Trung Quốc đối mặt với hiểm họa IS

Thứ Năm, 17/12/2015, 14:35
Lần đầu tiên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công vào Trung Quốc bằng biện pháp tuyên truyền bằng tiếng Hán nhằm lôi kéo người Trung Quốc tham gia thánh chiến tại Syria. Cùng với những vụ tấn công gần đây nhằm vào người Trung Quốc ở nước ngoài, IS trở thành mối hiểm họa ngày càng lớn dần đối với Trung Quốc.

Theo báo chí quốc tế, Trung tâm Truyền thông đa phương tiện Al-Hayat của IS vừa tung lên trang web của tổ chức này (Jihadology) một bài hát bằng tiếng Hoa phổ thông. Theo Tổ chức SITE Intelligence Group, Jihadology tự mô tả mình là một trang web nghiên cứu của IS, chuyên thu thập các tư liệu nguồn mở trên mạng thông qua tài khoản Twitter. SITE cũng cho biết, Jihadology đã cho lan truyền bài hát trên mạng xã hội Twitter từ ngày 6-12.

Con tin Trung Quốc Phạm Thanh Huy bị IS hành quyết hôm 18-11.

Bài hát dài 4 phút, nhan đề "We are Mujahid" (Chúng ta là thánh chiến quân), nội dung chứa đựng những lời lẽ kêu gọi những người Trung Quốc bất mãn "cầm súng nổi dậy" chống "kẻ thù", ám chỉ chính quyền Trung Quốc. Lời bài hát có những câu kích động thánh chiến như: "Ước mơ của chúng ta là được chết trên chiến trường", "Không quyền lực nào có thể ngăn chúng ta tiến về phía trước", "Hãy cầm vũ khí lên và nổi dậy", và "Kẻ thù không biết thẹn sẽ trở nên hoảng loạn".

Tờ Wall Street Journal hôm 8-12 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, bà không hề hay biết về bài hát được IS tung lên mạng, và rằng Trung Quốc "hy vọng có thể bảo đảm an toàn cho công dân mọi quốc gia thông qua hợp tác quốc tế". Cụ thể hợp tác bằng cách nào thì bà Hoa không đề cập.

Trước đây, IS từng tuyên truyền bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ để lôi kéo người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng lần này, việc IS chọn tiếng Hoa phổ thông cho bài hát là một biểu hiện cho ý định tiếp cận các đối tượng theo đạo Hồi đông đảo ở Trung Quốc. Theo thống kê, Trung Quốc có khoảng 23 triệu người theo đạo Hồi, tập trung nhiều nhất ở khu vực tự trị Tân Cương, nơi có một nửa số dân là người Duy Ngô Nhĩ. Đây là nhóm sắc tộc có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, và họ nói tiếng Duy Ngô Nhĩ. Tháng 6-2015, IS đã tung ra một đoạn video công bố "thánh chiến quân" già nhất, một người đàn ông 80 tuổi đến từ Tân Cương, tham gia chiến đấu tại Syria.

Hành động tung ra bài hát tiếng Hoa của IS vào lúc này và những vụ việc như vừa nói trên được đánh giá là "nhát kiếm" cứa vào mối quan hệ nhạy cảm giữa chính quyền ở Bắc Kinh với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hồi tháng 1-2015, Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm người Hồi giáo Tân Cương đội khăn trùm đầu trong phạm vi thủ phủ Urumqi, dẫn đến những vụ đụng độ giữa người Duy Ngô Nhĩ với cảnh sát. Tháng 11, chính quyền Tân Cương đã cắt điện thoại đối với những người dân lên mạng tải về các trình ứng dụng công nghệ cao phục vụ việc nhắn tin qua mạng bằng điện thoại di động.

Tháng 9-2015, tòa án Trung Quốc đã tuyên án tù chung thân đối với Ilham Tohti, giáo sư Hồi giáo người Duy Ngô Nhĩ do cáo buộc ông này có những hành động xúc tiến các cuộc đối thoại sắc tộc giữa cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ với giới trí thức Trung Nguyên.

