước sự lo ngại về mối đe dọa khủng bố, lần đầu tiên trong suốt nhiều năm qua Cảnh sát Trung Quốc bắt đầu được phép mang súng và từ đó dẫn đến những hậu quả chết người, thậm chí lan đến tận huyện nhỏ Luokan thuộc tỉnh Vân Nam.

Chính quyền Bắc Kinh quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cảnh sát mang súng sau vụ tấn công khủng bố một ga tàu hỏa ở Tân Cương, nhưng đồng thời cũng trao cho cảnh sát quyền nổ súng bất cứ khi nào họ cảm thấy thích hợp! Sau cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trong hơn một thập niên, Trung Quốc đang bắt đầu tiến hành cuộc chiến riêng của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích lo ngại lực lượng cảnh sát vũ trang chống khủng bố mới ra đời của Trung Quốc - kết hợp với sự huấn luyện sơ sài và lập trường không bắt giữ làm tù nhân của chính quyền Bắc Kinh - sẽ trở thành một đội quân đáng sợ và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân!

Những vụ nổ súng giết người không minh bạch

Trong một vụ bạo lực mới nhất liên quan đến lực lượng gọi là cảnh sát chống khủng bố, ít nhất 40 người bị giết chết hôm 21/9 tại khu tự trị Tân Cương vì bị quy là những phần tử khủng bố. Tuy nhiên, mới đây khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông giữa khu quảng trường đông đúc ở huyện Luokan thuộc tỉnh Vân Nam, họ cũng tuyên bố đó là "phần tử khủng bố" và sau đó chính quyền bất ngờ khép lại vụ việc một cách không minh bạch.

Một người dân giấu tên ở Luokan lên tiếng: "Mọi người đều biết đó là lời nói dối trắng trợn". Một người nữa tiếp lời: "Không có phần tử khủng bố nào ở đây cả. Người duy nhất ở đây khiến chúng tôi phải sợ hãi - đó là cảnh sát".

Trong khi những vụ nổ súng của cảnh sát gây chết người luôn bị thế giới đặt nghi vấn - như vụ bắn chết một thiếu niên da đen gây cuộc biểu tình phản đối cảnh sát vào tháng 8 vừa qua ở Ferguson, bang Misssouri (Mỹ) - thì ở một số quốc gia mọi bằng chứng liên quan đến những vụ việc như thế thường bị lấp liếm ngay sau đó! Không ai biết được chính xác có bao nhiêu người bị bắn chết mỗi năm ở Trung Quốc, nhất là khi liên quan đến cảnh sát, do chính quyền luôn giữ bí mật.

Trong số những vụ bắn chết người được báo cáo công khai vào 5 tháng qua ở Trung Quốc, kể từ khi chính sách thay đổi cho phép cảnh sát mang súng - đó là vụ một người đàn ông có bệnh sử tâm thần bị cảnh sát bắn chết tại tỉnh Tứ Xuyên.

Trong một vụ khác ở huyện La Bình, tỉnh Vân Nam, một sĩ quan cảnh sát được cho là say rượu gây lộn với một người đàn ông và sau đó bắn chết một người khác đang cố can ngăn. Thông tin về những vụ nổ súng gây chết người như thế thường bị chính quyền che đậy, còn những bằng chứng hiếm khi được tiết lộ. Thêm vào đó, nhân chứng sẵn sàng đứng ra làm chứng cũng khó thể tìm thấy được.

Ngay đến các sĩ quan cảnh sát chỉ huy cũng bày tỏ mối lo ngại khi nhiều cảnh sát nhận súng mới mà chỉ được huấn luyện sơ sài. Như tại một buổi huấn luyện ở tỉnh Sơn Đông miền Đông Trung Quốc, nhiều cảnh sát bị gãy ngón tay cái do không được cảnh báo về lực giật ngược khi súng nổ! Một số sĩ quan cảnh sát mang súng nhưng không hề tập bắn. Một sĩ quan tiết lộ: "Phần đông trong chúng tôi không được bắn súng trong nhiều năm. Thậm chí, nhiều cảnh sát rất sợ cầm súng".

Luokan là một huyện hẻo lánh thuộc thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam. Phần đông người dân Luokan do thiếu việc làm tại địa phương nên họ thường tìm việc ở những huyện khác. Từ thành phố Chiêu Thông, phải lái xe suốt 6 giờ vòng vo qua những vùng núi và đi thêm khoảng 1 giờ rưỡi trên con đường bụi bặm để đến được huyện Luokan. Con đường hiện nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cảnh sát địa phương sau vụ nổ súng giết chết Fang Jiushu, 45 tuổi, hôm 15/5/2014.

