Từ khủng hoảng nợ công của Hy Lạp: Hiệu ứng domino bắt đầu

Thứ Ba, 11/05/2010, 10:45
Bất chấp gói viện trợ phối hợp 110 tỉ euro, vượt quá mức dự kiến ban đầu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để Hy Lạp đối phó khủng hoảng nợ công, nhưng tình hình tài chính và xã hội tại Hy Lạp nói riêng và châu Âu nói chung vẫn không yên tĩnh. Bạo động lại diễn ra trên khắp đất nước Hy Lạp để phản đối chính sách khắc khổ. Những lo ngại về hiệu ứng domino từ trường hợp khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đang dần trở thành hiện thực.

Hy Lạp lại tê liệt vì đình công

Để đổi lại cho gói tài trợ khổng lồ 110 tỉ euro trong vòng 3 năm, chính quyền Athens phải áp dụng một loạt các biện pháp hà khắc để khôi phục nền tài chính quốc gia. Ngay trong năm nay, Hy Lạp sẽ nhận được khoảng 45 tỉ euro. Khoản giải ngân đầu tiên sẽ được thực hiện trước 19/5, thời điểm mà chính quyền Hy Lạp phải trả một số khoản nợ rất lớn, để tạo lòng tin cho thị trường tài chính quốc tế.

Trong khi đó hôm 5/5, Hy Lạp lại hầu như hoàn toàn tê liệt do cuộc tổng đình công chống lại kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ, để đổi lấy số tiền vay nhiều tỉ euro nhằm tránh cho Hy Lạp khỏi bị phá sản. Hàng chục ngàn người đã biểu tình trên khắp cả nước, nhất là tại thủ đô Athens. Không có chiếc máy bay nào bay trên bầu trời Hy Lạp, không có tin tức nào kể từ 6h sáng ngày 5/5. Đây là một ngày tổng đình công mới, tiếp theo sau cuộc đình công 24 giờ của giới công chức. Khoảng 25.000 người đã bắt đầu biểu tình vào trưa ngày 5/5 tại Athens, và khoảng 14.000 người tại Salonique ở miền Bắc.

Các phương thức nhằm tái thúc đẩy nền kinh tế quốc gia tuy cần thiết - bao gồm cả những biện pháp khắc khổ được thương lượng với EU và IMF để đổi lấy món vay 110 triệu euro - đang bắt đầu đè nặng lên vai người dân Hy Lạp. Trong số đó có thể kể tới việc tăng các loại thuế trực thu, 10% trên xăng dầu và thuế trị giá gia tăng từ 21% lên 23%, song song đó là việc ngừng tăng lương.

Đây là lần tổng đình công thứ ba kể từ đầu năm đến nay. Ít nhất 3 người chết do bị kẹt trong một ngân hàng bị bốc cháy vì người biểu tình ném bom xăng. Cảnh sát Athens đã được đặt trong tình trạng báo động.

Châu Âu trong vòng xoáy thâm hụt ngân sách

Kế hoạch 110 tỉ euro cứu nguy Hy Lạp bước đầu đã trấn an được các nhà tài chính quốc tế, ngăn chặn được các làn sóng đầu cơ đánh cuộc vào sự lụn bại của Hy Lạp để nhanh chóng làm giàu. Giờ đây, mọi người mong đợi chính phủ của Thủ tướng Georges Papandreous mau chóng đảo ngược thế cờ. Tuy nhiên, khoản tiền to lớn nói trên phải chăng là liều thuốc hữu hiệu để cứu lấy bản thân Hy Lạp và qua đó là cả đơn vị tiền tệ chung châu Âu? Và các biện pháp cắt giảm chi tiêu với mục đích là giảm thâm hụt ngân sách nhà nước liệu có nhanh chóng mang lại kết quả mong muốn hay không?

Theo giới chuyên gia kinh tế, câu trả lời tùy thuộc vào hai yếu tố. Một là thời điểm để áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng và hai là khả năng của chính quyền Hy Lạp để áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu đề ra. Về yếu tố thứ nhất, có nhiều quan điểm khác nhau. Nếu nhìn vấn đề từ góc độ của các nhà tài chính, điều quan trọng ở đây là họ muốn bỏ vốn vào một địa điểm an toàn. Do vậy, giới này mong muốn Hy Lạp nhanh chóng giải quyết công nợ. Đây chính là động cơ khiến các thành viên trong khối euro và IMF bảo đảm nhanh chóng can thiệp và kêu gọi Athens bằng mọi giá đưa ra các biện pháp cắt giảm chi tiêu.

Vấn đề còn lại là sự "hy sinh" ấy có đủ sức thuyết phục giới tài chính hay không? Trong khi đó thì các biện pháp cắt giảm chi tiêu quá mạnh tay có khi lại phản tác dụng: khi sức mua của các hộ gia đình Hy Lạp bị chững lại, thì sản xuất, đầu tư và qua đó là cả nền kinh tế nước này cũng có khả năng tuột dốc theo. Nói cách khác, Hy Lạp, vì muốn giải quyết khủng hoảng tài chính, lại càng bị cuốn nhanh hơn vào vòng suy thoái, khi khu vực sản xuất, sức mua của người dân sụt giảm. Nếu kịch bản đen tối này xảy ra thì Hy Lạp lại càng lâm vào thế hiểm nghèo.

