Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng 2019

Thứ Hai, 29/07/2019, 14:30
Sau 4 năm cải tổ quân đội, Trung Quốc công bố Sách Trắng một cách khá toàn diện về toàn bộ chiến lược quốc phòng của nước này.

Sách Trắng với tiêu đề “Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” được Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện công bố ngày 24-7 nêu rõ mục đích và ý nghĩa, sự nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một nền quốc phòng vững chắc và lực lượng quân đội vững mạnh. Trong thời điểm nhiều biến động hiện nay, Sách Trắng quốc phòng 2019 của Trung Quốc nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia.

Bước tiến dài trong một chiến lược mới

Đây là Sách Trắng thứ 10 về quốc phòng mà Chính phủ Trung Quốc ban hành kể từ năm 1998, là bản toàn diện đầu tiên về quân đội lớn nhất thế giới và tham vọng quân sự của Trung Quốc. Theo trang mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lần gần đây nhất Bắc Kinh ban hành Sách Trắng quốc phòng một cách đầy đủ là vào năm 2015. Tài liệu này gây chú ý bởi nó cho thấy điều gì sẽ thay đổi và điều gì sẽ được duy trì trong toàn bộ tư thế phòng thủ quốc gia.

Tiêu đề Sách Trắng 2015 là sự thay đổi chiến lược hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ mang tính toàn cầu ngày càng cao của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Đặc biệt, Sách Trắng 2015 đã dành những thay đổi mạnh mẽ nhất cho vai trò của Hải quân PLA và lĩnh vực hàng hải, được xác định là một trong 4 “lĩnh vực an ninh quan trọng”.

Sách Trắng quốc phòng 2019 xuất hiện trong môi trường địa chiến lược khác biệt sâu sắc, mà trong đó quan hệ Mỹ - Trung và những diễn biến chính trị, địa chính trị và quân sự được đặc biệt quan tâm. Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Trung Quốc như một cường quốc và là một “đối thủ cạnh tranh quyền lực lớn” đã có ảnh hưởng sâu sắc.

Trung Quốc bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động hợp tác quân sự quốc tế. Ảnh: RT.com.

Một lĩnh vực đáng quan tâm trong bản Sách Trắng 2019 chính là sự nổi bật của sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Trong 2 năm qua, Trung Quốc ngày càng thận trọng về những nhận thức ở nước ngoài cho rằng BRI là một sáng kiến kinh tế với các nền tảng quân sự và chiến lược đáng sợ.

Chẳng hạn như báo cáo của tờ Wall Street Journal vừa qua đã chỉ ra những kế hoạch của Bắc Kinh trong việc thiết lập một căn cứ quân sự thứ hai ở nước ngoài tại Campuchia - một quốc gia thụ hưởng lớn từ BRI. Báo cáo thường niên gần đây nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về các năng lực và chiến lược quân sự của Trung Quốc đã đề cập trực tiếp đến BRI. Theo đó, báo cáo cho biết sáng kiến này “có lẽ sẽ thúc đẩy việc thiết lập cơ sở quân sự ở nước ngoài thông qua nhu cầu bảo vệ an ninh cho các dự án của “Vành đai và Con đường”.

Cuộc cạnh tranh chiến lược

Sách Trắng 2019 trình bày chi tiết chính sách quốc phòng trong kỷ nguyên mới, giải thích những thực tiễn, mục đích và ý nghĩa trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một nền quốc phòng kiên cố và một lực lượng quân đội mạnh mẽ, đồng thời cáo buộc Washington phá hoại sự ổn định chiến lược toàn cầu và cảnh báo việc chống lại tiến trình đòi độc lập của Đài Loan.

Nội dung của Sách Trắng được chia thành 6 phần chính: tình hình an ninh quốc tế, chính sách phòng thủ quốc gia của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, hoàn thành các sứ mệnh và nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, cải cách lực lượng quốc phòng và vũ trang Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng hợp lý và phù hợp.

Hợp tác cùng có lợi vẫn là xu hướng chủ đạo được nêu trong Sách Trắng quốc phòng 2019. Ngoài ra, Sách Trắng này cũng nêu những yếu tố gây bất ổn nổi bật và sự không ổn định trong hệ thống an ninh quốc tế. Theo tài liệu này, “cạnh tranh chiến lược quốc tế đang ngày càng gia tăng” và Mỹ đã điều chỉnh các chiến lược quốc phòng - an ninh của họ cũng như theo đuổi “các chính sách đơn phương”.

Mỹ “đã kích động và thúc đẩy cạnh tranh giữa các nước lớn, gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy năng lực bổ sung về hạt nhân, không gian, phòng thủ không gian mạng và tên lửa, đồng thời làm suy giảm sự ổn định chiến lược toàn cầu”.

Sách Trắng 2019 nhấn vào việc Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh và phát triển, đây là mục tiêu cơ bản của quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới. Một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học quân sự (AMS) thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) nhận định, Sách Trắng quốc phòng 2019 đã thể hiện rõ các tính chất trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc.

Sách Trắng 2019 cho thế giới thấy rõ định hướng chiến lược, các nguyên tắc cơ bản và tầm quan trọng toàn cầu của sự phát triển quốc phòng và các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Tài liệu này kêu gọi việc xây dựng công nghệ tiên tiến hơn nữa trong kho vũ khí của PLA, thừa nhận họ “vẫn còn thua xa các quân đội hàng đầu thế giới”.

Chiến tranh đang phát triển theo chiều hướng “chiến tranh thông minh”, ám chỉ việc gia tăng sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và “các công nghệ quân sự mới tích hợp công nghệ cao dựa trên nền tảng công nghệ thông tin”.

PLA đã tập trung vào việc bắt kịp công nghệ được các lực lượng vũ trang ở Mỹ, Tây Âu sử dụng và được cho là đang chế tạo một tàu sân bay thứ ba cũng như đang phát triển các tàu khu trục, máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo thế hệ mới.

Trung Quốc cho rằng, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, tuy nhiên, so sánh với các nước lớn khác, tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và với chi tiêu công, cũng như chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người của đất nước vẫn ở mức tương đối thấp. Trung Quốc cho biết rằng họ đã lên kế hoạch tăng thêm 7,5% chi tiêu cho quốc phòng trong năm 2019.

Một vấn đề quan trọng nữa cũng được đề cập trong Sách Trắng 2019, đó là Đài Loan. Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm cứng rắn với hòn đảo Đài Loan tự trị mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình, “cam kết sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực” để đưa Đài Loan trở thành một phần của Trung Quốc.

Hoa Huyền
.
.