Trước hạn chót của thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ Hai, 07/05/2018, 15:22
Ngày 12-5 là thời hạn chót mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JPCOA) nếu văn bản này không được sửa đổi theo hướng cứng rắn hơn với Tehran.

Tuy nhiên, một tuần trước thời điểm quyết định này, mọi nỗ lực của các bên liên quan dường như không mang lại kết quả gì, thậm chí tuyên bố bất ngờ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng Israel đã thu thập hàng nghìn trang tài liệu được coi là “bằng chứng” về chương trình vũ khí hạt nhân “bí mật” của Iran, đang khiến số phận của JPCOA rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Số phận mong manh

Chuyến công du Mỹ gần như đồng thời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel với một trong những mục đích chính trong chương trình nghị sự là thuyết phục ông chủ Nhà Trắng duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran cùng những nỗ lực con thoi của nhiều bên liên quan khác đã không đạt được kết quả mong muốn.

Mặc dù đã đề xuất về một thỏa thuận bổ sung mới với mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực và cắt giảm chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này, song ông chủ Điện Elysée vẫn phải thừa nhận rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) năm 2015, vì những lý do chính trị trong nước.

Là một trong những đồng minh vững chắc trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), quan hệ truyền thống xuyên Đại Tây Dương giữa Đức - Mỹ tưởng chừng sẽ làm nên một điều gì đáng kể, song cuộc gặp ông chủ Nhà Trắng trong chuyến công du Mỹ lần thứ hai của bà Merkel trong vòng một năm qua vẫn không thể có được đảm bảo về việc Washington tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Cũng giống như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bà Merkel đã nỗ lực thuyết phục Tổng thống Mỹ rằng thỏa thuận này là nền tảng cho một thỏa thuận lâu dài và rộng lớn hơn liên quan đến Iran, nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn không thể hiện thái độ rằng ông sẵn sàng thỏa hiệp hay có kế hoạch thay thế, dù khẳng định Tehran sẽ không thể có vũ khí hạt nhân và không xác nhận loại trừ giải pháp quân sự.

Ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy thỏa thuận hạt nhân hiện tại là "chưa đầy đủ". Cụ thể là Pháp khẳng định có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế về một thỏa thuận rộng hơn, trong đó sẽ bổ sung thêm "3 trụ cột" vào thỏa thuận, gồm hoạt động hạt nhân của Iran sau năm 2025; kiểm soát và giám sát tốt hơn hoạt động đạn đạo của chính quyền Iran; và kiềm chế hoạt động của Iran trong khu vực, đặc biệt tại Iraq, Syria, Lebanon và Yemen.

Thỏa thuận hạt nhân Iran đang bị đe dọa.

Đức cho rằng, các vấn đề liên quan "ngoài" thỏa thuận hạt nhân có thể được thảo luận, song cả Paris và Berlin đều có chung quan điểm rõ ràng rằng cần duy trì, cũng như tất cả các bên thực hiện đầy đủ JCPOA, bởi lẽ thỏa thuận này là kết quả của 12 năm nỗ lực không ngừng nghỉ giữa 7 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), do đó nó không thể đàm phán lại.

Không chỉ có Pháp, Đức, mà Anh cùng Nhật Bản, Trung Quốc, Nga đều khẳng định đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh nhằm giải quyết các vấn đề liên quan Iran. Mặc dù thừa nhận có những vấn đề mà thỏa thuận này không thể bao quát hết, nhưng các bên thống nhất cần tập trung giải quyết các vấn đề như  tên lửa đạn đạo, tình hình sau khi thỏa thuận JCPOA hết hiệu lực và hoạt động của Iran gây ảnh hưởng đến khu vực như thế nào.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), thậm chí cho rằng cấu trúc của thỏa thuận nên được duy trì. Pháp và Đức tin tưởng việc duy trì thỏa thuận là tối quan trọng vì không gì có thể so sánh nếu thỏa thuận sụp đổ hoặc Mỹ rút lui và kịch bản này sẽ khiến tình hình xấu đi nghiêm trọng. Trước chuyến công du Mỹ, Tổng thống Macron cũng khẳng định "đây là một thỏa thuận giá trị" và là "một trong những thành tựu vĩ đại của ngoại giao tập thể" trong nhiều thập kỷ qua. Ông chủ Điện Elysée nhấn mạnh kể cả khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này thì các quốc gia châu Âu cũng sẽ nỗ lực giữ thỏa thuận tồn tại.

“Nhân tố” Israel

Báo cáo của Israel bất ngờ xuất hiện đã khiến nỗ lực cứu vãn JCPOA càng trở nên khó khăn. Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 30-4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Tehran đang bí mật phát triển một dự án hạt nhân quân sự mang tên "Dự án Amad".

Ông Netanyahu nhấn mạnh Israel có thể sẽ công bố "bằng chứng mới và thuyết phục" về việc Iran đang che giấu hoạt động vũ khí hạt nhân ngay cả sau khi ký kết JCPOA, trong đó có việc nâng tầm bắn của các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Tuyên bố của Tel Aviv được Iran cho là “vô căn cứ” và là "một màn kịch tuyên truyền”. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami thậm chí khẳng định những cáo buộc từ phía Israel liên quan chương trình hạt nhân của Tehran là nhằm đánh lạc hướng dư luận, che đậy “những tội ác không thể biện minh” chống lại người dân Palestine.

Những lời lẽ tham vấn qua lại giữa ông Donald Trump và ông Netanyahu càng cho thấy cả Mỹ và Israel nỗ lực chôn vùi thỏa thuận quốc tế mà ông Donald Trump gọi là “tồi tệ” còn ông Netanyahu gọi là “khủng khiếp” này. Ông Donald Trump nói tình hình “không thể chấp nhận” và một mực đe dọa rút Mỹ khỏi JCPOA nếu tới ngày 12-5 nó không được đàm phán lại.

Giới phân tích cho rằng việc bổ nhiệm Cố vấn An ninh quốc gia theo đường lối bảo thủ John Bolton và Giám đốc CIA Mike Pompeo làm Ngoại trưởng Mỹ, những nhân vật theo chính sách "diều hâu" đối với Tehran, đã làm gia tăng sự bi quan trong lòng châu Âu. Hơn nữa với tính cách của ông Trump, thời hạn chót dù có xa hay gần, cũng chưa chắc cứu vãn được thỏa thuận JCPOA.

Trong bối cảnh thời hạn chót đang đến gần, các nhà phân tích cho khả năng Mỹ có thể tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran liên quan chương trình hạt nhân là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.