Từ thiện hay trò đùa?

Thứ Tư, 01/12/2010, 09:10
Tổ chức hoành tráng, tuyên truyền rầm rộ, cuộc đấu giá từ thiện 4 báu vật trong khuôn khổ "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" diễn ra tối 11/11/2010 đã thành công vang dội khi thu về được trên giấy một số tiền khổng lồ là 74 tỉ đồng. Nhưng, chỉ 10 ngày sau, tất cả đã biến thành trò đùa, thậm chí là phá đám, lừa đảo. Các "đại gia" thắng đấu giá đều trốn biệt hoặc cắt liên lạc, không một ai chịu trả tiền.

Luật chưa có chế tài  đối với việc đấu giá từ thiện cho nên hàng loạt scandal sắp xuất hiện. Thay vì nộp tiền và nhận về những  vật phẩm đã quyết định mua, các "đại gia" liên quan đang chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để bắt đầu những đợt kiện tụng lẫn nhau "hứa hẹn" sẽ rất ồn ào, dai dẳng.

Mua tranh bán vội

Đêm hội được tổ chức tại khách sạn Queen Plaza, TP HCM, được nhiều kênh truyền hình  trong nước tường thuật trực tiếp và được phát sóng trên một số  kênh quốc tế như NBC, StarWorld... Nhà tổ chức chương trình này là Công ty Cổ phần Đá quý Gia Gia mua bản quyền từ Tập đoàn Thanh Niên Media.  Sự kiện cũng đã trở thành "kỷ lục Việt Nam" vì quy tụ được cùng lúc hơn 90 hoa hậu thế giới và doanh nhân có mặt để chung tay làm từ thiện.

Người trong cuộc cho biết, một số đại gia trẻ đã phải bỏ ra  từ 1.500 đến 2.000USD  để  sở hữu được một tấm vé mời tham dự chương trình. Số này khá đông, đến  dự rất sớm  và nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí  ở những bàn tiệc hàng đầu, gần với sân khấu. Mục đích là dễ tiếp cận, chụp ảnh chung với các hoa hậu - được Ban tổ chức (BTC) bố trí thành từng  nhóm ngồi xen kẽ giữa các bàn tiệc để giao lưu. Các "đại gia... mỏng" này hầu như luôn sẵn sàng giơ tay không cần  suy nghĩ khi diễn ra cuộc đấu giá khiến các "đại gia... dày", khách mời chính thức, vì đi muộn hơn phải ngồi lùi xuống các bàn phía dưới, dù muốn đua theo cũng giơ tay không kịp.

Dễ dàng nhận ra nhiều khâu bất cập, sắp đặt, diễn sượng của phiên  đấu giá. Bốn báu vật gồm  trống đồng kỷ vật 1000 năm Thăng Long, viên “Hồng ngọc bảo quốc" (đá rubi) nặng 10kg, bức tranh "Khát vọng sống" ghép bằng đá quý có chữ ký  của 80 hoa hậu quốc tế, thí sinh cuộc  thi Miss Earth và bộ "Tứ linh hội tụ" bằng gỗ lũa (gốc, rễ cây tự nhiên) mang hình dáng 4 linh vật Long - Ly - Quy - Phượng nặng hơn 3 tấn. Tất cả những vật báu  này đều thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cả khán giả lẫn khách dự đấu giá.

Thế nhưng, BTC tuyên bố, thời gian đấu giá cho mỗi  vật phẩm chỉ là 7 phút. Riêng bộ "Tứ linh hội tụ", tác phẩm đoạt giải xuất sắc tại Triển lãm Sinh vật cảnh cao cấp toàn quốc trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, thời gian đấu giá thật sự chỉ diễn ra trong chưa đầy 3 phút và được chốt giá khi phía dưới hàng ghế khách mời vẫn còn có những cánh tay giơ lên.

Thật khôi hài khi có một "đại gia” được xem  là đã thắng cuộc, đã chốt giá được hai cô tiếp tân xinh đẹp "kè" lên sân khấu lại tỏ ra ngần ngừ, như thể bị bắt buộc hoặc "trót dại". Thay vì bày tỏ niềm vui thắng đấu giá, đại gia  này  lại tỏ ra ngần ngừ, cố kéo dài thời gian khi cố đề cập đến một chuyện hiển nhiên, rằng "đấu giá phải bán cho người trả giá cao nhất và vẫn  còn người (khác)  muốn trả  giá... cao hơn".

