Trung Quốc lôi kéo Hàn Quốc làm đồng minh: Liệu có “đồng sàng”?

Thứ Bảy, 19/07/2014, 16:35

Từ trước đến nay, Trung Quốc và Hàn Quốc luôn có chung lập trường là không thích các tham vọng quân sự của Nhật Bản, nên có thể lý giải được phản ứng của hai nước này trước tham vọng ấy mới đây được hiện thực hóa bằng việc khôi phục quyền "phòng vệ tập thể".

Mỗi quốc gia Đông Bắc Á đều nắm trong tay những quân bài chủ lực để tham gia trò chơi quyền lực ở khu vực, nhưng đằng sau cách thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Seoul như gợi ý giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác kinh tế, là ý đồ khai thác và khoét sâu tối đa mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Hàn Quốc để có thể làm lung lay liên minh Mỹ - Nhật - Hàn ở Châu Á - Thái Bình Dương.

“Người láng giềng vĩ đại” và thủ thuật… bóp méo lịch sử

Hoàng đế Kwanggaet'o - âm Hán là Quảng Khai Thổ Thái Vương, còn được gọi tắt là Thái Vương (374-413, trị vì từ năm 391), là vị vua thứ 19 của Koguryo (Cao Câu Ly), vương quốc nằm phía bắc trong số 3 quốc gia thời kỳ Tam Quốc Triều Tiên. Tên của ông theo tiếng Triều Tiên cổ có nghĩa là "Đức Vua vĩ đại, người mở rộng lãnh thổ".

Dưới triều đại của Quảng Khai Thổ, quốc gia Cao Câu Ly kéo dài từ Hắc Long Giang ở phía bắc tới tận sông Hán ở phía nam, bao trùm 2/3 lãnh thổ Triều Tiên hiện nay, một phần lớn Mãn Châu, một phần Nội Mông và một phần lãnh thổ của Nga. Vương triều Koguryo kéo dài từ năm 37 trước Công nguyên tới năm 668, khi Koguryo bị nhà Đường và Silla (Tân La), một trong 3 vương quốc ở bán đảo Triều Tiên, thôn tính. Thái Vương được tôn vinh là anh hùng dân tộc của người Triều Tiên, trong khi Trung Quốc lại cho rằng Koguryo là một triều đại thuộc Hán, gây ra những tranh cãi dai dẳng từ hai phía.

Một trong các kinh đô của Koguryo hiện là thành phố Jian thuộc tỉnh Jilin (Cát Lâm), nằm bên bờ sông Yalu (Áp Lục), ngay biên giới Trung - Triều. Tại thành phố này có rất nhiều di chỉ lịch sử và văn hóa, trong đó có các lăng mộ thuộc vương triều Koguryo được UNESCO xếp loại Di sản văn hóa thế giới. Một tấm bia đá cao hơn 6 mét là biểu tượng của tranh cãi, với tên của Hoàng đế Kwanggaet'o được khắc trên đó bằng tiếng Hoa, theo dạng phồn thể, vốn được dùng làm chữ viết ở khu vực Đông Bắc Á thời bấy giờ.

Nhưng nhiều sử gia và cả nhà cầm quyền Trung Quốc lại quy chụp rằng, vương triều Koguryo là một phần của lịch sử Trung Quốc (!). Có lẽ vì Koguryo đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh với các quốc gia và bộ tộc lân cận ở Trung Nguyên thời kỳ đó. Tuy nhiên, cuối cùng cũng đã chấp nhận xưng thần với các triều đại Trung Quốc và trở thành một quốc gia chư hầu của "Thiên Triều"?

Tranh cãi nổ ra khoảng một thập kỷ trước khi Trung Quốc đề xướng một dự án “xét lại lịch sử” ở khu vực biên giới đông bắc nước này. Hàn Quốc kịch liệt phản đối dự án này và gọi đây là một hành động "bóp méo lịch sử" của Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc có hẳn một mục riêng trên trang chủ của họ về đề tài này. "Chính quyền Hàn Quốc coi vấn đề lịch sử Goguryeo là vấn đề bản sắc dân tộc với ưu tiên cao nhất", trang web thông báo.

