Trung Quốc trợ lực cho Nga đỡ “đòn hiểm” từ phương Tây

Thứ Ba, 06/01/2015, 21:00
Nền kinh tế nước Nga đang gần như rơi vào khủng hoảng khi giá dầu giảm sâu khiến cho đồng rúp liên tục bị phá giá. Dư luận báo chí đánh giá tình hình này là do tác động kép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và một “đòn hiểm” được triển khai một cách bí mật từ Mỹ. Phương Tây hy vọng khủng hoảng kinh tế sẽ làm lung lay nền tảng quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin.

Trong tình thế nước Nga đang bị dồn ép bởi các dấu hiệu kinh tế tiêu cực trong vài tuần qua, những động thái của người bạn Trung Quốc có thể được xem là chiếc "phao cứu sinh" hiệu quả nhất thời.

Đài truyền hình Phoenix TV của Hồng Công hôm 20/12 đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong chuyến công tác tại Thái Lan đã phát biểu rằng Trung Quốc sẽ giúp đỡ nước Nga nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông Vương tin rằng nước Nga đủ khôn ngoan để tự mình vượt qua những khó khăn kinh tế hiện tại.

Tiếp nối lời ông Vương, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Gao Hucheng cho rằng việc trao đổi tiền tệ giữa 2 quốc gia và gia tăng sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) trong thương mại song phương sẽ có tác động lớn giúp Nga vượt qua khủng hoảng.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Tháng 10/2014, Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 150 tỉ NDT (tương đương 24 tỉ USD) trong 3 năm và có thể mở rộng thêm nếu hai bên đồng ý. Trước đó, tháng 5/2014, Trung Quốc cũng đã ký kết hợp đồng mua khí đốt của Nga trị giá 400 tỉ USD trong 30 năm.

Tháng 11/2013, xuất khẩu dầu từ Nga sang Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục. Đây được xem là những động thái xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc trong tình thế quan hệ giữa Nga với phương Tây đang cực kỳ xấu, có thể giúp Nga giảm thiểu tác động từ các đòn tấn công kinh tế của phương Tây.

Những tín hiệu khả quan của đồng rúp sau tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị đã khiến phương Tây tức tối. Thực tế, sau những tuyên bố của các quan chức cấp cao Trung Quốc, tình hình đồng rúp của Nga quả đã có tín hiệu hồi phục, tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 22/12, lên 1 USD ăn 56 rúp, so với 77 rúp hồi đỉnh điểm tuần trước.

Tính đến thời điểm hiện tại, đồng rúp đã mất giá 45% so với đồng USD, và sự hồi phục này có ý nghĩa bước đầu tạo niềm tin trong giới đầu tư về khả năng đồng rúp hồi phục và kinh tế Nga sẽ dần dần vượt qua khó khăn, tránh khỏi nguy cơ suy thoái, như phát biểu của Tổng thống Putin trong cuộc họp báo lịch sử hôm 18/12.

Các quan chức Nga hôm 20/12 đã phát tín hiệu sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ từ Trung Quốc một khi tình hình đòi hỏi. Và nếu sự trợ giúp của Trung Quốc được triển khai một cách hiệu quả, những đòn tấn công từ phương Tây sẽ giảm tác dụng, sẽ không thể đánh gục kinh tế Nga như họ mong muốn.

Đồng rúp đang có dấu hiệu hồi phục sau tuyên bố giúp đỡ của Trung Quốc.

Ngày 25/12/2014, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói, ông tin rằng giai đoạn bất ổn của đồng rúp đã qua, và đồng tiền này hiện đang ổn định trở lại. Ông Siluanov nói thêm, nếu tình hình ổn định lâu dài thì Ngân hàng Trung ương Nga có thể hạ lãi suất chủ chốt để giúp nền kinh tế phục hồi. Đây là tín hiệu tốt lành nhất của đồng rúp và nền kinh tế Nga nói chung sau khi Trung Quốc phát tín hiệu trợ giúp cho nước Nga.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sự hỗ trợ từ Trung Quốc chỉ có thể có tác dụng nhất thời trong việc giải cứu đồng rúp trong cơn khủng hoảng. Về lâu dài, đồng tiền Trung Quốc hoàn toàn không thể bù đắp được những tổn thất mà kinh tế Nga đã phải gánh chịu bởi các chính sách trừng phạt của phương Tây, nhất là sự hỗ trợ về mặt trao đổi tiền tệ và tăng cường giao thương song phương không liên quan và không thể giải quyết dứt điểm nguyên nhân, nguồn gốc gây nên cơn khủng hoảng đồng rúp hiện nay. Đó là tình trạng rút vốn đầu tư liên quan đến giá dầu và các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga.