Vụ nổ súng xảy ra vào buổi họp chợ đông đúc tại khu quảng trường. Một nhà báo nước ngoài bí mật tìm đến Luokan sau khi xảy ra vụ việc để tiếp xúc với người dân nhưng họ đều từ chối trả lời. Cả đến bạn bè và người thân của nạn nhân cũng không dám nói gì vì họ biết rằng điện thoại và nhà của họ đang bị chính quyền theo dõi. Họ chỉ cho biết sau cái chết bất ngờ của Fang Jiushu, giới chức chính quyền đã đến từng nhà cảnh báo mọi người không được nói chuyện với người ngoài. Nhưng, với nỗ lực thuyết phục của nhà báo, cuối cùng hàng chục người sẵn sàng tiết lộ về vụ nổ súng.

Những chứng cứ do người dân cung cấp kết hợp với những hình ảnh về vụ nổ súng của cảnh sát được ghi hình bằng điện thoại di động cho thấy một sự thật hoàn toàn mâu thuẫn với những gì mà chính quyền tuyên bố. Trước khi xảy ra vụ tấn công ga tàu hỏa Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam ngày 1/3/2014, không ai biết đến huyện Luokan. “Fang Jiushu là tài xế xe tải, anh không có mâu thuẫn hay đánh nhau với ai, mặc dù tính tình có phần nóng nảy” - Daxiu, một người thân của Fang cho biết.

Cảnh sát chống khủng bố tập luyện ở Thượng Hải ngày 21/8.

Năm 2013, một công ty điện lực của nhà nước tịch thu một phần đất và nhà của Fang để xây dựng tháp truyền tải điện. Những bất đồng về đất đai như thế thường liên quan đến nạn tham nhũng và từ đó thổi bùng lên sự tức giận của người dân các vùng nông thôn. Fang đã làm đơn kiện lên chính quyền địa phương suốt nhiều tháng về nhà và đất của mình nhưng vẫn không có kết quả. Thậm chí, sau khi phản đối ngay trước trụ sở chính quyền, Fang đã bị tống giam vài ngày.

Vào hôm bị cảnh sát bắn chết, Fang nói với một người bạn rằng: "Điều tôi muốn là công lý". Vào buổi sáng định mệnh, Fang bọc chiếc xe tải chở hàng của mình bằng những tấm biển viết tay bày tỏ sự chống đối chính quyền và cho xe đỗ ngay trước tòa nhà chính quyền, gây ách tắc giao thông. Fang trải qua suốt 5 giờ thương lượng với giới lãnh đạo chính quyền địa phươngvề khoản tiền đền bù cho phần đất của mình.

Sau đó, cảnh sát mặc thường phục cùng với vài cảnh sát chống khủng bố mặc sắc phục bất ngờ xuất hiện, bao vây chiếc xe tải của Fang. Khi rời khỏi tòa nhà chính quyền và bước lên xe tải, Fang bị cảnh sát ngăn lại và ông dùng dao chống trả. Khi Fang định cho xe chạy đi, cảnh sát đã bắn ít nhất 11 phát súng vào chiếc xe và giết chết ông ngay lập tức! Theo lời người dân Luokan, đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên, có tiếng súng nổ tại địa phương yên bình này.

Nổ súng ngay lập tức mà không có cảnh báo?

Từ khi khám phá thuốc súng cách đây hơn 1.000 năm, các chính quyền Trung Quốc đều có lịch sử phức tạp với vũ khí. Từ lâu chính quyền Trung Quốc luôn có những chính sách về súng nghiêm khắc nhất thế giới. Quyền sở hữu súng bị cấm đối với mọi người ngoại trừ quân đội do chính quyền Trung Quốc kiểm soát.

Từ năm 2003, cảnh sát cũng bị cấm mang súng ngoại trừ lực lượng đặc nhiệm và các đội tiến hành chiến dịch nguy hiểm như là bắt giữ tội phạm có vũ trang. Nhưng, mọi chuyện bắt đầu có dấu hiệu thay đổi sau vụ tấn công bằng mã tấu kinh hoàng tại ga tàu hỏa Côn Minh làm ít nhất 33 người chết và hơn 140 người bị thương vào ngày 1/3/2014. Chính quyền Trung Quốc coi đây là cuộc tấn công khủng bố do người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương thực hiện.