Về điểm này, những số thống kê hiện nay cho thấy: trong năm 2010, GDP của Hy Lạp dự trù giảm mạnh hơn dự kiến, sụt 4% thay vì 2% như đã thông báo trước đó vài hôm. Phải đợi đến năm 2012 kinh tế nước này mới hy vọng tăng trưởng trở lại ở số dương. Theo các nhà phân tích, điểm đáng quan ngại giờ đây là sự thành công hay không của kế hoạch hỗ trợ Hy Lạp tùy thuộc vào sự ổn định chính trị của nước này.

Châu Âu và IMF quyết định cứu nguy cho Hy Lạp.

Chính vì những phân tích trên về khoản cứu trợ 110 tỉ euro dành cho Hy Lạp, cộng thêm việc cơ quan thẩm định rủi ro Standart&Poor vừa hạ điểm tín nhiệm của Hy Lạp đến ba nấc, từ 3B + xuống còn 2B-, nên chỉ số chứng khoán tại các thị trường Hy Lạp và châu Âu hôm 5/5 đều sụt giá, thậm chí cả thị trường New York cũng bị ảnh hưởng lây. Các nhà đầu tư vẫn sợ rằng, kế hoạch cứu nguy Hy Lạp không đủ mạnh và sẽ triệt tiêu mức tăng trưởng của nước này.

Thêm một yếu tố nữa khiến giới tài chính lo ngại về khả năng thanh toán của Hy Lạp là cho đến nay Đức vẫn do dự trong việc trợ giúp Hy Lạp, đồng thời một chuyên gia kinh tế của Đức cảnh báo là Athens không có khả năng trả món nợ 8 tỉ rưỡi euro cho Berlin, đây là khoản tiền mà chính quyền của bà Angela Merkel đang chuẩn bị cho Hy Lạp vay.

Với hiệu ứng domino đáng sợ, các nhà đầu tư quay sang tấn công Tây Ban Nha, tạo điều kiện cho sự phá sản bằng cách đòi những lãi suất cao đến mức mà nước này không thể trả nợ nổi. Tây Ban Nha không chỉ đang bị đe dọa bởi tỉ lệ thất nghiệp nay đã hơn 20%, mà còn gặp tình trạng các quỹ tiết kiệm bị sụp đổ. Ngay cả Anh cũng đã bị thâm thủng ngân sách hơn 10%, còn nước Pháp vẫn chưa đề ra một kế hoạch nghiêm chỉnh để kiểm soát trở lại ngân sách của mình.

Ngoài Hy Lạp, hôm 28/4 đến lượt Bồ Đào Nha trở thành nạn nhân của giới đầu cơ tài chính sau khi Standard&Poor đã hạ điểm tín nhiệm của một thành viên khối euro khác là Bồ Đào Nha đang từ A+ xuống còn A-. Bồ Đào Nha cũng bị coi là một mắt xích yếu trong dây chuyền của khối 16 nước sử dụng đồng euro.

Những tin xấu liên quan đến tình hình Hy Lạp và Bồ Đào Nha đang tạo nên một bầu không khí hoảng loạn trên thị trường tài chính quốc tế: chỉ số chứng khoán tại các thị trường châu Âu đều tụt giá vào đầu phiên giao dịch hôm 6/5. Theo kết luận của giới bình luận, thì khi nào ngân sách nhà nước của các thành viên EU còn nằm ngoài tầm kiểm soát, châu Âu vẫn tiếp tục trong tư thế báo động đỏ đối với các thị trường.

Thật kỳ lạ là nền kinh tế các nước châu Á vững vàng hơn các nước công nghiệp châu Âu già nua. Các nước châu Á gần như không mắc nợ, có thặng dư trong ngân sách và trong cán cân thương mại. Không giống như các ngân hàng châu Âu, các ngân hàng của những nước này không bị hấp dẫn bởi các tín dụng địa ốc nhiều rủi ro và các sản phẩm tài chính hấp dẫn do thị trường tài chính Wall Street cung cấp. Như vậy, các nước châu Á không phải bận tâm đến cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp hay xem trọng đánh giá của các tổ chức thẩm định tài chính như Standard and Poor, một tổ chức có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Theo các nhà kinh tế Nhật, ngay cả nếu như những nước có độ rủi ro cao nhất tại châu Âu, gồm Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, có bị phá sản, sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới nói chung không vì thế sẽ bị ảnh hưởng nặng. Điều chắc chắn, ở châu Á, dư luận cho rằng cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro chỉ mới bắt đầu. Mọi con mắt đang hướng về các nước mắc nợ nhiều nhất. Đầu tàu tăng trưởng thực sự của nền kinh tế thế giới hiện nay là châu Á và các nước đang trỗi dậy

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.