Trung Quốc: Thẳng tay với nạn chống đối, tấn công cán bộ công an

Thứ Tư, 26/07/2006, 09:04
Đây là kiến nghị của đại đa số đại biểu tham dự các cuộc hội thảo, tham luận vừa được Bộ Công an tổ chức thời gian qua. Sắp tới, một số văn bản quy định mới sẽ được ban hành để công an được phép áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn nhằm giữ vững kỷ cương phép nước, cũng như tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo thống kê, kể từ năm 1990 đến hết năm 2004 đã có 6.819 cán bộ, chiến sỹ công an bị chết và 120.783 người bị thương do bị chống đối, tấn công, tập kích trong khi làm nhiệm vụ. Riêng trong năm 2005, đã có 4.548 cán bộ, chiến sỹ bị chết và bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Trước tình trạng đó, Bộ Công an đã kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, dùng các biện pháp hợp pháp trừng trị bọn tội phạm.

Đa số các đại biểu kể trên đều nhất trí cho rằng, công an là người đại diện nhà nước để thi hành pháp luật, do đó mọi hành động chống đối, tấn công, tập kích vào cán bộ, chiến sỹ công an trong khi làm nhiệm vụ là vi phạm pháp luật nên cần nghiêm trị. Và cán bộ, chiến sỹ công an cần được trao thêm "quyền" để chấp pháp có hiệu quả hơn.

Các chuyên gia đã đưa ra 4 nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ, chiến sỹ công an bị hy sinh và bị thương nhiều đến như vậy. Thứ nhất, có quá nhiều công việc phải giải quyết. Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2005, lực lượng công an đã phải giải quyết 4.648.000 vụ hình sự, 6.296.000 vụ trật tự trị an, 450.000 vụ giao thông, Cảnh sát 110 (giống CS113 của Việt Nam - ND) nhận 120 triệu cuộc gọi, trung bình 3,5 giây/cuộc gọi, đã điều động 66.330.000 lượt công an đi làm nhiệm vụ, bắt 864.000 đối tượng, cứu giúp 3.120.000 người gặp nạn.

Thứ hai, lực lượng quá mỏng. Tình hình trật tự trị an hiện nay khác xa so với hơn 10 năm trước, nhưng số người tăng không đáng kể. Theo thống kê, tỷ lệ trung bình giữa cảnh sát với dân thường tại các quốc gia phát triển là 0,35%, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc là 0,12%, thấp hơn cả Brazil, Ấn Độ, những quốc gia đang phát triển.

Thứ ba, khuynh hướng bạo lực hoá trong tội phạm ngày một gia tăng, nhất là tại các thành phố, đô thị mới hình thành.

Thứ tư, năng lực chấp pháp chưa cao. Do những ràng buộc về pháp luật cũng như khả năng kinh tế còn khó khăn nên đã hạn chế ít nhiều tới hiệu quả công việc. Có người đề nghị, công an nên giảm bớt những hoạt động không thuộc phạm vi công việc.

Theo kết quả điều tra của giáo sư Vương Đại Vỹ thuộc Trường Đại học Công an, công việc của công an phường thường là 20% dành cho tấn công tội phạm, 30% dành cho công tác cơ bản (hộ khẩu, làm chứng minh thư, nghiên cứu hồ sơ), 50% còn lại là làm những việc không thuộc phạm vi công việc của mình.

2 vụ chống người thi hành công vụ điển hình

Vụ tấn công làm 2 cảnh sát bị chết và 25 người bị thương ở thôn Phan Khai, thành phố Đan Châu, tỉnh Hải Nam hôm 4/7 đã gây chấn động dư luận Trung Quốc. Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang ra lệnh phải điều tra làm rõ và nghiêm trị những kẻ đứng đằng sau vụ này.

Do dân thôn Phan Khai quá mê tín vào việc xua đuổi ma quỷ, làm trong sạch nơi mình sinh sống nên không muốn bất cứ người lạ nào xuất hiện ở đây và việc này đã dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật. Họ không những bắt giữ người và phương tiện phi pháp, mà còn đòi tiền chuộc. Sau nhiều lần thương lượng bất thành giữa các bên, trưa 4/7, Công an thành phố Đan Châu đã cử 33 cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn để giải quyết dứt điểm vụ bắt người, giữ xe, đòi tiền chuộc. Hậu quả một cuộc xung đột dữ dội đã xảy ra khiến 20 cảnh sát, 7 chiến sỹ biên phòng bị thương và do vết thương quá nặng 2 cảnh sát đã chết.

Tối 10/7, trên đường Lộc Xung Quang, thành phố Quý Dương, hàng trăm người tụ tập phá hủy hơn 10 xe của cảnh sát và phóng viên khi họ đang thực thi nhiệm vụ gây nên tình trạng rối loạn quanh khu vực này trong mấy giờ đồng hồ. Vụ lộn xộn kể trên đã khiến nhiều cảnh sát bị thương và mãi đến 5h ngày 11/7, mọi việc mới giải quyết ổn thỏa sau khi công an bắt giữ hàng chục người quá khích

Quốc Trung (theo Tân Hoa xã và Nhân dân nhật báo)
.
.