Từ NAFTA đến USMCA

Thứ Hai, 29/10/2018, 18:40
NAFTA cho đến nay vẫn là chủ đề được nhắc đến nhiều lần trong các cuộc tranh luận về thương mại tự do. Cho rằng nó giảm bớt công ăn việc làm và xói mòn ngành chế tạo Mỹ, vào tháng 10-2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thiết lập thỏa thuận với Canada và Mexico về một phiên bản được cập nhật của hiệp định này với tên gọi Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, hay NAFTA, bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1-1994 và được thực thi từng bước cho đến hết tháng 1-2008. NAFTA căn bản định hình lại quan hệ kinh tế Bắc Mỹ. Ở Mỹ, NAFTA được cả 2 đảng ủng hộ. Nó thúc đẩy thương mại khu vực 3 nước Bắc Mỹ tăng trưởng hơn 3 lần. Đầu tư xuyên biên giới 3 quốc gia cũng tăng đáng kể.

Khi các cuộc đàm phán về NAFTA bắt đầu vào năm 1991, mục tiêu đối với cả 3 quốc gia là hội nhập Mexico với các nền kinh tế rất phát triển và có thu nhập cao là Mỹ và Canada. Người ta hy vọng thương mại tự do hơn sẽ đem lại sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và vững chắc hơn cho Mexico, đem lại công ăn việc làm và cơ hội mới cho lực lượng lao động đang phát triển của nước này và ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ Mexico.

Đối với Mỹ và Canada, Mexico được coi là thị trường mới đầy hứa hẹn cho hàng xuất khẩu cũng như một nơi đầu tư với chi phí thấp hơn mà có thể gia tăng tính cạnh tranh của các công ty Mỹ và Canada. Trước đó, Mỹ đã hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do với Canada vào năm 1988 và việc bổ sung Mexico là chưa từng có tiền lệ.

Những người phản đối NAFTA vin vào sự chênh lệch về mức lương với Mexico, vốn có thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 30% so với Mỹ. Năm 1992, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Ross Perot đã lập luận rằng tự do hóa thương mại sẽ dẫn tới tình trạng công ăn việc làm ở Mỹ ồ ạt sang bên kia biên giới.

Những người ủng hộ như cựu Tổng thống Bush và cựu Tổng thống Clinton thì phản bác rằng nó sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới mỗi năm. Còn Tổng thống Mexico lúc bấy giờ là Carlos Salinas de Gortiari coi nó như một cơ hội để hiện đại hóa nền kinh tế Mexico nhằm “xuất khẩu hàng hóa chứ không xuất khẩu người”.

Tổng thống Mỹ George W.Bush cùng người đồng cấp Mexico Carlos Salinas de Gortari và Thủ tướng Canada Brian Mulroney chứng kiến lễ ký kết NAFTA giai đoạn đầu.

NAFTA cũng mở ra một kỷ nguyên mới cho các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, mà như hiện nay đã cho thấy trở nên phổ biến khi các cuộc đàm phán thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đình trệ vì nhiều lý do. NAFTA cũng đi tiên phong trong việc đưa các điều khoản về lao động và môi trường vào các thỏa thuận thương mại của Mỹ. Những điều khoản này đã trở nên ngày càng toàn diện hơn trong các FTA sau đó.

Phần lớn các nhà kinh tế đồng tình rằng NAFTA đã đem lại lợi ích cho các nền kinh tế Bắc Mỹ. Thương mại khu vực gia tăng đáng kể trong 2 thập niên đầu tiên từ khi có hiệp định, từ khoảng 290 tỷ USD năm 1993 lên hơn 1.100 tỷ USD vào năm 2016. Đầu tư xuyên biên giới cũng tăng vọt, với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Mexico tăng từ 15 tỷ USD lên hơn 100 tỷ USD trong cùng giai đoạn.

Chỉ có điều, cuộc tranh luận về di sản của NAFTA đối với công ăn việc làm và thu nhập vẫn tiếp diễn, với việc một số lao động và ngành công nghiệp phải đối mặt với sự gián đoạn đau đớn khi họ mất đi thị phần do sự cạnh tranh gia tăng, trong khi một số khác lại hưởng lợi từ những cơ hội thị trường mới được tạo ra.

Và trên thực tế, NAFTA từ lâu đã là một mục tiêu chính trị. Năm 2008, ông Barack Obama, khi đó là ứng cử viên tổng thống, đã phản ứng trước thái độ hoài nghi lan rộng trong số người ủng hộ đảng Dân chủ bằng lời hứa sẽ đàm phán lại NAFTA, bổ sung các tiêu chuẩn cứng rắn hơn về lao động và môi trường, một cam kết mà sau đó chính ông đã từ bỏ.

Vấn đề này sau đó lại nổi lên trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, khi cả Thượng nghị sỹ Bernie Sanders của bang Vermont và ông Donald Trump đều chỉ trích hiệp định vì đã dẫn tới những thiệt hại cho công ăn việc làm của người Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Candada Chrystia cùng Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal và Đại sứ kiêm đại diện thương mại Mỹ tại Canada Robert E. Lighthizer. Ảnh: THE CANADIAN PRESS.

Trong giới chuyên gia về chính sách, phần lớn tranh luận xoay quanh cách giảm bớt tác động tiêu cực của các thỏa thuận như NAFTA, bằng cách hoặc bồi thường cho những người lao động mất việc làm hay cung cấp các chương trình đào tạo lại để giúp họ chuyển sang ngành nghề mới. Tuy nhiên, khi đắc cử, ông Donald Trump đã né tránh những đề xuất chính sách này và thay vào đó thực hiện lời hứa của mình trong chiến dịch tranh cử là đàm phán lại NAFTA, đưa ra thêm một số yêu sách và sử dụng chính sách thuế như một đòn bẩy.

Trong hiệp định được nâng cấp (USMCA), các bên đã ấn định một số thay đổi. Các quy định về nguồn gốc xuất xứ đối với ngành ô tô đã được thắt chặt, đòi hỏi mỗi xe phải có 75% số linh kiện xuất xứ từ các nước thành viên, tăng so với mức 62,5% trước đây. Những quy định mới về lao động cũng được bổ sung, yêu cầu mỗi chiếc xe phải có 40% số linh kiện được sản xuất từ các nhà máy trả công ít nhất 16 USD/giờ.

Ông Trump đã rút lại lời đe dọa áp thuế đối với ôtô nhập khẩu từ Canada và Mexico; tuy nhiên các mức thuế quan hiện đang được áp dụng đối với thép và nhôm vẫn chưa được dỡ bỏ. Trong khi đó, các biện pháp bảo hộ ngành dược phẩm và quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm khác của Mỹ được củng cố.

Như một phần thỏa thuận, Ottawa nhất trí mở rộng khả năng tiếp cận thị trường sữa như yêu cầu chính từ phía Washington. Đổi lại, USMCA sẽ giữ nguyên điều khoản về ban hội thẩm giải quyết tranh chấp trong Chương 19 mà Canada dựa vào để bảo vệ mình trước những biện pháp thương mại của Mỹ. Canada cũng sẽ tránh được “điều khoản hoàng hôn” với thời hạn 5 năm do Tổng thống Donald Trump đưa ra và thay vào đó sẽ có được khung thời gian 16 năm.

Cuối cùng, để có hiệu lực, USMCA sẽ phải được cơ quan lập pháp của cả 3 nước thông qua. Quốc hội Mỹ có thể bỏ phiếu sớm nhất vào đầu năm 2019, sau khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, vốn dự báo sẽ có nhiều thay đổi, diễn ra.

Ngọc Diệp (theo cfr.org)
.
.