Tương lai Syria khó đoán định

Thứ Sáu, 18/03/2016, 14:50
Trong một tuyên bố bất ngờ, hôm 14-3 Tổng thống Nga Putin tuyên bố quân đội nước này sẽ rút thành phần chủ lực khỏi Syria từ ngày 15-3. Thông báo của Nga diễn ra cùng thời điểm với cuộc hòa đàm lần thứ hai về hòa bình cho Syria tại Geneva, Thụy Sỹ. Syria sẽ ra sao sau khi Nga rút quân trong lúc triển vọng về cuộc đàm phán lần này vẫn có vẻ bế tắc?

Ngày 14-3, truyền thông nhà nước Nga dẫn tuyên bố của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh rút các lực lượng quân sự chính của Nga tại Syria từ 15-3. Điện Kremlin nói ông Putin đã bất ngờ ra lệnh trên sau cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

“Tôi cho rằng, những nhiệm vụ được đặt ra trước Bộ Quốc phòng, nhìn chung, đã được thực hiện. Vì vậy, tôi chỉ thị từ ngày mai (15-3) bắt đầu việc rút bộ phận chủ lực của quân đoàn chúng ta khỏi Cộng hòa Arập Syria” - hãng thông tấn Sputnik  trích tuyên bố của người đứng đầu nhà nước Nga.

Theo ông Putin, “với sự can thiệp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria và lực lượng yêu nước Syria đã có thể đạt được sự chuyển biến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và giành được thế chủ động trong hầu hết các khía cạnh”. Ông Putin hi vọng quyết định rút quân khỏi Syria sẽ là một bước đi nhằm thúc đẩy hòa bình ở Syria, cải thiện tình hình nhân đạo và tạo điều kiện cho sự bắt đầu của tiến trình hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, ông Putin khẳng định Moscow vẫn sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Syria để đảm đương chức năng rất quan trọng trong việc giám sát lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình. Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói, căn cứ không quân Hmeimim cũng như căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria vẫn tiếp tục hoạt động và một số lực lượng quân đội vẫn còn ở lại. Nhưng không cho biết con số là bao nhiêu và thời biểu rút quân ra sao.

Phái đoàn của chính phủ Syria và phía nhà trung gian hòa giải Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura.

Website của Điện Kremlin dẫn lời ông Putin nói với Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một cuộc điện đàm rằng ông đã đồng ý rút “phần chính” của lực lượng không quân Nga đang hoạt động tại Syria. Về phía Syria, truyền hình nhà nước dẫn nguồn tin từ chính quyền Damacus phủ nhận bất kỳ sự rạn nứt nào trong quan hệ với Nga.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ cho rằng, động thái này của Moscow đã khiến giới chức Mỹ rất ngạc nhiên và Washington thậm chí đã không trông đợi Nga công bố điều đó. Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ lại tiết lộ rằng, từ vài tháng trước họ đã có bằng chứng cho thấy Moscow không có kế hoạch dài hạn ở các căn cứ mà họ đã sử dụng tại Syria. Chẳng hạn như họ không thấy quân đội Nga luân chuyển hay thu hồi các thiết bị quân sự để bảo trì – một việc làm thường thấy nếu Moscow có ý định hiện diện lâu dài ở Syria.

Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Barack Obama đã nói chuyện qua điện thoại với ông Putin về thông báo rút quân của nhà lãnh đạo Nga hôm 14-3. Ông Obama hoan nghênh việc giảm bạo lực ở Syria, đồng thời tái khẳng định lập trường của Mỹ là chỉ có giải pháp thương lượng mới có thể chấm dứt xung đột ở Syria.

Trong khi đó, Salem al-Meslet, một phát ngôn viên của phe đối lập Syria thì có vẻ thận trọng khi nhận định việc Nga rút quân sẽ ảnh hưởng đến ông Assad, nhưng dù quyết định trên có chuyển thành hành động hay không cũng không ảnh hưởng đến việc phe đối lập sẽ tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva.

Ông al-Meslet thậm chí còn cảnh báo động thái trên của Nga có thể là một “màn khói” chiến thuật trước khi phe đối lập có lịch họp với Staffan de Mistura, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc vào ngày 15-3.

Quyết định rút quân của Nga được công bố vào ngày vòng đàm phán mới nhất diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 14-3, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria, vốn làm hơn 270.000 người chết và hàng triệu người mất nhà cửa, nhưng hy vọng rất mong manh với việc đôi bên vẫn còn đôi co về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trước khi cuộc đàm phán này bắt đầu, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura khẳng định “lịch trình đàm phán rất rõ ràng”: giai đoạn đầu là thành lập chính phủ chuyển tiếp, giai đoạn hai là soạn thảo hiến pháp mới cho Syria và cuối cùng là bầu Quốc hội và tổng thống. Tuy nhiên, đặc sứ nói thêm là “số phận tổng thống Syria hiện nay sẽ do dân chúng Syria quyết định”.

Hiện quan điểm của các bên tham gia đàm phán vẫn còn rất cách xa nhau. Các phe đối lập Syria, do Cao ủy Đàm phán (HCN) làm đại diện, đòi Tổng thống Bachar Al- Assad phải ra đi trong vòng 6 tháng tới. Đồng thời phải triển khai một cơ quan quyền lực chuyển tiếp. Các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống sẽ được tổ chức sau đó trong vòng 12 tháng.

Tổng thống Nga Putin bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria sau cuộc họp với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Trong khi đó, Damacus đang chiếm ưu thế quân sự trên chiến trường, không chấp nhận đặt vấn đề số phận của ông Assad lên bàn đàm phán. Trước khi lên đường sang Geneva, Ngoại trưởng Syria - ông Walid Muallem, nói Chính phủ Syria tiếp tục theo đuổi cuộc ngừng bắn, nhưng phái đoàn của họ tại cuộc hòa đàm sẽ chỉ chờ 24 giờ đồng hồ để phái đoàn đối lập tới dự cuộc họp. Ông Muallem đặc biệt nhấn mạnh rằng cuộc hội đàm lần này không được bàn thảo đến vấn đề tước bỏ quyền hành của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Muallem nói: “Chúng tôi không nói chuyện với bất cứ ai muốn thảo luận về tổng thống… Bashar al-Assad là lằn ranh đỏ”.

Ông Mohammad Alloush, trưởng đoàn thương thuyết của nhóm đối lập chính ở Syria nói rằng, Tổng thống Assad phải ra đi. Ông nói với AFP rằng: “Chúng tôi tin là giai đoạn chuyển tiếp phải bắt đầu với việc ông Bashar al-Assad bị lật đổ hoặc chết”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, việc Chính phủ Syria không chấp nhận đề xuất của LHQ cho thấy họ muốn hủy hoại tiến trình hòa đàm ngay từ giai đoạn đầu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng, những tuyên bố của Syria là một tín hiệu xấu, đi ngược lại tinh thần của lệnh ngừng bắn hồi cuối tháng 2 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hòa đàm lần này.

Tuy vậy, trong bối cảnh lệnh ngừng bắn giữa phe nổi dậy và chính quyền tại thực địa đang được thực thi từ ngày 27-2 đến nay, giới quan sát hy vọng vòng hòa đàm lần này sẽ tiến triển. Trong trường hợp đạt được thỏa thuận giữa Damacus với phe nổi dậy thì cuộc chiến vẫn tiếp diễn với Mặt trận Al Nosra và tổ chức Nhà nước Hồi giáo, hiện vẫn kiểm soát hơn một nửa lãnh thổ Syria.

M.T. (tổng hợp)
.
.