Năm 2006, Tổng thống Hàn Quốc khi đó, ông Roh Moo-hyun đã đích thân nêu ra vấn đề này trong một cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc - ông Ôn Gia Bảo. Mấy năm qua, dù Trung Quốc tạm thời để sự việc lắng xuống nhưng Hàn Quốc vẫn để mắt tới "những âm mưu bóp méo lịch sử của người láng giềng vĩ đại".

Những thế hệ nhà cầm quyền Trung Quốc dường như có truyền thống muốn "xét lại lịch sử" trước khi triển khai các chính sách "kinh bang tế thế", như một cách lưu danh và để lại dấu ấn kiến tạo cá nhân trong từng giai đoạn lịch sử. Khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền vào năm 1949, mục tiêu trước mắt của nhà lãnh đạo này là thiết lập một nước Trung Quốc "lớn hơn Trung Quốc của triều đại nhà Thanh", đế chế của tộc người Mãn Châu hùng mạnh đã giành được chiến tích thống trị ngai vàng phong kiến Trung Hoa vốn là của dân tộc Đại Hán.

Chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tháng cuối năm 2013.

Mao Trạch Đông đã đạt được mục tiêu của mình sau khi "giải phóng hòa bình các nước cộng hòa Đông Turkistan", bây giờ là Tân Cương vào năm 1949 và "giải phóng Tây Tạng" năm 1950, làm tăng kích thước lãnh thổ Trung Quốc lên hơn 1/3 diện tích lãnh thổ so với thời kỳ trước đó. Nhưng chuyện các vua cuối đời nhà Thanh bị các cường quốc phương Tây tấn công và cưỡng bách đặt bút ký vào những bản hòa ước là một thực tế lịch sử mà giới chức Trung Quốc dường như không muốn thừa nhận. Từng giữ vai trò là một cường quốc chi phối cả khu vực Đông Á trong hàng ngàn năm lịch sử phong kiến, giới chức Trung Quốc dường như đã coi đó là sai lầm lịch sử và không bao giờ chấp nhận.

Sau này, trong tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng nhỏ hơn, nếu Trung Quốc rút khỏi những tranh chấp trên sẽ bị giới chức các nước này xem như một thất bại nhục nhã. Kể từ đó về sau, mỗi một nhà lãnh đạo lên kế nhiệm đều theo đuổi tham vọng mở rộng lãnh thổ lớn hơn người tiền nhiệm. Ví dụ dễ thấy nhất, trước năm 1968, thời điểm công bố kết quả nghiên cứu trữ lượng dầu mỏ đáng mơ ước dưới đáy biển Hoa Đông, Bắc Kinh gần như không quan tâm gì tới Senkaku, nhóm đảo mà sau này họ gọi là Điếu Ngư và bắt đầu "xét lại lịch sử" để tiến hành các hành động tranh chấp với Nhật Bản.

Thể hiện rõ hơn cả về tham vọng mở rộng  lãnh thổ của Trung Quốc đó là yêu sách đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông dựa vào "đường lưỡi bò" 9 đoạn Bắc Kinh đưa ra năm 2009 đầy mơ hồ, rồi "nới thêm" thành 10 đoạn do một nhà xuất bản in ra trên tấm bản đồ và cho phát tán rộng rãi vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua.

Kết bạn hay kết bè?

Thời điểm Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp đặt khu nhận diện phòng không Hoa Đông chồng lên cả lãnh thổ Hàn Quốc từ tháng 11/2013, Seoul đã phản ứng mạnh mẽ đến mức các nhà bình luận quốc tế thời điểm đó đã cảnh báo đây có thể là chỉ dấu kết thúc "tuần trăng mật" trong quan hệ Trung - Hàn vừa ấm lên kể từ khi bà Park Geun-hye nhậm chức Tổng thống vào tháng 2/2013.

