Từ lính trinh sát trở thành nữ GĐ Công an cấp tỉnh thành đầu tiên

Thứ Năm, 27/10/2011, 14:40

Tháng 6/2011, chị Bùi Tuyết Minh nhận quyết định của Bộ Công an, bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang. Như vậy, chị là lãnh đạo nữ cấp tỉnh thành đầu tiên từ trước đến giờ. Nhận lời tiếp xúc với báo chí, nhưng chị lại rất ít nói về mình.

Tuổi thơ nhận cô dượng làm cha mẹ, cha mẹ làm cậu mợ

Một ngày sau khi đất nước thống nhất, một người đàn ông từ trong rừng trở về thị xã Hà Tiên. Một bà cụ, sống trong ngôi chùa mà người Hà Tiên vẫn gọi là chùa Thần, mừng rỡ đón đứa con trai đi xa từ bao năm nay đã trở về. Đêm đầu tiên sau bao nhiêu năm trời xa cách nhớ thương, người thân gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Trong câu chuyện hàn huyên, mọi người chúc mừng người đàn ông đã trở về để nhận đứa con gái bé bỏng, kể từ đây cha con hủ hỉ có nhau.

…Năm 1962, giữa tiếng bom gào đạn réo và những trận lùng sục của lính Mỹ - Diệm, một đứa bé gái chào đời trong một ngôi nhà vách lá dừa nước tuềnh toàng của một người dân trong vùng rừng thuộc tỉnh Rạch Giá. Vì cha và mẹ của đứa bé, là ông Bùi Văn Nhứt tức Trần Bình (Mười Bình) và bà Nguyễn Kim Lựu (mật danh Bảy Hồng) đều tham gia kháng chiến, hoạt động bí mật trong căn cứ, nên chỉ hai tháng sau, đứa bé đã phải dứt hơi ấm của mẹ, lìa xa bầu sữa căng tròn. Mặc dù đứa bé khát sữa khóc khản giọng, nhưng bà nội vẫn phải đưa cháu về nhà con gái ruột của bà ở Sài Gòn, hợp thức làm con của cô. Sau đó bà đưa cháu về lại Hà Tiên, vào sống trong ngôi chùa để tránh tai mắt theo dõi của địch, vì tất cả các con của bà đều tham gia hoạt động cách mạng. Đứa bé được dạy gọi cô dượng là cha mẹ, lấy họ dượng làm khai sinh, ba má thành cậu mợ, và vì đó mà bà nội trở thành bà ngoại.

Đã bao năm có một gia đình, giờ bất ngờ lại có một người nhận là cha ruột, mẹ lại mất, bà ngoại trở thành bà nội, nó không thể nào chấp nhận ngay được. Nhưng người bà mà nó gắn bó hơn chục năm qua, người mà nó một lòng yêu kính, chỗ dựa và là đời sống tinh thần sâu đậm nhất trong tâm hồn trẻ thơ của nó, đã nói thì không thể nào sai. ông Mười Bình đưa bà cháu lên thị xã Rạch Giá để phụng dưỡng mẹ, nuôi dạy, đào tạo đứa con gái trưởng thành. Ba mươi lăm năm sau, đứa bé ngày nào giờ đã nối nghiệp của mẹ và trở thành một cán bộ lãnh đạo cao cấp của lực lượng Công an. Đó chính là chị Bùi Tuyết Minh, Giám đốc Công an tỉnh  Kiên Giang hiện nay.

"Vài năm sau đó tình cảm của mình vẫn cứ chông chênh, vẫn chưa thể có tình cảm yêu thương cha ngay được. Mãi sau này, khi vào lực lượng và trở thành chiến sĩ trinh sát, hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, mất mát của con người, mới hiểu được sự hy sinh cao quý của mẹ và mất mát lớn lao của cha. Khi hiểu ra thì càng xót mẹ lại càng thương cha vô cùng", đưa tay lần giở từng kỷ vật là những bức thư mẹ gửi cho cha trong căn cứ kháng chiến, chị nói trong niềm xúc động. Suốt quãng đời trẻ thơ, những lần gặp mẹ thật hiếm hoi và chính chị cũng không biết đó là người mẹ thân yêu của mình.

Bà nội kể, hồi chị lên 4 tuổi, có một lần bà đưa chị vô rừng thăm cha mẹ nhưng nói là đi Sài  Gòn để thăm cậu mợ. Có lẽ máu mủ ruột rà có sự liên hệ vô hình đặc biệt nào đó, mà trong mấy ngày ở rừng, đứa bé yêu mến và quấn lấy "cậu mợ" không khi nào rời. Đó là lần gặp mẹ hiếm hoi trong đời chị, bởi sau đó năm 1971, trong một chuyến đi công tác, bà Bảy Hồng lúc đó là Phó trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Ban An ninh tỉnh Rạch Giá, đã anh dũng hy sinh trên chiến trường U Minh Thượng. Ông Mười  Bình, từ ngày ở căn cứ về cũng  không đi bước nữa, chỉ ở vậy nuôi con gái. Đến giờ mỗi lần nhớ lại câu chuyện của nội kể và nghĩ về cái chết của mẹ, lòng chị se thắt. Yêu kính, nể phục và nhớ thương mẹ, chị đem tất cả tình thương bù đắp cho cha, chăm sóc cha thật chu đáo những ngày cuối đời. Năm 2005 khi mất, ông Mười Bình nguyên là Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang.