Dù đã hồi phục lên mức 62,45 USD/thùng hôm 22/12, nhưng mỗi thùng dầu hỏa hiện đã mất đến gần 50% giá trị so với cách đây nửa năm, đồng nghĩa với việc nguồn thu từ dầu hỏa của Nga cũng mất đi ngần ấy. Do kinh tế Nga dựa chủ yếu vào nguồn thu từ dầu hỏa và khí đốt, sự tụt giảm này đang gây nên những tổn thất rất nghiêm trọng. Điều này tạo nên hiện tượng "đào thoát" trong giới đầu tư, tác động làm mất giá đồng rúp.

Trong cơn lao dốc giá dầu thô, mọi con mắt đều đổ dồn về các quốc gia trong nhóm Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong đó Arập Xêút được chú ý mạnh nhất vì là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Cho đến thời điểm hiện tại, Riyadh vẫn giữ quan điểm không cắt giảm sản lượng dầu để điều chỉnh giá, bất chấp nguồn thu sụt giảm và một số quốc gia thành viên OPEC đang gặp khó khăn do tác động của đợt giảm giá (như Nigeria, Libya,…).

Các nhà quan sát đang băn khoăn không hiểu Arập Xêút đang tính toán chuyện gì, nhưng rõ ràng sự bất động hiện tại của nước này cùng cả khối OPEC đang rất đáng quan tâm. Một quốc gia chuyên xuất khẩu dầu mỏ và nền kinh tế sống nhờ vào dầu mỏ thì không thể ngồi yên khi nguồn thu chính của mình bị sứt mẻ.

Dầu mỏ đang được phương Tây sử dụng như một vũ khí tấn công nước Nga.

Nhìn kỹ có thể nhận ra cuộc chiến dầu mỏ lần này xuất phát không phải từ OPEC mà từ Bắc Mỹ, với việc nước Mỹ gia tăng khai thác các khu mỏ dầu đá phiến, còn gọi là dầu kerogen, và tăng cường khai thác các mỏ dầu giếng khoan tại những vùng mà trước đây không được đụng đến do lo ngại ảnh hưởng môi trường. Việc Mỹ tăng cường nguồn dầu mỏ tự cung cấp là một nguyên nhân làm giảm giá dầu nhưng chưa sâu.

Mặt khác, người ta cho rằng để nhấn giá dầu xuống sâu như hiện tại còn có sự tham gia góp sức của giới đầu cơ năng lượng, vốn là lực lượng chính thao túng giá dầu toàn cầu. Thứ ba là thái độ "thờ ơ" rất đáng ngờ của Arập Xêút trong việc kiểm soát giá dầu như vẫn thường làm.

Trong cuộc chiến này, Trung Quốc chính là "ngư ông đắc lợi". Từ khi phương Tây triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao nhắm vào nước Nga, giới phân tích đã réo vang lên rằng chính sách đó sẽ phản tác dụng và vô hình trung đẩy Nga nghiêng mạnh hơn về phía Trung Quốc.

Trong một phát biểu gần đây trước Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến việc Bắc Kinh sẽ áp dụng chính sách "ngoại giao nước lớn", tức là tăng cường hơn nữa vai trò của Trung Quốc trong những vấn đề lớn toàn cầu. Cục diện hiện tại đang tạo cơ hội lớn cho Trung Quốc triển khai chính sách đó.

Thứ đến, việc Nga trong tình thế bị phương Tây bao vây, tấn công liên tục đã quay sang sử dụng đồng tiền Trung Quốc trong giao dịch giúp cho đồng tiền này có cơ hội lớn mở rộng phạm vi và tần suất phổ biến, đẩy mạnh sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế, đồng nghĩa với gia tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.