Chuyến thăm đền Yasukuni - nơi tưởng niệm những binh sĩ Nhật vong thân trong Thế Chiến thứ 2 của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào cuối năm 2013 đã góp thêm nhân tố làm thay đổi câu chuyện ở Đông Á, nó vô tình đẩy Seoul và Bắc Kinh "xích lại gần nhau" do cùng lập trường về vấn đề lịch sử, nên cả Seoul và Bắc Kinh bắt đầu tập trung mũi nhọn chống lại nỗ lực của Tokyo nhằm bác bỏ lịch sử quân phiệt tại 2 quốc gia này trong thế kỷ trước cùng hành động "xem thường nỗi đau lịch sử" mà Thủ tướng Nhật đã phạm phải.

Đó là nỗi đau của một thế hệ sống mà như chết dưới gông cùm cai trị của chế độ quân phiệt Nhật, nỗi đau của những "Phụ nữ giải khuây" (Comfort Women, thuật ngữ của người Nhật dựa vào từ gốc ianfu, một chuyển ngữ từ shofu, có nghĩa là gái điếm).

Theo các sử gia, những "phụ nữ giải khuây"  là lực lượng phụ nữ và trẻ em gái bị buộc vào làm việc trong các quân đoàn phụ nữ phục vụ tình dục cho binh sĩ của quân đội Nhật hoàng thời Thế chiến thứ 2.

Trạm "giải khuây" đầu tiên được thành lập tại Thượng Hải năm 1932, nhượng địa của Trung Quốc dành cho Nhật Bản. Ban đầu, ở đấy chỉ là gái mại dâm tình nguyện đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, theo quá trình mở rộng quân sự, quân đội Nhật Bản trước nhu cầu ngày càng lớn đã quay sang người dân địa phương các nước bị Nhật chiếm đóng để ép buộc phụ nữ vào trong các trạm này.

Theo mô tả của các sử gia người Hàn Quốc và những nhà hoạt động xã hội, đấy là một vết thương đau đớn, nhục nhã, mãi mãi không bao giờ khép miệng. Ban đầu, những người phụ nữ ở những vùng đất hẻo lánh bị các nhóm binh sĩ chĩa súng, đẩy lên xe đưa về nơi đồn trú để phục vụ nhu cầu sinh lý cho tất cả chiến binh đồng ngũ. Sau đấy, tất cả được chuyển đến những "trạm giải khuây", nơi những sĩ quan, tướng lĩnh cao cấp sẽ hãm hiếp họ thêm nhiều lần nữa, biến họ thành những nô lệ tình dục thật sự. Ở đó, họ bị ép phải quan hệ tình dục với hàng chục gã đàn ông mỗi ngày, nếu ta thán sẽ bị đánh đập tàn nhẫn, bỏ mặc cho chết đói.

Những "phụ nữ giải khuây" còn sống đều đang trong hoàn cảnh rất khó khăn. Vì từng là nô lệ tình dục nên hầu hết họ không có con, sống lay lắt trong sự miệt thị và cả thương hại.

Các nhà sử học Nhật Bản thừa nhận có khoảng 20.000 người phụ nữ tham gia vào lực lượng phục vụ tại các "trạm giải khuây", tuy nhiên, con số thực tế có lẽ phải cao hơn nhiều, có thể gấp 10 lần. Phụ nữ Hàn vốn chiếm phần lớn trong số phụ nữ bị ép buộc, dụ dỗ trở thành nô lệ của lực lượng "giải khuây". Vì thế vấn đề của những người "phụ nữ giải khuây" luôn là vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở Hàn Quốc. Nó là một trong những nguyên nhân chính khiến mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Nhật Bản chưa bao giờ trở thành bình thường hoàn toàn.

Năm 1993, Tổng thư ký nội các Yohei Kono thừa nhận: "Quân đội Nhật Bản đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thành lập và quản lý các trạm "giải khuây" và vận chuyển những "phụ nữ giải khuây"… Chính phủ Nhật muốn bày tỏ sự hối hận và gửi lời xin lỗi chân thành của mình tới tất cả những người đã và đang chịu nỗi đau vô hạn bởi vết thương về thể chất và tâm lý không thể chữa khỏi sau quãng thời gian làm nô lệ tình dục".