Có cảm giác rằng, BTC chỉ  muốn nhanh chóng kết thúc cuộc đấu giá và người trả giá thì gần  như đã được chuẩn bị sẵn nên chẳng ai cần đắn đo suy nghĩ, cũng chẳng cần thời gian cân nhắc giữa giá trị thực và giá của  món đồ định mua. Bức tranh đá quý giá khởi điểm 90 triệu đồng, cánh tay đầu tiên giơ lên đã "bắn" giá lên tiền tỉ, sau đó được một "doanh nhân" xưng tên là Thanh Bình chốt giá 3 tỉ đồng qua  điện thoại.

Một người khác tên Lương Đức Hải, cũng xưng là doanh nhân, cũng đấu giá qua điện thoại, trở thành chủ nhân chiếc trống đồng với giá chốt 12 tỉ đồng, gấp đôi giá khởi điểm. Tự xưng là đại diện Công ty Bình Điền Long An, một người khác tên Phát cũng "điện thoại đặt chỗ" mua viên hồng ngọc với giá 11 tỉ đồng. Chỉ riêng bộ "Tứ linh hội tụ", điểm nhấn  trong đêm đấu giá là tìm được người mua có mặt ngay tại chỗ. Ông Phan Văn Đạt, 34 tuổi, đại diện Công ty Gốm sứ Bảo Long Bát Tràng đã thắng cuộc với giá đặt mua 47,9 tỉ đồng.

Thu được số tiền kỷ lục, nhưng bản thân diễn tiến vội vã của cuộc đấu giá đã tiềm ẩn nhiều yếu tố khả nghi. Chính ông Đinh Gia Diên, Giám đốc Công ty Gia Gia, đơn vị tổ chức cũng thừa nhận: "Người dẫn chương trình thiếu kinh nghiệm, muốn nhanh chóng bán được các đồ vật với giá cao nên đã bị lừa". Theo ông Diên, có nhiều doanh nghiệp nghiêm túc, trả giá khá cao nhưng đã bị những kẻ giả danh trả giá cao hơn để phá hoại.

Bốc đồng hay phá đám?

Cần biết rằng, ngay  sau khi giành giải xuất sắc trong Lễ hội sinh vật cảnh chào mừng 1000 năm Thăng Long tổ chức tại Hà Nội, bộ Tứ linh đã  được khá đông "đại gia" có thực  lực, nghiêm túc ngỏ ý muốn mua, trả giá trên dưới 1 triệu USD. Gửi gắm ý  nghĩa tâm  linh vào báu vật, ông Võ Ngọc Hà, chủ nhân của bộ Tứ linh đã từ chối tất cả những đề nghị này và nhận lời đưa bộ linh vật tham gia đấu giá từ thiện vì đồng bào miền Trung lũ lụt. Một hợp đồng với các điều khoản bổ sung được lập vi bằng đã được ký giữa ông Hà với Công ty Truyền thông ASEAN C&C ở Hà Nội (đơn vị đồng tổ chức phiên đấu giá) do ông Phan Trung Thành làm Chủ tịch HĐQT.

Theo đó, Công ty ASEAN C&C được ủy thác đưa bộ Tứ linh tham gia đấu giá từ thiện. Về quyền lợi, hợp đồng quy định nếu bán được giá cao hơn thì "phần giá trị vượt số tiền Việt Nam đồng tương đương 1 triệu USDä, bên B (ông Hà) đồng ý để bên A (Công ty ASEAN C&C) toàn quyền quyết định sử dụng  cho mục đích từ thiện. Trên tinh thần, số tiền vượt  này sẽ được giao  lại cho Hội Chữ thập đỏ TP HCM sử dụng, phân bổ.

Ngoài ra, tuy không cam kết cụ thể  bằng văn bản, nhưng về dự định, ông Võ Ngọc Hà  cũng sẽ trích  một phần trong số 1 triệu USD  mà ông được hưởng để đóng góp từ thiện cho một số tổ chức, đơn vị ở tỉnh Lâm Đồng (điều này cũng hợp tình hợp lý, bởi bộ Tứ linh là sản phẩm xuất phát từ Lâm Đồng). Chính vì thế, sau phiên đấu giá, ông Hà đã nhiều lần nhận được những lời nhắc khéo về chuyện đóng góp, trong khi sản phẩm thì ông vẫn giữ, tiền thì chưa hề được nhận. Càng kéo dài, uy tín của ông Hà và các doanh nghiệp do ông làm chủ càng sứt mẻ tại địa phương vì mang tiếng "xù từ thiện".