Ngay lập tức, chính quyền cấm đưa tin về những gì diễn ra bên trong ga tàu hỏa Côn Minh, trừ ra một vài chi tiết được cơ quan thông tấn nhà nước công bố. Theo đó, sĩ quan chỉ huy - một trong số ít người có súng - đã bắn vài phát súng. Khoảng 40 phút sau, cảnh sát đặc nhiệm xuất hiện bắn chết một số kẻ tấn công. Sau vụ tấn công này, hơn 1.000 cảnh sát tuần tra thành phố Thượng Hải bắt đầu được phép mang súng ngắn, còn ở Quảng Châu là khoảng hơn 4.000 người.

Ở Bắc Kinh, chính quyền bắt đầu lập trạm cảnh sát vũ trang mới tại các ga tàu điện  ngầm và tăng gấp đôi số đạn dược cấp cho cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố. Cùng với chính sách mới về súng, giới lãnh đạo Trung Quốc còn đưa ra quy định mới - đó là khi đối mặt với những người nghi là phần tử khủng bố, cảnh sát có quyền nổ súng ngay lập tức mà không có cảnh báo hay do dự!

Theo giáo sư khoa Luật Đại học Bắc Kinh Zhang Qianfan, vấn đề với quy định mới là chính quyền có thể sử dụng nó để biện hộ cho bất cứ hành vi nổ súng nào từ phía cảnh sát.

Vợ của Fang Jiushu cùng với 2 con giữa đám đông tụ tập bên ngoài tòa nhà chính quyền Luokan vài giờ sau khi Fang bị bắn chết.

Trong những cuộc phỏng vấn của báo chí, một số sĩ quan cả người đương nhiệm hoặc đã về hưu giấu tên chỉ trích chính quyền Trung Quốc bắt ép cảnh sát phải sẵn sàng nổ súng trong khi họ chưa hề được chuẩn bị cho điều đó. Một sĩ quan huấn luyện sử dụng súng cho Cảnh sát Bắc Kinh cho rằng việc trao súng cho những sĩ quan không được huấn luyện chu đáo là vô ích và khinh suất: "Có lẽ sẽ an toàn hơn cho mọi người nếu họ được trao con dao hay thứ vũ khí gì khác".

Trong vòng 3 giờ sau cái chết của Fang ở Luokan, cảnh sát đã bác bỏ cáo buộc vụ nổ súng là sai trái đồng thời phát đi thông điệp về vụ việc cho rằng điều đó là cần thiết để ngăn chặn Fang lái xe tải đâm vào đám đông người xung quanh. Nhưng, các nhân chứng có mặt tại hiện trường tuyên bố người dân không hề gặp nguy hiểm và ngay khi cảnh sát nổ súng thì chiếc xe tải của Fang chỉ dịch chuyển một chút và thậm chí còn "chậm hơn người đi bộ". Cảnh sát địa phương từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào của phóng viên báo chí liên quan đến vụ việc.

Trong tuyên bố ngày 15/5/2014, chính quyền tuyên bố có 3 người dân bị thương do Fang lái xe tông vào. Nhưng, một người trong số đó - tên là Wang Ancai, 45 tuổi - cho biết, ông chỉ bị thương nhẹ sau khi Fang bị cảnh sát bắn làm lạc tay lái.

Theo lời người đàn ông này, một quan chức chính quyền Luokan đã vào bệnh viện thăm ông và trao số tiền 160 USD - bằng khoản tiền lương 1 năm của dân địa phương - cùng với  lời nói "để đền bù vết thương do một tên khủng bố gây ra". Wang nhận tiền và nói: "Tôi không nghĩ đó là hành động khủng bố".

Sau cái chết của Fang, vợ cùng với con trai 9 tuổi và con gái 11 tuổi rời khỏi Luokan, từ bỏ phần đất mà người chồng đã cố sức bảo vệ. Mới đây, người thân của Fang đã trao toàn bộ các chứng cứ liên quan đến vụ nổ súng cho một phụ nữ tên là Yu Jiaci, người tự giới thiệu là đại diện cho một tổ chức phi lợi nhuận muốn giúp đỡ. Nhưng, không có dấu hiệu nào cho thấy Yu được chính quyền gửi đến trong nỗ lực thu thập mọi bằng chứng liên quan đến vụ việc. Thậm chí, chính quyền còn "thu thập" cả thi thể của Fang - bằng chứng có sức thuyết phục nhất.

Vào ngày bị bắn, Fang bị ngã khỏi chiếc xe tải. Các nhân chứng nói rằng không thể biết được Fang có thật sự chết sau khi bị bắn hay không bởi vì ngay sau đó ông bị đưa lên xe cảnh sát. Và cho đến nay, không ai - kể cả người thân - nhìn thấy Fang một lần nữa!

Thục Miên (tổng hợp)
.
.