Trung Quốc: Sai lầm chiến lược mang tên Hải Dương 981

Thứ Ba, 17/06/2014, 23:55

Đặng Tiểu Bình dưới tuyền đài giờ này chắc sẽ thắc mắc tại sao thế hệ lãnh đạo kế cận của Trung Quốc hiện nay lại không nghe theo lời dạy của mình là phải "Thao quang dưỡng hối". Đưa giàn khoan Hải Dương 981 ngang nhiêm xâm phạm chủ quyền nước nhỏ hơn, Trung Quốc đang phơi bày quá sớm bộ mặt thật của mình trước toàn thế giới.

Việt Nam không cương quyết, Trung Quốc sẽ có nhiều Hải Dương 981

Giàn khoan Hải Dương 981 là sản phẩm của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Được thành lập năm 1982, CNOOC là một doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc). CNOOC là công ty lớn nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác dầu khí ở ngoài khơi.

Để đáp ứng cơn khát dầu của Trung Quốc, nhiệm vụ mà Bắc Kinh giao cho CNOOC là phải tìm kiếm được nhiều dầu khí chừng nào có thể (bài viết "CNOOC's Offshore Strategy Intensifies" đăng trên mạng Energy Tribune ngày 18/7/2013 của nhà báo Tim Daiss đã chỉ rõ nhiệm vụ này).

Với mức tăng trưởng kinh tế hiện tại và cùng với sự tăng trưởng đó, Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào năng lượng khí đốt. Từ nửa cuối thập niên 80 đến năm 1993, Trung Quốc vẫn là một quốc gia xuất khẩu dầu. Nhưng theo Cục Quản lý Thông tin năng lượng (EIA) của Mỹ vào tháng 9-2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Theo số liệu của của EIA, mỗi ngày Trung Quốc cần nhập đến 6,3 triệu thùng dầu dù Trung Quốc là nước sản xuất dầu lớn thứ tư trên thế giới (4,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2013). Trong khi con số ấy ở Mỹ là 6,1 triệu.

Không khai thác đủ dầu cho tiêu thụ nội địa một phần cũng vì các nguồn dầu dự trữ của Trung Quốc mỗi ngày một cạn. Vì vậy, Trung Quốc cần tìm kiếm dầu từ các quốc gia khác. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện tại, dầu khí còn đóng một vai trò quan trọng khác trong chiến lược phát triển và đặc biệt tham vọng trở thành cường quốc của Trung Quốc.

Trong cuốn "China, Oil and Global Politics", xuất bản năm 2011, Philip Andrews-Speed và Roland Dannreuthe cho rằng Trung Quốc đạt được tham vọng đó hay không tùy thuộc rất nhiều vào việc nước này có tìm đủ được nguồn dầu khí hay không.

Một người đi qua chân dung các nhà lãnh đạo đảng của Trung Quốc: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Vì những lý do đó, qua CNOOC, Bắc Kinh đã và đang tìm cách ký kết các hợp đồng mua bán, khai thác dầu khí tại nhiều nước khác nhau ở Nam Mỹ, Trung Đông hay châu Phi. Và quan trọng hơn cả là việc chính quyền Bắc Kinh ra lệnh cho CNOOC xây dựng giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 để đi vơ vét dầu khí ở những vùng biển tranh chấp và thậm chí còn hơn cả thế nữa.

Từ năm 2009, CNOOC bỏ ra 923 triệu USD và 3  năm để xây dựng giàn khoan này. Hải Dương 981 là một giàn khoan nước sâu khổng lồ - nặng đến 31.000 tấn, dài 114m, rộng 90m, cao 137.8m - và có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m. Giàn khoan này đã được chính thức đưa vào hoạt động ngày 9/5/2012 khi tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một vị trí trên biển Đông, cách Hồng Kông 320km.

Trong khi các công ty tư nhân không muốn mạo hiểm làm ăn trên biển Đông, các công ty của nhà nước như CNOOC có thể có lý do để tiến vào khu vực này. Vì theo lời Chủ tịch của CNOOC hồi năm 2012, Wang Yilin, các giàn khoan nước sâu, ngoài chức năng kiếm tiền cho công ty, còn là các "lãnh thổ quốc gia di động" và là một "vũ khí chiến lược".