Trong khoảng 1 tháng rưỡi  trước và sau Đại lễ, ông Hà đã phải chi ra khoảng 2 tỉ đồng cho việc cùng một đội ngũ nhân viên, vệ sĩ di chuyển, chăm sóc, bảo vệ bộ Tứ linh và chuẩn bị tham gia dự thi, trưng bày. Khoản chi phí  này dự định sẽ được bù đắp sau khi mua bán thành công bộ Tứ linh. Đáng tiếc, người mua trong phiên đấu giá - có lẽ vì giá tiền quá lớn - đã không giữ nổi quyết định của mình một cách nghiêm túc.

Nhiều ngày sau phiên đấu giá, ông Hà đã nhiều lần tìm cách liên lạc qua điện thoại  để thống nhất  dứt điểm vụ mua bán. Đại diện Công ty Bảo Long Bát Tràng chỉ trả lời mơ hồ  là "đang xoay tiền”, sau đó thì không nghe điện thoại hoặc cúp máy. Phía ông Hà vẫn phải tiếp tục tốn thêm chi phí bảo quản, bảo vệ vật phẩm trên danh nghĩa đã không còn là của ông nữa. Mỗi  ngày, ông phải cắt cử 20 vệ sĩ của Công ty Bảo vệ Sơn Long (mà ông Hà là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ) từ Đà Lạt xuống TP HCM luân phiên túc trực  bảo vệ bộ Tứ linh. Đến tối 13-11, bất đắc dĩ, phía ông Hà đã phải thuê phương tiện đem bộ Tứ linh  rời Queen Plaza về lại Đà Lạt để tiện bảo quản.

Rồng trong bộ Tứ linh...
... và người thắng đấu giá hân hoan trên sân khấu.

Sau một tuần lễ, nhiều lần không  liên lạc được với Công ty Bảo Long Bát Tràng, ông Hà đã nhắn tin vào máy ông Đạt với nội dung như một tối hậu thư: "Ông phải trả lời dứt điểm là có mua hay không?". Kèm theo, ông Hà còn dọa: "Tôi sẽ phát đơn khởi kiện và đồng thời công bố trên báo chí". Đáp lại, người đại diện của Bảo Long thẳng thừng từ chối: "Tôi xin tuyên bố với ông là ngày 15/11/2010 tôi vào xem lại bộ Tứ linh nhưng ông đã mang đi nơi khác. Tôi thấy  rất  bức xúc vì  ông không hỏi ý kiến của tôi vì vậy  tôi quyết định không mua bộ Tứ linh nữa".

Ngôn ngữ  rất không phù hợp với một cuộc giao dịch vì mục đích từ thiện của cả  hai bên đã chính thức chấm dứt một thương vụ từ thiện có cái giá cụng trời "kỷ lục Việt Nam". Thay  vào đó, phía Bảo Long đã chuyển cho Hội Chữ thập đỏ TP HCM 1 tỉ đồng đóng góp ủng hộ, kèm lời giải thích kép: "Bảo Long chỉ chuyển tiền cho Hội Chữ thập đỏ chứ không chuyển tiền cho chủ nhân bộ linh vật". Lý do chính vẫn là vì bên bán "đã tự ý mang bộ Tứ linh đi chỗ khác".

Không  nhận được tiền để bù đắp chi phí và triển khai các dự định, lại còn phải đỡ thêm quả bóng trách nhiệm cho việc đổ bể giao dịch, ông Võ Ngọc Hà cho rằng mình còn phải gánh thêm một thiệt hại cả tinh thần lẫn vật chất to lớn khác, khi mà quyền sở hữu của ông đối với  bộ Tứ linh đã sứt mẻ tính minh bạch. Nếu bây giờ ông Hà muốn bán hoặc tổ chức đấu giá lại, người muốn mua cũng sẽ ngần ngại, sợ mang tiếng "mua  lại". Vì vậy, ông Hà đã ủy thác cho Văn phòng luật sư Việt An Sài Gòn chuẩn bị hồ sơ để đưa vụ việc và các bên liên quan ra tòa.

Chủ nhân 3 sản phẩm đã được "điện thoại đặt chỗ" còn lại cũng bặt vô âm tín. Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP HCM đã  tìm cách liên lạc nhiều  lần nhưng người mua bức tranh đá quý và chiếc trống đồng đều không bắt  máy, sau đó khóa hẳn số. Muốn tìm, Hội cũng không  đủ điều kiện. Tìm kiếm nhân vật  Phát đã thắng đấu giá khối rubi, ông Đinh Gia Diên được Công ty Bình Điền Long An khẳng định là không hề có ai tên Phát đại diện cho Công ty tham gia đấu giá. Đương nhiên, số điện thoại liên lạc cũng im bặt từ đó.