Chị Bùi Tuyết Minh trao quyết định giao nhà tình nghĩa của Công an Kiên Giang cho gia đình chính sách ở huyện Vĩnh Thuận.

Trưởng thành từ thực tiễn

Năm 19 tuổi, theo nghiệp của mẹ, chị gia nhập Lực lượng CAND và trở thành chiến sĩ trinh sát an ninh. "Đó là những tháng ngày ghi dấu ấn sâu sắc nhất trong suốt quãng thời gian làm công việc trong lực lượng của mình, giúp mình trưởng thành, dù sau này có chuyển qua nhiều bộ phận, làm các công việc khác nhau và giữ những chức vụ cao hơn", mắt chị ánh lên niềm vui khi nói về những ngày làm trinh sát không ít gian khổ nhưng cũng rất đáng nhớ, tự hào.

Hồi đó tất cả mọi cơ quan, lực lượng đều thành lập mới, hầu như không có cơ sở lý luận hay lý thuyết kỹ thuật, nghiệp vụ gì nhiều. Cấp trên giao nhiệm vụ chỉ nói đầu công việc, người cán bộ chiến sĩ tự vận dụng, từ tiếp cận cụ thể mà sáng tạo, tìm cách thích hợp để hoàn thành công việc. Có lần chị được giao nhiệm vụ tiếp cận một tổ chức hoạt động phi pháp. Cũng không có phương án hay hướng dẫn tác nghiệp cụ thể, vì đây là tình trạng mới nảy sinh, ta chưa đúc kết đầy đủ phương pháp phá án hay bài học kinh nghiệm tác nghiệp. Chị đã tự nghĩ cách tiếp cận với một đối tượng thanh niên có vai trò quan trọng trong tổ chức này. Từ đây chị có nhiều thông tin chuyển về cho lực lượng phá án.

Đến gần ngày phá án, bất ngờ đối tượng này đề nghị được đến gặp chào gia đình chị. Để tạo lòng tin tuyệt đối của đối tượng nhằm đột nhập sâu hơn, chị cũng đưa đối tượng về nhà. Nhưng về đến đầu ngõ, bất ngờ chị bủn rủn tay chân khi chợt nhớ ra là trong nhà treo đầy những… bằng khen, huân, huy chương kháng chiến, bằng Tổ quốc ghi công, giấy khen của lực lượng... Trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, lại phải lần nữa nhanh trí. Chị thể hiện mình là con nhà… khuôn phép, nói lần đầu đưa bạn trai về nhà nên phải xin phép bà nội trước, và bắt đối tượng đứng ngoài ngõ chờ. Còn bà nội thì cũng hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi thấy đứa cháu gái của mình khác hẳn ngày thường, chạy xồng xộc vào nhà, vơ hết tất cả những gì có trên tường tống vào buồng, rồi lại chạy ra ngõ và dắt một thanh niên vào… giới thiệu! Có lẽ ấn tượng mạnh từ lần đó mà mãi đến giờ, chị thành thói quen, gần như không treo bất cứ thứ gì trên tường, kể cả dù đó là một bức tranh đẹp mà chị yêu thích!

Cái khó của người viết ký chân dung là nhân vật không chịu… nói về mình. Và chị cũng vậy. Mặc dù những năm tháng làm trinh sát chị đã tham gia tháo gỡ, phá hàng chục vụ án phức tạp, nhưng chị cũng không kể. "Đảng, cấp trên tin mà giao thì mình phải nhận nhiệm vụ, chứ bản thân mình không có gì xuất sắc cả. Mình trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ các chú, các anh thế hệ trước chỉ dạy dìu dắt", chị nói.

Trong câu chuyện tác nghiệp, lúc nào chị cũng kể về những cái hay, sáng tạo của các bậc tiền bối và rút ra bài học cho mình. Ai sợ lãnh đạo khó tính chị không biết, nhưng riêng mình, khi làm việc với các giám đốc tiền nhiệm, chị rút ra kết luận là  những người lãnh đạo càng khó tính trong công việc thì lại chính là người có nhiều điều để học, vì chính sự khó tính đó đã là tấm gương về tính chu đáo cẩn trọng. Bản thân chị, thấy mình thực tiễn cũng chưa đủ, vừa làm công tác chị vừa đi học, giờ đã có trong tay hai bằng Đại học An ninh và Đại học Luật, và đương nhiên là không thiếu Cao cấp lý luận chính trị theo quy định.

Điều đặc biệt ở người phụ nữ này là tuy làm lãnh đạo ở cấp cao trong lực lượng, nhưng chị không hề giấu giếm những chỗ mà kiến thức mình chưa đủ. "Như ở mảng điều tra, mình thực sự chưa có thực tiễn nhiều, thì phải học hỏi nhiều ở anh em tham mưu bên dưới", chị thành thật.