Để thăm dò và khai thác được dầu khí ở các vùng nước sâu thì phải cần đến các công nghệ khai thác ở vùng nước sâu (thí dụ như các giàn khoan nước sâu lưu động hoặc các tàu khoan). Trên nguyên tắc, các nước có thể thuê các thiết bị khoan ở vùng nước sâu như thế. Tuy nhiên, do sự bùng nổ về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, công suất sử dụng của các thiết bị khoan nước sâu luôn ở mức 90% đến 100%, vì vậy việc thuê mướn thiết bị gần như là không thể. Đó là chưa kể những quan ngại về chuyện ăn cắp công nghệ khi cho các công ty ở các quốc gia không có truyền thống tôn trọng vấn đề bản quyền thuê.

Kể từ khi có được Hải Dương 981, Trung Quốc liên tục đề cập đến câu chuyện khai thác dầu khí ở biển Đông. Theo giới quan sát, việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam là một hành động "ném đá dò đường" về chính trị nhiều hơn là một hoạt động thăm dò dầu khí thực sự. "Thực thi chủ quyền thực tế" trên biển Đông của Trung Quốc là câu chuyện mà giới phân tích đã dự liệu từ lâu. Động thái mới này, tuy đột ngột về mặt thời điểm, không phải là một động thái bất ngờ về mặt chiến lược và chiến thuật.

Các chuyên gia cho rằng một phản ứng quyết liệt và biết kiềm chế của Việt Nam là hết sức cần thiết. Việt Nam không nên chủ động châm ngòi một cuộc xung đột vũ trang trên biển, nhưng Việt Nam phải làm mọi cách để hoạt động thăm dò của giàn khoan Hải Dương 981 không thể diễn ra, bao gồm cả việc điều động lực lượng hải quân ra can thiệp. Nếu Việt Nam không làm điều này, thì biển Đông không chỉ có Hải Dương 981, mà sẽ còn có nhiều giàn khoan khủng nữa trong tương lai đến từ Trung Quốc. Với công nghệ và kinh nghiệm của Nexen (Canada) mà CNOOC đã nuốt trọn, điều này là hoàn toàn khả thi.

Trung Quốc sẽ phải trả giá vì Hải Dương 981

Khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách "Thao quang dưỡng hối" và căn dặn các thế hệ lãnh đạo kế cận nhất quyết phải đi theo con đường này. 4 chữ trên được giải thích là cần ẩn mình chờ thời, giấu kín miếng võ hiểm, nằm gai nếm mật, khi cần thì vờ ngu giả dại, để lừa cả thế giới, không bị cản phá, phải nín thở qua sông ít ra là 25, 30 năm.

Tuy nhiên, chưa hết thời gian căn dặn của Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh đã gây sự với Nhật Bản, rồi với Philippines, và nay với Việt Nam. Làm như thế Trung Quốc tự phơi bày ra toàn thế giới dã tâm thầm kín, còn gì là lời cam kết "trỗi dậy hòa bình", "là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc". Trung Quốc ngang nhiên chà đạp lên Luật Biển về tôn trọng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, trở thành một nhà nước phạm pháp, bị Philippines kiện ra trước Tòa án Quốc tế La Haye.

Năm 2009, CNOOC yêu cầu xây dựng giàn khoan Hải Dương 981 với kinh phí gần 1 tỉ USD.

Với các nước ASEAN mà Trung Quốc cố mua chuộc lôi kéo từng nước một, Philippines đã trở thành đối kháng, Malaysia lạnh nhạt, Indonesia e ngại vì họ có lý khi nghĩ rằng sẽ đến lượt mình bị Trung Quốc vươn lưỡi bò bành trướng đến liếm rồi gặm nhấm.

Singapore còn nhớ tại cuộc họp ASEAN mở rộng tháng 8/2010 ở Hà Nội, sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định: "Mỹ coi vùng biển Đông với đường hàng hải quốc tế là vùng quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ và của tất cả các nước. Mỹ trở lại vùng này trên thế mạnh", Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì mặt hầm hầm bỏ ra ngoài phòng họp. Khi trở vào ông ta hướng vào đại diện Singapore nói: "Các người là nước nhỏ, chúng tôi là nước lớn".

Việc huy động gần 100, nay là hơn 120 tàu phòng vệ bờ biển, tàu an ninh, cảnh sát biển, trong đó có 7 tàu chiến, với hàng chục máy bay do thám, trực thăng vũ trang hoạt động thị uy quanh giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt về uy tín thể diện quốc gia của mình, khi tự phơi bày bản chất bành trướng, hung hăng hiếu chiến, chà đạp luật pháp quốc tế, chà đạp Luật Biển, vi phạm những cam kết quốc tế của chính mình.

Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 và 18 đều nhấn mạnh đến giữ vững sự ổn định nội bộ cũng như sự ổn định trong quan hệ quốc tế là điều kiện sống còn để xây dựng đất nước phồn vinh, thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa".

Với các sự kiện như đại án Bạc Hy Lai, rồi đại hồ sơ Chu Vĩnh Khang với hơn 200 tay chân thân tín phần lớn là quan chức cấp cao của đảng thuộc ngành dầu khí và ngành công an đã bị bắt chờ ngày ra tòa; rồi sự nổi dậy của người dân Tây Tạng, Tân Cương ngày càng quyết liệt. Vụ giàn khoan Hải Dương 981 tạo thêm bất ổn mới sẽ kéo dài và phức tạp. Các công ty làm ăn với Việt Nam, với Philippines, cả với các nước ASEAN khác sẽ gặp khó khăn, mất ổn định, thị trường xuất nhập khẩu bị đảo lộn, đầu tư kinh doanh bị rối loạn.

Có thể nói, tuy khủng hoảng mới ở biển Đông diễn ra có 3 tuần, Trung Quốc xem ra đã thua thiệt về mặt chiến lược không phải là nhỏ. Thể diện quốc gia bị xấu đi, uy tín quốc tế bị giảm sút, niềm tin chiến lược với toàn thế giới bị bào mòn rõ, nội bộ vốn mất ổn định càng mất thêm. Liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc - Đài Loan - Thái Lan - Philippines ở châu Á tăng bao vây ngăn chặn cô lập Trung Quốc bành trướng. Dầu thăm dò chưa thấy tăm hơi đâu đã tốn phí bao công của, còn bị nhìn nhận là nhân tố gây rối, khó chơi. Hình ảnh người khổng lồ cô đơn bị tai tiếng thêm đậm nét. Đặng Tiểu Bình nếu còn sống chắc sẽ đau buồn lắm.

Tuy cuộc họp ASEAN gần đây không lên án đích danh Trung Quốc, nhưng Philippines và Indonesia qua phát ngôn chính thức đã lên án nghiêm khắc Bắc Kinh; Liên minh châu Âu cũng lên án công khai Bắc Kinh về chuyện này. Theo AFP, Bộ Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ đang làm nhiệm vụ ở Thái Bình Dương tỏ ý có quan hệ thân hữu hơn với Việt Nam, mong muốn có thêm tàu chiến Mỹ đến thăm hải cảng Việt Nam.

Năm 2013, CNOOC thâu tóm công ty dầu khí Nexen của Canada nhằm chiếm hữu kỹ thuật khoan nước sâu của công ty này.

Nhà bình luận Brad Glosserman trên báo The National Interest (20/5/2014) cho rằng, uy tín Trung Quốc đã bị sút giảm nghiêm trọng, Trung Quốc bị coi là nhân tố khiêu khích gây bất ổn trong vùng. Nhà bình luận có uy tín quốc tế Bill Hayden nhận định: "Bắc Kinh đã đi sai một nước cờ", khi tự phơi bày chất bành trướng bất chấp trật tự và luật pháp, tự dấn thân vào thế bị e ngại, nghi ngờ và ngăn chặn.

Ông cho rằng Bắc Kinh đã tự mình kết thúc quá sớm cuộc "trỗi dậy hòa bình", tự phô ra hình ảnh một đế chế thực dân mới lạc lõng giữa thế kỷ XXI, còn nhà báo Ấn Độ Vikram Singh nhận xét: "Lửa Trung Quốc gây ra ở biển Đông cuối cùng đã gây ra nạn cháy ở Bắc Kinh".

Tổn thất của Bắc Kinh về thể diện quốc gia, uy tín quốc tế, về mong muốn làm bạn với tất cả các nước, về duy trì sự ổn định trong ngoài nước để hiện đại hóa tuy không đo đếm được nhưng có thể nhìn thấy rõ, cứ như tự mình vác đá nện vào chân mình khi đang muốn đi nhanh, như con hổ to xác nhưng nanh vuốt chưa kịp mọc đủ và nhọn đã xông ra gây sự.

Có thể chỉ vì muốn lấy sự kiện đối ngoại che lấp những rối ren nội bộ và những xung đột sắc tộc ở trong nước mà lãnh đạo Trung Quốc đã có quyết định sai lầm về chiến lược, quên phắt lời dặn của Đặng Tiểu Bình. Họ sẽ phải trả giá khá cao và lâu dài

M.T. - Đan Kô (tổng hợp)
.
.