Giới quan sát cho rằng, những vụ việc tương tự như vụ giáo sư Ilham Tohti nhằm mục đích siết chặt kiểm soát đối với việc thảo luận, bàn tán các vấn đề về căng thẳng sắc tộc có thể gây ra các hậu quả nguy hại, có thể khiến cho các cộng đồng thiểu số trở nên cực đoan hóa, hoặc đi theo các tổ chức Hồi giáo cực đoan như IS. Thực tế chưa thể xác định có bao nhiêu người Trung Quốc đã đến Syria tham gia thánh chiến cùng IS, nhưng việc đặc sứ Trung Quốc tại Trung Đông phát biểu trên tờ South China Morning Post hồi năm ngoái đã gây phản ứng quyết liệt từ tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (WUC).

Hành động của IS cũng có ý nghĩa rằng, Trung Quốc vốn đã đối mặt với nguy cơ khủng bố và hiện đang chịu áp lực tham gia cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, đặc biệt là IS. Ông Ngô Thiệu Chung, chuyên gia tình báo của Đại học Công an nhân dân Trung Quốc, cho biết, các hành động khủng bố nội địa được vạch kế hoạch và tổ chức thực hiện bởi lực lượng Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM). "Một số phần tử khủng bố ở Vùng tự trị Tân Cương đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để đến Syria và Iraq tham gia IS, một số tên trong số đó quay trở lại thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Trung Quốc" - ông Ngô nói.

Châu Vĩnh Bảo, trợ lý giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Á tại Đại học Lan Châu, phát biểu trên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng IS tung bài hát tiếng Hoa lên mạng Internet là nhằm mục đích lôi kéo, tuyển mộ người Trung Quốc đi theo thánh chiến ở Syria hoặc chí ít là kích động thành phần trung thành với nó nổi dậy gây khủng bố ở Trung Quốc. Bởi vì, IS xem Trung Quốc là một trong những "kẻ thù" do Trung Quốc đang nỗ lực chống khủng bố trong nước, không chỉ tại Tân Cương mà còn muốn hợp tác với các nước láng giềng (nơi có người Duy Ngô Nhĩ cư trú). Một lý do quan trọng nữa là IS luôn xem vùng tự trị Tân Cương của Trung Quốc là một phần trong Đế chế Hồi giáo (Caliphate) toàn cầu của nó, trong khi các chính sách của chính quyền Trung Quốc khiến cho mục tiêu đó khó thành hiện thực.

Không chỉ tung bài hát chiêu dụ thánh chiến, IS gần đây còn chính thức "khiêu khích" Trung Quốc nhằm lôi kéo nước này vào cuộc chiến chung toàn cầu. Ngày 18-11, IS đã tung một đoạn video lên Internet chiếu cảnh hành quyết 2 con tin, một người Na Uy và một người Trung Quốc. Con tin Trung Quốc tên là Phạm Thanh Huy, người Bắc Kinh, bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên án vụ hành quyết và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt những kẻ gây tội ác phải "đối mặt với công lý". Ngay sau đó, IS lại thực hiện vụ tấn công một khách sạn ở thủ đô Mali giết chết 3 công nhân của Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Hoa.

Từ khi các liên minh chống IS do Mỹ rồi Nga xây dựng tiến hành các chiến dịch không kích IS ở Iraq và Syria đến nay, Trung Quốc hầu như "chưa có động thái gì". Giới chức an ninh chống khủng bố toàn cầu cũng vài lần nhắc nhở Bắc Kinh có trách nhiệm tham gia cuộc chiến chống hiểm họa cho nhân loại, nhưng chưa ai thấy động tĩnh gì. Bây giờ, IS chính thức "khiêu chiến", liệu Trung Quốc có tiếp tục khoanh tay đứng nhìn nữa không?

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.