Trên danh nghĩa, số tiền thu được sau đêm hội và phiên đấu giá là một khoản rất  lớn (74 tỉ) nhưng thực tế Hội Chữ thập đỏ TP HCM chỉ nhận được hơn 1,1 tỉ đồng, gồm 1 tỉ của Bảo Long ủng hộ  để thay cho việc phải  mua bộ Tứ  linh, 100 triệu đồng của Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất và vài ba cá nhân khác ủng hộ cao nhất đến dăm triệu đồng.

Bị biến thành một trò đùa, chương trình từ thiện bị dư luận chỉ trích kịch liệt nên Hội Chữ thập đỏ TP HCM và Công ty Gia Gia, đơn vị tổ chức đã buộc  phải gặp gỡ báo chí để trình bày vào chiều 23/11. Bà Nguyễn Thị Huệ cay đắng thừa nhận: "Đùa giỡn, phá đám đấu giá từ thiện thì đây không phải lần đầu, nhưng đây là vụ nghiêm trọng nhất". Ông Đinh Gia Diên cho biết, tổng kết chương trình, phía tổ chức đã bị âm khoảng 2,5 tỉ đồng trong số 4 tỉ đồng chi phí. Công ty Gia Gia  đã chính  thức nhờ luật sư chuẩn bị hồ sơ và đang mời Công an vào cuộc để xử lý vụ việc.

Lỗ hổng pháp lý

Phần lớn điện thoại gọi đến tham gia đấu giá đều 11 số, được xem  như sim rác. Chỉ cần không quá 50.000 đồng, bất kể một kẻ phá bĩnh nào cũng có thể tham gia  một cuộc đấu giá hàng tỉ, hàng chục tỉ để đùa bỡn, lừa đảo, phá đám mà không lo việc bị truy cứu trách nhiệm. Không cần tinh ý người ta cũng dễ dàng nhận ra rằng, người  đủ khả năng để bỏ ra hàng tỉ đồng làm từ thiện sẽ chẳng ai sử dụng loại "sim rác" này cả.

Tuy nhiên, vì là đấu giá từ thiện nên BTC không có khâu thẩm định hồ sơ tham gia đấu giá, không thể từ chối không đánh giá được thực lực và mức độ nghiêm túc của người  tham gia, cũng như sự ràng buộc trách nhiệm về sau. Sự bỡn cợt, lạm dụng danh nghĩa từ thiện để xuất hiện, đánh bóng tên tuổi hoặc đơn giản là vì bốc đồng như vậy sẽ còn tiếp diễn.

Mặt khác, nếu không mang danh nghĩa từ thiện, luật quy định hồ sơ tham gia đấu giá sẽ  phải đi kèm một khoản tiền ký quỹ tương ứng theo tỉ lệ của giá khởi điểm món hàng được đấu giá. Nếu đấu giá từ thiện cũng quy định chặt  như vậy, chắc chắn sẽ loại bỏ được ngay những cánh tay bốc đồng, những tuyên bố bốc phét trong phiên đấu giá.

Về mặt tinh thần, đem danh nghĩa từ thiện ra làm trò đùa, lợi dụng từ thiện để đánh bóng bản thân hoặc doanh nghiệp, sau đó ngang nhiên rũ bỏ trách nhiệm phải được xem là một sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Không chỉ người nghèo, người dân vùng bị thiên tai địch họa mà ngay cả lương tri xã hội nói chung cũng đang bị xúc phạm nặng nề. Những kẻ gây ra cần phải bị xử lý bằng pháp luật.

Tuy nhiên, tất cả những yêu cầu  nói trên đều chưa được cụ thể hóa bằng những chế tài luật pháp. Việc tổ chức đấu giá từ thiện  lâu nay vẫn đang được khoán trắng cho các đơn vị tổ chức sự kiện nên thường xuyên xảy ra những trò lừa và siêu lừa. Nên chăng, cần đặt ra mức ký quỹ bắt buộc cho chính đơn vị tổ chức sự kiện. Nếu không muốn rước lỗ vào việc kinh doanh, chính các đơn vị này sẽ phải cẩn trọng, chu đáo hơn trong việc tổ chức, chọn và  mời pháp nhân tham gia đấu giá, chứ không phải cứ mặc cho  những chuyện tồi tệ xảy ra rồi sau đó tự cho phép mình đứng ở vị trí nạn nhân để giơ tay kêu trời

Nguyễn Hồng Lam
.
.