Tương lai bất định chờ đón Zimbabwe

Thứ Hai, 20/11/2017, 13:48
Diễn biến nhanh chóng trong mấy ngày qua (từ 13-11) tại Zimbabwe được giới quan sát nhận định giống như một cuộc binh biến, trong đó quân đội can thiệp vào cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa những người cùng đảng Zanu-PF để kế vị Tổng thống Robert Mugabe sắp thoái vị vì tuổi cao, sức yếu.

Tính đến chiều ngày 16-11, hệ thống chính trị Zimbabwe được xem như trong tình trạng tê liệt sau khi quân đội nhảy vào nắm quyền kiểm soát đất nước và quản thúc Tổng thống Robert Mugabe.

Trước đó, những diễn biến trong 48 giờ tại thủ đô Harare của Zimbabwe được các nhân chứng mô tả như một cuộc binh biến. Diễn biến bắt đầu khai mào từ ngày 13-11, với việc tướng Tư lệnh bộ binh Constantine Chiwenga tuyên bố ông “chuẩn bị can thiệp để chấm dứt sự hỗn loạn trong đảng cầm quyền Znu-PF”.

Những diễn biến tiếp theo sau là một bầu không khí căng thẳng trong khi quân đội và Tổng thống Mugabe đang tiến hành thương lượng tại nơi ở của ông. Tương lai của ông Mugabe và đất nước Zimbabwe đều đang phụ thuộc vào các cuộc nói chuyện giữa ông Mugabe và lực lượng vũ trang.

Theo giới quan sát, nội dung được mang ra thương lượng là ông Mugabe sẽ tự nguyện thoái vị để mở đường cho một cuộc chuyển giao quyền lực cho những người khác lên kế vị ông. Đồng thời mở một con đường thoát cho vợ ông, bà Grace. Dư luận đang chú ý đến vấn đề tương lai của đệ nhất phu nhân Grace.

Thông tin từ nguồn tham gia thương lượng cho biết, nhiều khả năng bà Grace sẽ được phép đến Singapore hoặc Malaysia, nơi gia đình Mugabe có nhiều bất động sản để sống lưu vong. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy cuộc thương lượng sẽ sớm có kết quả. Thông tin trên báo chí tối ngày 16-11 (giờ Việt Nam) cho biết, ông Mugabe đã quyết liệt phản đối yêu cầu từ chức của quân đội.

Ông Roberet Mugabe và vợ, bà Grace, tại một sự kiện ở Zimbabwe.

Việc tướng Tư lệnh bộ binh Chiwenga quyết định can thiệp, kiểm soát đất nước bắt nguồn từ nhiều lý do, nhưng trước hết là cuộc đấu đá trong nội bộ đảng cầm quyền Zanu-PF liên tục trong nhiều tuần lễ vừa qua để tranh giành quyền kế thừa chức tổng thống của ông Mugabe.

Nguồn cơn của những đấu đá căng thẳng này chính là Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. Bà Grace, 52 tuổi, là vợ thứ hai của ông Mugabe. Xuất thân từ một thư ký, nhờ quan hệ “ngoài luồng” với ông Mugabe, bị dư luận xã hội phát hiện nên được ông cưới vào năm 1996, sau khi người vợ đầu của ông qua đời không lâu.

Trong những năm gần đây, khi ông Mugabe tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày càng yếu, đảng Zanu-PF thiết lập một cơ chế người kế thừa để phòng trường hợp ông Mugabe ra đi đột xuất. Theo cơ chế kế thừa này, người sẽ lên thay ông Mugabe là Phó Tổng thống Emmerson Mnangagawa. Tuy nhiên, ông Mnangagawa lại bị cách chức vào đầu tháng 11-2017.

