Truyền thống 70 năm và “điểm nhấn” ấn tượng

Thứ Ba, 25/08/2015, 07:00
(Nhân NXB Chính trị quốc gia cho ấn hành cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân” do Thượng tướng, PGS.TS Tô Lâm chủ biên)

Thật ý nghĩa khi đúng vào dịp Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng CAND Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã cho ấn hành cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân” do Thượng tướng, PGS.TS Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ biên.

Trước khi đi vào phân tích những nét cơ bản của cuốn sách, thiết nghĩ cần nhắc lại một mệnh đề từng được các thế lực thù địch (và cả những người kém hiểu biết, nặng thiên kiến với chế độ) đặt ra từ nhiều năm nay, rằng Hồ Chí Minh chỉ là một nhà cách mạng thực hành, không phải là nhà tư tưởng, rằng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là một "mớ ngụy tạo của các đảng viên thủ cựu của Đảng Cộng sản Việt Nam".

Cái cớ mà họ vin vào là sinh thời, Hồ Chí Minh không viết và phổ biến một luận án nghiên cứu nào về tư tưởng.

Chắc chắn cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nghĩ đến điều này khi ông khẳng định: "Đặc điểm nổi bật trong tư duy lý luận của Hồ Chí Minh là quan điểm hệ thống. Người ta không thể tìm thấy hệ thống này trong một cuốn sách đầy đủ do bản thân Hồ Chí Minh viết, nhưng nó hiện ra trong toàn bộ hoạt động của Hồ Chí Minh, và cũng có thể được nhận biết qua các tham luận, diễn văn, bài báo, bài giảng của Hồ Chí Minh. Về phần tôi, tôi thấy rõ rệt hệ thống này lúc nghe Hồ Chí Minh giảng bài ở Quảng Châu, trong thời gian sống cạnh Hồ Chí Minh ở Cao Bằng và suốt những năm tháng tiếp sau" (theo "Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp", NXB Sự thật, 1990).

Không hẹn mà gặp, cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân" do Thượng tướng, PGS.TS Tô Lâm chủ biên chính là minh chứng sinh động cho ý kiến có tính đúc kết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từ những chi tiết đắt giá về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như qua các tham luận, bài viết, bài nói của Người, các tác giả của cuốn sách (gồm Thượng tướng, PGS.TS Tô Lâm cùng hai tác giả khác là Nguyễn Cao Sơn, Nguyễn Việt Hùng) đã góp phần quan trọng khẳng định sự hiện diện của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân nói riêng - là một thực tế không thể phủ nhận trong đời sống tinh thần của dân tộc ta non một thế kỷ nay. Đó là kho tàng lý luận vô giá, đưa dẫn phong trào cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thượng tướng, PGS.TS Tô Lâm.

Với độ dày trên 200 trang in (khổ 14,5 x 20,5 cm), cuốn sách được chia làm 6 chương, với một cấu trúc chặt chẽ, khoa học, bài bản. Mở đầu là chương nói về "Cơ sở, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân".

Ở phần này, thông qua các kiến thức về sử học, văn hóa học, dân tộc học…; nhóm tác giả đã đi đến kết luận: "Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân có sự kế thừa sâu sắc những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc". Nổi bật trong những giá trị truyền thống ấy, theo các tác giả là "truyền thống yêu nước" và "Bài học mất nước từ sự ngây thơ, thiếu cảnh giác, tiết lộ bí mật nhà nước trong lịch sử được nhân dân ta ghi lại, truyền thuyết hóa trong truyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa và mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy" đã góp phần "giáo dục sâu sắc các thế hệ sau về tầm quan trọng của công tác an ninh, giữ gìn bí mật nội bộ, công tác tình báo chính trị".

Ngoài yếu tố cơ bản nói trên, theo nhóm tác giả, tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân còn "có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông" cũng như "sự tiếp thu, học hỏi những điểm tiến bộ trong tư tưởng dân chủ phương Tây". Đặc biệt, "tư tưởng Hồ Chí Minh có sự kế thừa, vận dụng sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam".

Tiếp theo chương I, các tác giả đi sâu phân tích "Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân"; "Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng lãnh đạo Công an nhân dân"; "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng Công an nhân dân"; "Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc, biện pháp công tác công an" và cuối cùng là "Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thi đua - khen thưởng và kỷ luật trong Công an nhân dân".

Vì khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi chỉ xin nhấn đậm hơn một chút ở chương V (là chương "Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc, biện pháp công tác công an"), trong đó đặc biệt muốn bạn đọc lưu ý tới tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc "Phải dựa vào nhân dân".

Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh điều này là vì, đúng như nhận định của nhóm tác giả "Nguyên tắc phải dựa vào dân được Hồ Chí Minh khẳng định là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong công tác của ngành Công an". Có thể nói, quán triệt quan điểm chỉ đạo này của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trong quá khứ cũng như hiện tại, chúng ta đã xây dựng nên một đội ngũ những người làm công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội với những cách thức có nhiều khác biệt so với lực lượng an ninh, cảnh sát của một số quốc gia trên thế giới. Hãy xem, hiện tại, ở một số nước, lực lượng an ninh, cảnh sát luôn được tách bạch với người dân. Mỗi "anh" một việc, không liên quan gì đến nhau.