Sau đấy, một quỹ bồi thường tư nhân cũng đã được thiết lập. Nhưng đối với nhiều người phụ nữ là nạn nhân thì chừng ấy là chưa đủ. Sách giáo khoa Nhật Bản vẫn hầu như im lặng về vấn đề này. Lại có rất nhiều chính trị gia Nhật Bản tiếp tục khẳng định rằng những phụ nữ từng làm trong các "trạm giải khuây" trong Thế chiến thứ 2 là tự nguyện.

Tháng 6/2007, Quốc hội Mỹ đã gây sức ép đòi phía Nhật Bản phải thành thật xin lỗi những phụ nữ châu Á từng bị quân đội Thiên Hoàng ép làm nô lệ tình dục. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Nhật Bản gửi lời xin lỗi rõ ràng tới những phụ nữ nạn nhân này. Phía Hàn Quốc đương nhiên rất ủng hộ nghị quyết này của Mỹ và hy vọng nghị quyết này sẽ mở ra một chương mới cho phong trào đấu tranh cho quyền của phụ nữ.

Thế nhưng, Thủ tướng Abe đã gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt khi nói rằng không có bằng chứng chứng minh quân đội Nhật hoàng trực tiếp ép hàng nghìn phụ nữ vào phục vụ trong "các trạm giải khuây" trên khắp châu Á trong Thế chiến thứ II. Trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngay trước khi diễn ra chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói rằng, Chính quyền Nhật Bản đang cố coi nhẹ vấn đề quân đội nước này ép buộc phụ nữ châu Á, đặc biệt là phụ nữ Hàn Quốc phục vụ như những nô lệ tình dục.

Bà Park Geun-hye cho rằng việc Chính phủ Nhật Bản mới đây xem xét lại Tuyên bố Kono 1993, đã hủy hoại lòng tin giữa Seoul và Tokyo. Hàn Quốc và Trung Quốc đã có những phản ứng gay gắt đối với việc Tokyo xem xét lại Tuyên bố Kono, nhưng đây là lần đầu tiên đích thân bà Park Geun-hye công khai chỉ trích Nhật Bản về vấn đề này. Bà kêu gọi giới lãnh đạo chính trị Nhật Bản cần có cái nhìn đúng đắn về lịch sử và đổ lỗi rằng, những bế tắc trong quan hệ Seoul - Tokyo chủ yếu là do giới lãnh đạo Nhật "thường có những ngôn từ và hành vi không thích hợp".

Trước đây Trung Quốc và Hàn Quốc có rất ít niềm tin chính trị lẫn nhau, một phần do Washington thúc đẩy trục quan hệ 3 bên với Tokyo và Seoul, bây giờ quan hệ Nhật - Hàn đang xấu đi, Trung Quốc "nắm ngay tình thế" tăng cường ve vãn Hàn Quốc và tô đậm rằng, giữa Trung Quốc và Hàn Quốc còn có nhiều điểm chung hơn là Seoul với Washington.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, luôn xây dựng và củng cố hòa bình trên quan điểm "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" thể hiện cách đối nhân xử thế nhân đạo và cao thượng, để cuộc sống và các mối bang giao được xây dựng trên những khái niệm mới mẻ hơn, phù hợp thực tiễn hơn nhưng cũng không nằm ngoài nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, thì Trung Quốc, với tư cách là một nước lớn, trong cách lôi kéo liên minh với Hàn Quốc lần này lại có vẻ muốn hướng về tương lai nhưng phải "săm soi quá khứ" trong mối quan hệ đầy nhạy cảm với Nhật Bản.

Lịch sử đã không ít lần nhớ rằng, mỗi lần "soi lại quá khứ" là Trung Quốc muốn "trỗi dậy hòa bình" với mong muốn thiết lập một trật tự hoàn toàn theo chủ ý của họ

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.