Giám đốc Công an Bùi Tuyết Minh trong những lần làm công tác xã hội, thăm gia đình nghèo.

Một hậu phương vững chắc

Trong bộ đồng phục ngành, chị trông rất oai phong. Nhưng trong công việc, chị cũng đã khóc không ít lần, bởi dù sao chị vẫn là phụ nữ. Những lần bị mất đối tượng, ức quá, khóc. Trong công việc, va chạm nhiều, có lúc tức quá cũng khóc. Nhưng chính trong vướng vấp, chị được tôi luyện và càng trưởng thành. Từ một chiến sĩ trinh sát an ninh, chị được phân công làm Đội phó Đội Trinh sát ngoại tuyến trực thuộc Giám đốc, Phó trưởng phòng Tham mưu Ban chỉ huy an ninh năm 1989, rồi Trưởng phòng Công tác chính trị năm 1996, Trưởng phòng Tổ chức năm 1999, Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên  Giang vào năm 2004 và Giám đốc vào tháng 6/2011. Từ tạm tuyển đến thăng cấp chuẩn úy năm 1986 trước thời hạn 2 năm, và gần đây nhất thăng quân hàm đại tá cũng trước thời hạn 1 năm.

Chị nói, nữ mà làm lãnh đạo, lại làm lãnh đạo ở một ngành thuộc "nghề võ", nó khác và khó khăn hơn nam nhiều lắm. "Làm lãnh đạo mà nữ tính quá thành yếu ớt thì cũng không quyết đoán được trong công việc, mà cứng rắn quá thì cũng không được vì đó không phải là mình", chị đúc kết. Nhưng làm thế nào để hài hòa hai yếu tố ấy cũng không thể dễ dàng. Chỉ đơn giản thôi, trong những buổi tiếp khách, tiệc chiêu đãi, người lãnh đạo dù là nữ cũng không thể không chạm cốc với khách, nhưng cũng không thể uống "tới bến" như các anh em nam giới.

Vốn bản tính tự lập trưởng thành nên chị không bao giờ ỷ lại, dựa dẫm vào ai. Chính vì vậy mà từng bước đi của chị luôn vững chắc trên con đường thăng tiến. Nhưng chị lại xác nhận rằng việc được đứng ở vị trí ngày hôm nay lại nhờ vào công lao rất lớn của một người, đó là anh Trần Quốc Thắng, vừa là đồng chí, đồng đội, chia sẻ vui buồn khó khăn trong công tác, vừa là người chồng thương yêu và chia sẻ việc nhà để chị yên tâm đảm nhận trách nhiệm nặng nề. Đáng quý là anh không hề mặc cảm vì vợ có vị trí cao hơn, mà vẫn luôn vui vẻ tự hào khi có ai nhắc đến vợ kể cả trêu đùa một câu.

Chị lập gia đình muộn, năm 30 tuổi, cũng vì quyết tâm hoàn thành các mục tiêu công tác, học tập trước. Anh và chị có hai đứa con, một trai một gái. Nhà không thuê người giúp việc, không rõ có phải vì vẫn còn mang cái tư tưởng cổ hủ "như vậy là tư bản, là bóc lột con người" hay không, nhưng việc nhà, cơm nước, chăm sóc nuôi dạy con cái, vợ chồng cùng nhau chia sẻ nhịp nhàng và chu toàn. Ai đi làm về trước thì làm bếp lau nhà, anh cũng là một nội trợ thực thụ. Cha chị, ông Mười Bình ngã bệnh 8 năm rồi mới mất, thời đó chị làm ở Phòng Tổ chức và đang trong giai đoạn phấn đấu. Rồi kế đến, chị làm đại biểu Quốc hội, đi họp mỗi năm 2 kỳ mất đứt 3 tháng, chưa kể tiếp xúc cử tri, họp hành liên miên không dứt. Đương nhiên là trong suốt thời gian đó, anh hai vai hai gánh, vừa công tác vừa việc nhà và con cái. "Nếu không có sự đảm đương chia sẻ của anh, chắc mình không gánh vác nổi công việc xã hội", chị xúc động khi nói về anh.

Vợ chồng “tương kính như tân”, có lẽ đó là điều làm nên hạnh phúc gia đình và thành công của chị ngoài xã hội. Mặc dù chức vụ cao hơn anh trong ngành, nhưng chị vẫn một mực kính trọng người chồng yêu quý. Trong tổng kết của chị về thành công trong công việc của người lãnh đạo có 3 điều, thì chị đưa yếu tố "gia đình ổn" lên hàng đầu, kế đến là "lãnh đạo quan tâm ủng hộ" và "tập thể đoàn kết đồng lòng". "Ba điều đó không phải tự nhiên mà có, mà phải do chính mình tạo ra, từ chính công việc, quan hệ và nhân cách của mình", chị nói

Đặng Vỹ
.
.