Trong tuyên bố cách chức ông Mnangagwa, Bộ trưởng Thông tin Simon Khaya Moyo cho rằng lý do cách chức là vì ông Mnangagwa “có biểu hiện bất trung thành, thiếu tôn trọng và lừa dối”. Tuy nhiên, dư luận chung lại cho rằng ông Mnangagwa bị cách chức là để dọn đường cho bà Grace lên thay ông Mugabe.

Căng thẳng trong đảng Zanu-PF bắt đầu leo thang. Hàng loạt vụ việc bị tố cáo liên tục, chẳng hạn như bà Grace bị tố cáo đầu độc các đối thủ để không còn ai có thể cạnh tranh quyền lực với bà. Sự tung hoành của bà Grace đã khiến cho rất nhiều người xung quanh ông Mugabe bực mình, nhất là các tướng lĩnh quân đội. Từ thói tiêu xài xa hoa, hưởng thụ lối sống cao sang trong khi kinh tế đất nước ngày càng lụn bại, đời sống dân chúng ngày càng khó khăn cho đến những hành động hung hăng, tấn công những người nào dám lên tiếng phản bác, phê phán lối sống, thói quen xấu của mình.

Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người được cho là sẽ kế vị ông Mugabe.

Tất cả đều khiến người dân Zimbabwe cho đến các quan chức, sĩ quan quân đội đều căm ghét Grace. Một số tướng lĩnh quân đội Zimbabwe còn gọi Grace là “mụ điên”, và tuyên bố tiến vào kiểm soát thủ đô Harare là để “dọn dẹp bọn tội phạm xung quanh ông Mugabe”.

Ông Mugabe năm nay 93 tuổi, lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Zimbabwe liên tục trong 37 năm qua, kể từ khi đất nước Nam Phi này giành quyền độc lập hoàn toàn từ nước Anh. Việc quân đội quản thúc ông Mugabe tại nơi ở riêng của vợ chồng ông được xem là một sự phế truất trên thực tế, và điều đó cũng có nghĩa là chấm dứt 37 năm cầm quyền của ông. 

37 năm cầm quyền, ông Mugabe được đánh giá vừa là người hùng, vừa là kẻ tội đồ hủy hoại nền kinh tế đất nước. Sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 1995, đảng Zanu-PF tiếp tục giành đa số tuyệt đối (147/150 ghế), ông Mugabe mở rộng bộ máy chính quyền, đồng thời tăng lương, tăng phúc lợi cho các nghị sĩ. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ kinh tế Zimbabwe bắt đầu đi xuống và tốc độ tụt dốc ngày càng tăng. Mức sống hạ thấp, thất nghiệp tăng cao là những gì người ta mô tả một cách khái quát về Zimbabwe.

Đến năm 1998, thất nghiệp ở đất nước này đã đạt con số 50%, nghĩa là hai người Zimbabwe chỉ có một người làm việc còn một người “ở không”. Và đến năm 2000, mức sống của người Zimbabwe đã thụt lùi trở về trước năm 1980. Zimbabwe đã có tờ tiền mệnh giá 100.000 tỉ. Đến năm 2009, phần lớn lực lượng lao động có tay nghề - khoảng 4 triệu người - đã bỏ xứ ra đi.

Cũng trong ngày 16-11, các cường quốc trong khu vực Nam châu Phi đã tỏ thái độ ủng hộ hành động của quân đội Zimbabwe, và đã cử quan chức cao cấp đến Harare để hỗ trợ việc đàm phán thành lập một chính phủ mới và quyết định các điều kiện cho việc thoái vị của ông Mugabe.

Chiều cùng này, Tổ chức Cộng đồng Phát triển Nam châu Phi (SADC) cũng đã nhóm họp khẩn cấp tại Botswana để thảo luận tình hình Zimbabwe. Trong khi đó, các nhân vật Zimbabwe đối lập, như Morgan Tsvangirai sống lưu vong ở Nam Phi cũng trở về nước vào ngày 15-11 để chuẩn bị nắm một vị trí trong thực thể chính phủ mới, có thể là Thủ tướng.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.