Đặc biệt, trong tư duy của họ, họ luôn thần phục sức mạnh của vũ khí, của công nghệ, coi đấy là con át chủ bài, có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Ngược lại, ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, chúng ta đã xây dựng nên một thế trận an ninh nhân dân vững chắc (thời chiến tranh, các đồng nghiệp an ninh của CHDC Đức từng bày tỏ với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn sự ngưỡng mộ của họ trước sáng kiến xây dựng nên hệ thống Cảnh sát khu vực ở Việt Nam).

Hiện nay, mấy chữ "thế trận an ninh nhân dân" được dùng nhiều có thể thành sáo ngữ, song ngẫm kỹ, nó thể hiện rất trúng một quan điểm đúng đắn trong tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các lực lượng vũ trang "Quân với dân phải gắn bó mật thiết với nhau, như cá với nước". Vì làm được và làm được một cách xuất sắc điều ấy nên mặc dù, về khí tài, các trang thiết bị phục vụ công việc của chúng ta có lúc, có nơi còn chưa bằng bè bằng bạn, thậm chí còn thua xa các nước có nền công nghiệp phát triển, song về thành tích phá án, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội thì chúng ta đã đạt được những thành tích khiến đồng nghiệp nhiều nước phải thực sự nể phục. Ấy là nhờ ở việc các cán bộ, chiến sĩ công an của chúng ta đã đi sâu, đi sát với dân, biết phát huy sức mạnh "triệu tai, triệu mắt" của nhân dân.

Và đó cũng chính là lý do để - theo như các tác giả cuốn sách thuật lại - trong một lần tiếp đón và nói chuyện với đoàn cán bộ Công an Cuba, mặc dù ghi nhận và đánh giá cao những biện pháp kỹ thuật mà Công an Cuba sử dụng "trong đấu tranh giữ gìn trật tự, an ninh, làm thất bại âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch", song Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sau vẫn khẳng định: "Vấn đề kỹ thuật trong công tác công an cũng cần, nhưng vấn đề quan trọng nhất là giáo dục, tuyên truyền cho dân, để quản lý tốt tai, mắt, miệng của dân, làm thế nào dân giúp công an để phát hiện địch và giấu địch những điều của ta. Nói cho địch là phải nói dối, nói cho ta thì nói thật. Mắt để phát hiện địch. Tai cũng vậy. Tổ chức tốt quần chúng để giấu không cho địch biết và bảo vệ ta. Cho nên cần có kỹ thuật, nhưng chủ yếu là phải dựa vào dân".

Bìa cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công an nhân dân” do NXB Chính trị quốc gia ấn hành đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND.

Trở lại với ý kiến ban đầu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Mặc dù sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không để lại một cuốn sách nào tập trung trình bày hệ thống lý luận của mình, song tư tưởng của Người thể hiện rất rõ trong các hoạt động cũng như trong nhiều bài viết, bài nói; và hệ thống tư tưởng ấy luôn gắn bó mật thiết với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Trong cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân" do Thượng tướng, PGS. TS Tô Lâm chủ biên, các tác giả - với nguồn tư liệu phong phú, bố cục hợp lý, cách lập luận khúc chiết, mạch lạc - đã chứng minh hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống tư tưởng có sự đảm bảo của nền tảng văn hóa, đạo lý truyền thống dân tộc kết hợp với tinh hoa nhân loại. Nó không xuất hiện một cách ngẫu nhiên, manh mún mà có tính xuyên suốt, hệ thống và luôn xuất phát từ những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, từ ý nguyện chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, trong cuốn sách, các tác giả đã dành số trang thích hợp nhằm cung cấp cho bạn đọc những tư liệu thể hiện vốn hiểu biết sâu sắc, kinh nghiệm dày dạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những vấn đề liên quan đến công tác công an.

Theo chúng tôi, đây là điều cần thiết bởi thực tế, như chúng ta đã biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới 30 năm hoạt động ở nước ngoài, trong đó có nơi là "sào huyệt" của kẻ thù. Chính yếu tố nhạy cảm bẩm sinh cộng với tinh thần cảnh giác cao độ, kết hợp các biện pháp nghiệp vụ Người học được trong quá trình hoạt động cách mạng cùng sự yêu quý, đùm bọc của quần chúng nhân dân đã giúp Người nhiều phen "thoát hiểm", bảo toàn được tính mạng để hoàn thành sứ mệnh cao cả mà lịch sử giao phó.

Thật thú vị khi đọc những dòng nhận xét của các tác giả về "nhà hoạt động bí mật đại tài Hồ Chí Minh": "Những kinh nghiệm hoạt động bí mật của Hồ Chí Minh như: kỹ thuật đánh lừa địch, cách "cắt đuôi" bọn mật thám bám theo, kỹ thuật hóa trang, cách giữ bí mật, cách tạo tình huống giả…là những bài học quý báu cho công tác nghiệp vụ của công an. Đó cũng là một cơ sở quan trọng hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân".

Mặc dù từ nhiều năm nay, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề liên quan đến công tác công an đã được triển khai với một số công trình sách báo, đề tài khoa học, song, đúng như nhận xét của nhóm tác giả ở Lời đầu sách, về cơ bản, đến nay "Vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào thực sự mang tính hệ thống, toàn diện về tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân".

Chính vì lẽ đó, việc nhóm tác giả cùng tham gia biên soạn cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân" với ý nguyện "khái quát hóa hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước; về xây dựng mọi mặt cho lực lượng Công an nhân dân….góp phần tuyên truyền, giáo dục việc học tập và làm theo tư tưởng, phương pháp, phong cách và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là một việc làm thực sự có ý nghĩa.

Trần Bách Việt
.
.